CHUYỆN ÍT BIẾT VỀ QUAN LANG XỨ MƯỜNG

  

 Đinh Công Huy - Anh trai Đinh Công Niết chân dung một vị quan lang nhân hậu

 Trong thành kiến một thời, cả trong những bài viết và các bộ phim hư cấu dài tập gần đây, người ta nhắc không ít đến "tội ác" của các quan lang (quan lại) người Mường trong chế độ cũ. Theo đó, quan lang là tầng lớp "thống trị" tàn ác, là những "bạo chúa" làm các việc bất lương, hà hiếp dân lành đến độ không tưởng tượng nổi.Tiếng ác kia thật ra cũng có cơ sở của nó. Nhưng đó chỉ là thiểu số, là huyền thoại người ta kể lại hoặc thêm mắm, thêm muối vào vì những lý do mang tính "thời điểm". Có một sự thật chắc chắn là: Không phải quan lang nào cũng tàn ác. Bà con người Mường ở nhiều tỉnh miền Bắc Việt Nam (đặc biệt là tỉnh Hoà Bình, nơi được mệnh danh là "xứ Mường") đều biết một câu "ca": "Khát nước xuống suối/Đói lòng thì đến nhà lang". Quan lang, nhiều "đại gia đình" đời đời làm quan lang đã rất thương yêu và cưu mang "dân chúng" của mình. Trước cách mạng Tháng Tám, ở Hoà Bình có cả Hội đồng quan lang cấp tỉnh, bầu ra 12 ông cai quản "con dân", to nhất là chánh lang.

Loạt bài sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu với bạn đọc về những câu chuyện ít biết xung quanh dòng dõi nhà quan lang trên xứ Mường: Ông Đinh Công Huy, khi đang là quan cai trị thời phong kiến, thậm chí được thực dân Pháp mời ra làm tỉnh trưởng, đã âm thầm đi mua máy in bạc giả, ra nước ngoài mua súng, tích cóp lương thảo đánh giặc Pháp.

Ba anh em trai bị bắt, trong nhà tù, hai người đã được các chí sĩ cách mạng lẫy lừng của Việt Minh giác ngộ lý tưởng cộng sản. Họ đã trở thành những trí thức yêu nước, những dũng tướng xả thân vị quốc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư khen ngợi, tặng nhiều kỷ vật. 

Ông Đinh Công Huy đã từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính (nay là UBND) tỉnh Hoà Bình. Có cả tiểu đoàn mang tên "quan lang" Đinh Công Niết. "Quan lang" Đinh Công Đốc còn dẫn các "bộ tướng", cưỡi ngựa, khoác gươm - súng đi giải giáp quân đội Nhật, giải phóng nhiều địa phương tỉnh Hoà Bình, Sơn La, Thanh Hoá...

Ba anh em in bạc giả, mua súng đánh đuổi giặc Pháp

dinh thự nhà quan lang nổi tiếng của châu Lương Sơn xưa. Quan Tổng đốc tỉnh Hoà Bình đã cho xây ngôi nhà này. Nó như một Sa Pa hay Đà Lạt thu nhỏ của xứ Mường. 

Những bức ảnh chụp các nhà chí sĩ cách mạng nổi tiếng đứng bên cổng đá kia vẫn được lưu giữ đến hôm nay. Dấu tích của một thời "vàng son" của dòng dõi quan lang xứ Mường vẫn còn đậm. Chỉ có điều, những người anh hùng vệ quốc là quan lang, là con của nhà lang 

đều đã ở trên... ban thờ.

Tự in tiền để mua súng đánh Pháp

Ông Đinh Công Lạc - con trai của quan lang Đinh Công Huy - ôm ra cả một tủ tài liệu chỉn chu. Thư của Hồ Chủ tịch, thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều vị lão thành cách mạng của chúng ta gửi cho bố ông Lạc vẫn còn đây. Cả một khoảnh nhà chứa tài liệu, như cái bảo tàng. 

Theo đó, ông Đinh Công Huy sinh năm 1898 tại Mường Cời danh giá, vùng đất mà ngày nay là xóm Cời, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình. Vì có bố là quan Tổng đốc tỉnh Hoà Bình thời thuộc Pháp, nên năm 1928, ông Huy đã làm quan Án sát tỉnh Hoà Bình. Sau vì tính khí cương trực, không thể chấp nhận được sự hống hách của viên phó sứ người Pháp, ông Huy đã thẳng tay đánh vào mặt hắn, rồi từ treo mũ áo bỏ về quê sống ẩn dật ở Mường Cời.

