NHỮNG SỰ KIỆN TIÊU BIỂU TRONG LỊCH SỬ 130 NĂM CỦA TỈNH HOÀ BÌNH (Phần 2)

HÒA BÌNH GIAI ĐOẠN 1945-1954

            Vào cuối tháng 9-1945, các lực lượng vũ trang Sơn Tây tấn công vào căn cứ của bọn Đại Việt quốc dân Đảng do tên Phùng Đăng Đống cầm đầu ở Yên Lê Tú Bình, Sơn Tây gây cho chúng tổn thất đáng kể. Số còn lại chạy vào Mè Lặt thuộc Yên Quang, Tiến Xuân ( Lương Sơn )- một cơ sở của chúng ở  vùng sâu trong khi quân đội Tưởng đang trên đường từ Sơn La xuống Hoà Bình. Bọn Đại Việt quốc dân Đảng ở Mè Lặt đã giả danh là Vệ quốc đoàn đi Sơn La, lợi dụng sơ sở của ta đến Phương Lâm đột nhập chiếm châu lỵ Kỳ Sơn. Khi chiếm được vị trí này chúng đòi chính quyền của ta chia quyền kiểm soát cho chúng. Trước sự đe doạ đến sự mất còn của chính quyền và thành quả cách mạng, Ban cán sự và Uỷ ban cách mạng lâm thời tỉnh đề ra chủ trương phải trấn áp kịp thời bọn phản động và chỉ thị cho Ty liêm phóng tiến hành điều tra, nắm chắc tình hình hoạt động của bọn Đại Việt quốc dân Đảng ở châu lỵ Kỳ Sơn. Được sự chỉ đạo chặt chẽ của Xứ uỷ Bắc Kỳ và sở liêm phóng Bắc bộ, Ban cán sự và Uỷ ban cách mạng lâm thời tỉnh Hoà Bình dùng lực lượng vũ trang bao vây và tấn công bọn chúng. Xứ uỷ Bắc Kỳ điều một trung đội vũ trang từ Nho quan ( Ninh Bình ) lên phối hợp cùng quân dân địa phương để tấn công địch. Sau ba ngày chống cự thấy nguy cơ bị tiêu diệt bọn phản động phải đầu hàng. Toàn bộ lực lượng Đại Việt quốc dân Đảng bị tiêu diệt trước khi quân Tưởng thị xã Hoà Bình.

         Từ khi quân Tưởng vào Hoà Bình, tình hình chính trị, kinh tế xã hội ở khu vực chúng đóng quân trở nên phức tạp, chúng ngang ngược tạo cớ gây khó khăn cho ta, lợi dụng sơ hở của ta đi đến lật đổ chính quyền, lập bộ máy tay sai thân Tưởng. Đứng trước tình hình đó, Ban cán sự đã tổ chức cuộc biểu tình với sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân thị xã yêu cầu quân Tưởng chấm dứt những hành động phá hoại trái với quy ước đóng quân của Đồng minh. Với sức mạnh của cách mạng, trước tinh thần đoàn kết, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chính quyền, bọn Tưởng đã lâm vào thế bất lợi , buộc phải hạn chế những hành động chống phá chính quyền.

          Trước những diễn biến mới của tình hình chính trị trên thế giới và trong nước, nhiệm vụ trước mắt đặt ra đối với đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh là : Ra sức xây dựng và củng cố phong trào phát triển lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, bán vũ trang, đẩy mạnh các mặt công tác, sản xuất, xoá nạn mù chữ, xây dựng quê hương. Ban cán sự đã chỉ đạo các Ngành, các địa phương phải nắm vững chủ trương và nhiệm vụ củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh hoạt động của các đoàn thể, tuyên truyền giác ngộ cho quần chúng nhân dân, khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần tự lực, tự cường đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết đấu tranh đánh bại âm mưu phá hoại của bọn đế quốc và bọn tay sai phản động để giữ gìn An ninh trật tự.

Ngày 15-4-1947, thực dân Pháp bắt đầu tiến công đánh chiếm Hoà Bình từ hai phía với ba cánh quân phối hợp:

Cánh quân thứ nhất từ Hà Nội theo đường 6 tiến lên Phương Lâm, với lực lượng một trung đoàn bộ binh cơ giới, đồng thời địch dùng máy bay thả quân nhảy dù xuống Phương Lâm và Thịnh Lang. Hai lực lượng gặp nhau ở thị xã Hoà Bình rồi mở mũi tiến công lên Bãi Sang ( Mai Châu ).

