Văn nghệ dân gian:
Người Thái có nhiều phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp, nền văn hóa đa dạng: thơ, hoa, văn, y phục, nhạc lý, làn điệu dân ca… Trước hết nói đến âm nhạc dân gian của người Thái thì họ không có dàn chiêng cồng phong phú như của người Mường, người Thái có một kho tàng dân ca riêng của mình với những giai điệu âm nhạc đặc sắc. Từ những bài mo, những đêm kể áng sử thi Ẳm Ệt nổi tiếng có kèm diễn xướng, đến những điệu khắp, điệu hát dao duyên…đều mang đậm giá trị âm nhạc.
Nổi bật nhất ở người Thái về nghệ thuật dân gian có lẽ phải kể đến múa. Nếu như loại hình ở người Mường chưa phải là đặc sắc thì ở người Thái thật đáng kể. Các nhà nghiên cứu múa Thái chia ra làm ba loại chính đó là:
+ Múa Mùn: đó là múa trong những buổi cúng ma trước đây trong đó có múa kiếm, múa sai hạng ( múa khăn) múa kệp boóc (múa nhặt hoa)…Mối loại múa này trong Múa Mùn đều chứa đựng một sự phong phú, da dạng của múa Thái. Ví như múa kiếm vừa là một nghệ thuật lại vừa có tính chất võ thuật thể hiện rõ tài năng của người múa. Điệu múa này có kèm theo nhạc của một loại nhạc cụ gọi là tăng bu gồm những ống nứa dài dỗ đầu xuống một tấm ván dài phát ra một âm thanh đục và hai ống nứa gõ vào nhau tạo thành âm thanh Sắc hơ . Xưa kia người ta dùng điệu múa này để đuổi tà ma.
Còn múa Sai hạng (múa khăn) cũng kèm theo nhạc tăng bu do một tập thể từ 8-12 người dùng khăn màu xanh, đỏ dài vắt qua hai vai, hai tay cầm hai đầu khăn, đầu khăn ấy có gắn nhiều ống nứa nhỏ để khi múa các ống nứa ấy tự gõ vào nhau tạo thành một âm thanh hòa trộn với với tăng bu rất sôi nổi. Các động tác của người múa hết sức khẩn trương theo đội hình vuông hoặc tròn làm cho cuộc múa luôn luôn sinh động.
Múa Kệp boóc ( nhặt hoa) cũng thuộc loại múa Mùn, là những người múa chuyển động xung quanh cây hoa trong tiếng pí mùn, sáo…Cây hoa là cây gỗ dài cắm giữa sàn nhà được người ta tước từng đoạn cây thành những cụm hoa giả nhuộm các màu xanh, đỏ, tím, vàng…cắm thành cành vào thân cây. Người ta lấy những quả trứng gà, vịt luộc bóc vỏ nhuộm màu treo trên đó, tạo thành cây hoa sặc sỡ. Xung quanh cây để hũ rượu cần, người ta vừa múa vừa vui chơi quanh đó. Cuộc vui cứ vậy kéo dài.
+ Múa Xòe là lạo hình thứ hai, đó là một điệu múa đơn giản, nhẹ nhàng, thoải mái nổi tiếng ở tất cả các vùng người Thái. Xòe Thái đã đi vào văn học, thơ ca, nghệ thuật, là kỷ niệm, là niềm say mê ám ảnh của biết bao người.
