VĂN HÓA HÒA BÌNH PHẦN 20 VĂN HÓA DÂN TỘC DAO

          Phong tục tập quán:

          Thày tào có vị trí quan trọng trong việc ma và làm chay. Nhà có người chết con cái đến nhà thầy mời về chủ trì các nghi lễ, tìm đất đào huyệt. Người ta kiêng khâm liệm người chết vào giờ sinh của những người trong gia đình. Người chết được liệm vào quan tài để trong nhà hay chỉ bó chiếu ra đến huyệt rồi mới cho vào quan tài. Mộ được đắp đất, xếp đá ở chân mộ. ở một số nơi có tục hoả táng cho những người chết từ 12 tuổi trở lên.

          Lễ làm chay cho người chết diễn ra sau nhiều năm, thường được kết hợp với lễ cấp sắc cho một người đàn ông nào đó đang sống trong gia đình. Lễ tổ chức ba ngày, ngày đầu gọi là lễ phá ngục, giải thoát hồn cho người chết, ngày thứ hai gọi là lễ tắm hương hoa cho người chết trước khi đưa hồn về bàn thờ tổ tiên trong nhà, ngày thứ ba lễ cấp sắc. Người chết được cúng đưa hồn về quê cũ ở Dương Châu.

Lễ hội đón xuân của dân tộc Dao

          Muốn làm nhà phải xem tuổi những người trong gia đình, nhất là tuổi chủ gia đình. Nghi lễ chọn đất được coi là quan trọng. Buổi tối, người ta đào một hố to bằng miệng bát, xếp một số hạt gạo tượng trưng cho người, trâu bò, tiền bạc, thóc lúa, tài sản rồi úp bát lên. Dựa vào mộng báo đêm đó mà biết điềm xấu hay tốt. Sáng hôm sau ra xem hỗ, các hạt gạo vẫn giữa nguyên vị trí là có thể làm nhà được.

           Tín ngưỡng và lễ hội:

          Người Dao vừa tin theo các tín ngưỡng nguyên thuỷ, các nghi lễ nông nghiệp vừa chịu ảnh hưởng sâu sắc của Khổng giáo, Phật giáo và nhất là Ðạo giáo. Bàn vương được coi là thuỷ tổ của người Dao nên được cúng chung với tổ tiên từng gia đình. Theo truyền thống tất cả đàn ông đã đến tuổi trưởng thành đều phải qua lễ cấp sắc. một nghi lễ vừa mang tính chất của Ðạo giáo, vừa mang những vết của lễ thành đinh xa xưa. Người Dao quen dùng âm lịch để tính thời gian sản xuất và sinh hoạt. Người Dao có vốn văn nghệ dân gian rất phong phú, nhiều truyện cổ, bài hát, thơ ca. Ðặc biệt truyện Quả bầu với nạn hồng thuỷ, Sự tích Bàn Vương rất phổ biến trong người Dao. Múa, nhạc được họ sử dụng chủ yếu trong các nghi lễ tôn giáo. Người Dao thích chơi đu, chơi quay, đi cà kheo.

          Người Dao quan niệm mọi vật đều có linh hồn (vần), khi vật đó chết thì hồn lìa khỏi xác để biến thành ma và hồn ma có ở khắp nơi. Người Dao cho rằng có ma lành và có ma dữ trong cuôc sống của họ. Gặp mà lành thì người ta gặp được sự yên ổn, bảo trợ, giúp đỡ, còn gặp ma dữ tức là không may mắn, tai họa. Người ốm là do không đủ số hồn ở trong người mình, do đó phải tìm đến thầy bói đi tìm hồn và nhờ thầy cúng tìm cách đưa những hồn trong người trở lại vị trí cũ.

