Quy định về hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của thư viện

 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư số 18/2014/TT-BVHTTDL ngày 08 tháng 12 năm 2014 quy định về hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của thư viện. Nội dung cụ thể như sau:

Về xây dựng vốn tài liệu: Xây dựng vốn tài liệu nhằm tạo lập, tăng cường và nâng cao chất lượng nguồn lực thông tin của thư viện đáp ứng nhu cầu đa dạng và luôn thay đổi của người sử dụng. Xây dựng vốn tài liệu bao gồm một số nội dung chính sau đây: Xác định chính sách phát triển vốn tài liệu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đối tượng người sử dụng mà thư viện có trách nhiệm phục vụ; Tổ chức thu thập tài liệu bằng các hình thức khác nhau (mua tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phát hành hoặc các tổ chức, doanh nghiệp có chức năng kinh doanh, xuất nhập khẩu sách, báo theo quy định của pháp luật, nhận theo chế độ lưu chiểu các xuất bản phẩm của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; Tự chuyển dạng tài liệu theo quy định của pháp luật; mua quyền truy cập cơ sở dữ liệu, tài liệu điện tử; Liên thông tài liệu giữa các thư viện trong nước; Mượn, trao đổi tài liệu với các tổ chức, cá nhân trong nước, trao đổi tài liệu với thư viện, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tài liệu do tổ chức, cá nhân chuyển giao, hiến tặng); Thực hiện thanh lọc tài liệu.Việc xây dựng vốn tài liệu thư viện phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quy mô, loại hình thư viện và nhu cầu của đối tượng người sử dụng mà thư viện có trách nhiệm phục vụ.

Về xử lý tài liệu: Tài liệu bổ sung vào thư viện được xử lý theo quy tắc, quy trình của nghiệp vụ thư viện để phục vụ cho việc quản lý, tra cứu và sử dụng. Xử lý tài liệu bao gồm: Xử lý kỹ thuật, xử lý hình thức và xử lý nội dung. Việc xử lý tài liệu phải tuân thủ theo các quy tắc, quy chuẩn của nghiệp vụ thư viện; tận dụng kết quả xử lý nội dung tài liệu của các thư viện lớn, đầu ngành để đảm bảo tính chính xác, thống nhất và tiết kiệm thời gian, công sức và kinh phí của thư viện.

Về tổ chức bộ máy tra cứu: Bộ máy tra cứu của thư viện giúp người sử dụng tra cứu, tìm thông tin, tài liệu có ở trong hoặc ngoài thư viện. Bộ máy tra cứu bao gồm một số hình thức chủ yếu như: Hệ thống tra cứu mục lục truyền thống; hệ thống tra cứu điện tử và kho tài liệu tra cứu. Bộ máy tra cứu phải được tổ chức khoa học, chính xác, thống nhất, phản ánh đầy đủ các tài liệu có trong thư viện, cập nhật kịp thời các tài liệu mới bổ sung vào thư viện; tiếp cận được với nguồn thông tin, tài liệu bên ngoài thư viện đồng thời dễ tra cứu đối với người sử dụng.

Về tổ chức tài liệu: Tổ chức tài liệu để xác định vị trí của tài liệu trong thư viện giúp cho công tác quản lý, bảo quản và phục vụ người sử dụng được nhanh chóng, dễ dàng. Các hình thức tổ chức tài liệu trong thư viện gồm: Tài liệu giấy, tài liệu số và tài liệu đa phương tiện. Việc tổ chức tài liệu trong thư viện phải đảm bảo tính khoa học, phù hợp với quy mô, loại hình, nội dung vốn tài liệu, mục đích và đối tượng sử dụng; bảo đảm thuận lợi cho việc phục vụ người sử dụng và bảo quản, giữ gìn an toàn cho tài liệu.

Về bảo quản tài liệu: Thực hiện việc bảo quản tài liệu để có thể sử dụng được lâu dài, góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước. Các hình thức bảo quản tài liệu giấy trong thư viện bao gồm: Tổ chức, sắp xếp tài liệu khoa học, tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường; gia cố, đóng bìa; làm vệ sinh, khử nấm mốc; phục chế kịp thời các tài liệu hư hỏng trong quá trình sử dụng; chuyển dạng tài liệu quý hiếm. Việc bảo quản tài liệu phải được thực hiện với mọi tài liệu khi đưa ra phục vụ cũng như lưu trữ trong thư viện và phải tuân thủ quy trình, nguyên tắc, tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật và phù hợp với từng loại hình tài liệu; việc chuyển dạng tài liệu theo phương thức số hóa phải đảm bảo tính tương thích về mặt công nghệ trong tương lai cho định dạng dữ liệu được dùng để số hóa.