          Cánh quân thứ hai từ Sơn La xuôi đường 6 và hợp điểm với cánh quân thứ nhất ở Bãi Sang ( Mai Châu ).

          Cánh quân thứ ba từ Thượng Lào vượt sông Mã, chiếm Vạn Mai rồi tấn công dọc theo đường 15 và bắt liên lạc với hai cánh quân trên từ Bãi Sang kéo vào Mai Châu.

           Do được chuẩn bị trước nên ngay khi địch đánh chiếm Hoà Bình, các lực lượng vũ trang đã kịp thời đánh trả quyết liệt, nhân dân tản cư lánh xa đường hành quân của giặc, du kích ở lại bám làng chiến đấu.

          Sau khi thực dân Pháp chiếm đóng Hoà Bình, chúng đã lập nhiều đồn bốt trên dọc tuyến đường 6, 15, 21 tập trung lực lượng cơ động để càn quét, vây bắt người các nơi. Nắm được tình hình, ta chủ động chuyển các cơ quan đến nơi an toàn. Thu đông năm 1947, trên địa bàn tỉnh Hoà Bình, địch đã chiếm những vị trí quan trọng nhằm mở rộng vùng chiếm đóng như Cao Phong, Quy Hậu, Mãn Đức, Thạch Bi, khống chế đường 12, 6, từ phía trên đánh xuống chợ Bờ, suối Rút, rồi từ Hà Đông, Vân Đình đánh chiếm dọc đường 21. Chúng lập các đồn bốt để khống chế các đường quốc lộ huyết mạch, chia cắt thành từng vùng, như vậy, vùng an toàn khu còn lại Lạc Sơn và vùng trong của Lương Sơn ( nay là Kim Bôi ). Tháng 3 – 1948, thực dân Pháp rút bọn tay sai về tỉnh lỵ , lập ra “Xứ Mường tự trị” độc lập giả hiệu và phong cho Đinh Công Tuân làm chánh quan lang và một số tên lang khác làm quận trưởng, chánh phó tổng, đồn trưởng. Sau khi  " Xứ Mường tự trị " được hình thành, chúng tổ chức một tiểu đoàn Mường phát triển lang binh. bọn tay sai lại có chỗ dựa, bọn chúng cấu kết với nhau rất chặt chẽ và hoạt động mạnh ở Bình Hẻm, Thung Vang, Thung Cô, Mường Bi, Cao Phong. Cùng với sự giúp sức của một số tên lang đạo thực dân Pháp đánh chiếm được Mường Vang, chúng tăng cường thủ đoạn tuyên truyền mị dân, đặt các mạng lưới thông tin ở thị trấn, thị xã, và các huyện, xuất bản tờ báo " Sao Trắng " cổ vũ cho bọn ngụy quân, ngụy quyền, lang đạo. Ngày 4-4-1948, địch tổ chức đại hội  " Xứ Mường tự trị" ở thị xã gồm các quận trưởng và các xã mà chúng đang chiếm đóng. Trước yêu cầu của cuộc kháng chiến, cần đẩy mạnh một số nhiệm vụ trước mắt, Tỉnh ủy Hòa Bình đã quyết định triệu tập Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ tại vùng căn cứ Lương Sơn ở Đình Lập Chiệng nay thuộc Kim Bôi. Qua phân tích tình hình của địch, Đại hội thấy rằng phải nhanh chóng tuyên truyền cho nhân dân thấy rõ âm mưu của địch, đồng thời củng cố xây dựng lực lượng vũ trang, lực lượng du kích địa phương, bảo vệ dân và kiên quyết xóa bỏ những đồn bốt địch chiếm đóng. Đại hội cũng đã đề ra phương hướng công tác quân sự và An ninh trật tự, công tác chính quyền, văn hóa xã hội và xây dựng cơ sở trong vùng địch tạm chiếm. Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ Hòa Bình đã đánh dấu sự trưởng thành của phong trào cách mạng ở Hòa Bình trên nhiều lĩnh vực, khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh ngày càng được củng cố.   

          Đầu tháng 5-1948, phong trào kháng chiến phát triển mạnh ở các vùng Mai Châu, Lạc Sơn, Kỳ Sơn, Lương Sơn, Lạc Thủy ( thuộc Hà Nam ). Ngày 19-01-1948, Thường vụ TW Đảng ra chỉ thị về việc " Phá tề". Thực hiện chỉ thị đó, Tỉnh ủy Hòa Bình thành lập " Ban phá tề "gồm đại diện của Công an, Quân đội, thông tin...đẩy mạnh công tác phá tề trừ gian.

