NHỮNG SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG LỊCH SỬ 130 NĂM CỦA TỈNH HOÀ BÌNH (Phần 1)

 

 HOÀ BÌNH NHỮNG NGÀY ĐẦU THÀNH LẬP

Cuối thế kỷ XIX, tình hình thế giới có nhiều chuyển biến theo một hình thái mới. Các cuộc xâm lăng phong kiến đã dần bị thay thế bằng chủ nghĩa thực dân xâm lược mà quân xâm lược đó thường là đội quân viễn chinh. Nước đô hộ thuộc các chủng tộc khác màu da và họ là đại diện cho các nhà nước Tư bản thay thế cho các nhà nước phong kiến. Nơi đến xâm lăng của họ thường là những vùng đất nghèo nàn, lạc hậu so với sự phát triển vào thời kỳ công nghiệp và nền kinh tế thị trường của họ. Chính vì vậy họ thường lợi dụng sự yếu hèn của tầng lớp phong kiến bản địa và núp dưới chiêu bài văn minh khai hoá cho người bản xứ. Trong bối cảnh đó, Việt Nam khó tránh khỏi trở thành nơi cho chủ nghĩa thực dân Pháp xâm lược. Tỉnh Hoà Bình được thành lập từ sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta thực hiện chính sách chia để trị. Ngày 22-6-1886, Quyền kinh lược Bắc Kỳ ký nghị định thành lập tỉnh mới gọi là tỉnh Mường. Cắt đất đai có đông đồng bào Mường cư trú thuộc các tỉnh Hưng Hoá, Sơn Tây, Hà Nội, Ninh Bình. Tỉnh lỵ đặt tại chợ Bờ. Từ đó đến năm 1896, về tổ chức và địa giới hành chính tỉnh Mường có thay đổi, tỉnh lỵ chuyển về xã Hoà Bình tả ngạn sông Đà, từ đây tỉnh Mường được gọi là tỉnh Hoà Bình.

Trong thời gian này, nhân dân ta phải sống trong cảnh nô lệ của hai tầng xiềng xích thực dân, phong kiến. Các cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc không ngừng nổ ra, và đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc trong đó có tỉnh Hoà Bình lại một lần nữa phải đương đầu với kẻ thù xâm lược và sự áp bức bóc lột. Phong trào Cần Vương đã dấy lên mạnh mẽ trong vùng đồng bào Mường ở Hoà Bình, Ninh Bình. Vùng núi của Hoà Bình từ Lương Sơn, đến Kim Bôi, Lạc Thuỷ, Kỳ Sơn, Đà Bắc, Mai Châu và dải sông Đà trở thành căn cứ hoạt động của Đốc Tam, Đinh Công Uy, nhiều trận đánh diễn ra ở vùng chợ Bờ, Phương Lâm, Mông Hoá, Dốc Kẽm, gây cho địch tổn thất nặng nề, điển hình là trận đánh vào thị xã Bờ ngày 30-01-1891 giết tên Ru-giơ-ri ( Rougery) công sứ người Pháp; trận Chợ Đập ở Lạc Thuỷ giết tên quan hai Phô-gie (Fau-gi-re). Trong khoảng thời gian này, nổi lên là cuộc khởi nghĩa của Đốc Ngữ , Đốc Tâm mà nhân dân ta thành kính gọi là nghĩa quân sông Đà. Năm 1886, nghĩa quân phục kích địch ở Nho Quan, Ninh Bình tiêu diệt nhiều sỹ quan, binh lính Pháp, năm 1891, nghĩa quân sông Đà của Đốc Ngữ đánh úp thị xã tỉnh lộ chợ Bờ, tiếp đó năm 1892, tập kích đồn Yên Lãng trên phòng tuyến sông Đà của địch. Thực dân Pháp coi nghĩa quân sông Đà là lực lượng khởi nghĩa hùng hậu nhất chưa từng có ở xứ Bắc Kỳ thời bấy giờ. Năm 1889 – 1890, vùng đồng bào Mường Hoà Bình nổ ra phong trào chống Pháp phối hợp với nghĩa quân sông Đà của Tổng Khiêm và Đinh Công Uy đều là những chỉ huy người Mường ở địa phương. Cuộc nổi dậy khởi nghĩa của Tổng Khiêm đã giết chết tên giám binh Senhô và nhiều binh lính Pháp, phục kích địch trong nhiều trận liên tiếp, đe doạ và làm hao tổn đội quân đồn trú ở vùng cửa ngõ Tây Bắc đầu thế kỷ thứ XX, những cuộc khởi nghĩa tiêu biểu của đồng bào các dân tộc Hoà Bình do Tổng Kiêm và Đốc Bang ( Kỳ Sơn ) chỉ huy tiến đánh thị xã Hoà Bình ngày 02-08-1909 giết tên giám binh Se-Nho ( Chai-gue- au) giải thoát cho nhiều người bị chúng giam cầm. Và truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất chống quân xâm lược của nhân dân các dân tộc Hoà Bình lại được nhân lên gấp bội.

