NỀN VĂN HÓA HÒA BÌNH (Phần 4)

CÁC DI VẬT CỦA VĂN HÓA HÒA BÌNH CỔ ĐẠI

           Dụng cụ bằng đá cuội:

          Các di vật chính của thời kỳ Văn hóa Hòa Bình chính (niên đại sớm 12.000 năm cách ngày nay) tại tỉnh Hòa Bình và các tỉnh từ Quảng Bình đến Thái Nguyên là các dụng cụ bằng đá cuội ghè đẽotương đối thô sơmột mặt, hoặc chỉ phần lưỡi. Cuội là những hòn đá trên núi bị nước lũ cuốn đi, va chạm, chà xát lẫn nhau trong lòng sông làm vỡ nhỏ ra và các góc cạnh bị mài mòn. Cuội thường hình tròn, dẹp hay bầu dục; bề mặt nhẵn tự nhiên của cuội được gọi là vỏ cuội. Người cổ Hòa Bình nhặt cuội lòng sông hay trên bờ và chọn một số lượng vừa đủ những hòn cuội có hình dạng và cỡ lớn thích hợp với thứ dụng cụ theo ý muốn. Họ chỉ đẽo một đầu hay một bên rìa cuội để có cạnh sắc và tận dụng nguyên trạng phần vỏ cuội nhẵn mòn tự nhiên. Các nhà khảo cổ đã thử nghiệm đẽo cuội hầu tìm hiểu kỹ thuật người xưa. Kỹ thuật đẽo đá có chung một nguyên tắc : người ta dùng một hòn đá thứ hai đánh lên cạnh hòn đá muốn đẽo (đá cuội hay đá lửa). Tùy theo loại đá, sức đánh, cách đánh và chỗ đánh …, hòn cuội vỡ theo một hình nhất định. Với cách đẽo theo một thủ thuật và thứ tự định trước trong đầu, người cổ làm ra nhiều dụng cụ lớn nhỏ với các dáng dạng và cạnh bén khác nhau tuỳ theo những sử dụng cần thiết cho cuộc sống. Vì dụng cụ Hòa Bình không được gọt đẽo công phu, như thể chỉ cần vừa đủ xài, người Hòa Bình có lẽ sản xuất dụng cụ rất nhanh. Để chứng minh điều này, một nhà khảo cổ Thái Lan đã biễu diễn chế tạo dụng cụ cuội cấp kỳ bằng vài nhát đẽo trước cử tọa “ Hội Nghị Hoabinhian 60 năm sau Colani ”.

Vết mòn đường đi cổ có niên đại 8 - 9 ngàn năm tại hang xóm Trại - Hòa Bình

Đa số dụng cụ văn hóa Hòa Bình chỉ được đẽo trên một mặt, mặt bên kia còn nguyên vỏ cuội. Tuy nhiên tại một số địa điểm Bắc Việt Nam và trên bán đảo Mã Lai có dụng cụ đá cuội đẽo hai mặt công phu hơn. Những dụng cụ đá gọi là choppers/ chopping tools này có dáng vẻ thô sơ hơn nhiều so với dụng cụ đẽo tinh xảo của người khôn ngoan  phương Tây cùng thời. Từ điểm này một số nhà khoa học, như ông Movius người Mỹ, đã đặt thuyết vùng Đông Nam Á lạc hậu trì trệ, và người cổ Đông Nam Á kém tiến hóa so với người cổ phía Tây. Ông này vẽ trên bản đồ đường ranh Movius chia thế giới cổ thành một bên tiến bộ và một bên lạc hậu. Quan điểm này tồn tại đến giữa thế kỷ 20. Ngoài ra, còn cócác dụng cụ đào bới có cán tra, các vòng trang sức bằng vỏ ốc. Thời kỳ này các nhà khảo cổ học cũng đã tìm thấy di cốt người ở vài địa điểm.