          Trên dọc tuyến đường 12, lực lượng công an và đội du kích Mường Vang hoạt động mạnh. Tại vùng Mai Châu, sau khi địch chiếm đóng, nhiều cán bộ của ta được cử lại tiếp tục hoạt động gây cơ sở bí mật để tổ chức diệt địch. Ở Đà Bắc, xây dựng thành 3 vùng liên hoàn chiến đấu diệt địch...

          Ngày 10-01-1949, Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh triệu tập hội nghị cán bộ để quán triệt chủ trương của Đảng về công tác phá tề trừ gian, rút kinh nghiệm, đề ra kế hoạch mới. Theo chủ trương chỉ đạo của tỉnh lấy ngày 02-09-1949 là ngày phát động phong trào phá tề. Tháng 9, tháng 10 - 1949, những tên đầu sỏ đã bị trừng trị đích đáng gây hoang mang lo sợ cho bọn tay sai và thực dân Pháp.

         Đối với Hòa Bình, Liên khu ủy Liên khu 3 nhận định đây là một vị trí quan trọng, nếu địch chiếm đóng sẽ cắt liên lạc giữa miền tây và các tỉnh đồng bằng phía nam , bởi vậy, TW đã quyết định mở chiến dịch " Lê Lợi " lấy Hòa Bình làm hướng chính. Phạm vi chiến dịch từ phía bắc tớiTu Vũ, phía nam tới Vụ Bản ( Lạc Sơn ); phía đông Lương Sơn đến Mai Lĩnh - Hà Tây, phía tây đến suối Rút ( Mai Đà ). Đêm 26-11-1949, chiến dịch Lê Lợi bắt đầu, tấn công trên dọc tuyến đường 6 và đường 12, đánh suối Rút, chợ Bờ, Mỏ Hém sau đó tiến đánh Nghè, Tử Nê, Khay, Đồn Riệc rồi tiếp tục tấn công Cao Phong - sào huyệt của bọn ngụy Đinh Công Tuân.

          Chiến dịch đợt 1 thu được thắng lợi lớn buộc địch phải rút khỏi Mai Châu, Đà Bắc. Chiến dịch đợt 2 năm 1950, ta đánh tập trung vào Chiềng Vang, Vụ Bản và kết thúc ở đây. Thắng lợi của chiến dịch này có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với quân và dân Hòa Bình, đồng thời nó còn góp phần làm nên chiến thắng to lớn của toàn dân tộc. Công tác phá tề trừ gian được tỉnh ủy đánh giá và tiến hành rất kịp thời , làm cho chúng không lập được tề, phá được hệ thống từ quận tới xã.

          Thu đông năm 1950, địch thất bại ở chiến dịch biên giới, chúng không còn đủ sức mạnh để chiếm giữ, phải co cụm về các vùng quan trọng. Quân và dân Hòa Bình tiếp tục đẩy mạnh thế chủ động trên chiến trường, tấn công, bao vây, đánh các đồn bốt, tăng cường phá tề, trừ gian, làm tốt công tác dịch vận gây cho địch những tổn thất nặng nề. Để tránh nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, từ ngày 01 đến ngày 08-11-1950, địch rút quân khỏi Chiềng Vang, Rổng, Đồng Bái, đồng thời chúng cũng rút khỏi Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình được giải phóng lần thứ nhất.

          Ngày 15-11-1950, hội nghị tỉnh ủy mở rộng kịp thời thống nhất ý chí hành động về những nhiệm vụ cấp bách: nhanh chóng tiếp thu vùng giải phóng, ổn định về đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ và quần chúng nhân dân, đảm bảo An ninh trật tự, chống biểu hiện chủ quan khinh địch, nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng đánh địch khi chúng quay trở lại Hòa Bình lần 2.

