Đồng chí Huỳnh Tấn Phát báo cáo quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Ảnh tư liệu Bảo tàng Bến Tre
BDK - Là một nhà cách mạng yêu nước, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được Đảng, Nhà nước và nhân dân tín nhiệm trao giữ nhiều trọng trách trong cả giai đoạn chiến tranh và sau giải phóng: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Phó thủ tướng Chính phủ, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng
Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi vẻ vang, đồng chí Huỳnh Tấn Phát dành nhiều thời gian đi thăm hỏi, nắm bắt tình hình, tâm tư, tình cảm của các tầng lớp nhân dân và trình bày rõ lập trường, quan điểm của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong tình hình mới của đất nước. Đồng chí đã tham gia giải quyết những công việc trọng đại của đất nước và trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, cả về đối nội và đối ngoại bằng những chính sách, kế hoạch hợp lý tạo nền tảng ban đầu nhằm xây dựng miền Nam có được diện mạo như ngày hôm nay.
Trên cương vị là Phó thủ tướng Chính phủ, phụ trách quy hoạch đô thị, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã giành nhiều thời gian đi tìm hiểu thực tế và kiểm tra công tác quy hoạch, đặc biệt là đối với các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng để có cái nhìn tổng thể và có nhiều đóng góp vào công việc chung của Chính phủ, đặc biệt với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về cải tạo, khôi phục và phát triển kinh tế đất nước sau chiến tranh. Đồng chí dành nhiều thời gian đi các địa phương để khảo sát thực tế tình hình, trao đổi với chính quyền và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là với giới trí thức về những vấn đề nóng bỏng của đất nước để phục vụ cho công tác quản lý, điều hành của Chính phủ.
Cuộc đời đồng chí Huỳnh Tấn Phát gắn liền với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và có những cống hiến to lớn trong sự nghiệp cao cả này. Từ khi bắt đầu tham gia phong trào yêu nước cho đến khi làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đồng chí liên tục được phân công đảm nhiệm công tác vận động quần chúng; vừa là người tổ chức, chỉ đạo, vừa là người trực tiếp làm công tác phong trào.
Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được Đảng và nhân dân giao nhiều trọng trách về mặt nhà nước, đồng thời phụ trách công tác vận động quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là hình ảnh tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết quốc tế. Rất nhiều nhà lãnh đạo, nhân vật tiêu biểu và nhân dân tiến bộ trên thế giới xem ông là một trong những “đầu mối” để thiết lập tình đoàn kết, gắn bó với nhân dân Việt Nam. Trên cả hai mặt trận, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, đồng chí đều làm tròn trách nhiệm, có những đóng góp đặc biệt quan trọng. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam là thắng lợi của sự phát huy sức mạnh dân tộc gắn với sức mạnh thời đại mà đồng chí là một trong những nhân tố then chốt.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát còn là người đã đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp xây dựng đất nước, xây dựng Thủ đô Hà Nội và nền kiến trúc Việt Nam. Đồng chí đã để lại những công trình, tác phẩm xuất sắc như: Bản quy hoạch Thủ đô Hà Nội năm 1981, Bảo tàng các Vua Hùng, Nhà hát Hòa Bình TP. Hồ Chí Minh. Riêng bản thiết kế Bảo tàng Hồ Chí Minh 1979 - 1985 được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996.
Ngoài ra, đồng chí còn chỉ đạo và góp ý kiến nhiều dự án thiết kế quy hoạch các đô thị lớn trong cả nước như: Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh, Phan Thiết, Nha Trang, Vũng Tàu - Côn Đảo, Tây Ninh, Lạng Sơn. Nhiều công trình kiến trúc để lại như: Sân bay Nội Bài, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Cung Thiếu nhi Hà Nội… đã góp phần xây dựng nền nghệ thuật kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.
Tấm gương sáng về đạo đức cách mạng
Nhận thức được chính nghĩa, giá trị nhân văn to lớn của sự nghiệp cách mạng, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã làm cách mạng một cách trọn vẹn cả tâm và lực. Trên cương vị lãnh đạo cao cấp, đồng chí không yêu cầu bất cứ đặc ân, đặc quyền nào cho bản thân và gia đình. Là một trí thức lớn và là một cán bộ cấp cao nhưng trong sinh hoạt, đồng chí Huỳnh Tấn Phát luôn thể hiện phong cách bình dị, gần gũi, ân cần, cởi mở, hết lòng yêu thương đồng chí, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn với mọi người; là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng của người cộng sản kiên trung, suốt đời hy sinh, phục vụ nhân dân, đất nước.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là một người thân thiện và gần gũi, hào phóng, lịch thiệp, một mẫu người trí thức sớm giác ngộ và dám dấn thân, hòa mình vào cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất cho đất nước; luôn trung thực với mình với người và với cách mạng, sống trong sáng cả trong đấu tranh cũng như trong đời thường; là người có phong cách sống và làm việc quần chúng, dễ gây thiện cảm, có sức thu hút lớn.