            Di chỉ muộn của Văn hóa Hòa Bình được tìm thấy ở Bắc Sơn (niên đại sớm 5.000 TCN, thuộc Lạng Sơn. Các dụng cụ bằng đá ở đây đã có một trình độ chế tác cao hơn nhiều, lưỡi đá đã được mài sắc, khảo cổ học gọi là "rìu Bắc Sơn".

Bộ công cụ bằng đá mang đặc trưng của kỹ thuật văn hóa Hòa Bình được tìm thấy tại Quảng Bình

 

Có rất nhiều cuộc tìm kiếm của các nhà khảo cổ Việt Nam gần đây cũng minh chứng cho điều này. Chẳng hạn, trong thời gian vừa qua, Bảo tàng tỉnh Quảng Bình và Viện Khảo cổ học Việt Nam vừa kết thúc đợt điều tra, khảo sát về cổ nhân, cổ sinh và giai đoạn văn hóa Hòa Bình ở Quảng Bình với nhiều phát hiện mới tại các hang đá thuộc huyện miền núi rẻo cao Minh Hóa và Tuyên Hóa. Tại các hang Cây Đa 1, Cây Đa 2 và hang Cà Rung còn lưu giữ được nhiều dấu tích cổ nhân, cổ sinh và cổ môi trường. Tại hang Trăn (xã Tân Hóa), các nhà khảo cổ thu được một chiếc rìu vai vuông cân, ở hang Khái (thị trấn Qui Đạt) thu được một rìu mài cân, ở hang Cà Rung (xã Thượng Hóa) có rìu đá mài hai mặt... và nhiều vết ghè đẽo có niên đại khoảng 8.000-10.000 năm. 

Hình mặt người khắc trên vách hang Đồng Nội – Hòa Bình

Hình mặt thú khắc trên đá ở Hòa Bình

Nhóm khảo sát cũng tìm thấy tại hang Trăn (xã Tân Hóa) nhiều di vật đá như chày nghiền, bàn kê, hòn kê và các mảnh gốm có văn thừng thô, văn thừng biến thể có màu đen ánh chì do đã được dùng để đun nấu, thuộc hậu kỳ đồ đá mới cách nay từ 4.000-5.000 năm. Trong khi đó tại hang Chùa (xã Thạch Hóa, Tuyên Hóa), nhóm phát hiện còn khá nguyên vẹn trầm tích bám ở vách, trần cuối hang. Tại đây cũng thu được một số răng của cổ động vật, nghi ngờ là răng của cổ nhân, nên đã được đưa ra Viện Khảo cổ học Việt Nam giám định.

           Đồ mỹ thuật:

          Hai chị em bà Colani cũng có công tìm được dấu mỹ thuật trong di vật cư dân cổ Hòa Bình – Bắc Sơn, như đồ trang sức bằng đất nung có dùi lỗ và xâu thành chuỗi, vỏ ốc biển mài thủng lưng có thể xâu dây đeo làm trang sức, đá phiến hay đá cuội to có khía vạch song song (ở Phố Bình Gia). Trong văn hóa Bắc Sơn, bà Colani tìm thấy tại hang Nghinh Tắc một phiến đất sét vàng mịn có trang trí với mười lăm nhóm vạch trên mặt và bên rìa ; bà tìm được tại Nà Ca một phiến đá trang trí hai mặt những đường cong chia nhánh, cùng một hòn cuội khắc đầu người với tai mắt, mũi, miệng, cằm, cổ, và tại động Ky, một phiến đá một mặt trang trí nhiều hình kỷ hà, mặt kia khắc một mặt người. Trong hang Đồng Nội, ngoài những mảnh gốm thô có trang trí, bà khám phá bốn hình khắc sâu trên vách hang. Đó là những mặt người có đủ mắt mũi miệng, đặc biệt trên đỉnh đầu có vẽ một nhánh thẳng lên và chia thành hai nhánh cong ra ngoài, trông giống như người đội sừng. Đó là hầu hết những biểu tượng mỹ thuật người ta biết đến ngày nay trong hai nền văn hóa cổ này.