          Việc củng cố xây dựng chính quyền các cấp, dựa trên cơ sở bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh từ tháng 8 - 1950, Tỉnh ủy Hòa Bình chỉ đạo chặt chẽ bầu Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh. Hòa Bình được giải phóng, song một số tỉnh giáp ranh như Hà Đông, Sơn Tây, Hà Nam, Sơn La, địch vẫn còn chiếm đóng. Máy bay địch vẫn thường xuyên hoạt động oanh tạc, trên các tuyến đường số 6, 12, 21, những khu vực Cao Phong, Chợ Bờ, Suối Rút và những nơi cơ quan còn đang sơ tán. Lúc này, các phong trào ở Hòa Bình được củng cố từ tỉnh đến huyện, xã và phát triển đồng đều, tổ chức Liên Việt phát triển mạnh, trong ban chấp hành Liên Việt có đầy đủ đại diện của các giới tham gia hoạt động tích cực. Sau khi Hòa Bình được giải phóng, TW quyết định chuyển huyện Mai Đà và một số xã bên tả ngạn sông Đà ( Hòa Bình, Thịnh Lang, Yên Mông ) cho tỉnh Hòa Bình. Song song với các hoạt động quân sự trong năm 1951, thực dân Pháp tăng cường hoạt động do thám, tung mạng lưới chỉ điểm khắp nơi, nhất là ở các vùng giáp ranh, giữa vùng tự do và vùng địch như đường 21 Lương Sơn, đường 6 và đường 12, Yên Quang, Tiến Xuân, Phú Cường, Mông Hóa, Cao Phong, Thạch Yên, lôi kéo các phần tử bất mãn, tuyên truyền, xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân nhằm kéo nhân dân xa rời cuộc kháng chiến, làm giảm sút tinh thần chiến đấu của quân và dân. Trên tuyến đường 21, bọn do thám chỉ điểm đã nhiều lần chỉ dẫn cho máy bay địch đánh phá vào các cơ quan, kho tàng của ta nơi sơ tán. Ở Lương Sơn xuất hiện một nhóm phản động đứng đầu là tên Chánh Tuấn, đã tập hợp bọn bất mãn, phản động, lợi dụng đạo thiên chúa ở vùng địch chiếm đóng Hà Đông, bắt liên lạc với Pháp chống lại chính quyền ta, lúc này địch cho xuất bản tờ báo "Sao Trắng" rải truyền đơn tung tin địch đánh chiếm Hòa Bình lần thứ 2 để kích động bọn phản động, gây hoang mang cho nhân dân.

          Ngày 12-4-1951, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ 2 đã họp tại xóm Đồng Lốc xã Nật Sơn ( Lương Sơn nay là Kim Bôi ) có 125 đại biểu thay mặt cho trên 2000 đảng viên trong toàn Đảng bộ về dự đại hội.

          Đại hội Đảng bộ Hòa Bình lần thứ hai đánh dấu một bước trưởng thành của Đảng bộ, đề ra nhiệm vụ cơ bản là xây dựng Hòa Bình mới giải phóng về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của TW và Liên khu 3 đề ra. Đại hội bầu ban chấp hành mới gồm 16 đồng chí. Sau đại hội, Tỉnh ủy phân công một số tỉnh ủy viên về phụ trách các huyện để tăng cường, củng cố chính quyền các cấp từ tỉnh tới huyện, xã, củng cố các lực lượng vũ trang, làm tốt công tác phòng trừ gian, vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất, tích cực đi dân công phục vụ chiến dịch.

          Tướng Đờ-lát-đờ-tát-xi-nhi tổng chỉ huy quân đội viễn chinh của Pháp nhận định: Hòa Bình là ngã ba giao thông nằm trên đường độc đạo Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, đây là vị trí quan trọng, chiếm được khu tam giác Hòa Bìnhcòn có lợi củng cố hệ thống phòng thủ, còn là một đài quan sát. Về chính trị Hòa Bình là " kinh đô của xứ Mường ". Vì vậy sau một thời gian bình định, thực dân Pháp cho rằng đã đến lúc phản công lại Việt Minh và đánh chiếm Hòa Bình.

         Để giành lại quyền chủ động chiến lược trên chiến trường Bắc Bộ, ngày 9-11-1951, thực dân Pháp đã mở cuộc tấn công lần thứ 2 tái chiếm Hòa Bình nhằm mục đích:

         - Ngăn chặn đường liên lạc vận chuyển của ta giữa Việt Bắc với Liên khu 2, 3, 4.

         - Buộc chủ lực ta phải tham chiến, đưa lực lượng vào thế bị động để tiêu diệt. Tranh thủ viện trợ của Mỹ.

         - Củng cố lòng tin cho quân đội Pháp.

          Lúc này toàn bộ vùng Sơn Tây giáp ranh Hòa Bình đang bị quân địch chiếm đóng. Chiếm được Hòa Bình, chúng khống chế tuyến đường 21 khu vực chợ Bến ( Lương Sơn nay là Kim Bôi ) đánh chiếm thị xã Hòa Bình, đường 6, dọc sông Đà lên chợ Bờ. Trước sự tấn công của quân đội Pháp, một số tên phản động chớp thời cơ tìm cách móc nối làm tay sai cho Pháp để hoạt động, Đinh Công Tuân ráo riết tập hợp tay chân hòng khôi phục lại " Xứ Mường tự trị ".