Năm 1933, trước sự độc địa của giặc Pháp, ông Huy cùng hai em là Đinh Công Niết, Đinh Công Nhiếp (bấy giờ đang làm Tri phủ châu Lương Sơn) và các người thân tín tìm đường sang Trung Quốc mua súng về "dựng cờ" đánh đuổi giặc Pháp. Sau này, trong phần khai lý lịch, ông Huy đã kể rất rõ: Vì tiền ít không đủ mua nhiều súng, ông và người thân tín bèn đổi phương án, vượt biên tìm mua hai chiếc máy in về nhà, in được 16 vạn đồng bạc Đông Dương giả, giao cho tuần phủ tâm phúc tên là Dong đi Long Châu, Trung Quốc mua súng.

Mới mua được 10 khẩu súng pạc hoọc mang về nước, thì có kẻ làm phản báo cho giặc Pháp đưa lính về vây nhà ông Huy ở Mường Cời. Thực dân Pháp tịch thu máy móc, súng và tài sản; kết án ông Huy 10 năm tù cấm cố, giam ở Hoả Lò, Hà Nội.

Em trai ông Huy là Đinh Công Niết, sau 10 năm được bố gửi về học ở Trường Bưởi, Hà Nội, đã nổi tiếng với tài điều chế thuốc súng, sản xuất "lựu đạn", vẽ tranh rất đẹp, biết tự in tráng ảnh như một thanh niên tây học, do cũng theo anh trai đi làm bạc giả mua súng, nên đã bị thực dân Pháp bắt và kết án 8 năm trong vụ việc kể trên và bị giam ở căng (trại giam) Bá Vân trên tỉnh Thái Nguyên. 

Những đóng góp của ông Huy và gia đình với cách mạng đã được ông Vũ Thơ (Vũ Kỳ Châu), là Bí thư Tỉnh uỷ (bấy giờ gọi là Bí thư Ban Cán sự Đảng) đầu tiên của tỉnh Hoà Bình sau cách mạng Tháng Tám cùng nhiều cán bộ khác chứng nhận rõ ràng. Năm 1998, ông Đinh Công Huy đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.

 

                    Ông Đinh Công Huy và cụ Bùi Kỷ (thứ hai từ phải sang - bấy giờ là Bộ trưởng Thông tin và Tuyên truyền - về thăm Hoà Bình, năm 1952).

Chi tiết việc 3 anh em nhà ông Huy bị giặc Pháp bắt, ông Lạc đã được bố và các chú kể rất chi tiết, như sau: Khi ông Huy in thêm 10 vạn đồng bạc Đông Dương giả nữa, đem ra Hà Nội thì thấy Sáu Nùng - người bạn cùng "ủ mưu" đánh Pháp của mình bị gián điệp Pháp, cùng sắc dịch địa phương bắt giữ do có kẻ làm phản. 

Vốn là chàng trai Mường giỏi võ, lại được đào tạo bài bản trong trường Pháp dành cho con nhà đại quan, ông Niết bèn tả xung hữu đột cứu bạn. Khi quân lính đến quá đông, súng lớn, ông Niết bị bắt, trói vào ghế xe ôtô giải đi. Lợi dụng sơ hở, ông Niết đã đánh gục cả nhóm lính dõng được trang bị súng dài, rồi băng ruộng trốn thoát. Mãi sau này, giặc Pháp ráo riết truy lùng, ông Niết mới bị bắt lại. 

Ông Nhiếp, vì thương bố mẹ và gia quyến đang bị thực dân Pháp uy hiếp sẽ "tru di tam tộc", đành phải ra hàng. Còn ông Huy lánh ở khe Lành Hanh, núi Bù của khu vực Mường Cời (nay là xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn) với những hang đá in tiền cho đến khi bị bắt.

Được giác ngộ cách mạng 

Ông Huy bị giặc Pháp giam khắp Hoả Lò, lên Bắc Mê (Hà Giang), Nghĩa Lộ (Yên Bái) rồi về Sa Pa (Lào Cai). Ở trong tù, ông được gặp các nhà cộng sản như Trần Huy Liệu, Hà Kế Tấn, Đào Gia Lựu, Vương Thừa Vũ, Bùi Lâm..., và được giác ngộ lý tưởng cách mạng. 