            Nông nghiệp và sự phát triển của đồ gốm:

          Sự phân công lao động thời kỳ này chưa phát triển, số lượng vỏ nhuyễn thể cũng cho thấy nông nghiệp chưa có vai trò lớn trong đời sống các cư dân và sự xuất hiện của gốm lúc này cũng chưa thể xác định rõ ràng được mức độ tham gia vào đời sống của những cư dân tiền sử. Nhưng vào thời kỳ đồ đá mới thì nông nghiệp trồng lúa đã xác định được chỗ đứng của mình. Những phôi khảo cổ của hạt thóc cháy tìm thấy được ở đây đã nói lên điều này. Vậy sự ra đời và phát triển của nông nghiệp thời tiền sử có mối liên kết thế nào với việc chế tác đồ gốm? Chính mục đích sử dụng ban đầu của đồ gốm đã đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho câu hỏi này. Những tác phẩm gốm sơ khai đã chứng kiến cả một quá trình tiến hoá của cư dân tiền sử nơi này, nhưng cũng có thể chúng chính là tác nhân quan trọng của quá trình ấy.

          Ở nền văn hóa Hòa Bình, các nhà khảo cổ đã tìm thấy các mảnh gốm không có hình thù do kỹ thuật nung chưa đạt nhiệt độ cao, đây là di tích đồ gốm xưa nhất của cư dân Văn hóa Hòa Bình cho đến nay đã tìm thấy. Đồ gốm đã có tiến bộ, kỹ thuật được làm thủ công, cư dân ở đây nặn các dải đất dài, rồi cuộn tròn từ đáy lên miệng và miết kín khe hở, nung gốm bằng chất củi đốt xung quanh.Tại khu vực hang Hoà Bình - một trong những di chỉ tiền sử tiêu biểu của Việt Nam - các nhà nghiên cứu đã tìm thấy rất nhiều hiện vật khảo cổ. Trong góc khuất của hang, bên cạnh những di vật đá và vỏ nhuyễn thể, các mảnh vụn gốm đơn giản cũng được tìm thấy khá nhiều. Và đó cũng chính là một trong những chứng nhân của lịch sử mà quá khứ đã ưu ái giành cho các nhà nghiên cứu.

          Căn cứ vào những mảnh gốm vụn được tìm thấy, có thể hình dung lại phần nào vai trò bước đầu của gốm, đó là do nhu cầu đồ đựng cho những sản phẩm nông nghiệp ngày càng phát triển mà chỉ có những sản phẩm đất nung mới có thể đáp ứng được. Đa Bút và Quỳnh Văn là hai trung tâm văn hoá ven biển ở thời kỳ tiền sử, song Cái Bèo được coi là di chỉ sớm hơn đó. Những dấu vết tìm thấy ở không gian Hoà Bình, Bắc Sơn cho phép các chuyên gia kết luận về một không gian sản xuất gốm ngoài trời xưa kia. Những loại lương thực sản xuất ra ngày càng nhiều buộc phải có dụng cụ lưu giữ chống hư hỏng, và như vậy hình thức lưu giữ đơn giản như thời gian trước không còn phù hợp nữa, do đó đồ gốm trở thành những đồ dùng hữu dụng nhất. Căn cứ vào những mảnh gốm vụn, các chuyên gia có thể đánh giá được rõ ràng những dữ liệu liên quan tới chất lượng gốm thời kỳ này. Do độ nung chưa cao nên những mảnh gốm rất dễ mềm và mủn khi bị ẩm hoặc chôn dưới đất, những hoa văn gốm lúc này cũng chỉ dừng lại ở trình độ đơn giản nhất, chất lượng đất tạo nên xương gốm còn chưa chọn lọc và phương thức mới ở ngoài trời tại nơi cư trú. Lúc bấy giờ, theo phán đoán của các chuyên gia, những cư dân tiền sử ở Việt Nam sử dụng nguyên liệu có sẵn là đất ngay tại nơi cư trú để tạo ra khuôn đồ đựng của mình rồi mới đưa vào các lò nung ở ngoài trời. Thao tác ban đầu của họ vẫn đơn giản chỉ là việc tạo ra một dụng cụ với một chức năng cụ thể là làm đồ đựng, cũng chính vì vậy mà hầu hết các phôi khảo cổ tìm được ở vào giai đoạn này đều có hình thức giống nhau là khá đơn giản về chất lượng xương gốm và hình dáng mảnh vụn. Do việc tạo xương gốm đơn giản nên bề mặt của các sản phẩm gốm được chế tạo thời kỳ này không có được độ mịn như thời kỳ sau. Nhưng cùng với thời gian, nông nghiệp mà đặc biệt là kỹ năng trồng lúa của các cư dân tiền sử ngày càng có những bước tiến liên tục đã kéo theo sự tiến bộ trong việc sản xuất ra đồ gốm.