          Dự đoán được địch đem quân đánh chiếm Hoà Bình, đây là cơ hội rất tốt để ta có thời cơ tiêu diệt chúng. Bởi vậy ngày 18-11-1951, TW Đảng, Bộ tổng tư lệnh quyết định mở chiến dịch Hoà Bình. Trước khi vào chiến dịch, Bác Hồ gửi thư chỉ thị và động viên toàn quân, toàn dân trên mặt trận chính Hoà Bình.

          Ngày 24-11-1951, TW Đảng ra chỉ thị phải phá cuộc tiến quân của địch lên Hòa Bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ những điều kiện " Trước đây ta phải lừa địch để đánh, nay địch tự ra cho ta đánh đó là một cơ hội tốt nhất cho ta, bộ đội chủ lực đánh, bộ đội địa phương, quân dân du kích cũng đánh, các lực lượng phải phối hợp chặt chẽ với nhau để tiêu diệt sinh lực địch để phá tan kế hoạch Thu Đông của chúng ".

          Chấp hành chỉ thị của TW Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ tổng tham mưu quyết định tập trung lực lượng mở chiến dịch Hòa Bình. Quân và dân địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực và các lực lượng liên tục tiến công địch trên mặt trận Hòa Bình, buộc địch phải rút chạy một số nơi.

         Ngày 6-01-1952, từ thị xã Hòa Bình thực dân Pháp tung một toán biệt kích vào vùng Cao Phong, được bọn lang đạo ở đây hỗ trợ, tên Đinh Công Cờ đã trực tiếp làm nội ứng cùng đồng bọn nổi dậy bắt giết 7 cán bộ đảng viên trong đó có đồng chí Dũng là tỉnh ủy viên và 29 quần chúng. Sau đó bọn chúng rút chạy vào hang Lãi. Vụ Đinh Công Cờ cùng đồng bọn nổi dậy làm nội ứng giết cán bộ ta vào thời điểm chiến dịch Hòa Bình đang phát triển. Trước sự việc đó gây cho ta những tổn thất đáng kể, làm cho quần chúng hoang mang, dao động.

         Ngày 25-02-1952, chiến dịch Hòa Bình toàn thắng sau 3 tháng địch chiếm đóng, tỉnh Hòa Bình được giải phóng lần thứ 2. Chiến dịch Hòa Bình là một sự kiện nổi bật đánh dấu bước trưởng thành của quân và dân ta, với sự hiệp đồng chiến đấu của các lực lượng, có tác dụng và ý nghĩa to lớn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở tỉnh nhà.

        Từ tháng 3-1952, tỉnh Hòa Bình về cơ bản đã được giải phóng nhưng ở tuyến đường 21, một số vị trí địch vẫn còn chốt giữ như khu vực Xuân Mai, chợ Bến, Đồi Bái, Rổng án ngữ những con đường này để lập phòng tuyến quân sự, lập vành đai bảo vệ cho khu vực đồng bằng, vùng Hà Đông, Sơn Tây. Địch không tổ chức những cuộc tấn công lớn nhưng thường xuyên càn quét vào các xã ven đường 21, Yên Quang, Tiến Xuân, khu vực giáp ranh, cho máy bay bắn phá trên dọc tuyến đường 21, đường số 6, đường 12 nơi các cơ quan, các khu vực hậu cứ, kho tàng quan trọng của ta ở một số nơi như Phương Lâm, chợ Bờ, ngã ba Chăm, suối Rút, các cầu phà, kho thóc Liên Cộng, kho muối Mãn Đức, kho điện đài Võ Long, Lạc Sơn, đồng thời chúng còn tung vào hậu phương nhiều toán gián điệp biệt kích, để móc nối với những cơ sở còn lại, nắm tình hình chỉ điểm cho máy bay địch bắn phá, oanh tạc, đưa đường cho các toán biệt kích vào sâu hậu phương của ta. Từ năm 1952 chúng lập ra hai đường dây gián điệp biệt kích. Tuyến thứ nhất từ Sơn Tây qua Yên Quang, Tiến Xuân đến thị xã Hòa Bình. Tuyến thứ hai từ Hà Đông, Vân Đình, Chợ Bến ( Lương Sơn ) qua thị xã Hòa Bình lên đường 12. Chúng tăng cường do thám tung các toán biệt kích xuống các khu vực Phú Cường, Trung Minh, Mông Hóa, Quỳnh Lâm, Cao Phong, Thạch Yên, Thạch Bi, Dũng Tiến ( Lạc Sơn ), Chi Nê, Khoan Dụ ( Lạc Thủy ) để tiếp tục móc nối với số lang đạo bất mãn với cách mạng về chính sách thuế nông nghiệp, ruộng đất đồng thời tiến hành thu thập tin tức về những nơi kho tàng, cơ quan sơ tán, gây chiến tranh tâm lý, mua chuộc cán bộ, nhân dân để phá các chủ trương chính sách kháng chiến của Đảng và Nhà Nước.