Nếu trước đây, chỉ là một quan lang Mường ngay thẳng, dũng mãnh "chiêu binh mãi mã" đuổi Pháp tìm lại quyền lực cho mình, tìm sự "tự trị" cho xứ Mường, thì nay, ông Huy đã thấu hiểu sự lớn lao của lý tưởng cộng sản. Tuyệt thực, thủ dao cùng đồng đội rạch bụng phản đối chế độ hà khắc trong tù, cuối cùng ông cùng đồng đội đã được kẻ thù cho phép tăng gia cải thiện đời sống, cho vợ con lên... thăm thân.

Ông Lạc kể một chi tiết thú vị: Vì cha ông rạch bụng đòi cải thiện cuộc sống trong tù, được cho vợ lên Sa Pa "thăm thân"; mà ông Lạc đã chào đời năm 1941, sau khi mẹ ông lặn lội rừng xanh núi đỏ lên tận Sa Pa thăm chồng tại khu buồng "hạnh phúc". Một năm sau, bố ông mới được ra tù, nên lúc đầu làng xóm nhiều người không hiểu đã dị nghị về "tiết hạnh" của mẹ ông (!).

Năm 1942 ra tù, về Lương Sơn, ông Huy lại vận động dân chúng trong vùng Lương Sơn phản đối chính sách nhổ lúa, trồng đay và những hành động tàn nhẫn trong cai trị của phátxít Nhật. Vì thế, ông lại bị bắt vào tù ở căng Bá Vân (Thái Nguyên), rồi tiếp tục bị đày lên tận Nghĩa Lộ, Yên Bái. 

Giam cùng với hơn 300 chính trị phạm, được giác ngộ thêm, ông Huy cùng nhiều nhà cách mạng lão thành của ta bóp cổ tên phó sứ và tên đồn trưởng, giết lính canh, vượt ngục trong cơn bão đạn truy bắt. Đi bộ, xuống sông, trôi theo sông Hồng, ngược sông Đà, cắt qua vùng Chẹ, về lại Lương Sơn, hành trình vượt ngục của ông Huy kéo dài 19 ngày lăn lộn. 

Ông Huy đã "hồi ký" lại sự kiện tuyệt thực, vượt ngục vô cùng gian nan ở Bá Vân, Nghĩa Lộ theo cái cách rất là "quan lang", như sau: "Tôi rất sung sướng và tự hào vì chính bản thân tôi, xuất thân là một con nhà quan lang, vì vậy mà tôi vẫn chịu được 8 ngày tuyệt thực cùng nhiều cuộc đấu tranh với các hình thức khác!".

Sau này, tham gia giành chính quyền, lập nhiều chiến công, ông Huy được Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư khen, ông còn làm tới chức Phó Chủ tịch UB Kháng chiến hành chính tỉnh Hoà Bình

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta, có một trường hợp vô cùng đặc biệt: Hai anh em Đinh Công Huy và Đinh Công Niết đều là con nhà lang, lớn lên trong một nhà, đều được Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư khen ngợi. 

 

Ông Đinh Công Niết còn là dũng tướng tả xung hữu đột. Tên của ông được đặt cho tiểu đoàn mà

ông là Tiểu đoàn trưởng ngay... từ khi thành lập! Một võ sư - Tài nghệ đánh côn tuyệt hảo

Vờ nhận chức tỉnh trưởng để... giết giặc!

Sau khi cùng nhiều chí sĩ cách mạng phá căng Nghĩa Lộ, ông Đinh Công Huy trở về Mường Cời tiếp tục hoạt động. Chỉ 15 ngày sau, nhà chí sĩ cách mạng Đào Gia Lựu cũng trốn về đến Mường Cời, giả làm người ăn mày rách rưới, vào cổng nhà quan lang Đinh Công Huy để xin cơm. Ông Huy đã cho người lo giấy tờ để "cài" ông Lựu ở lại Lương Sơn làm nghề dạy học, ít lâu sau, các đồng chí Nguyễn Thử, Trần Huy Liệu, Vương Thừa Vũ cũng về tới nhà ông Huy bàn kế chuẩn bị giành chính quyền (Cách mạng Tháng Tám năm 1945). 

Khi giành được chính quyền ở huyện Lương Sơn, em trai ông Huy (Đinh Công Niết) được bầu làm Chủ tịch, ông Huy làm cố vấn. Ông Huy nhớ lại những ngày hào hùng đó trong di bút của mình: "Bọn phản động âm mưu cướp lại chính quyền, gây nhiều khó khăn rắc rối trong tỉnh. Bọn chúng đến vây Lương Sơn, được tin báo, tôi đã cùng anh em tự vệ và nhân dân kéo đến vây đánh, bắt được 29 khẩu súng các loại, nên đã được Uỷ ban Hành chính Bắc Bộ khen".

