VĂN HÓA HÒA BÌNH PHẦN 11

 

          Phương tiện vận chuyển:

          Phụ nữ phổ biến dùng loại gùi đan bằng giang hoặc tre, 4 góc nẹp thành thẳng đứng, có dây đeo qua trán hoặc qua vai để chuyên chở. Ðôi dậu, đòn gánh có mấu 2 đầu, đòn xóc cũng thường được sử dụng.

          Nước sạch được chứa trong ống nứa to, dài hơn 1 mét vác vai từ bến nước về dựng bên vách để dùng dần.

            Sinh đẻ:

          Khi người vợ sắp sinh con, người chồng phải chuẩn bị nhiều củi, làm một bếp riêng ở gian trong và quây phên nứa thành một buồng kín cho vợ đẻ. Khi vợ chuyển dạ đẻ, người chồng đi báo tin cho mẹ vợ và chị em họ hàng nội ngoại biết để đến nhà cùng nhau chờ đợi. Bà đỡ cắt rốn cho đứa trẻ bằng dao nứa lấy từ đầu chiếc dui trên mái nhà. Nếu là con trai thì dùng dao nứa mái nhà trước, nếu là con gái thì dùng dao nứa mái nhà sau. Cuống rốn của các con trong gia đình được đựng chung trong một ống nứa, họ tin rằng làm như thế lớn lên anh em sẽ thương yêu nhau.

          Ngày sinh con, gia đình tổ chức ăn mừng, mời thầy mo cùng trừ mọi điều xấu hại đến mẹ con. Ðẻ được 3-7 ngày thường có nhiều anh em, bà con đến thăm hỏi tặng quà. Bà ngoại mừng cháu bao giờ cũng có vài vuông vải tự dệt, gia đình khá giả mừng thêm chiếc vòng bạc đeo cổ, anh em thân thích thì mừng gạo, mừng tiền.

          Người đẻ thường ăn cơm nếp cẩm với lá tắc chiềng (loại lá thuốc chống được bệnh sài), uống nước nấu với các loại lá cây thuốc và trong thời gian cữ (7 đến 10 ngày) nhất là 3 ngày đầu luôn luôn phải sưởi bên bếp lửa. Trẻ sơ sinh nếu là trai thì được âu yếm gọi là lọ mạ (thóc giống), nếu là gái thì lại trìu mến gọi là cách tắc (rau cỏ). Thường thì trẻ khoảng 1 tuổi mới được đặt tên gọi chính thức.

        Lịch:

Lịch Đoi của người Mường

          Trong hoạt động nông nghiệp, người Mường sử dụng một loại lịch tre rất đặc biệt gọi là lịch Đoi, trong đó ngày lùi đi một ngày, tháng tiến trước 3 tháng nên thường gọi là lịch ngày lùi tháng tiến. Người Mường không chỉ dùng loại lịch tre tính ngày cho hoạt động sản xuất nông nghiệp mà còn sử dụng nó trong các ngày lễ quan trọng của một đời người. Người Mường ở Mường Bi có cách tính lịch khác với người Mường ở các nơi khác gọi là cách tính ngày lùi, tháng tới. Tháng giêng lịch Mường Bi ứng với tháng 10 của lịch Mường các nơi khác và tháng 10 âm lịch.

Lịch Đoi người Mường làm trên 12 thanh tre, có chiều dài mỗi thanh khoảng 20cm, rộng chừng 3cm, thể hiện 12 tháng trong năm, cùng với những vạch khắc trên đó, người Mường xưa đã đúc kết được những ngày, tháng trong một năm theo quy luật tự nhiên. Trong những tháng đó có ngày làm ăn thua lỗ, có những ngày đi săn bắn được nhiều thú rừng và có những ngày mưa, bão…

Sở dĩ, người Mường gọi Lịch Đoi bởi lịch này được phân chia ngày tháng trong một năm theo sự vận hành của sao Đoi, còn gọi là sao Tua Rua – chòm sao nhỏ có bảy ngôi vận hành theo chiều từ Đông sang Tây. Theo quan niệm của người Mường, một tháng của người Mường xưa được tính theo 3 tuần trăng, mỗi tuần là mười vạch khắc trên một thanh tre thể hiện mười ngày trong tháng. Như vậy là một tháng có 30 vạch khắc dọc 2 sống của thanh tre đó.

