NHỮNG SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG LỊCH SỬ 130 NĂM CỦA TỈNH HOÀ BÌNH (Phần 4)

   HOÀ BÌNH SAU NGÀY THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC

         Với Đại thắng mùa xuân năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã kết thắng lợi. Một kỷ nguyên phát triển rực rỡ của cách mạngViệt Nam đã mở ra: kỷ nguyên cả nước độc lập, thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, lại phải tiến hành trong điều kiện đất nước vừa trải qua những năm tháng chiến tranh liên miên nên càng nặng nề và gian nan hơn. Nói một cách khác, tình hình đất nước sau đại thắng mùa xuân năm 1975 có nhiều thuận lợi, nhưng cũng có rất nhiều khó khăn, phức tạp, nhất là hậu quả chiến tranh mà chúng ta chưa lường hết được. Để xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trước mắt nhân dân ta phải nỗ lực khắc phục hậu quả của 20 năm chiến tranh, ổn định và khôi phục kinh tế - văn hóa, hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước. Chuẩn bị cho công việc trọng đại đó, từ tháng 2-1976, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tiến tới cuộc. Tổng tuyển cử được triển khai ở tất cả các địa phương. Ngày 25-4-1976, nhân dân khắp hai miền Bắc - Nam nô nức tham gia Tổng tuyển cử bầu Quốc hội. Ngày 24-6-1976, Quốc hội của nướcViệt Nam thống nhất, được gọi là Quốc hội khóa VI, với ý nghĩa kế tục sự nghiệp của 5 khóa Quốc hội trước, họp kỳ đầu tiên tại Hà Nội. Quốc hội Quyết định đặt tên nước Việt Nam thống nhất là nướcCộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thông qua chính sách đối nội, đối ngoại, bầu các cơ Quan, chức vụ lãnh đạo cao nhất của Nhà nước, Quy định các nguyên tắc xây dựng bộ máy chính Quyền các cấp, Quốc kỳ, Quốc ca, bầu Uỷ ban Dự thảo Hiến pháp...Đặc biệt, trong khí thế chiến thắng hào hùng, Đại hội Đảng toàn Quốc lần thứ IV họp tại Thủ đô Hà Nội (12-1976) đã gây niềm tin tưởng, phấn khởi trong toàn Đảng, toàn dân. Đại hội Đảng toàn Quốc lần thứ IV đã đề ra đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta một cách sáng tạo: "Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy Quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa,trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt”. Trên cơ sở đó, Đại hội đề ra những nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch 5 năm (1976-1980) nhằm "hai mục tiêu cơ bản cấp bách: xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân" và "không ngừng đề cao cảnh giác, thường xuyên củng cố quốc phòng, giữ gìn An ninh chính trị và trật tự xã hội". Trước yêu cầu và nhiệm vụ mới của cách mạng, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, hai tỉnh Hà Tây và Hòa Bình được hợp nhất thành tỉnh Hà Sơn Bình. Ngay từ cuối năm 1975 ( từ ngày 22 đến ngày 27-12-1975), được sự chỉ đạo chặt chẽ của