          Một trong những công đoạn của kỹ thuật viên phòng sưu tầm Bảo tàng lịch sử cần làm sau khi đã xác định được niên đại là phải tìm ra được chất liệu xương gốm và cách tạo vân trên sản phẩm. Sau khi gắn chặt lớp đất chuyên dụng vào bề mặt trong, ngoài hiện vật và chờ cho khô, người ta bắt đầu bóc lớp đất ấy ra. Những chi tiết của hoa văn sản phẩm gốm sẽ hiện lên trên khuôn đất một cách rõ ràng, và điều bất ngờ là những hoa văn đó được hình thành bởi các nan tre. Thuở ban đầu, hầu hết những đồ vật và các sản phẩm nông nghiệp thường được đựng trong các sản phẩm tre đan, sau đó, với những phát hiện đầy tính ưu việt của đồ gốm, việc chế tạo gốm cũng có những nguyên tắc nhất định. Người ta sử dụng chính những sản phẩm tre đan thường ngày ấy rồi bao bọc ra bên ngoài một lớp đất sét trước khi đem nung thành những đồ vật đất nung mà ta gọi là đồ gốm, tuy lúc bấy giờ còn sơ khai. Sự hình thành đồ gốm lúc này vô tình đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống của cư dân tiền sử.

          Việc xuất hiện của đồ gốm không chỉ giải quyết được nhu cầu về đồ đựng các loại hạt nông nghiệp, mà nó còn được họ lợi dụng vào nhiều công việc khác nữa. Sự tồn tại của các bình gốm cho phép các cư dân tiền sử đun nấu nhiều món ăn mà trước đây họ không thể thực hiện được bởi không có những dụng cụ đun nấu phù hợp. Đây có thể coi như một bước tiến lớn và rất quan trọng trong cơ cấu bữa ăn của chủ nhân khu vực này, họ đã có thể ăn chín những đồ ăn lỏng, điều mà trước đó không thể thực hiện được.

          Trước đây, khi không có những dụng cụ đun nấu, các cư dân tiền sử chỉ có thể thực hiện việc nướng chín với các đồ ăn khô như thịt động vật hay các