Xòe là hình thức múa dân gian phản ánh cuộc sống lao động và đấu tranh sinh tồn giữa con người với cuộc sống thiên nhiên và phản ánh sức sống mãnh liệt của dân tộc Thái trong việc đấu tranh chống ngoại xâm. Múa xòe thể hiện giấc mơ của người dân về cuộc sống thanh bình, ước muốn ấm no hạnh phúc. Người múa xòe đứng thành vòng tròn nắm tay nhau, thường thì nam, nữ đan xen. Khi múa, nếu vòng đơn thì vòng xòe quay ngược chiều kim đồng hồ, nếu vòng xòe kép thì các vòng xòe quay ngược chiều nhau trông đẹp mắt. Một trong những yếu tố thu hút người tham gia vòng xòe là sự dân giã, mộc mạc, dễ múa, dễ hiểu và sức quyến rũ của nhạc lý. Cuộc sống lao động đã hình thành nên một trong những nét đẹp truyền thống là vòng xòe, tiếng Thái là “Xóe voóng”. Khi múa xòe người ta cầm tay nhau múa du dương nên xòe vòng còn có tên là: xóe khăm khen. Lúc trong bản có ngôi nhà sàn mới hoàn thành, chủ nhà làm lễ mừng nhà mới, bà con hàng xóm trong, ngoài bản kéo nhau đến mừng cho chủ nhân. Tiếng trống, chiêng nổi lên đan xen tiếng reo hò của nam thanh, nữ tú vòng xòe được hình thành. Vòng xòe có sức hút mãnh liệt và không phân biệt già trẻ, gái trai. Khi nhạc cụ truyền thống vang lên mọi người đều có thể tham gia vào vòng xòe, quây quần bên đống lửa, vòng xòe không ngừng mở rộng. Nhạc cụ chính phục vụ múa xòe là công và cống. Cống là loại trống dài khoảng 1m, đường kính khoảng 45 cm làm bằng thân cây gỗ đục rỗng, hai đầu bọc da trâu hoặc da bò. Công là loại trống dài từ 1,5 - 3 m, đường kính từ 5-7 cm, 2 đầu bịt da trâu, bò. Tiếng công trong, gọn, vang xa. Công còn có thể dùng để báo hiệu khi bản làng có sự việc cần thiết triệu tập dân đến hội họp. Ngoài tiếng công còn có tiếng chiêng vang rộn ràng tạo nên âm thanh lôi cuốn người xem hào hứng nhập cuộc vui. Tiếng nhạc công, cống, chiêng hòa vang đệm theo nhịp 2/4 tạo nên không khí tưng bừng ngày hội bản làng, đặc biệt sự nhún nhảy của người chơi nhạc tạo nên sự rạo rực, tăng thêm sức sôi động của vòng xòe.
Sự tao nhã của múa xòe là cách mời bạn xòe của các thiếu nữ dân tộc Thái và phong tục mời rượu khi tham gia xòe. Những hàng cúc bướm lóng lánh, nụ cười duyên dáng, bàn tay mềm mại nâng chén rượu nồng làm đắm say lữ khách phương xa, tạo nên ấn tượng khó phai đối với ai từng một lần tham gia xòe vòng.
Có thể nói, xòe là nét văn hoá đặc trưng của đồng bào Thái. Từ xưa đến nay, xòe vòng của dân tộc Thái luôn có sức hấp dẫn đặc biệt. Mỗi khi âm thanh trầm bổng, nhịp điệu của trống xòe nổi lên lại thôi thúc mọi người đến với vòng xòe. Trong tiếng trống, tiếng chiêng, mọi người xích lại gần nhau, quây quần bên nhau, vui tươi, đầm ấm. Địa điểm tổ chức xòe vòng có thể là ở sân nhà, trên sân khấu, dưới gốc cây hoặc trên sân bãi. Một vài chục người thì làm một vòng xòe, dăm bảy trăm người trở lên có thể chia ra nhiều vòng hay xếp vòng trong, vòng ngoài, nhiều nơi còn chia vòng theo lứa tuổi. Tay trong tay, vai kề vai, chân người nọ dịch bước theo chân người kia trong không khí, tình cảm say sưa, đầm ấm của vòng xòe, đêm xòe. Động tác, đội hình xòe đều rất giản dị, các tạo hình và động tác, tính chất nhịp nhàng của độ nhún, bước đi của vòng xoè rất gần gũi với nhiều động tác hoạt động của con người trong lao động và sinh hoạt hàng ngày. Nói chung, nhịp xòe nhẹ nhàng uyển chuyển, nhưng đôi khi do không khí cuộc vui thôi thúc, mọi người vỗ tay, nhảy lên, hú lên rất náo nhiệt. Cũng có những động tác như người trực tiếp xòe, người đánh trống, đánh chiêng rất uyển chuyển, lúc mạnh, lúc nhẹ và có sức lôi cuốn mạnh mẽ. Âm nhạc và dàn nhạc của xoè vòng thông thường là một chiếc trống, 2 hoặc 3 cái chiêng, một đôi chũm chọe và mấy ống tre dỗ trên máng gỗ. Có khi còn dùng cả pí, khèn bè, tính tẩu. Cũng là dàn nhạc và nhịp điệu ấy, nhưng tuỳ lúc và tính chất buổi xòe mà cách đánh và chuyển âm khác nhau. Vừa xòe vừa hát có láy đuôi “Au hang” sau mỗi câu hát là hình thức phổ biến. Tính chất nhịp nhàng, triền miên của xòe kết hợp với hát đối, hát kể chuyện, hoặc hát chúc mừng làm cho cuộc xòe càng thêm hấp dẫn. Niềm vui lớn nhất trong vòng xòe là tập thể đoàn kết thân ái. Tay nắm tay, vai sát vai, người ta có thể chuyện trò, tâm sự riêng với nhau mà không hề ảnh hưởng đến tình cảm chung của tập thể. Trong vòng xòe, tình cảm riêng được đặt trong tình cảm chung. Tình cảm tập thể tạo cơ hội cho tình cảm riêng phát triển.