Trung ương Đảng, Đảng bộ hai tỉnh đã chuẩn bị và tiến hành việc hợp nhất tỉnh nhanh gọn, đạt kết quả tốt. Việc sắp xếp bộ máy và cán bộ sớm ổn định, bảo đảm mọi hoạt động liên tục, tạo được sự đoàn kết nhất trí và tin tưởng, phấn khởi trong toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc. Một số huyện trên địa bàn Hoà Bình không nằm trong diện hợp nhất nên không có sự xáo trộn ở cấp huyện và cấp xã. Ngay sau khi được Trung ương chỉ định, Ban Tỉnh ủy Hà Sơn Bình đã mở Hội nghị lần thứ nhất (3-1976) kịp thời đề ra Nghị Quyết về kế hoạch phát triển kinhtế - văn hóa năm 1976. Do đó, công tác và sản xuất của các cấp, các ngành được đẩy mạnh, bước đầu phát huy được ưu thế của mỗi vùng, kết hợp và hỗ trợ giữa cácvùng. Tỉnh Hà Sơn Bình ra đời theo yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời cũng đáp ứng nguyện vọng và tình cảm của Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh vốn có quan hệ gắn bó lâu đời trong đời sống và sản xuất, nhất là trong đấu tranh cách mạng qua nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ. Tỉnh hợp nhất Hà Sơn Bình sẽ kết hợp và phát huy được nhiều ưu thế, tạo nên thế mạnh mới to lớn và phong phú hơn trên bước đường đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Mùa xuân năm 1976 trở thành mốc lịch sử của tỉnh hợp nhất. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tin tưởng, phấn khởi lập thành tích chào mừng tỉnh mới. Trong không khí vô cùng phấn khởi, Tỉnh uỷ và nhân dân Hà Sơn Bình hăng hái thi đua lao động sản xuất, tập trung mọi nỗ lực quyết giành vụ mùa 1976 thắng lợi vượt bậc và thực hiện vượt mức kế hoạch sản xuất năm 1976 theo Nghị Quyết Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ nhất đề ra, lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng toàn Quốc lần thứ IV. Về sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã mở các cuộc vận động tổ chức lại sản xuất, cải tiến Quản lý theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, hoàn chỉnh thủy nông, giao đất giao rừng cho hợp tác xã, xây dựng vùng kinh tế mới, cố gắng khắc phục nhiều khó khăn về thiên tai, bảo đảm diện tích và tăng sản lượng. Kết quả là vụ xuân đạt sản lượng cao nhất. Tổng sản lượng lương thực tăng 8% so với năm 1975. Lâm nghiệp được thúc đẩy và có tiến bộ. Công nghiệp, thủ công nghiệp, đạt 106,39% kế hoạch, tăng 18,4% so với năm 1975 và có nhiều chuyển biến trong phục vụ nông nghiệp. Đóng góp về lương thực, thực phẩm có nhiều cố gắng; về lương thực đã hoàn thành vượt mức khá cao, tăng 52% so với năm trước... Công tác tuyển quân được hoàn thành gọn trong một đợt, vượt chỉ tiêu kế hoạch cả nước. Lực lượng dân quân tự vệ và bộ đội địa phương được củng cố và tiếp tục lớn mạnh, vừa rèn luyện sẵn sàng chiến đấu, vừa tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế.