Tuy các cuộc khởi nghĩa không thể kéo dài , sớm bị kẻ thù dập tắt nhưng đã hun đúc ý chí yêu nước quật khởi và tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc vùng Tây Bắc nói chung và trong tỉnh Hoà Bình nói riêng. Đồng thời nó báo hiệu những đòi hỏi của một thời kỳ cách mạng mới, những giá trị mới của độc lập dân tộc phù hợp với điều kiện trong nước và quốc tế.  Đảng cộng sản Việt Nam ra đời đã nhanh chóng tập hợp lực lượng, xây dựng phong trào cách mạng ở vùng dân tộc ít người trong đó có Hoà Bình. Hoà Bình là một tỉnh có nhiều dân tộc, nhưng đông nhất là người Mường chiếm tới 80% dân số toàn tỉnh, trước cách mạng tháng tám năm 1945, người Mường sống trong chế độ Lang đạo có sự phân chia đẳng cấp sâu sắc, chế độ Lang đạo là đặc trưng quá trình phát triển của xã hội người Mường, là một chế độ bóc lột hà khắc cực kỳ bảo thủ, phản động. Lang có uy thế chính trị, kinh tế lớn là Lang Cun thuộc các dòng họ Đinh – Quách ở 4 vùng: Bi – Tân Lạc; Vang – Lạc Sơn; Thàng – Kỳ Sơn; Động – Lương Sơn và Kim Bôi). Dưới chế độ nhà Lang quyền sống của người dân Mường bị chà đạp, ngay đến tính mạng cũng do Lang định đoạt, lang cho sống được sống, bảo chết phải chết, nên người Mường xưa có câu: “ Nhỏ là con Bố con Mế, lớn là con Cun con Lang”. Trong lịch sử lâu dài người dân Mường thấy được mặt áp bức bóc lột tàn bạo của lang, và có lúc có nơi đã nổi lên chống lại lang đạo. Song trong tiềm thức của người dân khi chưa được giác ngộ họ còn coi lang như một thần tượng, tượng trưng cho một sức mạnh quyền lực của họ, nhất là khi phải đấu tranh với các thế lực bên ngoài để bảo vệ bản làng nơi họ sinh sống. Đáng chú ý là chế độ lang tồn tại hàng ngàn năm có tính lãnh địa cắt cứ (tương đối) trong lòng Nhà nước phong kiến tập quyền Việt Nam. Vì vậy, những gì động chạm đến đặc quyền có tính chất cắt cứ của họ đều gây nên nỗi bất bình chống đối của lang đạo. Lợi dụng những đặc điểm ấy, thực dân Pháp đã khoét sâu vấn đề dân tộc, triệt để sử dụng duy trì chế độ lang đạo ở Hoà Bình. Thực hiện chính sách chia để trị “ dùng thổ lang để trị thổ dân”, không những dùng quân sự mà chúng còn tăng cường các thủ đoạn chính trị, tuyên truyền, kích động chia rẽ, gây hằn thù dân tộc để dễ bề cai trị. Thực dân Pháp lợi dụng bọn phản động, tay sai lập ra xứ Mường, xứ Thái tự trị theo chiêu bài giả hiệu. Chúng xây dựng những đội quân riêng người Thái, riêng người Mường, đầu độc họ bằng ý thức dân tộc hẹp hòi, biến họ thành công cụ chống cách mạng, chống các dân tộc anh em, gây hận thù, nhen nhóm ngọn lửa chiến tranh giữa các dân tộc để chúng dễ bề lợi dụng, khống chế, đàn áp. Thực dân Pháp cùng bè lũ tay sai và bọn phản động xuyên tạc đường lối kháng chiến kiến quốc của ta, dùng chiêu bài xây dựng xứ rừng xanh tự trị là thành viên của liên bang Đông Dương trong khối liên hiệp Pháp – Việt. Chúng ra sức nắm số lang đạo có tên tuổi có thế lực trong vùng, ngày 23-06-1892 thành lập hội đồng quan Lang gồm 12 thành viên để điều hành công việc do Pháp chỉ đạo bằng chính sách mỵ dân tạo nên những ngọn cờ giả hiệu chống phá phong trào cách mạng, chúng còn bảo hộ tăng thêm quyền lực biến lang đạo thành tay sai đắc lực phục vụ cho âm mưu lâu dài của thực dân Pháp. Trước tình hình đó, Đảng Cộng Sản nhanh chóng tập hợp lực lượng nhằm phát triển sâu rộng trong cả nước

