VĂN HÓA HÒA BÌNH PHẦN 10

          Ănuống:

          Người Mường thích ăn các món đồ như xôi đồ, cơm tẻ đồ, rau, cá đồ. Cơm, rau đồ chín được dỡ ra rá tãi đều cho khỏi nát trước khi ăn.

          Trước đây, người Mường thường dựa vào trồng trọt, chăn nuôi và săn bắt, hái lượm làm nguồn cung cấp thức ăn chính. Trong các loại cây trồng, lúa vẫn được xem là loại cây lương thực chủ lực bên cạnh ngô, khoai, sắn.Trong bữa ăn hàng ngày của người Mường, cơm nếp được sử dụng thường xuyên, không chỉ bởi mục đích no bụng thông thường mà còn bới giá trị dinh dưỡng vốn có của nó, lại dễ ăn và còn có thể thay thế thức ăn trong điều kiện khó khăn và khan hiếm các nguồn thực phẩm hàng ngày như thịt, cá, mỡ, dầu. Do vậy, lúa nếp là loại cây được người Mường trồng nhiều hơn lúa tẻ. Cơm tẻ thường chỉ được sử dụng trong những dịp quan trọng như khẩu phần dành cho người già, dành cho khách quý hoặc cho phụ nữ những dịp sinh nở, thai nghén. Người Mường có các giống lúa nếp khá nổi tiếng như: nếp Quả Oàng, nếp TrLông, nếp Khe, Nếp Cú Poột, nếp Bản, nếp Ôi, nếp Boóng, nếp Diệu Hương. Các loại nếp này không chỉ giàu dinh dưỡng đối với bữa ăn của người Mường mà còn trở nên khá quen thuộc và phố biến trong khẩu vị của nhiều dân tộc anh em khác trên địa bàn Hòa Bình và một số tỉnh vùng Tây Bắc.

 

          Bên cạnh việc trồng cây lương thực chính là ngô, lúa, người Mường còn chăn nuôi gia súc để tạo ra nguồn thực phẩm cung cấp dinh dưỡng cho các bữa ăn. Các con vật nuôi của người Mường đa số được thả rông: trâu, bò được thả vào rừng, gà, vịt được thả quanh quẩn trong sân, vườn quanh nhà.

          Rau ăn hàng ngày được hái từ trong rừng và vườn nhà. Bằng kinh nghiệm tích lũy từ bao đời, người Mường biết được hàng chục loại rau rừng, ngon nhất là rau khắng. Các loại măng rừng như: măng mai, măng tre, măng nứa, măng vầu, măng bương cho người Mường rau ăn quanh năm. Sông, suối không chỉ cung cấp nước tưới cho nương ruộng mà còn là nguồn cung cấp thủy sản cho buôn làng. Tôm, cua, cá, ốc là nguồn thực phẩm hàng ngày của dân bản. Ngoài ra, người Mường còn hoạt động săn bắt, hái lượm, khai thác các nguồn lợi thiên nhiên nhằm bổ sung nguồn thức ăn.

          Với kỹ thuật canh tác trồng lúa, người Mường từ xa xưa đã hình thành tập quán ăn cơm gạo. Người Mường thường dùng bữa sáng trước khi đi làm nương rẫy, cơm được nắm thành những nắm nhỏ chấm với muối vừng và dùng bữa trưa sau khi đi làm nương về. Bữa tối của người Mường thường muộn hơn. Đặc biệt, bữa trưa và bữa tối của người Mường bao giờ cũng có thêm rau và thức ăn. Cơm nếp được đồ chín trong một cái hông gỗ bắc trên nồi đáy bằng nhôm và bằng nan tre. Giữa hông và nồi đáy là một vòng rơm bện to như ống nứa vừa giữ kín cho cơm chín vừa cho nồi hông được chặt. Đồ nấu nướng, gia dụng của người Mường đều được làm từ tre, gỗ là các sản phẩm đặc biệt của núi rừng: hông đồ cơm bằng gỗ, ống nấu rau bằng tre, ống đựng đũa bằng tre, đũa bằng tre, mâm bằng tre…