          Có rất nhiều loại ma lành trong tín ngưỡng của người Dao, nhưng phổ biến là quen thuộc là ma tổ tiên, ma đất, ma bếp, thần nông, Ngọc Hoàng thượng đế, Tam Thanh, Bàn Vương ( người dao quan niệm Bàn Vương là thủy tổ của mình). Những ma lành này không hại người nhưng người cũng không được làm điều gì để ma phật ý mà quở trách. Còn lại là cosca loại ma dữ, cấn phải hết sức cẩn thận với chúng. So với người Thái và người Mường thì trong tín ngưỡng của người Dao, tam giáo đã có ảnh hưởng khá mạnh.

          Những nghi lễ, tín ngưỡng liên quan đến nông nghiệp của người dao cũng phổ biến như; cúng thóc giống, cúng nương, cúng cơm mới, cúng hồn lúa, cầu mưa. Ngoài ra, người Dao còn có các nghi lễ liên quan đến núi rừng.

          Lễ cúng Bàn vương (Chẩu Đàng), có nơi còn gọi là đám chay, là một tín ngưỡng hết sức phổ biến ở người dao. Nhà nào, dòng họ nào cũng phải cúng Bàn Vương ít nhất là một lần trong đời người. Lễ này đòi hỏi một số lượng người tham gia và vật chất lớn, do vậy phải dày công chuẩn bị mới tiến hành được. Vì thế, người ta thường kết hợp làm lễ cấp sắc với cúng Bàn Vương.

Lễ cấp sắc của người Dao đỏ

          Theo người Dao ở Kim Bôi, một lễ kết hợp cả lễ cấp sắc với cúng Bàn Vương như vậy cần ít nhất hai thầy cúng với 50 bài cúng. Lễ vật là: sôi, lợn, gà, quần áo, vàng mã, tranh thờ, v v.rất tốn kém. Ngoài ra, người ta còn tiến hành rất nhiều nghi lễ khác nhau trong các lễ này, vì vậy, đòi hỏi không chỉ vật chất mà cả thời gian nữa. Với người dao, chưa làm lễ cấp sắc đối với một con người thì giống như ở các dân tộc khác chưa qua lễ trưởng thành. Vì vậy, nó luôn luôn là một niềm khao khát, áy náy đối với những người chưa được trải qua lễ này. Lễ cấp sắc là một trong những nghi lễ độc đáo và được lưu truyền hàng ngàn đời nay trong cộng đồng dân tộc người Dao. Theo quan niệm của người Dao, lễ cấp sắc là một thủ tục không thể thiếu của người đàn ông người Dao. Đối với người đàn ông dân tộc Dao được cấp sắc mới được coi là người đàn ông đã trưởng thành, được làm lễ cúng bái và được giao tiếp với cõi âm. Người Dao đỏ quan niệm rằng con người sinh ra và lớn lên phải có 3 thầy dạy dỗ mới trở thành con người có đức, có ích cho gia đình và xã hội. Thầy thứ nhất là bố mẹ đẻ. Bố mẹ đẻ ra con cái phải dạy con tập nói tập đi, tập theo gương bề trước, học theo những điều hay, không để cho con cái mình ngu dốt, lường biếng, phải biết kính trên nhường dưới, có tình yêu thương con người. Thầy thứ hai là thầy cô giáo dạy chữ, biết tiếp xúc và quan hệ xã hội, biết khoa học công nghệ, biết làm người và trở thành người có ích cho xã hội. Thầy thứ ba là thầy mo cấp sắc cho từng người để giữ gìn bản sắc của dân tộc. Thầy mo dạy bảo con cháu vạn điều tôn sự trọng đạo, kính thầy, yêu nước, yêu quê hương, không được làm điều ác, không làm những điều trái với lương tâm đạo đức…Khi chuẩn bị làm lễ cấp sắc phải xem tuổi người anh cả có hợp với năm cấp sắc không,  phải chọn ngày tháng tổ chức, số người tham gia, số thầy cúng. Ông thầy trong lễ cấp sắc phải chọn thầy cao tay, ngày tháng cấp sắc được chọn rất cẩn thận. Người được cấp sắc cũng phải thuần thục các nghi lễ bản sắc của dân tộc Dao. Việc cấp sắc trong gia đình phải được tuân thủ từ trên xuống dưới. Lễ cấp sắc của người Dao có nhiều bậc, bậc đầu tiên là cấp 3 đèn và 36 binh mã; bậc thứ 2 được cấp 7 đèn và 72 binh mã; bậc cuối cùng là 12 đèn và 120 binh mã. Thời gian tiến hành lễ cấp sắc kéo dài từ từ 1 đến 5 ngày. Các nghi lễ chính trong lễ cấp sắc gồm lễ trình diện, gia chủ mổ lợn để tế lễ tổ tiên. Các thầy cúng phải tẩy uế sau đó mới đánh trống mời tổ tiên về dự, thày cúng làm lẽ khai đàn nhằm báo cáo cho tổ tiên biết lý do của buổi lễ. Sau một hồi các thầy khấn, làm các thủ tục, xin âm dương, thần linh, người được cấp sắc sẽ chính thức được đặt tên âm và được công nhận là người đã trưởng, được cả cộng đồng công nhận có đủ uy tín để đảm đương những công việc lớn của gia đình và bản làng. Và cũng từ hôm đó họ phải  gọi các thầy cúng đã làm lễ cấp sắc cho mình là cha. Lễ cấp sắc của người Dao mang tính giáo dục cao, thể hiện ở các điều giáo huấn ghi trong sắc cấp cho người thụ lễ tuyệt đối không được làm điều ác, điều xấu. Mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh, lễ cấp sắc luôn được người Dao đỏ gìn giữ và phát huy, góp phần làm giàu hơn nền văn hóa của cộng đồng các dân tộc Hòa Bình.