Tại Bắc Kỳ, ngày 17-6-1929, Đông dương cộng sản Đảng thành lập. Sau đó những người thanh niên cách mạng còn lại ở Nam Kỳ đã thành lập An nam cộng sản Đảng. Trước xu thế thành lập Đảng cộng sản như trên, một số người thuộc phái cấp tiến trong tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng, một số tổ chức yêu nước có xu hướng cộng sản cũng tách ra thành lập Đông Dương cộng sản liên đoàn ( 10-1929 ). Ánh sáng cách mạng vô sản đượ truyền tới Hoà Bình trong bối cảnh như trên.  Đầu tháng 8-1929, đồng chí Đào Gia Lựu bị thực dân Pháp nghi ngờ là hoạt động cộng sản và điều lên dạy học tại miền núi thuộc châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Nhân việc đó, Tỉnh uỷ Đông Dương cộng sản Đảng Nam Định giao cho đồng chí nhiệm vụ tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, gây dựng cơ sở cách mạng ở địa bàn miền núi tỉnh Hoà Bình. Nhưng đến cuối năm 1929, đồng chí Đào Gia Lựu bị bắt, nên mầm cách mạng vừa gieo ở Lạc Sơn không phát triển được.

 HOÀ BÌNH TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP ( 1930-1945 )

            Ngày 3-02-1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Sự ra đời của Đảng thổi bùng lên phong trào đấu tranh cách mạng trong những năm 1930-1931, điển hình là phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh. Thực hiện chủ trương phát triển cơ sở  cách mạng, chi bộ Đảng ở Thanh Khê – Trung Trữ ( huyện Gia Khánh – tỉnh Ninh Bình ) đã phân công đồng chí Hoàng Trường một đảng viên của chi bộ lên hoạt động gây cơ sở tại làng Hoàng Đồng ( xã Khoan Dụ ngày nay ) châu Lạc Thuỷ. Dựa vào mối quan hệ quen biết đồng chí đã bắt mối tuyên truyền , khêu gợi lòng yêu nước, căm thù thực dân Pháp xâm lược ở những thanh niên có học thức, có tinh thần yêu nước. Ngày 01-12-1930, tổ đảng Hoàng Đồng ( thuộc chi bộ Thanh Khê – Trung Trữ ) được thành lập gồm 5 thành viên, tích cực hoạt động cách mạng, gây ảnh hưởng sâu rộng trong lòng quần chúng nhân dân.

            1929-1939 là chặng đường có vị trí mở đầu mang nhiều ý nghĩa trên tiến trình lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc Hoà Bình dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng. Trên chặng đường lịch sử này, những đốm lửa cách mạng bắt đầu được nhen lên ở nhiều điểm: Lạc Sơn, Lạc Thuỷ, thị xã Hoà Bình, đáng chú ý là mầm cách mạng ở lạc sơn, cơ sở cách mạng ở Lạc thuỷ đã ra đời từ những năm 1929-1930 trong thời điểm Đảng cộng sản Việt Nam ra đời mở ra bước ngoặt lịch sử của phong trào cách mạng Việt Nam. Cơ sở cách mạng được hình thành ngay tại Phương Lâm – thị xã Hoà Bình, nơi trung tâm chính trị xã hội của tỉnh, nơi sào huyệt của bộ máy thống trị thực dân đặt tại địa phương.