          Trong dịp hiếu hỉ, lễ lớn, gia đình người Mường thường mổ lợn. Con lợn được chế biến thành 4 món:

          - Thịt luộc: gồm thủ lợn và một ít thịt luộc

          - Lòng lợn: gồm tim, gan, cật, ruột, dạ dày luộc

          - Chả que: thịt sườn nướng

          - Chả lá bưởi: sụn, xương mềm băm nhỏ bọc lá bưởi, nướng

          Nước luộc thịt cho măng hoặc rau vào làm thành món canh. Khi có khách hoặc những ngày có việc trong phạm vi gia đình, người Mường thường mổ gà, vịt làm thành món luộc và món canh nấu với măng chua.

          Vào dịp Tết cơm mới, người Mường làm các món ăn đặc sản như đĩa quéch, ngách lưỡi, ốc cá. Tất cả các món này phải đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên trước khi ăn để tỏ lòng hiếu thảo và sự no đủ của con cháu.

          Hàng ngày, đàn ông Mường đều uống rượu. Họ có thể uống trong và ngoài bữa ăn. Rượu uống trong bữa ăn là rượu cất, nồng độ nặng hơn. Rượu uống vui đông người là rượu cần, nhẹ hơn, thường được uống ngoài bữa ăn.

          Nước uống hàng ngày của người Mường là những nước lá cây mát đã được chọn lọc kỹ lưỡng qua bao đời nhưng chủ yếu vẫn là nước chè hay nước vối. 

Người Mường đồ cơm.

          Cơm lam của người Mường được làm bằng cách bỏ gạo nếp vào ống nứa tươi non, đổ nước sâm sấp sau đó đem nướng trên lửa. Cơm chín với vị thơm của hạt gạo quyện với mùi thơm tự nhiên của nứa tươi khiến du khách khó lòng quên một món ăn vùng Tây Bắc. Hiện nay, cơm lam đã trở thành món ăn đặc sản của khách sạn, nhà hàng ở nhiều nơi trong nước không chỉ riêng ở Hoà Bình.

          Rượu cần của người Mường nổi tiếng bởi cách chế biến và hương vị đậm đà của men được đem ra mời khách quý và uống trong các cuộc vui tập thể.Rượu cần được làm bằng cách lấy một nắm lá rừng nghiền nhỏ rồi trộn 

Cơm lam Hòa Bình

với tinh bột để tạo men, sau đó cho vào vò, phủ một lớp trấu để ủ. Khi uống, khách du lịch chỉ việc đổ nước đun sôi để nguội hoặc nước khoáng đóng chai vào đầy bình, vơi đến đâu lại đổ tiếp nước đến đó, sao cho bình rượu bao giờ cũng đầy. Trong tiệc rượu, mọi người ngồi quây tròn bên nhau, cùng thưởng thức cái êm nồng, dịu ngọt, ngây ngất của rượu cần, cùng với tiếng cồng, tiếng chiêng, tràn ngập không khí hội hè.

Trải qua thời gian dài lịch sử hình thành và phát triển, người dân tộc Mường (Hoà Bình) ngày càng biết cách sống cùng thiên nhiên, tận dụng tiềm năng của nó phục vụ đời sống con người. Họ phát hiện ngày càng nhiều về nguồn thức ăn có sẵn trong thiên nhiên và tìm cách chế biến hợp khẩu vị, bồi dưỡng… Dưới đây là một số món ăn đặc trưng cho văn hóa ẩm thực phong phú của dân tộc Mường.

