Hoạt động thông tin thư viện thời kỳ hiện đại là một lĩnh vực hoạt động quản lý nhà nước bao gồm: các vấn đề lý luận, thực tiễn và pháp chế liên quan đến việc tổ chức, bảo quản và khai thác, sử dụng nguồn tin trong cơ quan thông tin thư viện phục vụ cho công tác quản lý, nghiên cứu khoa học và các nhu cầu cá nhân, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển. Vì thế, hoạt động thông tin thư viện thời kỳ hiện đại là một mắt xích không thể thiếu trong hoạt động thông tin khoa học của bộ máy nhà nước.
Trong thời đại ngày nay, thời đại của khoa học và công nghệ, thời đại của nền kinh tế tri thức, thông tin giữ vai trò quan trọng. Hoạt động thông tin thư viện thời kỳ hiện đại đã và đang và sẽ tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
1. Thực trạng hoạt động thông tin thư viện thời kỳ đổi mới trong lĩnh vực khoa học, giáo dục và đời sống xã hội
* Trong lĩnh vực khoa học: TT - TV có vai trò quan trọng trong sự phát triển của khoa học và được thể hiện ngay trong quy luật phát triển của khoa học. Một trong những quy luật phát triển nội tại của khoa học là tính kế thừa và tính quốc tế của nó. Tính quốc tế đó là sự tác động mạnh mẽ của thời đại công nghệ thông tin đã tạo điều kiện tối đa cho sự hợp tác quốc tế không biên giới của ngành thông tin thư viện trong lĩnh vực khoa học một cách nhanh chóng nhất, tạo mọi cơ hội hợp tác với các quốc gia trên toàn cầu nhằm mục tiêu mang tới nền khoa học mới nhất, những thành tựu khoa học nổi bật nhất hiện nay cho các nước. Tính kế thừa là yếu tố quan trọng thúc đẩy nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật, người sau không làm lại việc của người trước đã làm. Thế hệ sau chọn lọc, hệ thống hóa thành quả của người đi trước, phát hiện ra những quy luật mới. Quy luật mới này là sản phẩm khoa học, cũng là thông tin khoa học mới. Như vậy hoạt động nghiên cứu khoa học là một hoạt động đặc thù của con người, nhằm thu được những thông tin khoa học mới trên cơ sở thông tin mà xã hội loài người đã tích lũy được lưu trữ trong các cơ quan TT - TV
* Trong lĩnh vực giáo dục: Giáo dục là hoạt động xã hội nhằm thực hiện chức năng chuyển giao thông tin giữa các thế hệ, là nhân tố quyết định của sự phát triển kinh tế xã hội. Các hoạt động giảng dạy, học tập, tự đào tạo, ngoài quan hệ thầy trò, luôn cần đến các kho tài liệu, các hoạt động khai thác và phổ biến tri thức nhân loại của các thư viện và TTHL.
Với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, phương tiện thông tin đại chúng ngày càng có vai trò to lớn trong quá trình chuyển giao tri thức. Các phương tiện chuyển giao tri thức gồm sách báo, tạp chí, rađio, tivi, vi phim, vi phiếu, băng hình… Nhờ mở rộng phương tiện chuyển giao tri thức cho cán bộ giảng dạy, tri thức này được truyền cho các thế hệ nhờ có hệ thống giáo dục. Thông qua việc bổ sung tri thức, sinh viên dần trở thành thầy giáo và nhà nghiên cứu, dẫn dến một xã hội đào tạo ra được một lực lượng lao động mới, có khả năng vươn tới giải quyết những vấn đề của thực tiễn đặt ra.
Hoạt động TT - TV thời kỳ hiện đại cần phải đáp ứng được một số yêu cầu sau:
- Có khả năng cung cấp một lượng tài liệu lớn, chất lượng cao và mang tính chuyên sâu cho nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo
- Cho phép thu thập và phổ biến thông tin một cách tốt nhất cho giáo dục và đào tạo - Phục vụ cho các chuyên gia giáo dục trong quá trình đào tạo
- Đáp ứng nhu cầu tự đào tạo, “tự học suốt đời”, hướng đến một xã hội học tập
* Trong lĩnh vực đời sống xã hội: Hoạt động TT - TV thời kỳ hiện đại có tác dụng quan trọng trong đời sống sinh hoạt của con người. Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu thông tin của con người ngày càng gia tăng và việc sử dụng thông tin để lựa chọn sản phẩm và dịch vụ khác nhau cũng đang dần trở nên phổ biến. Các thông tin chính trị, xã hội và kinh tế giúp con người có định hướng đúng, làm chủ đời sống của mình và thực hiện đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn của người công dân.
Ngoài ra các TTHL đang phát triển sẽ làm tăng cơ hội tiếp cận của quần chúng tới các cơ sở văn hóa và giáo dục, nhằm nâng cao kiến thức, phục vụ cho bản thân cũng như đời sống xã hội.
2. Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin thư viện thời kỳ hiện đại
Muốn nâng cao hiệu quả hoạt động TT - TV trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần phải có những giải pháp hữu hiệu mang tính đột phá như phát triển nguồn tin, đào tạo đội ngũ cán bộ thông tin chuyên nghiệp, đào tạo đội ngũ người dùng tin, đầu tư trang thiết bị và phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.