 

Để củng cố chính quyền non trẻ ở huyện nhà, ông Huy đã sử dụng uy tín "lang đạo" cũ của mình, đứng ra hô hào các thân sĩ, điền chủ, lang đạo trong toàn tỉnh ủng hộ được 63 vạn đồng Đông Dương, cộng với 10 vạn đồng mà Uỷ ban Hành chính Bắc Bộ hỗ trợ để chi phí cho cơ quan tỉnh. Biết được uy tín của ông Huy, thực dân Pháp tìm cách ve vãn ông.

Ông Huy nhớ lại: "Sau khi Pháp trở lại chiếm Hoà Bình năm 1947, bọn chúng cho một thằng quan tư đưa thư mời tôi ra làm tỉnh trưởng. Tôi không say mê quyền quý và bất cộng tác với giặc. Nhưng tôi cũng (giả vờ) hẹn: Ngày chúng đến, tôi sẽ ra nhận chức. Đồng thời, tôi báo cho bộ đội Trung đoàn 12 bố trí tiêu diệt chúng. Một số tên chạy thoát, chúng căm phẫn quay lại nã đại bác vào thiêu huỷ nhà của chúng tôi".

Ông Đinh Công Huy đặc biệt linh hoạt trong cách sử dụng vai trò "quan lang người Mường" của mình để tập hợp lực lượng, bày mưu giết giặc, cống hiến cho sự nghiệp lớn của dân tộc. Năm 1951, giặc Pháp lần thứ hai nhảy dù chiếm đóng nhiều ngả đường, kể cả các điểm trọng yếu như khu vực Chợ Bến và thị xã Hoà Bình. Nhân dân hoang mang, Hội Liên Việt không triệu tập được đại biểu, ông Huy "dựa vào (cái tiếng) mê tín" của nhà quan lang cũ vẫn sẵn có (trong suy nghĩ của kẻ thù), đã nghĩ ra cách tổ chức lễ mừng thọ cho mẹ mình thật tấp nập. 

Giặc Pháp không để ý. Nhưng thật ra, đó chính là hội nghị của Uỷ ban và Hội Liên Việt nhằm tập hợp đông đảo các lang, ấu (lớp thống trị cũ) trong các dòng họ của người Mường như: Đinh, Quách, Bạch, Hoàng, Bùi... Hội nghị đặc biệt này diễn ra ngày 28.11.1951. Họ đã đứng trước ban thờ cũng làm lễ tuyên thệ đồng lòng tiêu diệt kẻ thù. Nhờ sự ủng hộ của bà con người Mường mà trong chiến dịch Thu Đông năm ấy, tỉnh Hoà Bình đã được giải phóng.

Năm 1952, trong buổi giỗ tổ họ Đinh tổ chức tại Lương Sơn, ông Huy đã vinh dự được đón ông Hoàng Mạnh Tiến - Uỷ viên Uỷ ban Kháng chiến hành chính Liên khu 3, đại tá Hà Kế Tấn và các vị lãnh đạo trong tỉnh đến thăm. Ông Huy kể lại trong "hồi ký": "Buổi lễ kết thúc, tôi được ông Hoàng Mạnh Tiến trao cho một khẩu súng carbine, một áo capot dạ do đồng chí Lê Thanh Nghị - Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Liên khu 3 gửi tặng. Và ngày 31.3.1952, tôi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia và nhân dân Việt Nam trao tặng một khẩu súng ngắn thu được của địch trong chiến dịch Thu - Đông năm 1951 ở Hoà Bình".

Sau này, ông Huy giữ chức Phó Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh Hoà Bình đến ngày 5.11.1958. Vì bệnh tật làm tê liệt cả đôi chân, ông Huy đã xin tổ chức cho nghỉ.

Sớm thấy được sự giác ngộ sáng láng trong vị quan lang người Mường từng sống trong nhung lụa, quyền thế (ông Huy từng lái xe Jeep rong chơi khắp Hà Nội, từng du ngoạn vào kinh đô Huế xem mặt vua), các chiến sĩ cách mạng đã hết lòng động viên ông Huy và gia đình dùng uy tín của mình phục vụ sự nghiệp cách mạng. Ngày 7.7.1947, Hồ Chủ tịch đã gửi thư cho ông Huy, nội dung như sau:

"... Kính gửi cụ Đinh Công Huy.

Vì công việc kháng chiến, đã hơn nửa năm tôi không gặp cụ. Tôi chắc cụ và quý quyến được mạnh khỏe luôn luôn.

