Liệu công nghệ số đang thúc đẩy hay đang làm biến tướng văn hóa đọc? Người đọc sách ngày nay phải thích nghi ra sao để tận dụng tối đa ưu thế công nghệ mà vẫn giữ nguyên được hiệu quả đọc sách? Đó chính là những câu hỏi lớn đặt ra cho độc giả trong thời kỳ bùng nổ công nghệ ngày nay.
Chỉ cần một cú nhấp chuột là đã có hàng chục trang web sách điện tử hiện ra trước mắt độc giả, họ có thể lựa chọn được bất kỳ một cuốn sách nào, dù đó là cuốn vừa được phát hành trên thị trường sách in ngày hôm qua. Thậm chí cuốn sách đó còn được tung lên mạng từ trước khi nó được một NXB nào đó cấp phép phát hành. Những ưu việt của sách điện tử đang khiến người ta lo ngại cho sự đi xuống, thậm chí biến mất của sách in.
Nhân loại sẽ không thay thế việc đọc sách in bằng sách điện tử
Trào lưu đọc sách điện tử
Trước thực trạng đọc sách điện tử đang trở thành một trào lưu, mới đây một cuộc hội thảo về sách điện tử với chủ đề: "Đọc sách trong thời đại công nghệ số” đã được tổ chức tại Hà Nội. Nội dung chính của cuộc hội thảo đề cập tới vấn đề "Số hóa văn hóa đọc” đã dẫn đến khó khăn trong chọn lựa sách và sàng lọc thông tin. Bởi các bạn trẻ ngày càng có xu hướng đọc sách theo cách "mì ăn liền”, đọc nhanh, đọc ngắn, đọc những cuốn sách mỏng dính và không dành thời gian suy ngẫm.
Liệu công nghệ số đang thúc đẩy hay đang làm biến tướng văn hóa đọc? Người đọc sách ngày nay phải thích nghi ra sao để tận dụng tối đa ưu thế công nghệ mà vẫn giữ nguyên được hiệu quả đọc sách? Đó chính là những câu hỏi lớn đặt ra cho độc giả trong thời kỳ bùng nổ công nghệ ngày nay.
Có thể nói e-book (sách điện tử) có rất nhiều điểm ưu việt mà sách giấy không thể có được. Một máy đọc ebook khoảng 300g có thể chứa hàng ngàn, chục ngàn đầu sách, tương đương với cả một thư viện. Thậm chí, tại Việt Nam chỉ cần khoảng 1,5 triệu đồng là đã có thể tìm được một máy tính bảng loại vừa. Số tiền này chỉ bằng khoảng 10 - 15 cuốn sách giấy trong khi có thể chứa hàng ngàn e-book.
Một cuộc điều tra về lứa tuổi yêu thích sách điện tử của TS Nguyễn Mạnh Hùng - CEO Công ty sách Thái Hà cho thấy: trong 10.000 người được phỏng vấn, độc giả trên 40 tuổi thì thích đọc sách in, còn độc giả dưới 40 tuổi thì thích đọc sách điện tử hơn. Điều này mở ra cơ hội rất lớn cho sự phát triển và lan toả của sách điện tử.
Cuộc chiến 50/50?
Tuy nhiên, nhìn nhận về sự cạnh tranh của sách điện tử trong văn hóa đọc, nhiều ý kiến đều cùng quan điểm rằng e-book sẽ chỉ khiến ngành in đi chậm lại, chứ sách in không thể "chết”.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng: Sự xuất hiện của sách điện tử dù muốn dù không cũng đã, đang và sẽ thách thức với văn hóa đọc của độc giả hôm nay, nhất là những người giỏi sử dụng công nghệ thông tin (CNTT). Nhưng nhân loại sẽ không thay thế việc đọc sách in bằng sách điện tử, cho dù số người đọc sách in, cả báo in đang ít hẳn đi, nếu không muốn nói là rất thưa vắng. Mà ngược lại, nó sẽ được chắt lọc tinh chất hơn và tự nó có khả năng điềm tĩnh chịu đựng sự mất ngôi thống soái, trong san sẻ với ngôi vị đang lên của sách điện tử. Chính vì thế, bà Thái khẳng định: sách in vẫn là cội rễ của việc đọc sách. Và trong tương lai, thị trường sách in và sách điện tử sẽ là cuộc giằng co 50/50.