Nét nổi bật trong phong cách của đồng chí Huỳnh Tấn Phát là tác phong làm việc tỉ mỉ, cụ thể, cởi mở, dân chủ. Ông thường xuyên đi cơ sở, gặp gỡ cán bộ và nhân dân, khơi gợi một cách dân chủ để mọi người phát biểu, đề xuất, lắng nghe ý kiến của nhân dân để suy nghĩ, cân nhắc, giải quyết phù hợp và có hiệu quả nhất những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Mỗi quyết sách của đồng chí đều là kết quả tìm tòi trên cơ sở tập hợp trí tuệ của quần chúng.
Cuộc đời đồng chí Huỳnh Tấn Phát cho thấy rõ: khi có lòng yêu nước, thương dân nồng nàn, khi đặt lợi ích đất nước lên trên lợi ích bản thân, khi đề cao đạo đức trong sáng, khiêm nhường và biết sử dụng tài năng của mình “phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân” thì mặc cho thành phần xuất thân thế nào, phong thái ra sao, vẫn sẽ rất gần dân, được nhân dân tin yêu, đón nhận và đi theo; là người tiêu biểu cho tư tưởng, phong cách đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã hiểu đúng, hiểu sâu và hiện thực hóa rất tốt tư tưởng đặc biệt quan trọng ấy của Người.
" Nhà văn Thép Mới phác họa rõ nét chân dung vị kiến trúc sư tài ba Huỳnh Tấn Phát trong bài viết đăng trên Báo Nhân Dân ngày 14-10-1989, sau ngày ông mất: “Phong thái anh không lẫn với ai khác được. Anh đã sống nhiều năm ở vùng Tam giác sắt không khác gì các chiến sĩ, đồng bào. Lính trẻ Củ Chi chịu anh tình thương lính tráng. Cô bác Phú Hòa Đông, Nhuận Đức quý anh như bạn, như người cao tuổi trong gia đình. Ai cũng trọng anh nhưng không coi anh là nhân sĩ. Anh là người vận động cụ thể, tổ chức cụ thể, chăm lo thể hiện những chủ trương cụ thể về công tác Mặt trận và vận động trí thức ở thành. Anh đã là anh rồi nên không nghĩ đến cá nhân nhiều... Cái cách anh quan hệ ứng xử với các bạn trí thức, đến với cách mạng cũng có những nét riêng. Anh không hùng biện, không sắc cạnh, không bắt ai phục mình. Ánh sáng là ánh sáng chung của cuộc đời. Tự anh không phát sáng. Nhưng anh biết làm cho “than hồng nhen thành lửa ngọn”. Anh thuyết phục họ bằng chính con người anh, một con người Sài Gòn, lẽ ra có thể sống ít nhiều vương giả lắm chứ, nếu muốn. Vậy mà anh dấn thân vào trường kỳ kháng chiến, dấn thân đến cùng, sống cách mạng một cách chân thật, tự nhiên, trong trẻo”.
Thanh Đồng (tổng hợp)
https://baodongkhoi.vn/huynh-tan-phat-nguoi-tri-thuc-cach-mang-mau-muc-01022023-a110666.html
- Xe thư viện lưu động đưa kiến thức đến với học sinh vùng cao Hòa Bình
- Hiệp định Pari năm 1973 - Chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam
- Lê Hồng Phong - Người chiến sĩ cộng sản trọn đời "sống vì Đảng, chết không rời Đảng".
- Người Việt Nam chưa có văn hóa đọc
- Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin thư viện thời kỳ hiện đại
- Văn hóa đọc sách của giới trẻ ngày nay
- Hưởng ứng ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3
- Đêm thơ Nguyên tiêu Xuân Quý Tỵ tại Hòa Bình
- Thanh niên Việt đang đọc gì?
- Món ngon Hòa Bình: Hoang sơ và đơn giản