VĂN HÓA CỦA CÁC DÂN TỘC TỈNH HÒA BÌNH
Tỉnh Hòa Bình có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống. Mỗi dân tộc có đặc trưng văn hóa riêng, độc đáo cùng làm nên bản sắc văn hóa Hòa Bình. Tuy nhiên, trong khuôn khổ câu trả lời này, chúng tôi chỉ đề cập đến 5 dân tộc thiểu số có nhiều nét văn hóa độc đáo và đặc sắc nhất, đó là: Dân tộc Mường, Thái, Mông, Dao và Tày.
Văn hóa dân tộc Mường:
Nơi cư trú và nghề nghiệp:
Người Mường có cùng nguồn gốc với người Việt cổ, có chung một nền văn hóa rộng lớn, trải dài suốt bao thế kỷ. Thấm đậm dòng máu con Lạc cháu Hồng, thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước vươn lên chiến thắng thiên nhiên. Cùng nhau xây dựng bản làng, để hôm nay có được những cánh đồng bát ngát, những con đường trải dài ven núi, rộn rã người đi. Người Mường chủ yếu cư
trú ở các vùng thung lũng, những dải đồi thấp ven núi, vì vậy từ trước tới nay, cư dân Mường sống bằng nghề nông nghiệp, trồng lúa và kết hợp làm nương rẫy. Bản làng được tập trung ở chân núi với hướng nhà nhìn ra cánh đồng hay dòng suối. Chính vì điều kiện cư trú như vậy, nên nền văn hóa Mường mang đậm nét bản địa, bó gọn lại trong các Mường và lưu truyền nó qua cuộc sống .
hàng ngày trong từng nếp ăn, nếp nghĩ, vì vậy đó là một nền văn hóa hết sức giản dị mộc mạc mà độc đáo.
Đồng bào Mường sống định canh định cư ở miền núi, nơi có nhiều đất sản xuất, gần đường giao thông, thuận tiện cho việc làm ăn. Người Mường làm ruộng nước từ lâu đời. Lúa nước là cây lương thực chủ yếu. Trước đây, đồng bào trồng lúa nếp nhiều hơn lúa tẻ và gạo nếp là lương thực ăn hàng ngày.
Công cụ làm đất phổ biến là chiếc cày chìa vôi và chiếc bừa đơn, nhỏ
có răng bằng gỗ hoặc tre. Lúa chín dùng hái gặt bó thành cum gùi về nhà phơi khô xếp để trên gác, khi cần dùng, lấy từng cum bỏ vào máng gỗ, dùng chân chà lấy hạt rồi đem giã. Trong canh tác ruộng nước, người Mường có nhiều kinh nghiệm làm thuỷ lợi nhỏ.Ngoài ruộng nước, người Mường còn làm nương rẫy, chăn nuôi gia đình, săn bắn, đánh cá, hái lượm. Nguồn kinh tế phụ đáng kể của gia đình người Mường là khai thác lâm thổ sản như nấm hương, mộc nhĩ, sa nhân, cánh kiến, quế, mật ong, gỗ, tre, nứa, mây, song… Nghề thủ công tiêu biểu của người Mường là dệt vải, đan lát, ươm tơ. Nhiều phụ nữ Mường dệt thủ công với kỹ nghệ khá tinh xảo.
Trống đồng
Tổng số trống Đồng phát hiện được tại Hoà Bình đến nay là 112 chiếc. Ngày xưa. trống Đồng rất được coi trọng, nó vừa là một công cụ, vừa là nhạc cụ và được sử dụng hầu hết trong các nghi lễ quan trọng : tế thần, cầu mưa, hội hè, tang lễ. Trống Đồng là biểu hiện của uy quyền, của giàu sang, của thế lực. Tiếng trống Đồng là hiệu lệnh thúc giục tiến quân khi có kẻ thù xâm lăng đất nước, là vật tuỳ táng theo người quá cố. Chính vì vậy, trống Đồng còn mang những giá trị về tôn giáo, xã hội.