Công tác văn hóa, giáo dục, xã hội và đời sống tiếp tục phát triển và có một số mặt tiến bộ. Nhìn chung, phong trào cách mạng của quần chúng phát triển mạnh mẽ và sâu rộng hơn các năm trước. Có thể nói, trong năm đầu hợp nhất tỉnh, tuy hậu quả chiến tranh còn nặng nề, lại gặp thiên tai nặng, những kết quả nêu trên là một cố gắng to lớn của Đảng bộ và nhân dân Hà Sơn Bình trên nhiều mặt. Từ giữa năm 1976, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Ban Tỉnh ủy chỉ đạo chặt chẽ và đạt kết quả tốt Đại hội vòng 1 các cấp đảng bộ từ cơ sở đến huyện. Tháng 11-1976, Đại hội Đảng bộ tỉnh vòng 1 khai mạc tại thị xã Hà Đông với gần 600 đại biểu thay mặt cho 7 vạn đảng viên. Đại hội thảo luận và đóng góp ý kiến với Trung ương về các văn kiện của Đảng, đồng thời cử đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn Quốc.Vào tháng 4-1977, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Sơn Bình lần thứ nhất vòng 2 họp từ ngày 21 đến ngày 30-4-1977. Được Đại hội Đảng toàn Quốc lần thứ IV soi sáng, Đại hội Đảng bộ đã xác định phương hướng và nhiệm vụ chung của tỉnh là: "Tăng cường đoàn kết nhất trí trong toàn Đảng bộ và toàn thể nhân dân các dân tộc, phấn đấu xây dựng Hà Sơn Bình thành tỉnh có cơ cấu công, nông, lâm nghiệp giàu đẹp và kiên cường cách mạng, góp phần tích cực vào việc xây dựng thành công Tổ Quốc Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa". Để thực hiện phương hướng và nhiệm vụ đó, từ năm 1976 đến năm 1980, toàn Đảng bộ phải tập trung cao độ lực lượng các cấp, các ngành, tạo ra một bước phát triển vượt bậc về nông nghiệp, trọng tâm là lương thực, thựcphẩm; đồng thời ra sức phát triển lâm nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp và đẩy mạnh các mặt kinh tế khác. Sáu hướng tiến công của toàn Đảng bộ, toàn dân trong tỉnh là trồng trọt, chăn nuôi, nghề rừng, công nghiệp và thủ công nghiệp, phân công lao động mới, hạ thấp tỷ lệ tăng dân số. Tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang, bán vũ trang địa phương vững mạnh, từng bước đi lên chính quy hiện đại, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc và tích cực tham gia xây dựng kinh tế. Về xây dựng Đảng, Đại hội nêu nhiệm vụ phải thường xuyên làm tốt cả hai mặt chính trị tư tưởng và tổ chức nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu về nhiệm vụ mới, trong hai năm tới phải giải quyết về cơ bản những cơ sở Đảng yếu kém, đưa các cơ sở trung bình trở thành khá. Đại hội cũng đề ra những biện pháp chủ yếu trong chỉ đạo mà động lực thúc đẩy là nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, tăng cường lực lượng quản lý của bộ máy chính quyền, phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng. Đại hội đã lựa chọn dân chủ những đại biểu xứng đáng vào Ban Chấp hành Đảng bộ do một ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng trực tiếp làm Bí thư. Cơ cấu của Ban Chấp hành mới của Đảng bộ phản ánh sự quan tâm của trung ương và vị trí của Đảng bộ trong tình hình nhiệm vụ mới. Kết quả của Đại hội Đảng bộ lần thứ nhất biểu hiện sự đoàn kết nhất trí cao, đánh dấu một bước trưởng thành của Đảng bộ sau một năm hợp nhất, tạo ra những thuận lợi mới, bước phát triển mới, tạo cơ sở để toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu, đưa sự nghiệp cách mạng ở địa phương tiến lên. Quyết tâm thực hiện Nghị Quyết của Đại hội Đảng bộ, toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh hăng hái phát huy tinh thần cách mạng tiến công, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc xã hội chủ nghĩa hùng mạnh. Trên cơ sở xác định đường lối chung, đường lối xây dựng kinh tế, Đại hội đại biểu toàn Quốc lần thứ IV của Đảng đã quyết định phương hướng, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm 1976-1980 là  vừa phải giải quyết hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa phải tổ chức lại nền kinh tế, xây dựng một bước nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, đặt nền móng cho sự nghiệp công nghiệp hóa nước nhà. Với hai mục tiêu cơ bản và cấp bách của kế hoạch 5 năm đầu tiên là: xây dựng một bước cơ sở vật chất kỹ thuật của xã hội chủ nghĩa, hình thành bước đầu cơ cấu kinh tế mới trong cả nước và cải thiện một bước đời sống của nhân dân lao động. Nhằm thực hiện nhiệm vụ và mục tiêu trên, trong kế hoạch 5 năm 1976-1980, nước ta tiến hành củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam, thống nhất nền kinh tế theo mô hình chung của cả nước. Dưới ánh sáng của Nghị Quyết Đại hội IV của Đảng, Tỉnh ủy đã liên hệ kiểm điểm tình hình nông - lâm nghiệp trong tỉnh thời gian qua, đánh giá đúng đắn những thắng lợi đã đạt được, những vấn đề còn tồn tại và đã đề ra chủ trương, biện pháp đưa sản xuất nông - lâm nghiệp tỉnh nhà lên một bước nhằm thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ và mục tiêu của kế hoạch 5 năm 1976-1980. Tỉnh ủy khẳng định phong trào cách mạng của tỉnh đã giành được nhiều thắng lợi lớn trong mấy chục năm qua, trong đó, thắng lợi cơ bản và to lớn là đã sớm thực hiện hợp tác hóa nông nghiệp. Tỉnh ủy xác định nhiệm vụ hàng đầu của tỉnh trong những năm tới là: “ Ra sức phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp, trọng tâm là giải quyết cho được vấn đề lương thực và thực phẩm, tạo điều kiện vật chất thuận lợi để thực hiện cùng một lúc hai yêu cầu cơ bản và cấp bách là xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội và cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân". Chúng ta phải có quyết tâm lớn tập trung lực lượng toàn tỉnh tạo ra một bước phát triển vượt bậc về nông, lâm nghiệp nhằm đạt 3 mục tiêu:

1. Bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm cho nhu cầu trong tỉnh (kể cả chăn nuôi ),đóng góp nhiều hơn cho Nhà nước và có phần dự trữ.

2. Cung ứng đủ nguyên liệu nông, lâmsản cho công nghiệp chế biến tơ tằm, mía, thuốc lá, rau quả hộp, chè, thức ăn gia súc, cây làm thuốc... tiến tới tự túc đủ nguyên liệu cho sản xuất thủ công nghiệp chế biến để xuất khẩu.

3. Tăng nhanh nguồn hàng xuất khẩu về nông, lâm sản và mây tre đan, mỹ nghệ...Phấn đấu kế hoạch 5 năm tạo cho được sự chuyển biến cơ bản trong nông - lâm nghiệp của tỉnh theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, với trình độ tập trung hóa, chuyên môn hóa, hợp tác hóa, cơ giới hóa... ngày càng cao, cơ sở vật chất ngày càng tiến bộ.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhân dân Hoà Bình đã có những đóng góp đáng kể cho nền công nghiệp hoá nước nhà. Trong đó, đóng góp quan trọng nhất của nhân dân Hoà Bình trong 15 năm hợp tỉnh là những đóng góp lớn về sức người, sức của vào công trình Thuỷ điện Hoà Bình. Thuỷ điện Hoà Bình là một trong những nhà máy thuỷ điện có quy mô lớn, thiết bị hiện đại, có chức năng tổng hợp các nhiệm vụ: chống lũ, phát điện, tưới tiêu và đảm bảo giao thông thuỷ. Tuy đất nước còn trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 24-6-1971, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định xây dựng Nhà máy thủy điện sông Đà. Công trình xây dựng thủy điện sông Đà là một công trình lớn của thế kỷ XX, mang lại ánh sáng cho đất nước, với 8 tổ máy, 2 đường hầm xả lũ, 1 đập ngăn nước chính cao 128 m, dài 640 m, chân đập dày 820 m, đập tràn cao 70 m, làm từ 46 vạn mét khối bê tông. Để có đập ngăn nước chính, ngành xây dựng đã huy động hàng ngàn công nhân đào đắp 5,8 triệu mét khối nền đất, 23 triệu mét khối nền đá, đắp 26 triệu mét khối đất đá cát sỏi. Tổng cộng các loại đường hầm dàikhoảng 20 km. Số thiết bị máy móc lắpđặt là 48.000 tấn. Công trình được dựng lên cùng với hàng trăm khu nhà ở, nhà làm việc, nhà ăn, nhà khách, nhà trẻ... với khoảng 30.000 người làm việc thường xuyên trên công trường. Công trình hoàn thành là thành tựu vẻ vang chung của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, của các bộ, ngành, địa phương thường xuyên chỉ đạo, theo dõi, chi viện, đặc biệt trong đó phải ghi nhận sự đóng góp, giúp đỡ vô cùng to lớn và những cống hiến vô giá của nhân dân các dân tộc Hòa Bình cho đường điện của Tổ Quốc. Quá trình xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình trong bối cảnh đất nước vừa thoát khỏi cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam (1978) và cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc (1979), nền kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn. Từ những đặc điểm trên, nhiệm vụ phục vụ và bảo vệ an toàn tuyệt đối công trình thủy điện sông Đà trong suốt 15 năm (1976-1991) là hết sức nặng nề đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Ngay những ngày đầu nhân dân ta phải tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hòa Bình đã tạo điều kiện tốt nhất để các đoàn cán bộ địa chất đặt những mũi khoan thăm dò cho việc khởi đầu xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình. Cũng trong những năm này, hàng chục cán bộ nhân dân của thị xã Hòa Bình đã tiến hành việc di dời nơi cư trú để phục vụ cho công trình tương lai. Tháng 1-1976, Trung ương Đảng giao cho tỉnh Hà Sơn Bình phải phục vụ tốt nhất cho công trình thủy điện Hòa Bình, với các nhiệm vụ cụ thể sau:

- Giải phóng mặt bằng cho công trườngthi công và chuyển dân ở các huyện ĐàBắc, Mai Châu, Kỳ Sơn, Tân Lạc và thị xãHòa Bình ra khỏi khu vực mặt bằng côngtrường và khu vực lòng hồ sông Đà theođúng tiến độ.

- Góp phần tích cực phục vụ đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân Việt Nam và chuyên gia Liên Xô trên công trường.

- Có phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối cả về kinh tế, kỹ thuật, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Ngày 28-8-1979, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Sơn Bình đã họp để kiểm điểm việc thực hiện công tác chuẩn bị cho khởi công công trình thủy điện Hòa Bình và bàn biện pháp thi hành Chỉ thị 248/TT của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác chuẩn bị để khởi công công trình đúng vào dịp Cách mạng Tháng Mười Nga.

