VĂN HÓA HÒA BÌNH PHẦN 19 VĂN HÓA DÂN TỘC DAO

          Một kiểu kiến trúc nhà ở của người Dao

            Nhà ở:

          Kiến trúc nhà ở của người Dao cũng rất phong phú, tuỳ nhóm mà ở nhà trệt hay nửa sàn, nửa đất. Loại nhà nửa sàn nửa đất là loại kiến trúc nhà cửa của riêng người Dao, gắn liền với cuộc sống du canh du cư trước đây. Điều đặc biệt là toàn bộ ngôi nhà của người Dao đều được làm bằng tranh tre nứa lá, không có một chút gạch ngói. 8 cột cái trong nhà được làm bằng những cây gỗ quí, có tuổi rất già 80-90 năm. Mỗi lần chuyển nhà, họ có thể bỏ phên, tranh tre nứa lá còn những cột cái bằng gỗ quí có sức bền với thời gian thì họ chuyên chở đi để làm ngôi nhà nơi ở mới.

          Người Dao ở vùng cao quen dùng địu có hai quai đeo vai, vùng thấp gánh bằng đôi dậu. Túi vải hay túi lưới đeo vai rất được họ ưa dùng.

           Họ tộc:

          Người Dao có nhiều họ, phổ biến nhất là các họ Bàn, Ðặng, Triệu. Các dòng họ, chi họ thường có gia phả riêng và có hệ thống tên đệm để phân biệt giữa những người thuộc các thế hệ khác nhau.

           Sinh đẻ:

            Dưới chế độ cũ, ở người Dao nạn "hữu sinh vô dưỡng" hoặc hiếm con rất phổ biến, nên sinh đẻ là điều mong ước chính đáng của những người đã thành vợ thành chồng. Nhưng trước đây, ở miền núi nói chung, ở vùng đồng bào Dao nói riêng hầu như không có bệnh viện, trạm xá, vì vậy việc sinh đẻ đều do mỗi người, mỗi gia đình tự lo liệu, chăm sóc lấy. Ngoài việc biết chạy chữa bằng một số vị thuốc lá, rễ cây cổ truyền, đồng bào chỉ còn cách tổ chức cũng lễ để tổ tiên, thần thánh phù hộ cho việc sinh đẻ và nuôi nấng con được tốt lành. Và tuỳ theo từng nhóm Dao, tuỳ từng địa phương mà người có thai (có khi cả những người trong gia đình, nhất là người chồng) có những tục kiêng kỵ khác nhau để tránh cái xấu có thể xảy ra đối với bản thân hoặc đối với những người và những vật xung quanh: người có thai kiêng đến những chỗ đặt bàn thờ, nhất là bàn thờ tổ tiên; kiêng tiếp xúc với thầy cúng thầy tào; kiêng vào những nơi để hạt giống, để rượu, kiêng trèo cây, hái quả; cả hai vợ chồng không được buộc lạt, không ăn thịt rùa, thịt diều hâu, thịt thú bị hổ bắt... Đồng bào cho rằng một năm kiêng sáu thứ nên khi người phụ nữ có thai vào những tháng nào thì trong những tháng đó họ đều phải ăn kiêng: tháng giêng, tháng bảy, hồn thai ở cửa chính "thất chỏi muần chìn", kiêng không đào đất, không sửa chữa động đến cửa chính; tháng hai, tháng tám hồn thai ở giữa sân "nhị sết chỏi tồng thình", kiêng không đào đất, không đốt lửa, không đặt những vật nặng vào sân; tháng ba, tháng chín, hồn thai ở cối giã gạo "phạm chùa chỏi tòi tạp", kiêng không di chuyển cối; tháng tư, tháng mười hồn thai ở bếp "phỉa chiệp chỏi dua tòng", kiêng không giội nước lã vào bếp: tháng năm, tháng mười một hồn thai ở trong buồng "hửng chiệp đất chỏi tồng tào", kiêng không chữa, không động mạnh buồng của người thai nghén; tháng sáu, tháng mười hai, hồn thai ở bụng mẹ "lụa chiệp nhậy chỏi puốn diền", kiêng không nhúng quần áo người thai nghén vào nước sôi.
Người Dao đẻ ngồi và đẻ ngay trong buồng ngủ, không được đẻ ở nơi khác. Chồng, mẹ chồng đỡ hộ hoặc sản phụ tự đỡ lấy, rất ít khi nhờ người ngoài đỡ giúp. Khi đứa trẻ lọt lòng mẹ, người ta chờ khi nào nó khóc mới bế lên, tắm rửa bằng nước nóng. Nếu đứa bé chưa khóc, người ta thường lấy sách cúng quạt cho nó, tin rằng làm như vậy đứa trẻ sẽ khóc được và sau này đứa trẻ được đặt tên là "Sách" (Slâu). Người ta cắt rốn bằng dao nứa và cho rau vào trong cái sọt gác lên cành cây hoặc cho vào ống nứa đem lên rừng chôn ở nơi khô ráo, làm như vậy, theo quan niệm của đồng bào đứa bé mới được mát mẻ, khoẻ mạnh. Cuống rốn được sấy khô, để làm thuốc chữa bệnh. Ngay từ sau khi đẻ, người sản phụ được ăn các thức ăn nấu với gừng và rượu. Người ta còn cho sản phụ ăn nhiều cơm nếp, thịt gà, giò lợn nấu lẫn với các vị thuốc bổ (thường là cây thuốc hái ở rừng). Khi nhà có người đẻ, người ta treo cành lá xanh hay cái hoa chuối trước cửa làm dấu cấm cữ để mọi người biết không vào nhà, nhất là những người sắp làm dám "chẩu đàng" (Bàn vương), cấp sắc "tẩu slai" hoặc sắp làm các nghi lễ lớn khác. Nếu chưa kịp làm dấu mà đã có người trót vào nhà và nếu người ấy là đàn ông thì người đó phải nhận đứa trẻ làm con nuôi và đứa trẻ được đặt tên là "Khách". Nhưng nói chung người ta không muốn người ngoài, nhất là khách lạ, vào nhà vì sợ vía độc ảnh hưởng xấu đến đứa trẻ. Người trong gia đình kiêng tới những nơi thờ cúng "linh thiêng", ít tiếp xúc với người ngoài vì sợ hồn vía độc ở ngoài sẽ theo về làm hại đứa trẻ. Ngược lại, người ngoài cũng không muốn đến nhà có người đẻ đang độ cấm cữ vì họ cho đó là nơi "không sạch", có thể ảnh hưởng xấu đến mình, nhất là các thầy mo, thầy cúng thì sợ ảnh hưởng xấu đến pháp thuật. Riêng ở nhóm Dao quần trắng, người lạ và bà con trong thôn xóm có thể đến thăm hỏi người đẻ.