Rìu đá cổ có niên đại khoảng 10.000 năm

động vật nhuyễn thể khác. Vào thời gian sau, khi tiến bộ về nông nghiệp đã đưa những chủ nhân ấy đứng trước những thuận lợi thì việc chế biến thức ăn chín ở dạng lỏng đã giúp nhiều cho sự tiến hoá của chính họ. Thức ăn chín ở dạng lỏng giúp cho loài người có được sự tiến hoá mạnh mẽ về chất. Các tập tục chôn người chết hay nhiều hoạt động khác đã hình thành, điều mà trước đây chưa bao giờ họ thực hiện. Có thể nói, sự xuất hiện của đồ gốm và công việc chế tác đồ gốm thời kỳ này đã có những tác động đáng kể tới quá trình tiến hoá của những cư dân tiền sử ở Việt Nam. Những hiện vật gốm tìm thấy được ở vào giai đoạn này tuy còn rất thô sơ từ hình dáng cho tới chất lượng và cách tạo hoa văn, song việc chế tạo ra chúng chính là một bước nhảy lớn của những chủ nhân nơi này sau giai đoạn tạo ra các dụng cụ bằng đá. Cùng với nông nghiệp và các phương thức phân công lao động, sự có mặt của đồ gốm vào giai đoạn này đã tạo dấu ấn cho một giai đoạn phát triển mới của cư dân tiền sử Việt Nam, và chúng cũng chính là nhân chứng chứng kiến cả một thời kỳ phát triển và tiến hoá từ thời kỳ đồ đá mới của các cư dân nơi đây. Do nguyên nhân xuất hiện của đồ gốm là đáp ứng nhu cầu lưu trữ các loại hình lương thực nên cấu tạo của hầu hết các sản phẩm gốm thời kỳ tiền sử mang nặng tính chất thực dụng hơn so với thời kỳ sau. Cũng bởi tính chất cư trú lúc bấy giờ của họ là sinh sống cộng đồng trong một địa vực lớn như hang động, nên các đồ dùng trong sinh hoạt của họ cũng biểu hiện nặng nề tính cộng đồng, và điều đó đã làm nên một đặc tính quan trọng cho các sản phẩm gốm thời kỳ này. Lúc này đây, do sự phát triển đặc trưng của cư dân tiền sử là sinh sống tập trung trong những hang động, thêm vào đó là trình độ phát triển của những dụng cụ lao động chưa đạt tới trình độ cao nên hầu hết các sản phẩm gốm thời kỳ này đều chỉ được phát hiện ở trong phạm vi cư trú chứ chưa có quy mô lớn hơn như thời kỳ sau. Thời điểm xuất hiện gốm ở Việt Nam được nhận định là tương đối sớm, và có lẽ gốm không chỉ có mặt tại đây như một chứng nhân cho sự phát triển và tiến hoá của các cư dân tiền sử Việt Nam, mà chúng còn đóng vai trò là tác nhân quan trọng cho quá trình đó.

          Trở lại với không gian của thời kỳ tiền sử qua gian trưng bày của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, người ta có thể dễ dàng nhận thấy sự xuất hiện song hành của gốm Việt Nam trong suốt cả quá trình tiến hoá của dân tộc thời kỳ tiền sử. Thời gian đã chứng minh cho tất cả những hoạt động của con người trong cả một quá trình lâu dài đều ít nhiều gắn bó với công việc sản xuất ra các sản phẩm nhất định, và gốm ở đây chính là loại sản phẩm ấy, song người ta biết rằng không chỉ trong giai đoạn tiền sử này, cả những thời kỳ tiếp theo, gốm Việt đều xác định chỗ đứng của mình trong tiến trình phát triển của dân tộc. Những mảnh

gốm đơn giản cho thấy không chỉ một quá trình phát triển của một ngành nghề để tạo ra sản phẩm phục vụ  cuộc sống, hơn thế nữa nó còn thể hiện được khả năng sáng tạo của một cộng đồng cư dân trong nỗ lực tìm đến sự hoàn thiện trong cuộc sống. Cũng từ đó, nền tảng của một khu vực văn hoá được sơ bộ hình thành để tạo nên sự khác biệt giữa những khu vực khác nhau trong một không gian sinh sống. Quá trình tham gia vào lao động của nhân loại đi từ những bước khởi đầu sơ khai nhất cho tới đỉnh cao của nghệ thuật thời gian sau. Sự góp mặt của các sản phẩm gốm vào quá trình ấy cũng không nằm ngoài quy luật đó. Từ những ý đồ phục vụ nhu cầu đời sống hàng ngày cho tới khi hình thành được cả một hệ thống tư duy dù còn sơ khai về vũ trụ, về đời sống, trong một giai đoạn không dài, gốm tiền sử đã để lại dấu ấn không dễ phủ nhận. Từ những hoạt động thường ngày để tạo ra của cải nuôi sốngcon người, cho tới khi những hoạt động ấy đưa con người tới một mức độ phát triển nhất định, gốm Việt cũng đi được cả một quãng đường dài. Sau thời kỳ tiền sử mà Cái Bèo là tiêu biểu thì văn hoá Việt và gốm Việt chuẩn bị bước sang một giai đoạn mới với những gương mặt của Đa Bút và Quỳnh Văn.

          ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ VĂN HÓA CỔ ĐẠI HÒA BÌNH

          Quan điểm của Solheim và các nhà khảo cổ nước ngoài:

          Vào thời kỳ đầu thế kỷ 20, các nhà khảo cổ học thực sự chưa khám phá đủ số lượng cần thiết và nhiều địa điểm chưa được khám phá, dựa trên các dụng cụ thô sơ chỉ đẽo một mặt nên việc đánh giá các di vật này chưa được chính xác với tầm quan trọng của Văn hóa Hòa Bình. Nhưng đến thập niên 1960 các khám phá khảo cổ gây sự chú ý các nhà khảo cổ học thế giới tại Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, các đảo nam Thái Bình Dương khiến các nhà tiền sử học đặt lại vấn đề người tiền sử tại Đông Nam Á.

          Những năm gần đây, các nhà khảo cổ học đã có những khám phá mang tính đột phá khi quan niệm mới về sự tiện dụng trong vùng Đông Nam Á nhiệt đới cổ xưa không cần hoàn toàn dựa vào các công cụ sinh hoạt và kiếm ăn bằng đá cuội, khi quan sát các bộ lạc còn sót lại và bị biệt lập tại các đảo trong quần đảo Indonesia và tập quán dùng đồ tre, nứa, và các loại mũi tên tẩm độc để săn bắn các con thú lớn, cũng như tập tục ăn , ốc biển, ốc nước ngọt, các loại cá sắn có trong các làn nước ấm.

          Các bằng chứng ngày càng nhiều về một nền văn minh Đông Nam Á đã làm lung lay nhiều thuyết tiền cổ đứng vững nhiều thập kỷ của thế kỷ 20. Người tiên phong trong việc đề xuất hướng mới cho nguồn gốc loài người là ông Solheim II, giáo sư Đại học Hawaii. Năm 1967, Solhiem II cho công bố trên nhiều tài liệu nói về sự ra đời sớm của việc trồng trọt, làm gốm, đóng thuyền, đúc đồ đồng thau...Theo Solheim II, giai đoạn sớm văn hóa Hòa Bình bắt đầu năm mươi ngàn năm trước, và giai đoạn muộn, theo Gorman, kéo dài đến ba ngàn năm trăm năm trước ngày nay. Và chủ nhân văn hóa này là những người đầu tiên biết trồng trọt, đúc đồ kim loại, đóng thuyền đi biển, đem văn hóa họ đến bắc Trung Hoa, Nhật Bản, Philippines…Mô hình tiền sử của Solheim II tái lập danh dự cho tổ tiên người Đông Nam Á.

Trang sức của người Việt cổ

          Sau Solheim II, một số nhà khảo cổ học khác như Meacham ở Hồng Kông, Higham ở New Zealand, Pookajorn ở Thái Lan đều thống nhất quan điểm, vùng Đông Nam Á, từ Thái Lan xuống Indonesia qua bán đảo Đông Dương, là cái nôi của văn minh Nam Á- Nam Đảo. Và mới đây, Oppenheimer còn đi xa hơn nữa, khi đưa ra thuyết rằng văn minh Đông Nam Á là cội nguồn của văn minh phương Tây, rằng khi cư dân thềm Sunda di tản tránh biển dâng, họ đã đến vùng Lưỡng Hà - Trung Đông, mang theo kinh nghiện trồng trọt, làm đồ gồm và sự tích Đại hồng thủy