Thượng tuần – mười ngày đầu, gọi là ngày kây, những ngày này hay được người Mường tổ chức cưới xin, khánh thành, xây nhà mới, được vạch khắc cùng chiều với 10 ngày cuối tháng – hạ tuần.

Hạ tuần là những ngày hết trăng, người Mường thường không làm một công việc gì hết trong những ngày này, nếu làm sẽ bị thua lỗ hoặc công việc sẽ không được suôn sẻ.

Trung tuần – mười ngày giữa tháng được vạch khắc ngược sống tre, khác chiều với ngày kây và ngày hết trăng, được người Mường gọi là ngày lồng – ngày có trăng nếu đẻ vào ngày này trẻ con sẽ được sáng dạ, thông minh.

Theo cách tính của người Mường xưa, sao Đoi chuyển dịch nhanh hơn mặt trăng. Vị trí giữa sao Đoi và mặt trăng tùy theo các tháng trong một năm. Khi sao Đoi vượt qua mặt trăng, người Mường gọi đó là ngày “Đoi vào” hay “ngậm Đoi”.

Theo lịch Đoi, người Mường quan niệm một năm có 12 tháng, mỗi tháng có một tên riêng. Các tháng đó đều được tính sớm hơn bốn tháng so với lịch âm của người Việt. Bắt đầu một năm mới tính theo lịch của người Mường vào tháng 4 lịch Đoi.

Lịch Đoi được người Mường coi là lịch vạn sự, tính ngày lành, tháng tốt để bắt đầu một công việc gì đó như làm mùa Kây tha, làm nhà kây trong – làm mùa thường làm vào Kây tha là tháng 1, tháng 12 Mường – làm ăn tháng này thuận lợi, suôn sẻ, còn làm nhà vào ngày Kây trong tức tháng 3 Mường sẽ được kín đáo và chắc chắn.

Lịch Đoi cũng được dùng trong ngày đi săn thú, bắt cá hoặc đi đường: thướm tha được cái may thú; thướm trong được cái may cá; khóa hổ được giờ đi đường; thướm ngàng may cơm may rượu. Ngày Thướm tha, tháng mười đi săn thú gặp nhiều may mắn; ngày Thướm trong vào tháng 4 và khóa hổ, tháng 7, Thướng ngàng tháng Giêng.

Lịch Đoi không thay đổi theo năm, 12 thanh tre được người Mường sử dụng trong suốt cuộc đời mình, trên đó có đục lỗ, cảnh báo những ngày làm ăn thua lỗ hoặc thất bại, tháng nào càng nhiều lỗ càng nên tránh và có những ngày đại lỗ (bốn lỗ trong một ngày) không làm một công việc gì hết.

Bác Bùi Văn Ểu, Mo làng xóm Lầm, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc cho biết lịch Đoi được người Mường xưa đúc kết từ nhiều đời rồi truyền lại cho con cháu sau này, trên đó có vạch khắc những hình tượng trưng cho ngày mưa, ngày bão, hao, lỗ, ngày cá, thú. Bác Ểu cho biết thêm do thay đổi khí hậu toàn cầu, trái đất nóng lên, nên lịch Đoi có nhiều thay đổi. Vào thời điểm hiện tai là tháng Giêng Mường thường rét run, vậy mà vẫn chưa thấy lạnh cóng.

Lịch Đoi là một sự tổng hợp, đúc kết kinh nghiệm qua nhiều đời của người Mường xưa, là biểu hiện rực rỡ tư duy Mường trong sự nhận thức thế giới xung quanh. Lịch Đoi giúp người Mường tránh những ngày xấu, không may mắn để cấy hái, dựng vợ gả chồng những ngày đẹp trời. Tuy nhiên, lịch Mường cần được lưu giữ, bởi hiện tại rất ít người biết xem lịch Đoi, chỉ những thầy Mo làng có tuổi mới nhận xét chính xác từng ngày trong tháng và từng tháng trong năm.

