Đinh Xuân Trường trong lần xuất hiện trên kênh truyền hình Russia -1, khu vực Irkutsk.
22 tuổi, du học tại nước Nga – Đinh Xuân Trường, chàng du học sinh Việt Nam đã gây chú ý trên kênh truyền hình danh tiếng Russia 1 với niềm đam mê làm phim của mình.
Ngày 13/12 vừa rồi – Kênh truyền hình danh tiếng Russia 1 tại khu vực Irkutsk (Siberia, Nga) đã phát phóng sự về một chàng du học sinh Việt Nam một mình làm phim tài liệu tại chính xứ sở Bạch Dương, kèm theo lời bình luận của đạo diễn kì cựu Vladimir Samolichenko: “Tất cả sự nhạy bén cũng như tài năng của chàng trai này là cậu ấy lưu giữ chính xác và nắm bắt trực tiếp được vấn đề mấu chốt”.
PV: Xin chào Trường. Cảm xúc của bạn khi xuất hiện trên kênh truyền hình hàng đầu nước Nga là?
Đinh Xuân Trường: Khi nhận được điện thoại của phóng viên ban Thời sự kênh Russia-1 thì mình đã “giật mình thon thót”. Trong đầu suy nghĩ liên miên không biết mình đã làm gì mà để phóng viên của đài truyền hình lớn như vậy “sờ gáy”. Sau khi đã trò chuyện sáng tỏ và đến khi đứng trước ống kính rồi mình vẫn hơi run bởi từ trước tới nay mình toàn đi quay... người khác. Giờ lại bị người khác quay... lại nên hơi bỡ ngỡ.
Vì sao bạn chọn làm phim tài liệu mà không phải là bất cứ thể loại nào khác?
Mình đam mê với truyền hình, và đặc biệt là phim tài liệu mới chỉ gần 2 năm trở lại đây. Ngày nay hầu hết các bạn trẻ đều đam mê những bộ phim kỹ xảo hoành tráng của Hollywood, phim tình cảm lãng mạn Hàn Quốc.. , chả mấy người quan tâm tới phim tài liệu bởi hầu hết cảm thấy rằng chúng tẻ nhạt, và “già”. Còn mình thì yêu thích phim tài liệu là bởi nó luôn mang lại những giá trị rất thực về cuộc sống, con người.
Bạn có thể chia sẻ gì về những tác phẩm của mình?
Tác phẩm đầu tay của mình mang tên “Irkutsk trong mắt tôi”. Nhiều người gọi nó là phim nhưng mình chỉ dám gọi nó là “mẩu clip” ngắn mà thôi. Clip này mình quay trong gần 1 năm rưỡi. Bắt đầu từ những ngày đầu với bao cảm xúc mới lạ khi vừa đặt chân tới thành phố Irkutsk – thủ phủ của Đông Siberi lạnh giá, rồi tiếp theo là những cảm nhận của mình về các địa danh, con người, các ngày lễ của thành phố.
Mình không ngờ thầy giáo mình lại thích clip này đến vậy. Thầy mang nó đi khắp nơi và chiếu cho các sinh viên Nga của thầy xem. Từ đó đến nay mình đã “xuất xưởng” 5 tác phẩm. Hầu hết cũng đều là những vấn đề liên quan đến thành phố Irkutsk dưới góc độ đánh giá của một người nước ngoài như mình.
Lý do bạn chọn nước Nga để học báo – học truyền hình?
Mình cảm thấy rất may mắn khi được học báo tại Nga bởi đây chính là cái nôi đã đào tạo nên những nhà báo truyền hình nổi tiếng mà nhiều người Việt Nam yêu quý như chú Lại Văn Sâm, hay cô Tạ Bích Loan... Các thầy cô giáo luôn luôn cởi mở với sinh viên. Đôi khi mình vẫn vấp phải rào cản ngôn ngữ nhưng thầy cô vẫn bình tĩnh, lắng nghe, giải thích cho mình hiểu.
Hè vừa rồi mình có cơ hội được thực tập hình tháng tại kênh AS Baikal TV – 1 trong những kênh truyền hình lớn nhất thành phố Irkutsk. Tại đây mình nhận được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý báu từ các nhà làm truyền hình Nga.
Mình cũng muốn chia sẻ thêm rằng, người ảnh hưởng tới mình nhiều nhất trong quá trình học báo là thầy giáo chủ nhiệm môn Truyền hình, đạo diễn Vladimir Samoilichenko – Tổng biên tập xưởng phim thời sự Đông Siberi, Chủ tịch chi nhánh Đông Siberi thuộc Hiệp hội các nhà làm phim Nga.
Thầy chính là người đầu tiên xem những tác phẩm của mình, và là người luôn động viên, truyền nhiệt huyết để mình tiếp tục theo nghiệp truyền hình. Thầy có một kho phim tài liệu nước Nga từ thời Xô-viết đến hiện đại vô cùng phong phú và quý giá. Thích nhất là sau mỗi giờ học hai thầy trò lại ngồi xem và cùng bàn luận về các bộ phim.
Là một thành viên trụ cột của Bản tin truyền hình du học sinh SvIrk365, điều này có giúp ích cho việc học, làm phim của bạn không?
Mình là một trong năm chàng ngự lâm quân đầu tiên của chương trình truyền hình sinh viên SvIrk 365 tại Irkutsk. Có thể nói SvIrk 365 và những mô hình như SvIrk 365 là những “lò đào tạo” tuyệt vời cho các bạn trẻ đam mê với truyền hình như mình. Một năm làm việc tại SvIrk 365 đã cho mình những kỹ năng tuyệt vời và hữu ích trong quá trình tạo ra các tác phẩm của mình. Từ khâu lên kịch bản, quay phim, dựng hình, lồng tiếng…, giờ mình có thể tự tay làm hết thảy.
Kế hoạch sắp tới của nhà báo - nhà làm phim tương lai là?
Hiện giờ mình đang từng bước hiện thực hóa ước mơ bấy lâu của mình – một bộ phim tài liệu thực sự. Mình cùng thầy đang viết kịch bản và hy vọng sẽ khởi quay trong thời gian sớm nhất. Chắc chắn lần này sẽ là một nhóm sản xuất chuyên nghiệp cùng làm việc chứ không phải là “đánh du kích” bằng máy ảnh kỹ thuật số tự quay, tự dựng phim từ A-Z một mình nữa.
Xin cảm ơn Trường và mong sớm được đón xem những bộ phim có chất lượng của bạn gửi về từ xứ sở Bạch Dương.
Thực hiện: Hoài Đảm - theo Báo Dân trí điện tử
- Xe thư viện lưu động đưa kiến thức đến với học sinh vùng cao Hòa Bình
- Huỳnh Tấn Phát - Người trí thức cách mạng mẫu mực
- Hiệp định Pari năm 1973 - Chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam
- Lê Hồng Phong - Người chiến sĩ cộng sản trọn đời "sống vì Đảng, chết không rời Đảng".
- Người Việt Nam chưa có văn hóa đọc
- Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin thư viện thời kỳ hiện đại
- Văn hóa đọc sách của giới trẻ ngày nay
- Hưởng ứng ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3
- Đêm thơ Nguyên tiêu Xuân Quý Tỵ tại Hòa Bình
- Thanh niên Việt đang đọc gì?