            Năm 1940-1941, các chi bộ Đảng Cộng Sản đầu tiên được ra đời tại vùng có đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Hoà Bình, Sơn La, Yên Bái, Thanh Hoá - đó là bước ngoặt trong lịch sử các dân tộc thiểu số, thổi luồng gió mới vào truyền thống đoàn kết yêu nước đấu tranh giành tự do, độc lập. Vào những năm bốn mươi, nhà tù Sơn La là nơi thực dân Pháp giam cầm, đầy ải các chiến sỹ Cách mạng, với sự ra đời và hoạt động của chi bộ Đảng và các cuộc tuyên truyền vận động của tù nhân cán bộ Cách mạng vượt ngục, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vùng Sơn La, Hoà Bình được giác ngộ thành hạt giống đỏ của Cách mạng. Được sự giúp đỡ của Đảng bộ Hà Đông, Ninh Bình, Hà Nam, phong trào cách mạng ở Hoà Bình đã phát triển nhanh chóng từ đầu năm 1943 đến giữa năm 1944, các đội cứu quốc lần lượt thành lập, năm 1943, tổ cứu quốc xã Nật Sơn, tổ cứu quốc Vụ Bản ( Lạc Sơn), tổ cứu quốc phố Vãng ( Mai Đà), tổ cứu quốc Phương Lâm ( thị xã Hoà Bình), và Nhuận Trạch ( Lương Sơn) là những địa bàn có vị trí trọng yếu, trung tâm chính trị, đầu mối giao lưu kinh tế, xã hội trong tỉnh hoặc một vùng. Trong thời gian này, trung ương đã bổ sung cán bộ cho Hoà Bình đồng chí Vũ Đình Bản và đồng chí Vũ Thơ ( Vũ Kỳ Châu) để lãnh đạo phong trào cách mạng, các đồng chí thống nhất phương hướng củng cố, mở rộng phong trào, đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh của quần chúng lên một bước cao hơn, thường xuyên liên lạc với chi bộ nhà tù chính trị ở thị xã Hoà Bình để phối hợp hoạt động. Chỉ trong vòng hơn một năm phong trào cách mạng ở Hoà Bình đã phát triển mạnh, xây dựng thế đứng vững chắc ở thị xã và một số thị trấn trung tâm về đầu mối chính trị – kinh tế - xã hội trong tỉnh. Vào cuối năm 1944, không khí cách mạng sục sôi trong cả nước, thôi thúc tinh thần cách mạng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Những cuộc đấu tranh của nhân dân và các tổ chức quần chúng liên tiếp nổ ra: cuộc đấu tranh của chị em làm xáo buôn bán gạo ở chợ Phương Lâm đòi giảm thuế chợ; cuộc đấu tranh của vợ con binh lính trong hàng ngũ địch đòi huởng chế độ cung cấp lương thực… Cùng với những cuộc đấu tranh trên , quần chúng còn hăng hái hỗ trợ các chiến sĩ bị giam giữ trong nhà tù chính trị ở thị xã Hoà Bình, khi cuộc tuyệt thực nổ ra, cán bộ, quần chúng ở thị xã ra sức tiếp tế cho anh em trong tù đấu tranh bền bỉ, cuộc đấu tranh diễn ra một tuần với tinh thần cương quyết phối hợp giữa trong và ngoài đã giành thắng lợi. Phong trào đấu tranh kinh tế, chính trị sôi động trong những tháng nửa cuối năm 1944 là một bước tập dượt quan trọng có ảnh hưởng sâu rộng, tạo đà cho phong trào cách mạng ở thị xã và toàn tỉnh tiếp tục tiến lên. Mặt trận Việt Minh thị xã chính thức được thành lập tháng 10-1944, do anh Trần Nghìn làm chủ nhiệm.