. Trò chơi:

          Trò chơi của người Mường gần gũi với mọi đối tượng. Có những trò chơi được tổ chức chu đáo, công phu như: thi bắn nỏ, đánh đu, ném còn… Các trò chơi của lứa tuổi thiếu niên nhi đồng được tổ chức linh hoạt ở mọi nơi, mọi lúc với những điều kiện chơi đàn giản, tiện lợi như trò đánh cá cắt, trò cò le, trò đánh chó hoặc buôn chó, trò đánh mảng, trò chăm chỉ, chằm chăn.

Bản Mường vào ngày hôi mới

          Ví dụ, trò chơi chi chi chằm chằmthường được các em thiếu niên, nhi đồng tổ chức vào những đêm trăng sáng, số người tham gia trò chơi này có ít nhất từ ba em nhỏ trở lên. Trong hội đó có một em làm chủ trò đứng ra chịu trách nhiệm chìa bàn tay của mình ra cho các bạn đặt ngón tay trỏ của mọi người vào lòng bàn tay của người chủ trò chơi, em chủ trò nói vần:

          Chằm chỉ, chằm chăn

          Ôông văn, ôông vẻ Chơi que,

          chơi quắt Lá lắt,

          lá loong Tóng u,

          tóng oăn Lá lăn,

          lá lía Pắt tía cà-khặp.

          Nói dứt lời chủ trò nắm chặt bàn tay lại, cùng lúc đó mọi người rút nhanh ngón tay ra, ai rút ngón tay ra chậm hơn bị nắm giữ lại trong tay của người chủ trò chơi, chính người đó phải đứng vai làm cái. Người làm cái được giữ tổ và nhắm mắt lại cho mọi người đi trốn vào những đống rơm, rạ, hoặc gốc cây, sau đó cái có quyền đi tìm những người đang trốn. Người đi trốn lại lừa cái về tổ, em nào chạy chậm bị cái đuổi kịp, đập tay vào đầu nghĩa là lúc đó đã bị cái bắt được, chính người bị cái bắt được phải thay vào vị trí của cái đứng giữ tổ nhắm mắt thay cho cái được đi trốn cùng bạn khác. Cuộc chơi chằm chỉ, chằm chăn được kết thúc một bán và tiếp theo đó diễn ra từ đầu.

          Bên cạnh đó, những trò chơi sôi động có sức cuốn hút đông đảo nhiều người tham gia ở lứa tuổi thanh niên, những chàng trai cô gái được diễn ra như trò chơi đánh đu, đánh mảng, bắn nỏ, ném còn…thường tổ chức vào những ngày hội, vui xuân thường lôi cuốn được nhiều người đi hội tham gia cuộc chơi và rất đông đảo người xem, cổ vũ động viên. Những ngày ấy ở các sân vận động, đường làng, ngõ xóm bỗng bừng lên không khí náo nhiệt, trai quen, gái lạ cùng đem quả còn bông, quả còn hoa từ cửa nhà mang ra chơi hội dưới tán cây đa, cây si xum xuê rợp mát, quả chín vàng mọng rắc xuống cỏ xanh. Họ gặp nhau tay bắt, mặt mừng nở những nụ cười tươi tắn trên môi, cất lên những lời chào đằm thắm,yêu thương:

          “Cất lời chào nhao nhao

          Đưa tay chào xá xá

          Trầu ngon đãi nhau giữa đàng

          Câu non mời nhau giữa lối

          Trầu đẹp têm đầy trong túi

          Câu non bày đầy trong khăn

          Cùng ăn, ta bày quả còn ra ném…”

          Thế rồi nam nữ chia thành đôi bên: “Bên trai cũng một trăm Bên gái cũng thấy một trăm Không bên nào năm mươi”mười đứa”. Đôi chân của cô gái, chàng trai nhún nhảy bắt quả còn, miệng họ reo hò, cười nói. Đám con gái chạy về hướng mặt trời .” Hai cánh tay cô gái đeo chiếc vòng bạc lấp lánh kêu roong reeng ra đón quả còn thiếc cái dây còn bông. trái còn hồng đơm tua gấm vóc, đang mắc trên cành cây si, cây đa lủng lẳng”. Các chàng trai hào hứng hát rằng:

          “Thương nôồng em hỡi

          Thương hỡi ún à

          Chớ để trái còn bên anh

          Ném rơi xuống đất mà mất xống đẹp,áo chùng

          Chớ cho quả còn anh tung

          Nó rơi xuống đất mà mất tênh xanh, áo pắn”.

