Thanh niên Việt đang đọc gì?

Không ít bạn trẻ không nắm được nội dung các tác phẩm kinh điển thế giới. (ảnh minh họa)

           Một bộ phận lớn thế hệ trẻ, nhất là học sinh, sinh viên hiện nay đã quên đi sự tồn tại của các tác phẩm văn học kinh điển của thế giới như: “Cuốn theo chiều gió”, “Những người khốn khổ”, “Không gia đình”, “Những tấm lòng cao cả”…

          “Văn hóa đọc” xuống cấp, mai một từ chục năm trở lại đây vẫn luôn là một trăn trở của thế hệ đi trước, của những người làm giáo dục, các văn nghệ sĩ… Ngày nay cụm từ “đọc sách” không biết được xếp thứ vô cùng nào trong cái danh sách học tập, giải trí của thanh niên khi bên cạnh họ xuất hiện đủ các công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, chất lượng của “văn hóa đọc” ở việc chọn thể loại sách đọc cũng thảm hại không kém.

         Chia sẻ về thực trạng đáng báo động này, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, giảng viên Khoa Báo chí, (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho rằng văn hóa đọc của thanh niên Việt Nam hiện nay đang xuống cấp.

          Thời gian, phương pháp học tập cũng như sự đa dạng của các phương tiện thông tin đại chúng là một trong những nguyên nhân làm cho các bạn trẻ sao nhãng việc đọc và nghiên cứu những tác phẩm giá trị. Nhưng quan trọng hơn hết là ý thức duy trì và phát triển văn hóa đọc của giới trẻ chúng ta chưa cao.

         Thực tế thì cho đến nay chưa có thống kê chính xác về vấn đề này. Nhưng khảo sát và phỏng vấn các em học sinh từ 15 đến 17 tuổi và sinh viên một số trường đại học cho thấy, thế hệ thanh niên dường như không biết gì về nội dung của những tác phẩm văn học kinh điển trên thế giới, những tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam. Nếu nhớ được tên thì cũng đã là quý lắm rồi.

          Một bộ phận lớn thế hệ trẻ, nhất là học sinh, sinh viên hiện nay đã quên đi sự tồn tại của các tác phẩm văn học kinh điển của thế giới như: “Cuốn theo chiều gió”, “Những người khốn khổ”, “Không gia đình”, “Những tấm lòng cao cả”, “Túp lều của bác Tôm”, “Tiếng gọi nơi hoang dã”…

          Điều đáng nói nữa là có nhiều bạn trẻ ỷ lại sau khi các tác phẩm kinh đển này được dựng thành phim thì họ cho rằng xem phim đã nắm được nội dung câu chuyện nên đọc thêm sách là không cần thiết và mất thời gian. Bởi thường những cuốn truyện và tiểu thuyết này phải dày từ vài trăm, thậm chí còn có nhiều tập.

          Ngược lại cơn sốt các tiểu thuyết tình cảm Trung Quốc đang không có dấu hiệu hạ nhiệt. Khi mà chỉ trong vòng 5 năm, trên thị trường sách có hàng trăm tác giả lứa tuổi 8X Trung Quốc viết vài trăm cuốn tiểu thuyết tình yêu hiện đại.

          Sự hấp dẫn của những cuốn tiểu thuyết hiện đại này nằm ở nội dung câu chuyện, xoay quanh tình yêu đẹp như mộng của những nam thanh nữ tú. Lướt qua con phố sách Đinh Lễ, Nguyễn Xí (Hà Nội) có thể thấy hàng loạt các tác giả như Tào Đình, Tiên Chanh, Cỏ Mạn, Trang Trang… được các bạn trẻ săn đón khi sách của họ được xuất bản.

         Với tốc độ sống gấp của một bộ phận giới trẻ, lựa chọn để họ không đánh đổi khoảng thời gian của mình để đọc những tác phẩm hàng ngàn trang là điều khó thực hiện. Chưa kể hình ảnh về một tình yêu trong các tác phẩm này cũng không đủ bi lụy để họ có thể thỏa mãn cuộc sống hiện thực đầy mơ mộng của lớp trẻ hiện nay.

          Thanh Nga (học sinh lớp 12 trường Lômônôxốp, Hà Nội) có một bộ sưu tầm gần 100 cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất trên thị trường chia sẻ, mỗi cuốn truyện mang lại cho em một triết lý yêu và sống gần gũi chân thực nhất. Dù mấy cuốn truyện tình yêu này có vài trăm trang em cũng thấy dễ “tiêu” hơn mấy tác phẩm được gọi là “kinh điển” của thế giới!

         Có những bạn trẻ vẫn đọc những tác phẩm kinh điển này nhưng thẳng thắn thừa nhận đọc truyện tranh, tiểu thuyết tình cảm, hay những cuốn sách về tình cảm dễ cuốn hút so với việc cảm nhận một tác phẩm văn học hay một cuốn sách khoa mang nặng tính phân tích tư duy có giá trị.