Một vài hình ảnh hiện vật Văn hóa Hòa Bình

          Ông Oppenheimer dùng cách tiếp cập đa ngành và thêm một số kết quả mới để chứng minh  người cổ Đông Nam Á văn minh sớm hơn nơi khác, và đã đem văn hóa họ vào một vùng lớn lục địa và hải đảo, đến tận trời Tây. Theo ông, nạn biển dâng cao vào khoảng mươi ngàn năm trước, nhận chìm xuống biển phần đất rộng lớn nơi họ sống, là động cơ thúc đẩy họ phải thích ứng với việc dùng thuyền đi xa. Dù ông không nói đó là công trình của chủ nhân văn hóa Hòa Bình, luận điểm “ người tiền sử Đông Nam Á kém tiến hóa vì dụng cụ đá đẽo kiểu Hòa Bình của họ thô sơ ” ngày nay không còn thuyết phục ai. Có lẽ triết lý của người tiền sử Đông Nam Á là không cần bỏ công sức thì giờ gọt đẽo tỉ mỉ dụng cụ đá nếu cuộc sống không đòi hỏi. Ngược lại, có nhiều khả năng họ đã biết làm và dùng dụng cụ tre, gỗ, mây, dây, lá rừng, là những nguyên liệu dồi dào nơi họ sống, một môi trường sinh thái giàu thực vật và động vật đủ loại (rừng mưa nhiệt đới).

vài    Cũng nên biết nhiều nền văn hóa của người khôn ngoan  nối tiếp nhau trên đất Bắc Việt trong thời tiền sử:  trước văn hóa Hòa Bình có văn hóa Sơn Vi, và tiếp nối có văn hóa Bắc Sơn. Văn hóa Bắc Sơn có mặt gần như song song với giai đoạn trễ văn hóa Hoà Bình, và được phát hiện trước văn hóa Hòa Bình (đầu thế kỷ hai mươi) trong vùng cực bắc Việt Nam (vùng Lạng Sơn). Bà Colani và ông Mansuy xem văn hóa Bắc Sơn như là một văn hóa hình thành do sự pha trộn văn hóa cổ tại chỗ với văn hóa cao hơn do di dân nơi khác mang vào Bắc Việt, trong khi giới khảo cổ Việt Nam xem văn hóa này là văn hóa bản địa với các yếu tố văn hóa Hòa Bình và thêm kỹ thuật mài ở lưỡi dụng cụ đá cuội. Văn hóa Bắc Sơn như vậy tiến bộ hơn văn hóa Hòa Bình : rìu đá có lưỡi mài nhẵn hiệu quả nhiều hơn rìu đẽo thô trong việc đốn cây, mở đầu cho việc trồng trọt.

          2. Quan điểm các nhà khảo cổ Việt Nam:

          Các nhà khảo cổ trong nước cho rằng "Văn hóa Hòa Bình" đã đặt dấu mốc quan trọng cho sự mở đầu và phát triển rực rỡ của thời kỳ Đá Mới. Nó đã đặt nền móng cho sự phát triển của nhiều nền văn hóa sau này như Văn hóa Bắc Sơn, Văn hóa Sa Huỳnh...Từ năm 1963 đến nay, với sự ra đời của ngành khảo cổ học Việt Nam, công tác nghiên cứu văn hoá Hoà Bình đã bước vào giai đoạn mới. Cùng với việc kiểm tra, khảo sát lại các di tích, di vật mà người Pháp đã khai quật và để lại, tính đến nay, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành tìm kiếm, phát hiện trên 130 địa điểm văn hoá Hoà Bình, trong đó, riêng địa phận tỉnh Hoà Bình đã có trên 70 địa điểm được khảo sát và tiến hành nghiên cứu. Văn hoá Hoà Bình không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn xuất hiện và tồn tại ở nhiều quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á; kéo dài từ phía Nam Trung Quốc đến đảo Sumatra của Indonexia theo chiều dọc, từ Thái Lan qua Đông Dương sang tận Philippin theo chiều ngang và tồn tại trong khoảng thời gian dài từ cuối kỳ Pleistocene đến giữ kỳ Holocene, cách ngày nay khoảng 30.000 – 40.000 năm.