          Người Dao còn có một tín ngưỡng khác là lễ tạ mả. Đây là nghi lễ của dòng họ, mỗi họ làm riêng với nhau. Riêng họ Phùng ở Kim Bôi đã làm lễ tạ mả là phải thịt trâu, phải lập bàn thờ, phải thả tranh, có thầy cúng và nhạc chiêng, trống, xập xọe, chuông phụ họa. Người ta còn tiến hành đắp mộ giả trước sân nhà. Nơi làm lễ đắp, người trong họ đứng làm lễ theo thứ tự từ cao xuống thấp, theo các chi, các nhánh trên, dưới như gia phả ghi chép. Thầy cúng ở lễ này phải mời ở họ khác vì thầy cúng được đứng trên các cụ. Nếu thầy cúng là người trong họ có thể sẽ là bậc có vai vế nhỏ hơn thì không được. Lễ này cũng là dịp để toàn bộ họ hàng đến dự.

          Người Dao mỗi khi có cháu bé chào đời thường tổ chức lễ “ Dâng hương cúng Mạ ” để cầu mong cho cháu bé được lơn lên trong sự đùm bọc yêu thương. “Tết nhảy” là một nét độc đáo của người Dao mang sắc thái gia đình. Tất cả mọi người đều ăn uống, nhảy múa vui vẻ trong 3 ngày liền. Du khách nếu có dịp đến đúng vào “tết Nhảy” thì khó mà từ chối một lời mời nhiệt tình của chủ nhân, chỉ khi nào bạn được ăn uống no say mới được về. Tết nhảy là tết của gia đình, phải 12-18 năm mới tổ chức một lần tùy theo ngày tháng hợp với gia chủ. Gọi là tết của gia đình nhưng đây là dịp cả bản cùng nhau ăn tết, trừ những trường hợp có việc bận, tất cả mọi người trong bản đều phải tham gia. Tết nhảy thường được tổ chức từ mồng 10 tháng chạp đến trước Tết Nguyên đán. Tết nhảy được bắt đầu sau khi thầy bói đã gieo quẻ xin trời đất. Sau đó theo chân hai thầy bói,  thanh niên người già trong bản bắt đầu trình diễn các điệu múa truyền thống như múa cờ, múa tế rùa, múa kiếm, múa chuông. Những điệu múa, lời hát trong tết nhảy thường hướng đến những điều tốt lành, hạnh phúc. Tất cả động tác của các điệu múa này đều được thực hiện một cách liên tục với sự khéo léo và tinh tế của người trình diễn. Mỗi người phải nhảy múa đến hàng trăm lượt trong tiếng chuông, tiếng trống giục giã. Người tham dự tết nhảy múa liên tục cả ngày cả đêm, ai mệt thì ra, người khác sẽ thay thế. Cứ như vậy trong suốt ba ngày diễn ra tết nhảy. Các điệu múa mang tính hình tượng cao và độc đáo. Đến ngày kết thúc tết nhảy, 2 thầy mặc váy với áo thêu lên đồng sau đó ra ngoài cửa chính thổi tù và với ý nghĩa gọi Ngọc hoàng xuống để hai