Ngày 15-9-1979, Thủ tướng chính phủ Thủ tướng chính phủ ra Chỉ thị số 315-CT/TTg về việc chuẩn bị và tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình thuỷ điện Hoà Bình trên sông Đà. Thủ tướng chính phủ yêu cầu các bộ, tổng cục, các địa phương làm tốt các công việc đã được phân công để khởi công xây dựng công trình thuỷ điện Hoà Bình vào ngày 07-11-1979. Đúng 10 giờ ngày 06-11-1979, đồng chí Lê Thanh Nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng chính Phủ nổ mìn, chính thức phát lệnh khởi công xây dựng thuỷ điện Hoà Bình trên sông Đà. Phát biểu tại lễ khởi công, Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị phát biểu: “ Công trình thuỷ điện Hoà Bình có vị trí đặc biệt quan trọng với sự nghiệp phát triển nền kinh tế quốc dân, sự nghiệp công nghiệp hoá XHCN của Việt Nam”.

Thực ra, ngay từ năm 1976 và nhất là từ khi có Nghị Quyết 65 của Tỉnh ủy, toàn tỉnh đã quán triệt sâu rộng về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng về chủ trương xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình của Đảng và Nhà nước ta đến toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, gây được niềm phấn khởi, tự hào, vinh dự. Qua đó xác định được trách nhiệm, phân tích việc đóng góp phục vụ xây dựng và bảo vệ công trình. Công tác chuyển dân, giải phóng mặt bằng công trường, giải phóng lòng hồ sông Đà được xác định là một hạng mục quan trọng của công trình thủy điện Hòa Bình, có khối lượng lớn, có tiến độ chặt chẽ, được tiến hành trên địa bàn rộng lại trực tiếp ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống, tâm tư, tình cảm, phong tục tập quán của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trước ngày khởi công công trình, trong nhiều tháng, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Công tác sông Đà của tỉnh Hà Sơn Bình cùng chính quyền các cấp trong tỉnh đã giới thiệu mục đích, ý nghĩa và tác dụng xây dựng công trình, để nhân dân thấy rõ trách nhiệm và nghĩa vụ đóng góp cho công trình thế kỷ này. Việc dời nơi cư trú của nhân dân các huyện Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Kỳ Sơn và thị xã Hòa Bình là một cuộc đấu tranh tư tưởng và tâm lý rất lớn, có tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm của nhân dân các dân tộc, không ít người có tâm trạng hoang mang lo lắng. Đặc biệt, đối với đồng bào Mường, việc di chuyển mồ mả theo phong tục tập quán là không thể làm được. Khó có thể kể hết những khó khăn mà đồng bào các dân tộc Hòa Bình phải trải qua khi đóng góp, cống hiến cho việc giải phóng mặt bằng, lòng hồ công trình. Vì lợi ích xây dựng nhà máy thuỷ điện cho cả nước, vì sự ích nước lợi nhà, hàng ngàn gia đình đồng bào dân tộc Dao, Mường sống ở vùng lòng hồ sông Đà đã sẵn sàng chuyển đi, cống hiến những ngôi nhà, mảnh ruộng, nương quen thuộc gắn bó từ ngàn đời để đến những nơi định cư mới. Để phục vụ cho tiến trình xây dựng thuỷ điện, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Hà Sơn Bình đã nêu những nhiệm vụ cụ thể của nhân dân trong tỉnh là:

1. Thực hiện chính sách di dời dân ở vùng lòng hồ.

2. Quy hoạch vùng chuyên canh rau rộng lớn, cung cấp thực phẩm cho công trường.

3. Khai thác nguồn lâm nghiệp và đất đai ở vùng lòng hồ trước khi nước dâng,chủ yếu là trồng sắn.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, của các cấp, các ngành, các địa phương, của cán bộ cơ sở đi thăm dò thực địa nơi ở mới, nhất là tinh thần nhiệttình cách mạng cao độ của nhân dân cácdân tộc Hòa Bình, công tác di dời dân được tiến hành nhanh gọn, bảo đảm đúng tiến độ thi công. Thị xã Hòa Bình, huyện Kỳ Sơn là những địa phương mở đầu cho việc thực hiện công tác chuyển dân, giải phóng mặt bằng, đã có nỗ lực vượt bậc trong việc tuyên truyền, động viên quần chúng nhân dân nhường nhà cửa, đất đai, ruộng vườn cho công trình. Công tác này được tiến hành trong nhiều đợt: Trong 3 năm 1976-1979, công tác này được tiến hành thuận lợi, nhanh gọn. Có16 cơ Quan, trường học, 500 hộ dân, 1.797mồ mả được di chuyển, bàn giao cho côngtrình 1.000 ha. Đến cuối năm 1981, về cơ bản đã di chuyển xong 540 hộ dân, 36 đơn vị, cơ quan, trường học, 2.883 mồ mả... để cấp và bàn giao cho công trình 1.027 ha đất xây dựng cả bờ trái và bờ phải. Theo số liệu thống kê năm 1976, công tác chuyển dân, giải phóng mặt bằng công trường và lòng hồ sông Đà là 3.526 hộ, trong đó có 540 hộ tại mặt bằng và 2.896 hộ ở vùng ngập lòng hồ. Qua 3 lần điều tra phát sinh ở lòng hồ sông Đà ( năm 1983: 441 hộ, năm 1987: 546 hộ và năm 1990: 50 hộ), tổng số hộ phải di chuyển là 4.596 hộ, trong đó vùng ngập lòng hồ sông Đà là 4.023 hộ, riêng huyện Đà Bắc là 2.930 hộ, với 18.400 nhân khẩu, di chuyển 7.987 mồ mả.