          Những hoạt động của bọn biệt kích hỗn hợp nhảy dù ở Hòa Bình thuộc chi nhánh Sơn Tây do tên Doremin chỉ huy. Nhiệm vụ của chúng là điều tra thu thập tình hình bắn phá, đánh mau rút nhanh, tuyên truyền gây cơ sở, gây phỉ lập căn cứ. Một số nơi bọn phản động cho là thời cơ đến ngóc đầu dậy chống lại chính quyền địa phương, tăng cường hoạt động tuyên truyền chiến tranh tâm lý, rải truyền đơn, tung tin thất thiệt, xuyên tạc cuộc kháng chiến của nhân dân  ta và đe dọa sẽ tiến công chiếm đóng Hòa Bình lần thứ 3 nhằm gây hoang mang cho nhân dân và yên lòng bọn phản động. Ngoài ra chúng còn rải chất độc giết hại trâu bò, thả côn trùng phá hoại hoa màu của nhân dân ở các địa phương: Lương Sơn, Lạc Sơn, Kỳ Sơn... làm cho tình hình An ninh trật tự của địa phương sau những ngày giải phóng hết sức phức tạp.

          Trước tình hình ấy, Đảng bộ và nhân dân Hòa Bình tiến hành song song hai nhiệm vụ cấp bách: củng cố và xây dựng hậu phương vững mạnh sẵn sàng đập tan âm mưu phá hoại của địch, tích cực chi viện cho tiền tuyến. Nghị quyết tỉnh ủy Hòa Bình tháng 3-1952 xác định công tác trọng tâm là : " tích cực chống âm mưu phá hoại của địch, bảo vệ và xây dựng địa phương thành căn cứ kháng chiến vững mạnh ", tăng cường giáo dục cho dân hiểu rõ ý nghĩa cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ nhưng nhất định thắng lợi. Nêu cao ý thức cảnh giác cách mạng, đẩy mạnh công tác phòng gian trừ tà, giữ vững An ninh trật tự, củng cố lực lượng vũ trang ở địa phương, xây dựng khu du kích, tăng cường phát triển lực lượng Công an, tổ chức chính quyền cơ sở vững mạnh để làm tròn nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân đánh giặc. Về mặt chỉ đạo, Tỉnh ủy chỉ rõ phương châm tác chiến : " Liên tục chiến đấu, tích cực tìm địch mà đánh, đánh du kích nhỏ ăn chắc".

          Đầu tháng 3-1952, nhân dịp tổ chức lễ mừng chiến thắng tại thị xã Hòa Bình, tỉnh đã phát động cuộc vận động quần chúng " Tố cáo tội ác của giặc " nhằm khơi dậy chí căm thù giặc Pháp và bọn phản động tay sai. Công tác An ninh trật tự luôn được tỉnh xác định là quan trọng cùng với các nhiệm vụ khác, xây dựng Đảng, củng cố các đoàn thể, phát động phong trào quần chúng đẩy mạnh các hoạt động địa phương.

         Cuối tháng 8-1952, bọn phản động trong số lang đạo ở Nật Sơn ( Kim Bôi ) tụ tập hoạt động, chúng lập ra tổ chức " Lang đạo phục hồi " do tên Bạch Công Long, Bạch Công Ky cầm đầu. Chúng đã liên lạc móc nối với một số tên khác ở Mường Cời, Tú Sơn, Vĩnh Đồng hòng thực hiện âm mưu đón Pháp ở đường 21 và lập tề, khôi phục lại " Xứ Mường tự trị " để chống lại kháng chiến. Các hoạt động trên được quần chúng nhân dân và cở sở phát hiện cung cấp tin tức. Ta đã kế hoạch bố trí lực lượng đón bắt gọn những tên trong tổ chức này trước khi chúng hành động. Tuy hậu quả của vụ này gây ra chưa lớn, song đây là bản chất giai cấp của bọn phản động trong lang đạo luôn tìm cách bắt tay với giặc chống lại cách mạng. Với tinh thần cảnh giác của nhân dân, lực lượng Công an đã khẩn trương, kịp thời làm thất bại âm mưu hoạt động của tổ chức phản động " lang đạo phục hồi " để lập " Xứ Mường tự trị ".