Mô phỏng mặt trống đồng Hòa Bình
Hồi trống, hồi chiêng phát tang đã khép lại vòng quay cuộc sống của một đời người. Nó cũng báo cho cả Mường trên Mường dưới biết rằng một thành viên của họ đã ra đi vĩnh viễn, đó là sự chuyển dịch của con người từ Mường này đến Mường khác, từ Mường người đến Mường ma. Vì vậy tang lễ Mường mang không khí cộng đồng, chuẩn bị cho một người thân sắp sửa đi xa, đó cũng là quan niệm của người Mường từ thủa trước. Đối với người Mường trống đồng là một của gia bảo rất thiêng, và chỉ được đưa ra sử dụng trong những nghi thức tế lễ trọng thể. Người Mường vẫn còn giữ được những cách đánh trống đồng độc đáo, trong đó có cách múa trống rất sinh động. Trong âm thanh rộn ràng của trống đồng, cồng chiêng, điệu múa làm sống lại không khí tưng bừng của ngày hội xa xưa từ thủa khai thiên lập địa. Trong những mộ Mường cổ, người ta còn tìm thấy nhiều bảo vật quý.
. Quan điểm về thế giới:
Quan niệm vũ trụ của người Mường được chia thành ba tầng, bốn thế giới. Tầng cao nhất là thế giới của Mường Trời (Mường K,lơi) là nơi trú ngụ của Vua trời và các phò tá của Vua Trời. Tầng ở giữa là Mường Pưa (Mương Pưa), là thế giới của người sống, tập hợp lại thành các gia đình, thành xóm và thành mường. Tầng thứ ba có hai thế giới là Mường Pưa Tín (Mương Pưa Tín) ở dưới mặt đất và mường Vua Khú ( Mương Bua Khú) ở đáy nước. Thế giới bên dưới mặt đất không phải là âm ty, không phải là thế giới siêu nhiên của tinh linh, mà là thế giới của những người tí hon, gia xúc cũng tí hon, có lối thông lên thế giới của người trên mặt đất. Thế giới của Vua Khú là vương quốc của bọn khú dưới quyền cai quản của Vua Khú. “Hệ thống vũ trụ “ ba tầng – bốn thế giới” của người Mường lấy Mường Pưa, thế giới của người sống làm trung tâm: mọi đường đi đều xuất phát từ đây, mọi thế giới đều quy tụ về đây. Tuy nhiên ở trong không gian hữu hạn cả, mỗi thế giới lại có một bản chất riêng, do đó sự thông thương giữa các thế giới bị hạn chế. Mường Pưa là thế giới tự nhiên, là “cõi sống” của người Mường. Mường Pưa Tín, vốn thông thương với Mường Pưa, cũng là thế giới tự nhiên nhưng thấp kém hơn. Mường Trời là thế giới siêu nhiên hoàn chính nhất: thời gian ở đây vô tận. Mường Vua Khú, mang nặng tính chất cổ tích hơn tôn giáo, cũng là một thứ thế giới siêu nhiên”.
Theo quan niệm của người Mường, người sống có nhiều vía, số lượng vía ấy của đàn ông và đàn bà không khác nhau và được phân bố không đồng đều trên cơ thể người. Sau khi qua đời, con người chết đi về mặt thể xác nhưng vẫn còn linh hồn. Linh hồn ấy một bộ phận sẽ trú ngụ ở trên trời, bộ phận khác sẽ “ gắn liền với xác chết tiếp tục một cuộc sống trong bóng tối đòi hỏi về ghen tị, ở gần xác chết, ở bên trong và ở xung quanh chiếc quan tài, rồi ở trong và xung quanh ngôi mộ…”.