          Măng chua nấu thịt gàcũng là món đặc sản của người Mường. Gà nuôi thả có trọng lượng từ 0,8 – 1 kg được làm sạch lông rồi mổ bỏ phần nội tạng, gà chặt ra thành miếng nhỏ, đem ướp với măng chua (măng muối càng lâu càng tốt) cùng với gia vị bóp ướp để từ 20 – 30 phút cho ngấm hương vị của măng và gia vị, sau đó cho vào nồi vần quanh bếp củi than khoảng 1 - 2 giờ. Khi thịt gà và măng đã chín nhừ rắc thêm một ít hạt dổi nướng giã nhỏ. Món ăn này khi ăn thịt gà, măng chua, hạt dổi được quyện với nhau

Mâm cỗ truyền thống trong các dịp lễ, tết của người Mường.

          Thịt trâu nấu lá lồmlà món ăn độc đáo của dân tộc Mường. Thịt trâu đem thui cho thơm, cạo sạch rồi bung cho mềm, đem bóc thái miếng nhỏ, hầm trong nồi đất chín kỹ rồi giã lá lồm (một loại lá chua), nêm một ít tấm gạo bỏ vào nồi hầm với thịt trâu. Khi tấm chín nở và hơi sánh thì cũng là lúc thịt trâu nhừ và ngấm vị chua của lá lồm. Đây là món ăn dân tộc phổ biến của người Mường Hoà Bình.

          Nước chấm ớt: Ớt nướng giã với củ kiệu, sau đó lấy đầu gà, tiết gà, ruột gà giã tiếp cho nhuyễn rồi trộn với ít rau thơm thái nhỏ thành món nước chấm ớt Mường cổ truyền. Món này dùng để chấm thịt luộc rất ngon.

          Đĩa quéch: Gồm tai lợn, đuôi lợn, mảng đầu mũi, đầu lưỡi là bốn bộ phận tượng trưng cho cả con lợn. Món này được làm trong dịp cúng cơm mới. Trước khi ăn phải để lên bàn thờ cùng tổ tiên.

          Ngách lưỡi: Gồm thủ lợn, tai, lưỡi lợn được thái thành sợi trộn với óc lợn, sau đó trộn với gừng già và lá hẹ cắt nhỏ. Món này có đủ các vị cay, thơm, béo rất hấp dẫn.

          Ốc cá: Được làm bởi cá chép xắt khúc, xếp bên cạnh sợi mày bương, sợi gừng, miếng sả, bọc ba lần lá chuối đem đồ kỹ rồi vớt ra. Trong lá chuối đọng nước cá đồ là thứ nước chấm rất thơm ngon có mùi gừng, mùi cá, mùi lá, mùi mỡ.

          Loọng: Xương trâu hay xương lợn vẫn còn mỡ, gân, thịt thô đem ninh với lõi mềm của thân cây chuối thái ngang. Món này làm khi nhà có việc lớn, đông khách như hiếu hỉ.

          Pẻng năng (bánh nẳng): Dân tộc Mường có một loại bánh được lưu truyền từ xa xưa, cách làm công phu và chỉ có ở Hoà Bình. Bánh được làm như sau: lấy cây mận và cây đu đủ rừng phơi khô, đốt thành tro, sau đó lắng lấy nước trong; hoà nước vôi, gạn nước vôi trong rồi đem đổ lẫn vào nước tro. Lấy lá trầu nhúng vào nước đã chế, vớt ra cho vào miệng nhai rồi nhổ bọt nước thấy đỏ như trầu têm thì đổ gạo đã vo sạch vào ngâm. Sau 6 tiếng, vớt gạo ra gói như gói bánh chưng (gói nhỏ vừa ăn), xong bỏ vào nồi luộc khoảng 10 tiếng rồi vớt ra, treo lên. Bánh có màu xanh như ngọc, khi ăn sẽ cảm thấy một vị mát tuyệt vời, có rất nhiều hương hoa, hương lá lan toả khắp cơ thể con người. Bánh làm vào dịp Tết dùng để cúng tổ tiên, nhằm tỏ lòng thành kính và chứng tỏ sự trong xanh của núi rừng.