Có thể nói, xòe vòng bắt nguồn từ đời sống lao động của nhân dân và được ra đời từ rất xa xưa. Qua các giai đoạn lịch sử, xòe vòng được phát triển và cho đến ngày nay xòe vòng vẫn không cũ, không mòn. Sức hấp dẫn, đậm đà tính dân tộc, tính nhân dân sâu sắc của âm nhạc xòe vòng luôn có sức mạnh mới, thoả mãn nhu cầu của mọi người và được sử dụng rất linh hoạt, rộng rãi, phục vụ nhiều mặt sinh hoạt của xã hội. Là điệu xòe quần chúng, nhưng xòe vòng lại giữ vai trò như một điệu múa gốc trong nền nghệ thuật múa Tây Bắc. Qua tìm hiểu, hiện nay vẫn còn lưu giữ được 5 điệu xòe cơ bản sau:
Thứ nhất:Xòe “Khăm khăn mơi lẩu” (nâng khăn mời rượu). Động tác uyển chuyển, hai tay nâng khăn mời rượu. Biểu đạt tình cảm và tấm lòng của chủ nhà với khách quý vì chén rượu đậm đà men lá rừng, men tình người.
Thứ hai:Điệu xòe “Nhôm khăn” (xòe tung khăn), khăn piêu được quàng qua cổ, hai tay cầm khăn piêu tung lên theo nhịp chân nhẹ nhàng, uyển chuyển, thể hiện niềm vui đạt được thành quả lao động và sự khéo tay thêu chiếc khăn piêu, đức tính cần cù của người phụ nữ Thái.
Thứ ba:xòe “Đổn hôn” (xòe tiến lùi): Chiếc khăn piêu quàng cổ, hai tay xòe trước mặt, chân bước uyển chuyển, nhẹ nhàng, thể hiện tình cảm sắt son của con người đối với nhau trong cộng đồng không bao giờ thay đổi.
Thứ tư:điệu xòe “Pha xi” (xòe bổ bốn), vòng xòe được tách ra từng nhóm 4 người một, cầm tay nhau, hướng mặt vào nhau… Thể hiện tấm lòng và ý chí luôn hướng về cội nguồn.
Thứ năm:xòe “Ỏm lọm tốp mư” (vỗ tay múa vòng tròn). Điệu xòe thể hiện niềm vui, mừng ngày mùa bội thu, mừng nhà mới, năm mới, trai gái dựng vợ gả chồng.
Màn múa dạo đầu“Mùa ban nở”, một nghi thức thỉnh bái thần rừng, thần núi để cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt |
Nằm trong hệ thống múa dân gian Việt Nam, xòe vòng đã đóng góp vai trò quan trọng vào kho tàng múa dân gian cổ truyền. Xòe vòng được dân tộc Thái tự hào vì là đặc trưng văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng cuộc sống lành mạnh, thúc đẩy sản xuất, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Múa xòe là yếu tố thúc đẩy lao động sản xuất phát triển. Sau những ngày lao động vất vả của đồng bào dân tộc vùng cao, đêm đêm dưới ánh trăng, bên đống lửa bập bùng tiếng trống, chiêng vang lên như mời gọi bạn xòe đến quây quần cùng nắm tay lung linh trong đêm hội điệu xòe hoa. Trong không khí đêm hội, con người quên đi những mệt nhọc, cùng cười vui bớt sầu lo, trở về với tâm trạng thoải mái. Sau hội xòe, trở lại với cuộc sống đời thường con người thấy yêu lao động, yêu cuộc sống hơn và hăng say sản xuất chờ ngày hội mới. Xòe còn là nơi con người gửi gắm tình yêu của đồng bào dân tộc. Khi tham gia vòng xòe trai gái được gần nhau, được lựa chọn bạn xòe, là nơi để thể hiện tình cảm riêng tư. Vòng xòe gắn kết tình cảm con người với nhau. Ngày nay đêm hội xòe hoa thể hiện sự đoàn kết trong niềm vui cuộc sống thanh bình, thể hiện sự mến khách của các dân tộc Tây Bắc. Không chỉ là sản phẩm tinh thần quý giá trong đời sống xã hội, mà xòe vòng còn có vị trí đặc biệt quan trọng trong nghiên cứu, xây dựng nghệ thuật múa dân tộc Việt Nam. Xòe vòng đã, đang và tiếp tục phát triển.