Gian thờ của người Mường trong lễ mát nhà
Tín ngưỡng và thờ cúng:
Giống như người Việt, người Mường có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Họ lập bàn thờ và đặt lên đó các bát hương cho đến bốn đời. Tùy theo hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình mà người ta làm bàn thờ to, nhỏ, đẹp, hay đơn giản khác nhau. Đồ thờ ở bên bàn thờ cũng vậy, nhà giàu thì trang hoàng như các nhà giàu của người Kinh ở dưới xuôi. Bàn thờ dù to hay nhỏ nhưng cũng luôn được dành cho những vị trí trang trọng. Ngoài bàn thờ chính thờ tổ tiên, bên trái bàn thờ chính này có thể có những bàn thờ phụ khác thờ những người chết mà không có con cái, hay các vị khác. “ Điều kiêng kỵ đặc biệt là không được nằm hướng chân về phái bàn thờ từ tất cả các phía trong nhà…Ngày giỗ là ngày chôn cất, không phải là ngày chết. Ngày giỗ được chọn là ngày giỗ của người chết cuối cùng trong dòng họ ( trừ khi một con trai chết trước bố mình, những người chết của ba đời trước đó trong mồ mả đều tập họp trong này và người chủ của gia đình nhắc nhở đến tất cả dòng họ tổ tiên).
Thờ thành hoàng làng cũng là một tín ngưỡng phổ biến ở người Mường. Thành hoàng là vị thần bảo trợ chung cho bản mường, che chở, đỡ đầu cho bản mường. Thành hoàng mường có thể là một hay nhiều vị được thờ tại quán hay miếu, sau này khi đời sống cao hơn là các đền. Đền có thể xây, nhưng có nơi chưa có điều kiện thì làm bằng tre, gỗ. Gian giữa của quán thờ là nơi thờ đức thánh Tản Viên Ba Vì – vị thần núi. Gian trái thờ thành hoàng quan lang mà mọi người Mường đều hiểu là những tổ tiên xưa của dòng họ “lang” địa phương (dòng quý tộc cha truyền con nối trị vì trị vì địa phương). Đi sâu hơn một tí nữa, ta thấy các tổ tiên ấy được mọi người Mường gán cho công lao từng đưa người đến và bỏ của ra để khai phá đất đai, lập nên “mường”, nên “quêl”. Gian phải thờ các đào đầm, các đào ruộng, tức là những người bình dân xưa kia đã theo “lang” đến địa phương và trực tiếp bỏ sức ra khai phá đất đai. Ngoài Đức thánh Tản Viên là một nhân vật nổi tiếng được thờ khắp vùng người Mường thì các nhân vật thần thành hoàng cụ thể ở từng nơi đều có những lý lịch hết sức phong phú và đa dạng.
Dân Mường Vang thuộc xã Cộng Hòa, Lạc Sơn thờ ông Quách Đốc. Ông Quách Đốc tự xưng là vua Dù đất Mường Vang nên triều đình tức giận tìm cách lừa lên kinh thành và ông bị chặt đầu. Tuy vậy, ông không chết ở kinh thành mà ôm đầu chạy về đến Mường Vang mới tắt thở. Người dân thấy vậy bèn lập miếu thờ ông.
Người Mường Chiềng, Mường Tôm Tân Lập, Lạc Sơn thờ một cái đầu lâu không rõ tung tích, chỉ biết rằng cái đầu lâu trôi theo dòng suối lũ, trẻ chăn trâu nhặt được đặt lên gò giả thờ. Bọn trẻ thách đố nhau, một bên cầu khấn trước cái đầu lâu đó và ứng nghiệm mà thắng. Sau đó, nhà lang biết chuyện bèn lập miếu thờ ở đầu Đụn, nơi trung tâm của cả vùng.
Phần Lễ của Lễ hội đánh cá suối tháng ba của người Mường xã Lỗ Sơn (Tân Lạc) được tổ chức tại miếu thờ xóm Tân Vượng,
ngay cạnh khoang Lở của suối cái Lỗ Sơn.