          Pẹng goẹng: Nguyên liệu chính là bột ướt làm từ gạo tẻ, nhân rắc vào bột ướt là cá con (bắt ở ao, suối) băm nhỏ đã được đảo qua đảo lại nhiều lần trên chảo. Sau đó, bánh được gói bằng lá chuối đem luộc cho đến chín. Bánh này thường được làm trong dịp giỗ chạp, hội hè.

          Cá ướp chua: Cá ướp chua là món không thể thiếu được trong những ngày Tết của người Mường. Để có được một hũ cá chua (pe cá tưa). Cách làm rất cầu kỳ: Đem cá mổ bụng moi ruột rửa sạch, bỏ đầu và đuôi, con nhỏ cắt thành hai, ba khúc, con to cắt thành miếng bằng hai, ba ngón tay. Sau khi cá ráo nước thì đổ vào chậu hay sanh sạch, rắc muối hơi đậm một chút, thêm vào một ít cơm nguội, một ít men rượu (tùy theo lượng cá). Tất cả trọn đều rồi cho vào hũ, lấy lá chuối tươi hơ lửa bịt kín miệng hũ và lấy lạt buộc miệng hũ thật kín. Thường xuyên kiểm tra, nếu lá rách, hở thì phải lấy lá khác bịt thêm vào đó. Khoảng mươi, mười lăm ngày mở hũ ra xem. Nếu cá có mùi chua thì bỏ “xỉnh” (thỉnh) vào, nếu chưa có mùi thì lấy muối hòa nước ấm đổ vào để gần lửa. Rang ngô nếp hạt giã nhỏ để nguội. Riềng rửa sạch thái lát, giã nhỏ. Hành cắt dài rửa sạch. Đổ cá ra, trộn đều các gia vị nói trên rồi lại bỏ vào hũ, lấy lá chuối bịt kín, buộc chặt miệng hũ. Lấy tro nhào với nước trát lên trên miệng hũ cho thật kín. Cá ướp chua để bao lâu tùy theo chủ nhà. Tuy nhiên có một số cách thưởng thức cá ướp chua như sau:

·      Cá ướp chua để từ 3- 6 tháng: ăn ngay không cần qua chế biến.

·      Cá ướp chua gói vào lá cây thầu dầu (lá bánh tẻ) kẹp vào que tre rồi nướng bằng than củi.

·      Cá ướp chua đem nấu canh.

·      Cá ướp chua làm bánh và cơm “chộp hông”.

Phụ nữ cũng như nam giớiMườngthích hút thuốc lào bằng loại ống điếu to. Ðặc biệt, phụ nữ còn có phong tục nhiều người cùng chuyền nhau hút chung một điếu thuốc.

          Người Mường có tục ăn trầu. Hiện nay, tục ăn trầu của người Mường không còn phổ biến, chỉ còn lại một số người già ở các vùng Mường còn giữ nếp ăn trầu. Tuy nhiên, trầu cau vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá; trong tất cả mọi nghi lễ trong đời sống của người Mường.Người Mường có tục ăn trầu có lẽ từ rất lâu đời, vì trầu cau đã đi vào nơi thờ phượng. Cũng như người Kinh, người Mường cũng lấy “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Mỗi khi gặp nhau, họ đều mời nhau ăn trầu rồi mới nói chuyện. Trước đây hầu hết đàn bà, con gái đều nhuộm răng ăn trầu, nhiều người đàn ông cũng nghiện trầu. Con gái, con trai cứ lớn lên khoảng 14, 15 tuổi là bắt đầu nhuộm răng, ăn trầu. Loại trầu mà người Mường thích nhất là trầu màng, loại trầu này lá to, dày và thơm. 

