“Giăng bẫy” B52

Con “Át chủ bài” của không quân Hoa Kỳ đã phải gục ngã và nằm lại hồ Hữu Tiệp phường Ngọc Hà, Hà Nội lúc 23h05 phút đêm 27/12/1972

       Ngay sau khi bắn hạ B52 trên bầu trời Vinh (Nghệ An), tháng 11/1972, Quân chủng Phòng không-Không quân đã thảo luận, rút kinh nghiệm rất kỹ và tìm ra 5 quy luật chính góp phần vào chiến thắng B52 trên bầu trời Hà Nội.

        Nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không, phóng viên đã có mặt tại TP Hồ Chí Minh, gặp gỡ, trò chuyện với Đại tá Từ Đễ, người trực tiếp tham gia bảo vệ bầu trời Thủ đô trong những ngày cuối tháng 12/1972.
       Tiếp tục câu chuyện, chia sẻ về những bí quyết hạ gục B52 của bộ đội ta, vị cựu phi công chiến đấu thuộc Trung đoàn Tiêm kích 923 cho biết: Chúng ta nắm bắt được quy luật bay của B52, khi muốn vào Hà Nội phải đi từ vùng núi hướng Tây để tránh các trận  địa tên lửa và ra đa, sau đó phải thoát ra khỏi Hà  Nội theo hướng Đông – Nam  để lao về phía vịnh Bắc Bộ cũng nhằm tránh tên lửa và nếu rơi xuống biển thì đã có lực lượng trực thăng cứu hộ chờ sẵn vớt lên.

      Muốn di chuyển và ném bom trúng các mục tiêu ở Hà Nội thì máy ngắm ra đa phải dựa vào một số chuẩn lớn như hồ Thác Bà, cầu Đuống, cầu Long Biên, hồ Tây và trên cơ sở này chúng ta đã vạch ra đường bay vào chính xác của chúng.

       Sau này khi bắt được giặc lái Mỹ chúng tôi thấy đường  bay trên bản đồ bay của phi công trùng khớp với những dự đoán của ta. Vì thế các trận địa tên lửa, pháo cao xạ được bố trí rất dầy, dọc theo đường bay này.

Đại tá Từ Đễ, cựu phi công chiến đấu thuộc Trung đoàn Tiêm kích 923
Đại tá Từ Đễ, cựu phi công chiến đấu thuộc Trung đoàn Tiêm kích 923

         Lúc tổng kết chiến dịch, bộ đội Phòng không đều cho rằng không quân Mỹ còn rất may mắn vì thời điểm 1972 số tên lửa  bảo vệ Hà Nội chỉ bằng non nửa so với năm 1966- 1967. Nếu đủ đầy đủ tên lửa SAM 2 như trước và loại tên lửa mới SAM 3 kịp thời bổ sung thì chắc toàn bộ 200 chiếc B52 tham chiến không thể chịu đựng được quá 7 ngày!

Như cách nói đầy lo ngại của nhà báo hãng thông tấn AP: “Cứ theo tốc độ bị bắn rơi như thế này của phòng không miền Bắc thì chỉ một thời gian ngắn nữa là B52 của Mỹ sẽ tuyệt chủng” (Ngày đó trong biên chế chiến đấu của không quân Mỹ có tổng số có 400 chiếc B52 – PV).

Bên cạnh đó, do Thủ  đô Hà Nội còn nhỏ hẹp nên các máy bay hộ  tống, gây nhiễu, chế áp tên lửa không thể cùng bay vào trong đội hình với B52 ở thời điểm thả bom. Mặt khác,  máy bay B52 lại cất cánh từ 2 sân bay khác nhau nên  đội hình chiến đấu phải giữ cứng nhắc, không thay đổi tốc độ, khoảng cách để tránh va chạm.

Lúc này gây nhiễu giảm, chế áp tên lửa cũng ít nên bộ đội tên lửa dễ tập trung vào B52 theo công thức: B52 vào gần thì hiệu quả nhiễu tăng theo bình phương, nhưng tín hiệu phản xạ lại tăng theo lập phương. Vì vậy, hãy bắn gần thì mục tiêu nhất định sẽ hiện trên nền nhiễu! Đó là sự nhạy bén của bộ đội tên lửa, bộ đội Phòng không Việt Nam và không quân Mỹ đã thua toàn diện trên bầu trời Hà Nội năm 1972 chính vì quy luật này.

         Hạ B52 bằng… mắt thường



        Mig 21 của ta đánh vòng ngoài luôn gây áp lực vỡ đội hình nên luôn tạo sự căng thẳng cho các phi công Mỹ. Hơn nữa không quân ta cũng không thể đánh vòng trong vì dễ bị tên lửa ta bắn nhầm.

        Chúng ta còn phát hiện ra quy luật khi vào đánh phá Hà Nội, máy bay B52 đều bật đèn trên lưng để giữ đội hình – phi công lái Mig 21 của ta  lợi dụng quy luật này để từ vòng ngoài vào hạ B52 bằng mắt thường

        Trong khi đó, Mỹ rất chủ  quan vì nghĩ rằng đã loại  trừ được tên lửa và máy bay Mig 21 ra khỏi danh sách những  mối đe dọa B52. Cơ sở cho sự chủ quan này cũng rất khoa học khi năm 1967, trong chiến tranh Trung Đông,  Israel đã chiếm được 3 bộ tên lửa SAM 2 và Mig 21 còn nguyên vẹn. Qua nghiên cứu Mỹ đã sản xuất ra các thiết bị nhiễu để vô hiệu  hóa dòng tên lửa này.

Họ đã tự tin nói “Noel 1972, phi công Mỹ dạo chơi trên bầu trời Hà Nội” mà không  hay biết rằng ta đã bí mật dùng 1 loại ra đa cũ trên dải tần và nằm ngoài hệ thống nhiễu của Mỹ. Và thêm một lần nữa không quân Mỹ lại phải trả giá đắt vì điều này.

        Cuối cùng, những thông tin tình báo đầy đủ, chi tiết về thời gian, số lượng cất cánh từng chuyến bay của B52 từ căn cứ Guam và Thái Lan chuẩn bị bay vào Hà Nội, đã góp phần không nhỏ vào thế chủ động trên bầu trời Hà Nội của bộ đội ta trong chiến thắng 1972.

       Những bài học từ chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không năm 1972 đã trở thành kinh điển trong trong lịch sử quân sự Việt Nam, xứng đáng sánh ngang với những trận đánh nổi tiếng của ông cha như: Chiến thắng của vua Quang Trung đại phá quân Thanh năm 1789, chiến dịch Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy năm 1954.

Theo Ngọc Quang
Chinhphu.vn
“Giăng bẫy” B52 “Giăng bẫy” B5210 8 18636

Liên kết web :
Đang online : 10
Hôm nay : 436
Tháng hiện tại : 9676
Tổng lượt truy cập : 1541896