              Ngày 22-12-1944, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời, hoạt động ở căn cứ địa Việt Bắc và tiến xuống phía nam qua Hoà Bình, việc xây dựng cơ sở lực lượng tại Hoà Bình trở thành cấp thiết nhằm đẩymạnh phong trào ở địa phương. Cuốitháng 01-1945, thành lập ban cán sự tỉnh Hoà Bình do đồng chí Vũ Thơ làm bí thư. Sau đó thành lập chiến khu Hoà Ninh Thanh gồm: Hoà Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá. Các đội tự vệ cứu quốc lần lượt ra đời ở Hiền Lương, Tu Lý ( Mai Đà ), thị trấn Vụ Bản, Mường Khói, Ân Nghĩa ( Lạc Sơn).đồng thời xúc tiến mở lớp huấn luyện quân sự tại xóm Giằng Xèo hơn 10 đội tự vệ cứu quốc bí mật về dự huấn luyện. Đến trước 9-3-1945, phong trào cách mạng ở Hoà Bình đã tạo được thế phát triển vững ở nhiều vùng, nhiều địa bàn quan trọng từ thị xã đến các vùng nông thôn. Nhưng so với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, nhất là yêu cầu xây dựng chiến khu thì ngoài thị xã là vững mạnh, còn các nơi khác lực lượng chính trị, lực lượng bán vũ trang còn rất mỏng, chưa qua rèn luyện, tập dượt trong đấu tranh. Một khó khăn khác là địa bàn miền núi, nhiều dân tộc song lực lượng cán bộ còn quá ít. Đội ngũ cán bộ cơ sở cũng còn rất mỏng, đang trong quá trình bồi dưỡng, đào tạo. Mặc dù còn không ít khó khăn, hạn chế song về cơ bản phong trào cách mạng ở Hoà Bình đang trong thế phát triển, hoà nhịp cùng phong trào chung tiến tới cao trào cách mạng trong thời gian tới.

             Đêm 09-03-1945, Nhật đảo chính hất cẳng thực dân Pháp độc chiếm Đông Dương. Tại Hoà Bình, đêm 11 và ngày 12/3/1945, một đơn vị phát xít Nhật đánh chiếm thị xã gần như không gặp một trở ngại nào. Một vài ngày sau Nhật điều thêm 500 quân lên Hoà Bình đưa tổng số quân Nhật lên một trung đoàn do tên quan năm chỉ huy. Sau cuộc đảo chính hất cẳng thực dân Pháp, phát xít Nhật dựng lên chính phủ bù nhìn do Trần Trọng Kim làm thủ tướng. Tại Hoà Bình, chúng tổ chức gặp mặt bọn quan lại cũ và một số nhà lang gọi là: “ Hội nghị hiệp thương” để lập chính quyền củng cố bộ máy thống trị của chúng. Đêm 9-3-1945 đến 12-3-1945, ban thường vụ TW Đảng họp và ra chỉ thị “ Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” và đề ra khẩu hiệu: “ Đánh đuổi phát xít Nhật”. Lúc này phong trào cách mạng ở Hoà Bình đã tạo được một bước chuyển biến. Ban cán sự Đảng đã xác định: Tình hình nhiệm vụ đòi hỏi phong trào cách mạng phải gấp rút toả vào nông thôn, phát triển cơ sở trong đồng bào các dân tộc, xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng bán vũ trang và vũ trang cách mạng, xây dựng các khu căn cứ, dự trữ vũ khí, lương thực chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến. Cán bộ đến tuyên truyền và vận động một số nhà lang tham gia mặt trận chống Nhật, việc vận động và thuyết phục đối với một số nhà lang không đơn giản mà là cuộc đấu tranh chính trị rất phức tạp đòi hỏi cán bộ phải vững vàng, có phương pháp khéo léo. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng cán bộ của ta đã bám sát từng vùng, tích cực thực hiện chủ trương do ban cán sự vạch ra, đồng thời phải khẩn trương xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang và bán vũ trang, xây dựng các căn cứ dự trữ lương thực, vũ khí chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa.

             Thực hiện nghị quyết hội nghị Bắc Kỳ (15-4-1945), chiến khu Quang Trung được thành lập trên cơ sở chiến khu Hoà Ninh Thanh, đồng chí Văn Tiến Dũng được cử làm chỉ huy trưởng chiến khu, đồng chí Phan Lang được cử làm uỷ viên. Sau hội nghị này đồng chí Văn Tiến Dũng đã qua Hoà Bình tham dự hội nghị ban cán sự họp tại Phương Lâm. Hội nghị đã thống nhất đánh giá việc thực hiện và những phương hướng được đề ra: xây dựng lực lượng vũ trang, bán vũ trang trên cơ sở phát triển lực lượng cách mạng sâu rộng trong quần chúng nhân dân, xây dựng cơ sở và phát triển Đảng.