Mế Mường ăn trầu

          Loại trầu thứ hai là trầu chấp. Trầu chấp lá nhỏ hơn và không thơm ngon bằng trầu màng. Hai giống trầu này người ta trồng được nhưng khi mùa đông, sương muối xuống lá trầu rụng hết, những người nghiện trầu lại phải dùng đến thứ trầu cỏ, mọc dại ở rừng. Loại trầu này không cay, không thơm như trầu nhà nhưng họ đành dùng tạm đợi qua mùa đông.Những thứ được người Mường ăn kèm với trầu là cau, vôi, vỏ rễ cây then, hoặc lá cau và thuốc lá, thuốc lào. Xưa kia, đàn bà con gái ai cũng có một túi đựng trầu, đó là túi vải, khâu thành hình mề gà hoặc hình ống đáy tròn trên miệng khâu viền để luồn dây, thắt lại và buộc vào ngang lưng mỗi khi đi đâu. Những người già, đã gãy hết răng thì phải ăn trầu giã. Cối giã trầu được làm bằng xương ống chân bò, lấy đầu đốt xương làm đáy, tiện cao khoảng 7-8cm. Có người còn bọc bạc quanh miệng cối. Chày giã trầu thường bằng một đoạn đồng hoặc sắt nhỏ, có ba ngạch ngoài đầu để giã. Sau này thì thường người ta làm cối giã trầu bằng đồng.

          Bình vôi thường làm bằng gốm, thứ này dân Mường không làm được mà phải mua của người kinh đem từ đồng bằng lên bán. Nếu không mua được thì người ta đựng vôi bằng ống nứa. Những người nghèo thì thường hay gói thuốc lá bằng lá vào khăn còn những người giàu có và nhà quyền quý thì đựng thuốc lá và vôi vào chiếc ốc đào bằng bạc, ốc đào vừa để đựng vừa là đồ trang sức, người có ốc đào đeo trong thắt lưng thì lấy đó làm sang. Vì người Mường có câu “Thủl tlù pên pang, khăn nang khả thước, hài hước pên khau” nghĩa là “túi trầu bên cạnh, khăn cau đằng trước, hài (dép) bên sau.

          Trầu cau đã đi vào đời sống văn hoá người mường thật sâu đậm. Trầu cau có mặt trong tất cả mọi nghi lễ trong đời sống của người mường. Trong phần dâng cơm của một nghi lễ thì bao giờ người ta cũng mời uống nước ăn trầu trước, rồi mới mời đến cơm và rượu. Và đặc biệt trong lễ cưới hỏi, trầu cau là một lễ vật quan trọng không thể thiếu. Trầu cau cũng là vật báo tin vui. Mỗi khi nhà ai được biếu trầu và cau thì biết ngay là nhà có em gái, cháu gái trong họ sắp sửa xuất giá. Qua đó, trong họ hàng cũng biết để chuẩn bị quà mừng cho đám cưới tới. Những đồ mừng đồ mừng đó có những thứ phải chuẩn bị khá lâu như rượu cần chẳng hạn. Trong những tiệc tiếp khách long trọng thì thường các cô gái Mường là người mời trầu mời nước. Họ có hẳn bài hát mời trầu rất trữ tình.Mặc dù người Mường đã biết ăn trầu từ lâu đời như vậy nhưng họ không mấy ai biết têm trầu cánh phượng. Miếng trầu được quệt vôi vào giữa lá, gấp song song, dọc hai bên lá cuộn tròn và găm cuống lá vào giữa miếng. Thường thì các bà các chị têm trầu từ đêm hôm trước, lúc mọi việc trong ngày đã xong xuôi, họ ngồi nghỉ ngơi uống nước ăn trầu nói chuyện sau một ngày lao động mệt nhọc, tiện thể họ chuẩn bị trầu cho cả ngày hôm sau. Sáng dậy họ lại bắt đầu một ngày bằng miếng trầu cho đỏ môi, thơm miệng.

Cối Giã Trầu

Còn nữa

 

Liên kết web :
Đang online : 2
Hôm nay : 152
Tháng hiện tại : 10743
Tổng lượt truy cập : 1391383