         Công tác khám phá các vụ hoạt động gián điệp và trấn áp bọn phản động đã có tác dụng giáo dục răn đe những tên khác đang có âm mưu ngấm ngầm chống đối chính quyền, ổn định tình hình An ninh trật tự, phục vụ kịp thời nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng hậu phương vững mạnh tích cực chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến.

         Tháng 9-1952, TW Đảng quyết định mở chiến dịch Tây Bắc nhằm tiêu diệt sinh lực địch ở Sơn La, mở rộng vùng căn cứ địa cách mạng. Với những nhiệm vụ mới được đặt ra, là tỉnh hậu phương trực tiếp với chiến trường, Tỉnh ủy Hòa Bình phát động phong trào tất cả phục vụ cho chiến trường với những nội dung cụ thể là :" Tập trung xây dựng hệ thống phòng thủ, huy động nhân tài, vật liệu từ tỉnh tới xã, thành lập các cơ quan bảo vệ và sửa chữa các tuyến đường giao thông chiến lược, các bến phà, động viên tinh thần kháng chiến của nhân dân trong tỉnh bằng những hành động thực tế trong việc đẩy mạnh sản xuất xây dựng hậu phương vững chắc ".

         Trước khí thế sôi nổi chuẩn bị phục vụ chiến dịch, lực lượng vũ trang được tăng cường củng cố về mọi mặt. Các ban chỉ huy dân công được thành lập ở tỉnh, huyện, xã, cấp ủy viên trực tiếp phụ trách. Các đoàn thể quần chúng làm tốt công tác tuyên truyền động viên nhân dân hăng hái đi dân công phục vụ chiến dịch. Đội thanh niên xung phong của tỉnh cũng được thành lập làm nhiệm vụ vận chuyển trên các tuyến đường 12-41-15 đường 6, trên các bến phà, thị xã, chợ Bờ, suối Rút, Vụ Bản...

          Cuối năm 1952, bọn phản động ở Thanh Hóa, Sơn La được cơ quan gián điệp của Pháp ở Lào giúp sức chúng qua đường biên giới Việt - Lào xâm nhập vào Mai Châu, Mai Đà, lén lút hoạt động, gây cơ sở, dùng vũ khí tấn công vào Ủy ban kháng chiến xã Mai Châu, gây rối loạn ở địa phương, phá hoại việc thực hiện chính sách của Đảng chia rẽ đoàn kết dân tộc, làm ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu, sản xuất của nhân dân.

         Vào cuối năm 1952, đầu năm 1953, quân và dân ta liên tiếp mở các đợt phản công địch trên toàn bộ chiến trường. Thực dân Pháp phải co cụm lại để đối phó, tăng cường tung gián điệp biệt kích vào Hòa Bình, điều tra nắm tình hình nơi hành quân, trú quân của ta, nhằm phá hoại kho tàng và giao thông vận chuyển, phá hoại hậu phương phục vụ cho kế hoạch bao vây, tấn công của chúng.

         Tháng 1-1953, hội nghị Tỉnh ủy đã chỉ rõ phải đẩy mạnh công tác phòng gian, trừ gian, giữ gìn bí mật, bảo vệ tốt các tuyến giao thông vận chuyển vũ khí, lương thực phục vụ cho chiến dịch, kiên quyết làm trong sạch địa bàn, đập tan âm mưu phá hoại của các toán gián điệp biệt kích do thám, phản động. Chủ trương của tỉnh đã tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân địa phương, nêu cao ý thức cảnh giác, hiểu rõ âm mưu phá hoại của kẻ thù. Đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân.