          Tại Việt Nam, các di tích văn hoá Hoà Bình phân bố không đều, tập trung nhiều nhất tại hai tỉnh: Hoà Bình (72 điểm) và Thanh Hoá (32 điểm). Số còn lại phân bố rải rác ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình và Quảng Trị. Các di tích chủ yếu tập trung ở các vùng núi đá vôi tại các thung lũng hoặc các hang động, mái đá.

          Ngày nay, trên cơ sở những cứ liệu khoa học mới được phát hiện, cùng với sự hỗ trợ của các phương tiện khoa học hiện đại, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tạm thống nhất đưa ra một phác đồ về khung niên đại của nền văn hoá Hoà Bình tại Việt Nam như sau:

          - Niên đại mở đầu của nền văn hoá Hoà Bình là khoảng từ 16.470 ± 80 năm (di chỉ Làng Vành - Lạc Sơn) đến 18.420 ± 50 năm cách ngày nay (di chỉ hang Xóm Trại - Lạc Sơn).

          - Niên đại kết thúc của nền văn hoá Hoà Bình là 7.500 năm cách ngày nay (lấy niên đại C14 ở di chỉ Hang Đắng làm tiêu điểm)...

          Tóm lại, sự hiện diện của nền văn hoá Hoà Bình không chỉ là một minh chứng khẳng định Việt Nam là một địa điểm nằm trong khu vực được xác định là chiếc nôi của loài người, mà còn cung cấp cho các nhà khảo cổ, các nhà khoa học, các nhà nhân chủng học ...trong nước và quốc tế những cứ liệu khoa học về quá trình chuyển hoá sinh học từ người vượn tiền sử Homoeretus tiến lên người hiện đại Homosapiens, về phương thức kiếm sống và canh tác với nền kinh tế trồng trọt phát triển hơn kinh tế chăn nuôi; về tổ chức xã hội, khi con người ở đây đã tiến  từ giai đoạn “ bầy người” tới tổ chức bộ lạc nguyên thuỷ....

          Tuy nhiên, những nhận định trên đây mới chỉ là những nét khái quát và là những ý kiến chung của nhiều nhà khoa học hiện nay. Vấn đề văn hoá Hoà Bình cần phải được tiếp tục nghiên cứu với sự hỗ trợ của của các phương tiện khoa học hiện đại nhằm có một bức tranh toàn cảnh đầy đủ và chính xác hơn. Với những di vật hiện có được khai quật tại các di chỉ khảo cổ trong thời gian qua, chúng ta có thể phần nào vén bức màn thời gian tìm hiểu sự sống và những nét căn bản của sự phát triển xã hội của tổ tiên tiền sử người Việt đã tồn tại và đang lưu giữ một nền văn hoá nguyên thuỷ: Văn hoá Hoà Bình. Các di vật tiêu biểu tìm thấy trên đất Hoà Bình là trống đồng, mộ táng và các tổ hợp di vật bao gồm các công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt phản ánh đời sống xã hội và các phương thức sinh sống của người tiền sử Hoà Bình.

            Như vậy, có thể nói Hoà Bình là vùng đất cổ - nơi lưu giữ nhiều di chỉ và các truyền thống văn hoá của người Việt cách đây hàng vạn năm.Là những người con của quê hương Hòa Bình, chúng tôi cảm thấy tự hào vì mảnh đất này là một trong những trung tâm của người nguyên thủy ở Việt Nam, là địa điểm được dùng để đặt tên cho cả một nền văn hóa cổ đại lớn của nhân loại ở thời kỳ Đồ đá mới: Văn hóa Hòa Bình.

Còn nữa

 


File đính kèm: chuong 4.pdf
Liên kết web :
Đang online : 7
Hôm nay : 1362
Tháng hiện tại : 21420
Tổng lượt truy cập : 1402060