Về kiểm kê, thanh lọc tài liệu: Kiểm kê tài liệu nhằm đánh giá hiện trạng vốn tài liệu của thư viện trong một giai đoạn, từ đó đề ra các biện pháp củng cố, nâng cao chất lượng vốn tài liệu thư viện; kiểm kê tài liệu được thực hiện đối với tất cả các kho tài liệu được tổ chức trong thư viện; kiểm kê tài liệu phải được thực hiện thường xuyên định kỳ, gắn với công tác thanh lọc tài liệu trong thư viện; việc kiểm kê đột xuất được thực hiện trong các trường hợp thay đổi viên chức phụ trách kho tài liệu hoặc khi có thiên tai, hỏa hoạn, hoặc khi có yêu cầu của đơn vị trực tiếp quản lý thư viện. Thanh lọc tài liệu nhằm nâng cao chất lượng vốn tài liệu, tiết kiệm chi phí cho công tác tổ chức kho và bảo quản tài liệu, góp phần giảm bớt thời gian lấy tài liệu phục vụ người sử dụng, tiết kiệm ngân sách nhà nước. Việc thanh lọc tài liệu thực hiện theo quy định tại Thông tư số 21/2012/BVHTTDL ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; việc thanh lọc phải được thực hiện thường xuyên, theo định kỳ và được tiến hành đối với các kho tài liệu được tổ chức trong thư viện.

Về tổ chức dịch vụ thư viện: Đây là một trong những hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ quan trọng nhất của thư viện, nhằm cung cấp thông tin, tri thức đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, công tác và giải trí của người sử dụng. Dịch vụ thư viện được tổ chức theo phương thức dịch vụ thư viện truyền thống hoặc dịch vụ thư điện tử, bao gồm: Dịch vụ cung cấp thông tin, tài liệu; dịch vụ hỗ trợ việc học tập ngoài nhà trường; dịch vụ văn hóa và giải trí; dịch vụ truy cập máy tính công cộng; dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ thư viện và một số dịch vụ hỗ trợ. Việc tổ chức dịch vụ thư viện phải phù hợp, đáp ứng nhu cầu của đối tượng sử dụng mà thư viện có trách nhiệm phục vụ; bảo đảm việc tiếp cận bình đẳng, thuận lợi và dễ dàng cho người sử dụng.

Về biên soạn ấn phẩm thông tin thư viện: Biên soạn ấn phẩm  thông tin thư viện nhằm phổ biến, quảng bá, giới thiệu vốn tài liệu thư viện; tài liệu mới xuất bản, bổ sung vào thư viện; đồng thời cũng chỉ chỗ nguồn tài liệu, giúp người sử dụng tiếp cận được tài liệu phù hợp với nhu cầu. Ấn phẩm thông tin thư viện được biên soạn dưới dạng giấy, điện tử, bao gồm một số loại hình chủ yếu như: Thông tin thư mục, thông tin chọn lọc, chuyên đề có tóm tắt nội dung tài liệu và một số loại hình khác. Việc biên soạn ấn phẩm thông tin thư viện phải kịp thời, thường xuyên; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình thư viện và đối tượng người sử dụng mà thư viện có trách nhiệm phục vụ.

Về hoạt động truyền thông, vận động: Hoạt động truyền thông, vận động của thư viện nhằm thu hút người sử dụng tới thư viện, sử dụng dịch vụ thư viện, bao gồm một số hình thức chủ yếu sau: Trưng bày, triển lãm giới thiệu sách mới, chuyên đề; tổ chức các sự kiện văn hóa tại thư viện; tổ chức lấy ý kiến đánh giá của công chúng; xây dựng mạng lưới tổ chức, cá nhân có liên quan để phát triển hoạt động thư viện. Hoạt động truyền thông, vận động của thư viện phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng phục vụ của thư viện và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.

Về thống kê thư viện: Thông kê thư viện nhằm đánh giá kết quả hoạt động, mức độ đáp ứng của thư viện đối với nhu cầu của người sử dụng; qua đó cung cấp các số liệu cần thiết để cơ quan quản lý thư viện và thư viện có căn cứ xây dựng kế hoạch, duy trì và cải thiện các dịch vụ từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ của thư viện. Một số nội dung thống kê chủ yếu bao gồm: Thống kê về tài liệu, thống kê về người sử dụng và một số nội dung thống kê khác tùy theo từng loại hình thư viện, yêu cầu của cơ quan trực tiếp quản lý thư viện và cơ quan quản lý nhà nước về thư viện. Thống kê thư viện phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về thống kê.

BBT trang Web TVT 

Liên kết web :
Đang online : 10
Hôm nay : 558
Tháng hiện tại : 15456
Tổng lượt truy cập : 1565916