         Cuối năm 1953, Bộ chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Hòa Bình với nhiệm vụ khẩn trương gấp rút chuẩn bị phục vụ tại chiến trường. Tỉnh ủy cụ thể hóa những nhiệm vụ trước mắt: Bảo vệ giao thông vận chuyển thông suốt, huy động lực lượng phương tiện để phục vụ chiến dịch, vận chuyển lương thực, thực phẩm , vũ khí, đạn dược ra tiền tuyến, bảo vệ các đoàn dân công khu 3, khu 4 lên phục vụ chiến dịch. Với các nhiệm vụ đó Hòa Bình đã xác định là hậu phương trực tiếp của chiến trường cả nước. Thực hiện chủ trương TW Đảng và Hồ Chủ Tịch, Đảng bộ và nhân dân Hòa Bình đẩy mạnh phong trào thi đua " Ái quốc " với khẩu hiệu : Tất cả cho tiền tuyến để đánh thắng giặc Pháp xâm lược ". Đứng trước những nhiệm vụ và yêu cầu cấp bách đặt ra, Ty Công an Hòa Bình khẩn trườn triển khai phương án bảo vệ các tuyến đường 6-12-21-24, thành lập các trạm kiểm soát ở những vùng trọng điểm về giao thông, hướng dẫn quần chúng nhân dân học tập những nội dung, biện pháp phòng trừ gian, giữ gìn bí mật, tập trung ở những địa bàn trọng điểm. Các đợt chỉnh huấn cán bộ, đảng viên đã kết hợp nội dung nhiệm vụ bảo mật phòng gian cũng được vận dụng vào cá nhân để kiểm điểm làm trong sạch nội bộ. Những người có liên quan đến vấn đề chính trị thì chuyển đổi không để làm việc ở những bộ phận thiết yếu, cơ mật. Thất bại của thực dân Pháp trên chiến trường Bắc Bộ ngày càng lún sâu vào thế bị động phòng ngự đối phó, chúng tăng cường các hoạt động phá hoại hậu phương của ta. Tháng 1-1953, Pháp tung nhiều toán quân biệt kích nhảy dù xuống Cao Phong ( Kỳ Sơn ), lực lượng Công an, Quân đội truy quét, bắt gọn những tên biệt kích. Ngày 17-3-195, lực lượng vũ trang địa phương, quân đội, công an, dân quân du kích phối hợp bao vây, chặn đánh quân địch quyết liệt, sau mấy tiếng đồng hồ quân địch đã phải rút chạy. Từ đây, phong trào bảo mật phòng gian được đẩy mạnh trong quần chúng nhân dân. Tỉnh uỷ Hoà Bình với chủ trương phát huy hơn nữa về công tác phòng chống biệt kích, phản động giữ vững An ninh trật tự, bảo vệ vững chắc hậu phương. Tỉnh uỷ ra quyết định phát động phong trào “ Một tháng toàn dân tham gia diệt biệt kích phản động ”. Cũng trong thời gian này, tỉnh mở hội nghị bảo vệ cơ quan, kho tàng, những mục tiêu, địa bàn trọng điểm. Qua hội nghị đã rút ra nhiều kinh nghiệm về công tác bảo vệ cơ quan. Từ đó thành lập các đội bảo vệ ở tuyến huyện và các cơ quan để làm nhiệm vụ bảo vệ và phục vụ chiến dịch.

         Mở đầu chiến dịch ngày 13-3-1954, quân đội ta tấn công vào Điện Biên Phủ, quân địch hoang mang, khiếp sợ, mất hết tinh thần.

         Ngày 7-5-1954, cứ điểm cuối cùng của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ bị đập tan, tướng Đờ-cát-tơ-ri phải đầu hàng cùng với hơn 30.000 quân lính bại trận, chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng.

         Ngày 20-7-1954, hiệp định Giơ-ne-vơ đựơc ký kết, chính phủ Pháp buộc phải công nhận độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, chấm dứt chiến tranh xâm lược nước ta. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp dành thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh xây dựng đất nước, xây dựng quê hương vững mạnh, bước vào giai đoạn cách mạng mới.

          Dưới sự lãnh đạo tài tỉnh của Đảng, Nhà Nước, Hồ Chủ Tịch, quân và dân Hoà Bình đã hoàn thành nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, đánh đuổi giắc Pháp và bè lũ tay sai, bảo đảm An ninh trật tự, làm hậu phương vững chắc, tích cực chi viện cho tiền tuyến. Chiến công đó đã viết nên trang sử hào hùng góp phần cùng toàn quân, toàn dân dành thắng lợi trong các chiến dịch Lê Lợi, Quang Trung, Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên Phủ.

 

(còn nữa)

 

 

 

 

 


Liên kết web :
Đang online : 12
Hôm nay : 561
Tháng hiện tại : 15459
Tổng lượt truy cập : 1565919