Cùng quan điểm này, TS Xã hội học Trịnh Hòa Bình cũng cho rằng: văn hóa đọc sách in vẫn luôn tồn tại và có sức sống mạnh mẽ của nó. Đọc con chữ trên báo in có thú vị riêng mà không loại sách báo điện tử nào có thể thay thế được. Việc đọc con chữ cụ thể trên sách, báo in mới giúp ích được nhiều hơn cho quá trình cảm thụ, tiếp nhận thông tin, xúc cảm, khi cần người đọc còn có thể "nhâm nhi”, xem xét kỹ lưỡng, toan tính đầy đủ…
Khó quản lý sách điện tử
Tuy nhiên, hiện nay thị trường sách điện tử vẫn đang hoạt động một cách tự phát. Ngành xuất bản đang phải đương đầu với việc quản lý sách điện tử trước thực trạng vi phạm bản quyền nghiêm trọng. Cùng với nhạc số, sách điện tử cũng đang lúng túng xoay quanh việc thu tác quyền. Nếu không sớm có những hành lang pháp lý cho sách điện tử thì một loại hình văn hóa đọc tiên tiến, hiện đại sẽ không những không góp phần phát triển văn hóa đọc trong nước mà ngược lại, còn trở thành thị trường cho sách lậu điện tử tung hoành, phá hoại đến tận nền móng ngành xuất bản trong nước vốn đang ngập trong khó khăn.
Mới đây nhất, ngày 22-8 vừa qua, một hội nghị tham vấn ý kiến chuyên gia về hoạt động xuất bản điện tử tại TP Hồ Chí Minh (do Vụ Văn hóa, Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng - Văn phòng Quốc hội tổ chức), đã nhận được nhiều ý kiến xoay quanh chuyện làm sách điện tử - một lĩnh vực còn mới mẻ với ngành xuất bản Việt Nam.
Bàn về dự thảo Luật Xuất bản sửa đổi, nhiều ý kiến cho rằng định nghĩa về sách điện tử được đưa ra trong dự thảo Luật là chưa thuyết phục. Theo điều 4 dự thảo luật, mục từ "xuất bản phẩm điện tử” được hiểu là những xuất bản phẩm truyền thống "được đọc, nghe, nhìn bằng phương tiện điện tử”. Điều này không ổn bởi dự thảo Luật đã không định nghĩa xuất bản phẩm điện tử dựa trên đặc thù tồn tại của xuất bản phẩm điện tử. Mà khái niệm được hiểu ở đây sẽ chưa chuẩn: sách điện tử chính là những gì đọc được trên mạng internet. Trong khi internet chỉ là một trong số môi trường có thể phát hành sách điện tử. Vấn đề đặt ra là phải có định nghĩa chuẩn, từ đó mới phân biệt được xuất bản phẩm điện tử với các loại xuất bản phẩm không phải điện tử. Như vậy, từ mối quan hệ của loại hình sản phẩm này mới có cơ sở để xây dựng hoàn thiện các nội dung của Luật Xuất bản sửa đổi.
Do thị trường sách điện tử đang tồn tại một cách tự phát, người đọc chia nhau số hóa các sách mới in, nổi tiếng, rồi cung cấp cho nhau đọc miễn phí. Điều này rõ ràng ảnh hưởng đến doanh thu của nhà sản xuất, kinh doanh. Người ta cũng không khỏi băn khoăn rằng: liệu khi có Luật rồi, điều này có được cải thiện không? Theo ông Phạm Minh Thuận - Tổng Giám đốc Fahasa, nếu chúng ta không chủ động chuẩn bị cho thị trường sách điện tử tiềm năng, thì sự biến tướng trong văn hóa đọc là nguy cơ hiện hữu. Cùng với đó, sẽ là sự tụt đáng tiếc so với các nước trong thị trường sản phẩm văn hóa đọc.
Theo: Tuấn Kiệt (daidoanket.vn)
- Xe thư viện lưu động đưa kiến thức đến với học sinh vùng cao Hòa Bình
- Huỳnh Tấn Phát - Người trí thức cách mạng mẫu mực
- Hiệp định Pari năm 1973 - Chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam
- Lê Hồng Phong - Người chiến sĩ cộng sản trọn đời "sống vì Đảng, chết không rời Đảng".
- Người Việt Nam chưa có văn hóa đọc
- Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin thư viện thời kỳ hiện đại
- Văn hóa đọc sách của giới trẻ ngày nay
- Hưởng ứng ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3
- Đêm thơ Nguyên tiêu Xuân Quý Tỵ tại Hòa Bình
- Thanh niên Việt đang đọc gì?