             Đến tháng 7 – 1945, trong các khu căn cứ Mường Khói, Thạch Yên, Hiền Lương, Tu Lý và những vùng trọng điểm ta đã thành lập đội tự vệ cứu quốc. Ở thị xã Hoà Bình, đội tự vệ cứu quốc do chi bộ thị xã trực tiếp lãnh đạo, đây là những tổ chức tiền thân của Công an Hoà Bình – một lực lượng nòng cốt, xung kích có nhiệm vụ bảo vệ cách mạng, bảo vệ cán bộ, bảo vệ các cuộc mít tinh, hội họp cuả quần chúng, và tổ chức tuyên truyền cho quần chúng nhân dân về ý thức bảo vệ bí mật các cơ sở.

             Trong thời kỳ tổng khởi nghĩa, lực lượng của ta phải đấu tranh quyết liệt với những thủ đoạn xảo quyệt của địch. Chúng ra sức hoạt động chống phá cách mạng, xây dựng cơ sở từ tỉnh đến huyện, xã, vào những người có thế lực, vào thầy cúng, thầy mo, tuyên truyền kích động chống phá cách mạng, chống lại Việt Minh. Một nhóm thanh niên của tổ chức Đại Việt thân Nhật từ Hà Nội kéo lên cùng với một số tên thân Nhật ở thị xã Hoà Bình do con trai Chánh Đức cầm đầu tổ chức tuyên truyền cho thuyết “ Đại Đông Á” của Nhật và tô vẽ cho chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, xuyên tạc cách mạng. Để đối phó với bọn này, ban cán sự kịp thời chỉ đạo cho các đoàn thể cứu quốc ở thị xã đẩy mạnh tuyên truyền, vạch mặt bọn Đại Việt thân Nhật, vận động nhân dân tẩy chay khi chúng tổ chức mít tinh, vạch trần luận điệu lừa bịp của chúng, cô lập bọn tay sai, làm thất bại âm mưu của chúng, buộc chúng phải rút khỏi Hoà Bình. Thời gian này, họat động đấu tranh trên địa bàn thị xã diễn ra sôi nổi, phong trào kháng Nhật cứu nước đã gây ảnh hưởng sâu rộng trong nhân dân các dân tộc. Chi bộ thị xã đã tổ chức những buổi rải truyền đơn, dán áp phích “ đả đảo phát xít Nhật”; “ đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim”.

             Chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc, phát xít Đức và phát xít Nhật buộc phải đầu hàng không điều kiện. Ở Việt Nam, quân đội Nhật mất hết tinh thần, chính phủ Trần Trọng Kim tê liệt mọi hoạt động, thời cơ ngàn năm có một đã đến, Đảng ta quyết định lãnh đạo toàn dân nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 16-8-1945, đại hội quốc dân họp ở Tân Trào quyết định thành lập Uỷ ban giải phóng dân tộc (tức chính phủ lâm thời) do đồng chí Hồ Chí Minh làm chủ tịch, thực hiện mệnh lệnh tổng khởi nghĩa của Uỷ ban khởi nghĩa và hưởng ứng lời kêu gọi của TW Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước nhất tề đứng lên giành độc lập, tự do trong giờ phút quyết định của lịch sử.

               Ngày 18-8-1945, lệnh tổng khởi nghĩa truyền tới Hoà Bình. Ngay hôm đó ban khởi nghĩa Hoà Bình được thành lậpdo đồng chí Vũ Thơ làm trưởng ban và kịp thời phát lệnh đến các khu căn cứ. Ngày 19-8-1945, chi bộ thị xã và các cơ sở cách mạng trong tỉnh tiếp nhận lệnh khởi nghĩa. Thực hiện phương án đã dự kiến trước, tập trung lãnh đạo khởi nghĩa ở một điểm chắc thắng rồi tiến lên giành chính quyền ở tỉnh và các châu huyện. Tối 19-8-1945, chi bộ triệu tập hội nghị cán bộ tại nhà một đảng viên ở phố Đồng Nhân, thị xã Hoà Bình, cử ban chỉ huy khởi nghĩa và bàn kế hoạch phát động nhân dân bên bờ phải sông Đà vũ trang giành chính quyền ở châu Kỳ Sơn, chuẩn bị lực lượng, phương tiện đón và phối hợp với quân khởi nghĩa từ các căn cứ tiến về, ở thị xã các tổ tự vệ chiến đấu, tự vệ cứu quốc hoạt động mạnh, tuần tra canh gác khu phố, các cơ sở, cắt đường điện thoại ở khu vực đóng quân của quân Nhật. Tổ tự vệ ở khu phố Phương Lâm đột nhập vào khovũ khí của giặc Nhật ở phố An Hoà lấy được 27 khẩu súngcác loại. Đây là những hành động mưu trí, dũng cảm của các tổ tự vệ chiến đấu, tổ tự vệ cứu quốc, để tạo điều kiện và làm mất khả năng đối phócủa quân địch.