          Sản phụ, khi có nhiều sữa kiêng vắt sữa xuống tro bếp, người ta tin rằng làm như vậy sẽ bị tro "hút" hết sữa, sợ "mẹ sữa" phật ý làm mất sữa. Sản phụ kiêng đến các nơi thờ cúng, không ra gian nhà ngoài, không ngồi cạnh bếp nấu ăn hay bếp khách. Nếu sản phụ cần đi lại thì qua cửa phụ ở phía sau. Tã lót và quần của sản phụ chỉ được phơi ở chỗ khuất, nhất thiết không được phơi phía trước nhà.

          Khi đẻ sinh đôi, nếu là một trai một gái, đồng bào thường làm lễ "hợp cẩn" giả cho hai đứa trẻ, và họ tin rằng làm như vậy mới nuôi được cả hai. Những đứa trẻ khi lọt lòng mẹ có tràng hoa quấn cổ thì cho là khó nuôi và muốn để cho dễ nuôi, đứa trẻ ấy phải gọi ông bà là bố mẹ và gọi bố mẹ là anh chị, tuy nhiên không phải nhóm nào cũng có tục lệ này. Trước đây, người Dao còn có tệ tục là khi đứa con lọt lòng mà không quay mặt về phía người mẹ thì cho là điềm xấu phải cúng bái rất nhiều mới dám nuôi, có người bỏ không nuôi; nếu đứa bé lại còn phun nước bọt nữa thì bị bỏ hẳn. Trẻ sơ sinh qúa ốm yếu thì người ta đặt tên cho trẻ ấy rồi ghi vào mảnh giấy nhỏ đem "gửi" vào một hốc đá nào đó, sau này đứa trẻ sẽ gọi hòn đá ấy là bố và tên thường ngày của nó sẽ được gọi là "Thạch". Cũng có thể họ nhờ một thầy cúng đứng ra "bảo lãnh" cho đứa bé, nhận đứa bé làm con nuôi.

          Trẻ sơ sinh được ba ngày thì gia đình lập đàn cúng mụ gọi là lầm lễ "nam han". Người ta thường mổ một lợn, một gà, một vịt để cúng tạ ơn bà mụ ở động Đào - hoa Lâm-châu đã “cho" họ đứa trẻ và cầu mong ở mụ sự phù hộ lâu dài. Mỗi khi làm lễ phải mời hai thầy cúng, một người cúng hồn đứa trẻ, một người cúng hồn người mẹ, nhưng cả hai đều cầu mong ma mụ phù hộ cho người mẹ và đứa con. Cúng xong, bố đứa trẻ bưng một khay rượu đến trước thầy cúng và khách dự lễ, lạy mỗi người bốn lạy để tạ ơn. Trừ thầy cúng, còn khách đến dự đều mừng tiền cho chủ nhà (thường là vài hào bạc trắng)
ở nhóm Dao quần trắng, khi làm lễ cúng ma mụ đồng bào phải chọn "ngày tốt". Khi cúng người ta làm lễ dâng hoa. Con gái dâng hoa màu đỏ, con trai dâng hoa màu trắng; hoa bằng giấy và gắn vào các que nứa được đặt trên chiếc yếm của phụ nữ đang dệt dở. Đồng bào tin rằng làm lễ "dâng hoa" là để bà Chúa hoa hay bà mụ mải mê với hoa và các vật cúng khác mà không đến quấy rầy đứa trẻ.

          Đồng bào Dao chăm sóc trẻ sơ sinh khá chu đáo. Hằng ngày đồng bào thường tắm rửa cho đứa trẻ bằng nước đun với lá cây có hương thơm, cho trẻ ăn mật ong...

Liên kết web :
Đang online : 9
Hôm nay : 991
Tháng hiện tại : 19013
Tổng lượt truy cập : 1399653