thầy báo cáo là đã làm xong lễ tết nhảy. Hai thầy làm lễ “trả chiều” kết thúc tết nhảy. Trong suốt thời gian diễn ra tết nhảy, chủ nhà mổ lợn, gói bánh, đồ xôi để thết khách, coi đây là lộc trời ban. Tết nhảy của người Dao là nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc, là nơi để trai gái trong bản gặp nhau, rất nhiều người đã nên vợ nên chồng từ lễ tết nhảy này.

          Năm cũ đã qua đi, năm mới lại tới. Không khí của ngày xuân đã tràn ngập ở khắp các bản làng. Hòa cùng không khí đón Tết ở khắp nơi, Tết cuối năm là một nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng vẫn được các thế hệ con cháu người Dao xóm Suối Thản, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) lưu giữ. Phong tục này không chỉ chứa đựng trong nó những giá trị tâm linh sâu sắc mà còn thể hiện nét độc đáo trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Một nét văn hóa đặc trưng ở vùng đồng bào dân tộc nói chung và của người Dao nói riêng. Ngay từ sáng sớm, cả gia đình người Dao phải tất bật chuẩn bị những công việc cho ngày Tết. Mỗi người một công việc, trong khi việc thịt lợn, thịt gà được cánh đàn ông, con trai làm thì ở trong bếp, chị em phụ nữ lại làm công việc đồ xôi, nhặt rau... Mọi việc đều được làm nhanh chóng để chuẩn bị mâm cúng tổ tiên và đón họ hàng, làng xóm đến chung vui. Không khí đông vui, tất bật làm cho ngày Tết càng thêm rộn rã, ấm áp hơn. Giống như nhiều dân tộc khác, người Dao cũng ăn Tết đầu xuân. Nhưng có điều khác biệt là Tết của người Dao thường sớm hơn nửa tháng. Theo phong tục truyền thống, Người Dao ăn Tết Nguyên đán trước ngày 30 âm lịch và phải tổ chức ăn Tết làng đầu tiên. Đây là lễ Tết quan trọng của năm nên trong ngày đó mọi công việc đồng áng đều được gác lại, cả gia đình tập trung vào dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đón Tết. Đến ngày Tết làng, tất cả các gia đình trong bản tập trung ở nhà trưởng bản để tổ chức cúng lễ tổ tiên, Thành Hoàng làng và các vị thần.... Đồng thời, những nhà gốc sẽ làm trước để tụ họp con cháu về cho đông vui rồi mới đến các gia đình nhỏ, cứ thế lần lượt từ gia đình này tổ chức đến gia đình khác cho đến ngày 30 Tết. Đặc biệt, Tết của người Dao không chỉ có mọi người trong gia đình mà có cả anh em, họ hàng, làng xóm cùng đến chung vui.