          Đám con gái vừa bắt quả còn vừa hát đáp lời:

          “Thương nôồng anh hỡi

          Thương hỡi anh à

          Mất xống mặc lòng mất xống

          Lột áo mặc lòng lột áo

          Chớ chơi lục, chơi lạo trong vòng ngực em

          Chớ đem vóc ngọc, mình ngà tung ra mà hổ chúng, hổ bạn

          Hổ chúng ,hổ bạn không bằng hổ ta anh hỡi”

          Bên trai ném qua, bên gái ném về, cái chân nhún nhảy, đôi tay chơi với. Miệng họ hát lên :

          “Ríu rích, ríu ra giòn giòn

          Họ ném còn từ sớm đến trưa

          Từ lúc thả bừa đến khi mặt trời nấp núi

          Vui hả vui hê

          Chẳng ai muốn về,

          Bởi thương , bởi nhớ

          Trẻ con mong lớn

          Người già mong trẻ

          Người kinh kỳ, kẻ chợ về thăm đất, thăm Mường cũng ra dạo chơi.

          Cả đàn chim trên trời cũng bay chao đi chao lạị”

          Những lời ca, tiếng hát giao duyên nồng thắm tình người, đã có nhiều đôi trai gái trao duyên cho nhau nên vợ, nên chồng từ trò chơi ném còn. Cùng với các trò chơi trai quen, gái lạ, chiêng bảy, chiêng ba, hát dân ca, thường rang cùng hội nhập trong ngày hội, làm sống động lòng người ở các bản Mường cũng náo nức và đánh lên tiếng chiêng lắng lòng mình vào hồn thiêng của tiếng nhạc cồng chiêng dân tộc. Những trò chơi dân gian của dân tộc Mường rất phong phú, đa dạng thể hiện tài năng của cá nhân trước thiên nhiên và con người để hướng con người tới cái thiện và nét đẹp của nghệ thuật được thể hiện ở bất cứ ngày hội nào cũng diễn ra. Điều ấy cũng phản ánh phần nào cái nếp sống văn hóa của dân tộc là vốn quý cần được gìn giữ kế thừa và phát triển trong sự vận động của xã hội hiện đại.

          Hoà Bình có thể được xem là trung tâm văn hoá Mường với bốn Mường nổi tiếng Bi, Vang, Thàng, Động. Những bản làng người Mường nằm bình yên bên những triền đồi, thung lũng cạnh những con suối, bên nương lúa, nương ngô, cạnh những thửa ruộng bậc thang tất cả như được bảo vệ bởi triền núi đá vôi. Xứ Mường đã ôm trọn trong lòng bao bí mật về các dòng tộc quan lang có vị thế quyền lực nổi tiếng: Đinh, Quách, Bạch, Hà. Những giá trị truyền thống văn hoá được bảo tồn qua các lễ hội, hoạt động văn hoá. Những nét văn hoá vật chất, văn hoá tinh thần được truyền từ đời này qua đời khác và trở thành phong tục tập quán ăn sâu, bám rễ vào từng nếp nghĩ, lối sống của người dân đất Mường như "Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui" và văn hoá ẩm thực với đặc sản là cơm lam, rượu cần... Nhiều bản làng của người Mường trở thành những điểm tham quan du lịch. Bản mường Giang Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong với hơn 100 ngôi nhà sàn còn giữ được nguyên bản từ nhà cửa đến nếp sinh hoạt, hệ thống dẫn nước, cối giã gạo cùng các phong tục tập quán đã thu hút hàng ngàn lượt khách quốc tế từ Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thuỵ Sỹ, Hàn Quốc đến hàng năm. Ngoài ra còn có bản Luỹ, xã Phong Phú (huyện Tân Lạc) và bản Trụ, xã Thái Thịnh, thành phố Hoà Bình đã và đang trở thành điểm du lịch đầy hấp dẫn.

Còn nữa

Liên kết web :
Đang online : 6
Hôm nay : 633
Tháng hiện tại : 20691
Tổng lượt truy cập : 1401331