 
Những tác phẩm theo trào lưu lại được nhiều bạn trẻ săn đón, mải mê đọc.
Những tác phẩm theo trào lưu lại được nhiều bạn trẻ săn đón, mải mê đọc.
           Người có nickname Quân9x thẳng thắn chia sẻ quan điểm của mình sau khi đọc một bài báo về Văn hóa đọc trên trang mạng: “Thích đọc sách nhưng dù mình không phải là người bận rộn thì khoảng thời gian mình dành cho sách ngày càng ít đi, đôi khi thấy mệt mỏi mình chỉ muốn đọc cái gì đó ngắn ngắn, dí dỏm và khiến cuộc sống trở nên bớt nặng nề hơn. Mình nghĩ, mỗi người có một cảm nghĩ riêng, đọc một quyển sách không phù hợp dù nó có là tác phẩm đồ sộ của nhân loại thì cũng chỉ mất thời gian thôi”.

          Một vấn đề nữa cũng tác động đến việc chọn sách đó là đọc theo trào lưu. Điều này còn nguy hiểm hơn cả phong trào lười đọc sách nếu cuốn sách đó không mang nội dung phù hợp với văn hóa Việt Nam sẽ tạo ảnh hưởng xấu đối với suy nghĩ, tư tưởng và hành động của một bộ phận giới trẻ.

           Cùng điểm lại những thể loại tác phẩm đã tạo cơn sốt đối với giới trẻ thời gian qua như: “Xin lỗi em chỉ là con đĩ”, “Yêu anh hơn cả tử thần” (Tào Đình), “Rừng Na Uy” của tác giả Murakami (Nhật Bản), tập truyện ngắn “Nhật ký son môi” (2010) và “Cho em gần thêm anh chút nữa” (2009) của tác giả Gào…

          Chúng đã tạo thành một làn sóng mạnh trong giới trẻ thời điểm ấy nhưng khi đọc thì đại đa số chỉ cảm nhận hời hợt theo kiểu đọc cho biết, cho có cái để bàn luận và kéo theo đó là sự lãng quên giá trị của tác phẩm khi trào lưu qua đi.

          Thêm nữa, sự thiếu trách nhiệm trong việc đọc cũng khiến giới trẻ có cái nhìn lệch lạc về tác phẩm, khi mà vấn đề tình dục đang được nhiều tác giả hướng đến như một thứ “gia vị” làm tăng độ nóng. sức hấp dẫn, hút độc giả cho tác phẩm.

         Trăn trở với “văn hóa đọc” hiện nay của lớp trẻ, nhà thơ Nguyễn Hòa Bình chia sẻ: “Lớp trẻ hôm nay hầu hết cha mẹ họ đều thuộc thế hệ 6X, 7X của thế kỷ trước. Thế hệ ấy sinh ra và lớn lên vào những ngày cả nước cùng dốc sức cho một ngày toàn thắng, cho những ngày vượt lên gian khó mà tồn tại và học tập để tự khẳng định mình.

        Chính vì thế, việc tìm đến các giá trị cao đẹp của văn học - nghệ thuật không chỉ như một động lực lớn giúp họ tự định cho mình hướng đi đúng; mà chuyện được tiếp cận với các tác phẩm văn học kinh điển này, còn như một sự khẳng định tầm giá trị thẩm mỹ của mỗi cá nhân.

         Tất cả các yếu tố ấy là một thực tế khách quan hết sức tích cực, tạo tiền đề cơ bản cho lớp người thuộc thế hệ này không mấy ai không tự tìm cho được một tác phẩm kinh điển. Vậy, tại sao con cái họ không quan tâm đến câu chuyện này. Chẳng lẽ lỗi đầu tiên lại không xuất phát từ chính họ.

         Nếu cha mẹ biết định hướng cho con cái mình ngoài việc học tập tốt, tham gia tích cực các hoạt động xã hội thì cần đọc gì, xem gì, nghe gì, cũng chính là yếu tố vô cùng quan trọng từng bước giúp đứa trẻ hình thành nhân cách sống của chúng. Yếu tố thứ hai không kém phần quan trọng chính là nhà trường.

        Nếu ở mỗi lớp học, cấp học, các thầy, cô giáo biết chỉ cho mỗi học sinh của mình phải tìm đọc các tác phẩm kinh điển ấy. Từ đó, tạo thành “phong trào”, “dựng” thành một giá trị cho những ai đã tìm đọc các cuốn sách ấy; chắc chắn những tác động của phim ảnh, truyền hình, games sẽ khó đủ sức vượt qua khao khát của mỗi đứa trẻ khi chúng coi chuyện được tiếp cận các tác phẩm kinh điển ấy là “niềm kiêu hãnh” cho thế hệ mình”.

Theo Thanh Huyền

Petrotimes

Liên kết web :
Đang online : 5
Hôm nay : 496
Tháng hiện tại : 16830
Tổng lượt truy cập : 1567290