Tính đến năm 1992, tổng diện tích đất đai các loại phục vụ cho công trình thủy điện sông Đà (mặt bằng công trình và hồ chứa nước) là 12.934 ha, riêng vùng ngập lòng hồ là 11.894 ha. Trong quá trình giải phóng mặt bằng vào lòng hồ sông Đà, một khối lượng to lớn tài sản nhà cửa, công trình của nhân dân, của tập thể, của Nhà nước phải di chuyển hoặc bỏ lại là 519.661 m², cụ thể:

- Tài sản của hộ dân: 219.000 m² nhà ở, 199.000 m² chuồng trại.

- Trường học, trạm xá: 34.000 m².

- Nhà kho, chuồng trại hợp tác xã: 19.533 m².

- 234 km đường giao thông, 18 công trình hồ, đập, trạm bơm...

Cùng với những đóng góp, hy sinh có thể tính bằng con số, còn có cả những hy sinh thầm lặng vô giá, thiêng liêng của nhân dân các dân tộc Hòa Bình đối với công trình thế kỷ của đất nước như việc phải di chuyển mồ mả cha ông.... và còn rất nhiều ngôi mộ vì khó khăn nên vẫn phải nằm lại dưới làn nước xanh của lòng hồ.

Tuy vậy, công tác đền bù di chuyển và quy hoạch xây dựng nơi ở mới để nhân dân ổn định đời sống và sản xuất vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Đời sống của hầu hết số hộ sau khi di chuyển đã gặp nhiều khó khăn, các mặt y tế, giáo dục, văn hóa đều chậm phát triển.

Sau 15 năm xây dựng ( từ 7-11-1979 đến 20-12-1994 ), Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình chính thức hoàn thành đưa vào vận hành 8 tổ máy. Cho đến nay, nhà máy thuỷ điện Hoà Bình đã sản xuất hơn 90 tỷ KWh điện, chiếm gần 30% tổng sản lượng điện quốc gia hàng năm . Bên cạnh đó, công trình đầu mối thuỷ điện Hoà Bình còn góp phần ngăn lũ cho đồng bằng sông Hồng, tạo điều kiện cho việc phát triển nông-lâm-công-nghiệp và du lịch ở khu vực lòng hồ. Ngoài những lợi ích về kinh tế, công trình xây dựng thủy điện Hoà Bình còn là trường học lớn bồi dưỡng nhận thức, nâng cao trình độ khoa học – kỹ thuật cho đông đảo công nhân Việt Nam. Thông qua quá trình lao động, tình đoàn kết giữa những người lao động Việt Nam và Liên Xô được thắt chặt. Có thể nói, công trình thuỷ điện Hoà Bình là bông hoa tươi thắm tình hữu nghị Việt – Xô. Với những thành tích đạt được, Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình là một biểu tượng của trí tuệ Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, xứng đáng với danh hiệu cao quý – Anh hùng lao động mà Đảng và Nhà nước trao tặng. 

Những đóng góp lớn lao của nhà máy thuỷ điện Hoà Bình với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã khẳngđịnh chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc xây dựng Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình trên sông Đà là hoàn toàn đúng đắn, sáng suốt. Đó là chủ trương có tính chiến lược thể hiện tầm cao và chiều sâu trí tuệ của Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, một loạt các nhà máy thuỷ điện lớn như: Yaly, Na Hang ( Tuyên Quang ), Tạ Bú ( Sơn La )…đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần vào công cuộc xây dựng thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong thế kỷ XXI.

Liên kết web :
Đang online : 23
Hôm nay : 576
Tháng hiện tại : 15474
Tổng lượt truy cập : 1565934