+ Múa Loóng và tôn khâu tôn oọc:
Múa Keng Lóng
Múa Loóng là diệu múa diễn ra xung quanh cái cối dã lúa, động tác múa là động tác giã gạo, đập chày, chuyển tay chày, gõ cối. Kèm theo những tiếng động vang ra từ điệu múa là tiếng trống, tiếng chiêng , mỗ và tiếng chày đập vào nhau, chày đập vào cối, đôi khi còn có tiếng hú reo của người múa. Đây là điệu múa thường diễn ra vào dịp mừng cơm mới, săn được thú rừng, vào những đêm nguyệt thực khi khắp nơi người ta gõ múa điệu múa này. Đôi khi múa cả ở đám ma và đám cưới nữa.
Điệu tôn khau tôn oọc ( điệu múa trẻ em) là điệu múa vui chơi của trẻ em vào những đêm trăng sáng trên khắp các bản Thái. Điệu múa này thể hiện sự vui chơi, nhí nhảnh của trẻ em do một tốp các em từ 6013,14 tuổi nối đuôi nhau vừa hát, vừa múa.
Gõ sạp đón khách là một nét sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo của đồng bào Thái. Gõ sạp tạo bầu không khí sôi động, náo nhiệt khi trong bản, trong mỗi nhà tổ chức các cuộc vui có đông khách tham dự. Kiến trúc nhà sàn của đồng bào Thái mang một nét khá khác biệt với kiến trúc nhà sàn của một số dân tộc khác ở chỗ: khi đi lên hết cầu thang, nó không chỉ có cửa rẽ vào lòng nhà, mà nó còn có một lan can - nơi diễn ra cảnh gõ sạp đón khách tới chơi nhà - nằm dọc theo trái nhà dẫn thẳng xuống khu vực bếp. Số người tham gia gõ sạp từ 9 đến 12 người, là nữ trẻ, giỏi văn nghệ.
Trong số đó, có một người điều khiển trống cái và số còn lại mỗi người cầm một đôi ống tre hoặc nứa cắt bỏ mấu ở hai đầu, đứng thành hàng sát mép ngoài lan can. Khi khách đã đến sân nhà, người điều khiển trống cái nổi một hồi trống thật dài. Sau đó đánh trống dặp để những người cầm ống làm động tác chuẩn bị. Đến khi tiếng trống dặp chuyển thành những tiếng tùng... cắc... cắc. Rồi lại đảo lại cắc... cắc... tùng... tùng liên tiếp, biến hóa thì những người cầm ống cũng trỗ ống xuống sàn nhà, đập hai ống vào nhau, sao cho âm thanh của ống xen kẽ vào âm thanh của trống. Tiếng trống, tiếng gõ sạp vừa nhanh vừa liên hoàn tạo cho khách đến chơi có một cảm giác rất hưng phấn và hòa đồng trong cuộc vui. Khi khách đã quây quần quanh những mâm cỗ, tiếng gõ sạp sẽ dừng lại. Các cô gái chuyển sang việc tỏa đi các mâm rót rượu mời khách. Rồi sau đó họ tập trung ở một góc nhà hát khắp, hát ví đối đáp với khách. Cho đến khi cuộc rượu đã tàn và chuyển sang màn múa xòe thì những cô gái sẵn sàng lẫn trong vòng xòe cùng với khách. Khi khách bắt đầu ra về, các cô gái nhanh chóng cầm những chai rượu và những chiếc chén được chuẩn bị sẵn, tiếp tục đứng ra lan can rót rượu mời khách uống chén rượu chúc mừng và chia tay với khách. Du khách khi ra về sẽ cảm thấy mình đã có một cuộc vui thật thú vị trong sự mãn nguyện về tấm lòng nhiệt tình và hiếu khách của người dân nơi đây.
Còn nữa
- VĂN HÓA HÒA BÌNH PHẦN 20 VĂN HÓA DÂN TỘC DAO
- VĂN HÓA HÒA BÌNH PHẦN 19 VĂN HÓA DÂN TỘC DAO
- VĂN HÓA HÒA BÌNH PHẦN 18 VĂN HÓA DÂN TỘC DAO
- VĂN HÓA HÒA BÌNH PHẦN 17 VĂN HÓA DÂN TỘC MÔNG
- VĂN HÓA HÒA BÌNH PHẦN 16 VĂN HÓA DÂN TỘC MÔNG
- VĂN HÓA HÒA BÌNH PHẦN 15 VĂN HÓA DÂN TỘC THÁI
- VĂN HÓA HÒA BÌNH PHẦN 14 VĂN HÓA DÂN TỘC THÁI
- VĂN HÓA HÒA BÌNH PHẦN 12 VĂN HÓA DÂN TỘC THÁI
- VĂN HÓA HÒA BÌNH PHẦN 11
- VĂN HÓA HÒA BÌNH PHẦN 10