          Bởi vậy, Tết cổ truyền của người Dao không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn có tầm quan trọng trong sự nối kết cộng đồng. Tết của người Dao, công việc quan trọng nhất là thờ cúng tổ tiên và cúng theo từng bàn thờ nhỏ. Ban thờ chính của tổ tiên (bậc cao nhất) được đặt ở góc tường thẳng cửa ra vào (cửa phụ), 3 chiếc ghế đặt cạnh ban thờ chính là bậc thấp hơn. Trong mâm cúng ngoài rượu, thịt lợn, thịt gà, có một món ăn đặc trưng không thể thiếu đó là bánh dày. Khác với người Mường có bánh uôi, bánh ống là các loại bánh truyền thống thì người Dao thường làm bánh dày. Khi xôi đồ chín cho vào cối rồi dùng gậy hoặc chày giã thành bánh và phải có nhiều người cùng giã khi xôi đang nóng để cho bánh mềm và nhuyễn. Bánh dày được làm từ gạo nếp dẻo không có nhân chỉ rắc vừng phía trên mặt để bánh có mùi thơm. Sau khi mọi thứ được sắp xếp xong, các thầy mo sẽ làm lễ cúng và tùy theo gia đình sắp xếp các mâm cúng sẽ có bấy nhiêu thầy mo đến làm lễ. Việc cúng lễ được làm rất trang nghiêm theo phong tục từ xưa. Các mâm thờ người Dao đều cúng tổ tiên, nhưng theo phong tục thì mỗi mâm cúng một bậc nên từng mâm phải có một thầy cúng khác nhau. Đó là tập tục có từ xưa, các bài cúng đều thể hiện mong ước của con cháu, hy vọng ông bà, tổ tiên sẽ phù hộ cho gia đình sang năm mới mạnh khỏe, may mắn". Trong khi thầy mo cúng trên nhà, dưới bếp mọi người vẫn khẩn trương hoàn thành các công việc để chuẩn bị đón khách. Người Dao quan niệm ngày tết cuối năm là dịp để gia đình tổng kết lại một năm lao động, làm ra bao nhiêu của cải, vật chất, báo ơn với tổ tiên. Trong ngày này, họ hàng, làng xóm sẽ đến cùng chung vui với gia đình. Nhà nào có nhiều người đến thì năm mới lại càng đuợc nhiều may mắn.

Uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" là một trong những lề luật của dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa. Người Dao Tiền ở Hòa Bình cũng thế, họ có một tập tục vô cùng kỳ lạ là thờ chuột, trong làng lập hẳn một ngôi miếu thờ.Theo những người con của bản Bương, vùng Đà Bắc, Hòa Bình này thì tổ tiên xa xưa của họ khi đến vùng đất này thường xuyên phải chịu đói, chịu rét, thức ăn vô cùng khan hiếm còn chuột thì nhiều vô kể. Cũng chính vì vậy mà thịt chuột trở thành thức ăn chính không thể thiếu trong mỗi bữa. Sau này khi đã khấm khá người dân trong bản không quên thuở xưa đói rét nên lập miếu thờ và tôn chuột thành thần. Ngôi miếu được đặt sâu trong bản, cao ráo và luôn được quét tước sạch sẽ. Đầu năm mới mỗi nhà phải nộp một con chuột khô, một chai rượu và một cái bánh chưng để tế lễ cúng thần làng. Vào đêm giao thừa nhà nào cũng tự cúng thần chuột nhưng cứ sang ngày mồng hai tết thì thầy mo bản phải đến miếu cúng thần chuột, tỏ lòng thành kính cầu thần một năm mới tốt lành và đừng phá phách mùa màng của dân bản, lâu dần thành lệ, thành một tín ngưỡng đặc biệt của người dân xứ này. Vào những ngày làm lễ cơm mới, hội làng hay cúng tổ tiên trên mâm cơm cũng không bao giờ thiếu thịt chuột khô để ông bà tổ tiên đừng quên những ngày khốn khó.

Hết văn hóa người Dao

Liên kết web :
Đang online : 2
Hôm nay : 318
Tháng hiện tại : 10370
Tổng lượt truy cập : 1391010