* Xây dựng chiến lược nguồn tin: Nguồn tin giữ vai trò quan trọng trong hoạt động thông tin thư viện nhằm đáp ứng nhu cầu của người dùng tin, phục vụ đắc lực cho việc giải quyết các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, khoa học kỹ thuật từ trung ương đến địa phương trong phạm vi cả nước. Vấn đề này đang đòi hỏi sự quan tâm của các cơ quan thông tin, TTHL trong nước. Để phát triển nguồn tin chúng ta cần lưu ý:
- Định hướng phát triển các nguồn thông tin cần bám sát định hướng phát triển của các hoạt động thông tin
- Tăng cường các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ trong đó có nghiệp vụ xử lý, xuất bản thông tin
- Thực hiện tin học hóa các hoạt động thông tin tạo điều kiện thuận cho việc kiểm soát thông tin
- Tăng cường quan hệ phối hợp và hợp tác giữa các cơ quan thông tin thư viện.
Chúng ta cần phải có những chính sách phát triển nguồn thông tin trong hoạt động thông tin thư viện thể hiện ở một số khía cạnh sau đây:
- Thu thập các xuất bản phẩm trong nước và quốc tế
- Phối hợp bổ sung các tài liệu nước ngoài
- Tự xây dựng các loại CSDL khác nhau, đặc biệt là CSDL toàn văn
- Trao đổi các CSDL với nước ngoài
- Tổ chức cho mọi người tiếp cận và sử dụng các nguồn tin có trong cơ quan thông tin thư viện
- Tổ chức bảo quản lưu trữ lâu dài các sản phẩm thông tin
* Đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp
Đến nay cả nước đã có một số cở sở đào tạo chính quy ngành thông tin thư viện như :
- Bộ môn Khoa học Thư viện Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên
- ĐH Cần Thơ
- ĐH Sư phạm Hà Nội 2
- Khoa Thư viện Trường Đại học Văn hóa Tp Hồ Chí Minh
- Khoa Thông tin Thư viện Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
- Khoa Thư viện Trường Cao đẳng Văn hóa Tp Hồ Chí Minh
- Khoa Thông tin Thư viện Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh
- Khoa Thông tin học và quản trị thông tin Trường Dân lập Đông Đô Hà Nội
Nội dung của chương trình đào tạo sau đại học, đại học, cao đẳng, trung cấp với các mức độ khác nhau, phải đạt được yêu cầu sau:
- Đảm bảo tính hiện đại và phát triển, kết hợp truyền thống với hiện đại
- Đảm bảo tinh khoa học giữa khối kiến thức khoa học cơ bản với khối kiến thức chuyên ngành
- Đảm bảo cơ cấu hợp lý trong kiến thức chuyên ngành thư viện tương ứng với trình độ chung của các nước trong khu vực, phấn đấu đạt trình độ quốc tế.
* Đào tạo đội ngũ người dùng tin
- Đào tạo huấn luyện người dùng tin (NDT), trang bị cho họ những kiến thức và kỹ năng khai thác thông tin phục vụ cho hoạt động tác nghiệp hàng ngày của họ
- Bảo đảm quyền lợi cơ bản của NDT
- Phối hợp với các cơ quan chức năng để hợp thức hóa về hoạt động đào tạo và huấn luyện NDT của hệ thống thông tin Quốc gia.
* Đầu tư trang thiết bị và phát triển cơ sở hạ tầng
- Tự động hóa các quá trình TT - TV theo hướng số hóa và liên kết mạng trong và ngoài nước
- Hiện đại hóa các sản phẩm dịch vụ thông tin theo hướng nâng cao chất lượng và mở rộng số lượng
- Tích hợp mới hệ thống phần mềm thư viện
- Hiện đại hóa các điểm truy cập nhằm phổ cập các nguồn thông tin cần thiết cho NDT
- Phát triển thông tin thư viện theo hướng thư viện điện tử và thư viện số
* Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế
Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế sẽ nâng cao trình độ khoa học, giao lưu hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới, học tập, tiếp thu kinh nghiệm tiên tiến trong công tác TT - TV thời kỳ hiện đại từ đó góp phần nâng cao chất lượng phục vụ quá trình CNH – HĐH của đất nước.
Nói tóm lại hoạt động TT - TV là chìa khóa của hoạt động sáng tạo, là yếu tố cần thiết của năng lực cạnh tranh đổi mới và là cơ sở phát triển của mỗi cá nhân, tập thể và toàn xã hội. Trong giai đoạn hiện nay hoạt động TT - TV là hết sức quan trọng cần thiết cho sự phát triển toàn diện của đất nước, là chiếc cầu nối giữa tri thức, công nghệ và khoa học với người dùng tin, góp phần thúc đẩy quá trình CNH – HĐH đất nước.
Nguồn: Trung tâm Học liệu - Đại học Thái Nguyên
- Xe thư viện lưu động đưa kiến thức đến với học sinh vùng cao Hòa Bình
- Huỳnh Tấn Phát - Người trí thức cách mạng mẫu mực
- Hiệp định Pari năm 1973 - Chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam
- Lê Hồng Phong - Người chiến sĩ cộng sản trọn đời "sống vì Đảng, chết không rời Đảng".
- Người Việt Nam chưa có văn hóa đọc
- Văn hóa đọc sách của giới trẻ ngày nay
- Hưởng ứng ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3
- Đêm thơ Nguyên tiêu Xuân Quý Tỵ tại Hòa Bình
- Thanh niên Việt đang đọc gì?
- Món ngon Hòa Bình: Hoang sơ và đơn giản