               Đúng kế hoạch đã định, ngày 20-8-1945, khởi nghĩa ở Vụ Bản, ta chiếm Châu lỵ Lạc Sơn, trong các ngày 21 và 22-8-1945, đoàn quân khởi nghĩa đã tiến ra Mãn Đức, Cao Phong. Đây là lực lượng tự vệ ở các khu căn cứ giữ vai trò quan trọng trong việc giành chính quyền ở Hoà Bình. Sáng 22-8-1945, nhân dân Quỳnh Lâm, Sủ Ngòi biểu tình tuần hành tiến về giành chính quyền ở Châu lỵ Kỳ Sơn. Như vậy, trong các ngày 20, 21, 22 tháng 8 năm 1945, ở cả hai khu tả và hữu ngạn sông Đà của thị xã Hoà Bình, các xã, khu phố sục sôi khí thế tổng khởi nghĩa.

             Sáng 23-8-1945, đoàn quân khởi nghĩa từ các khu căn cứ tiến vào thị xã, 2 giờ chiều cùng ngày, lực lượng chiến đấu của khu căn cứ Tu Lý – Hiền Lương ém sẵn dinh tỉnh trưởng và toả đi chiếm đóng các công sở trong thị xã. Từ dinh tỉnh tưởng đến các trại Bảo an binh, anh em cứu quốc hướng dẫn binh lính xếp hàng đón quân khởi nghĩa và giao nộp toàn bộ vũ khí gồm 50 khẩu sung và một số đạn dược.

              Cuộc khởi nghĩa ở tỉnh đã diễn ra nhanh chóng và giành thắng lợi hoàn toàn. Ngay chiều hôm đó cuộc mít tinh được tổ chức tại Phủ lộ đường dinh tỉnh trưởng. Đại diện ban chỉ huy khởi nghĩa – đồng chí Vũ Thơ tuyên bố xoá bỏ chính quyền tay sai phát xít, tịch thu toàn bộ tài sản, hồ sơ, dấu ấn, giải tán đội bảo an ninh.

              Ngày 24-8-1945, tổ chức cuộc mít tinh lớn tại chợ Phương Lâm, Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh ra mắt quần chúng đã kêu gọi nhân dân đoàn kết xung quanh mặt trận Việt Minh, tham gia tích cực xây dựng và bảo vệ Chính quyền Cách mạng.

              Ngày 25-8-1945, lực lượng chiến đấu Hiền Lương, Tu Lý tiến vào thị trấn Bờ chiếm châu lỵ Mai Đà. Tại đây đã thu 20 khẩu súng. Ngày 26-8-1945, giành chính quyền ở châu Lương Sơn.

              Châu Lạc Thuỷ thời kỳ này thuộc tỉnh Nam Hà chỉ đạo, ở đây ta giành chính quyền vào ngày 23-8-1945; ở Yên Thuỷ thuộc Nho Quan ( Ninh Bình) giành chính quyền vào khoảng 20 đến 25-8-1945.

               Như vậy, từ 20 đến 26-8-1945, dưới sự lãnh đạo của ban chủ huy khởi nghĩa, nhân dân các dân tộc Hoà Bình đã nổi dậy, đập tan bộ máy thống trị của phát xít Nhật và bọn tay sai ở địa phương. Chính quyền cách mạng lâm thời ở tỉnh  và các huyện được thành lập với sự ủng hộ của hàng vạn quần chúng nhân dân lao động. Thắng lợi to lớn của cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng 8 – 1945 ở tỉnh Hoà Bình đã chứng minh công tác Mặt trận của tỉnh Hoà Bình đã phát triển lên một tầm cao mới. 

                                        (Còn nữa)

 

 


File đính kèm: NHỮNG SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG.DOC
Liên kết web :
Đang online : 13
Hôm nay : 668
Tháng hiện tại : 15566
Tổng lượt truy cập : 1566026