Người Mường Tre, Văn Nghĩa ( Lạc Sơn) thờ thần đá ( bụt mọc) và Ả Đắng ( thần đánh dơi). Về lai lịch thần đá, khi khai đất khơi dòng lấy nước làm ruộng, gặp phải hòn đá chắn dòng, dân bẩy đi chỗ khác để nước tiêu thông, nhưng hôm sau đá lại về chỗ cũ. Lần này mọi người đẩy hòn đá đi xa hơn nữa nhưng hôm sau nó vẫn trở lại chỗ cũ. Lấy làm lạ, người dân xem kỹ thấy đá có hình người bèn mang về thờ. Từ đó làm ăn được, mưa thuận gió hòa nên dân Mường lập miếu thờ đá thần. Còn Ả Đắng là con gái nhà lang đi vào hang Đắng bắt con dơi, chẳng may bị kẹt trong hốc đá rồi chết. Do nàng rất thiêng nên dân lập miếu thờ làm thần để che chở cho dân làng.
Đền Vó Xăm, Yên Trị, Yên Thủy thờ 2 vị thần Trương Hống, Trương Hát mà nhiều nơi ở miền xuôi cũng thờ. Dân xã Địch Giáo, Tân lạc thờ ông Keo Hang là người tìm ra cây thuốc trường sinh cứu người. Dân ở Đồ Cháu, Phs Vinh ( Tân Lạc) thờ hai anh em ông Chàng Vàng, người Mường Động. Tương truyền, hai ông có phép thuật khiến vạn vật theo ý mình, lại có ông lôi kéo người tội lỗi quay về với điều thiện…
Tóm lại, các vị thần thành hoàng ở các nơi trên đất Mường được thờ rất phong phú. Nó biểu hiện khá đầy đủ cả tín ngưỡng thờ nhân thần, thờ đá, thờ nước, thờ cây…như những vết tích còn thấy được ở người Kinh dưới xuôi. Điều này càng chứng tỏ sự gần gũi giữa người mường và người Việt. Tương tự như vậy, tín ngưỡng thờ thần đất (của gia đình, của xóm, của làng) ở người mường cũng phổ biến như ở người Việt với tâm thức “đất có thổ công, sông có hà bá”. Việc thờ cúng các vị thần đất của người Mường đôi khi cũng lẫn lộn với việc thờ cúng vị thần này với những vị thần được tôn thờ là người bảo vệ cho làng bản. Trong nhiều trường hợp, các vị thần là chủ đất, những người chủ của đất đai.
Ngoài ra, người Mường ở Hòa Bình còn có những tín ngưỡng rất phong phú liên quan đến vòng đời của con người với việc thờ cúng những người bảo vệ linh hồn của người sống, những vị thần bảo vệ thân thể cho người sống, những tín ngưỡng liên quan đến hôn nhân, tang lễ, sinh nở và những việc diễn ra xung quanh cuộc sống của con người, của dòng họ. Điều này một mặt cho thấy sự phong phú trong cuộc sống tâm linh của người Mường, mặt khác cho thấy vũ trụ quan, nhân sinh quan của người mường gắn bó chặt chẽ với môi trường địa lý tự nhiên và đời sống xã hội của họ.
- VĂN HÓA HÒA BÌNH PHẦN 20 VĂN HÓA DÂN TỘC DAO
- VĂN HÓA HÒA BÌNH PHẦN 19 VĂN HÓA DÂN TỘC DAO
- VĂN HÓA HÒA BÌNH PHẦN 18 VĂN HÓA DÂN TỘC DAO
- VĂN HÓA HÒA BÌNH PHẦN 17 VĂN HÓA DÂN TỘC MÔNG
- VĂN HÓA HÒA BÌNH PHẦN 16 VĂN HÓA DÂN TỘC MÔNG
- VĂN HÓA HÒA BÌNH PHẦN 15 VĂN HÓA DÂN TỘC THÁI
- VĂN HÓA HÒA BÌNH PHẦN 14 VĂN HÓA DÂN TỘC THÁI
- VĂN HÓA HÒA BÌNH PHẦN 13 VĂN HÓA DÂN TỘC THÁI
- VĂN HÓA HÒA BÌNH PHẦN 12 VĂN HÓA DÂN TỘC THÁI
- VĂN HÓA HÒA BÌNH PHẦN 11