Nay nhân dịp ông Trần Đăng Ninh, Phái viên Bộ Quốc phòng về kinh lý Hoà Bình, tôi gửi thơ này hỏi thăm cụ và quý quyến. Và tôi gửi tặng cụ một bức ảnh làm kỷ niệm thân ái.

Tôi mong cụ ra sức cổ động thân sĩ, kêu gọi đồng bào Hoà Bình hăng hái tham gia kháng chiến, giúp đỡ bộ đội, tăng gia sản xuất, phát triển bình dân học vụ.

Đến ngày kháng chiến cứu quốc thắng lợi, thống nhất và độc lập thành công, chúng ta sẽ gặp nhau vui vẻ.

Tôi gửi cụ, quý quyến, và tất cả đồng bào vùng đó, đặc biệt là các cụ phụ lão và các cháu thiếu nhi lời chào.

Thân ái và quyết thắng.

Hồ Chí Minh". 

 

Phom cổng đá kỳ vĩ này dẫn lối lên đỉnh núi, nơi có khu "Thái ấp" của quan lớn tỉnh Hoà Bình. Hai anh em Đinh Công Huy, Đinh Công Niết

đã sinh ra và lớn lên ở đây. Tiểu đoàn Đinh Công Niết huyền thoại

Em trai ông Huy là ông Đinh Công Niết, sinh năm 1913. Được nhà lang, cha là Tổng đốc tỉnh Hoà Bình gửi về Trường Bưởi học 10 năm, nên chàng thanh niên Đinh Công Niết có tiếng là "văn võ song toàn". Sau phi vụ làm bạc giả, được giác ngộ, ông được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính (nay là UBND) huyện Lương Sơn. Các đơn vị vệ quốc đoàn tiến lên Tây Bắc hồi đó đều được ông Niết và các chiến binh dũng mãnh người Mường của mình dốc sức bảo vệ, tiếp tế lương thảo, tiêu diệt địch trong cả một khu vực rộng lớn.

Trung tướng Nguyễn Hoà - một "chiến binh" Tây tiến nổi tiếng - đã viết thế này về ông Đinh Công Niết, trong cuốn sách "Tây tiến - 50 năm nhìn lại" (Ban Liên lạc Cựu chiến binh Tây tiến và NXB Hà Nội kết hợp ấn hành, năm 1997): "Không ngày nào quân Pháp và ngụy binh đi lại, vận chuyển trên đường số 6 mà không bị mìn đổ xe hoặc bị bắn tỉa chết và bị thương vài tên. Anh Đinh Công Niết đã bỏ nhiều công lao sức lực đi đến các đơn vị động viên bộ đội và luôn là đầu mối quan trọng kết hợp Đảng - chính - quân - dân ở địa phương". 

Một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa động viên lớn với dòng họ Đinh Công và tầng lớp lang đạo xứ Mường là: Với sự giác ngộ và những đóng góp của mình, tháng 9.1949, ông Đinh Công Niết vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương. Trước đó, ngày 1.7.1947, ông Niết đã được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư động viên; được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng giấy khen vào ngày 6.6.1947.

Tiểu đoàn duy nhất của nước ta (có lẽ thế) mang tên một vị "quan lang" người Mường. Vào tháng 3 năm 1949, Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Liên khu 3 quyết định thành lập Tiểu đoàn Đinh Công Niết và chỉ định Đinh Công Niết làm Tiểu đoàn trưởng. Cán bộ chiến sĩ trong tiểu đoàn hầu hết là những người dân tộc Mường thông thạo địa hình rừng núi; họ thoắt ẩn, thoắt hiện ở sơn lam chướng khí, án ngữ cả vùng cửa ngõ Tây Bắc khiến giặc Pháp bạt vía kinh hồn.

Sau này, Đinh Công Niết được đề bạt làm Trung đoàn phó Trung đoàn 12, phụ trách tác chiến, tham gia chỉ huy giải phóng Hoà Bình, chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông chuyển về Hà Nội, công tác tại Uỷ ban Dân tộc miền núi cho đến khi nghỉ hưu, năm 1972. Ông sống một cuộc đời gương mẫu, giản dị, thanh bần đến mức những người đồng đội Tây tiến năm xưa cũng phải xót xa...

Trong cuốn sách đã dẫn, Trung tướng Nguyễn Hoà - nguyên Tư lệnh Quân đoàn I, nguyên bộ đội Tây tiến, người đã từng làm Tiểu đoàn phó ở tiểu đoàn mang tên Đinh Công Niết - viết xúc động: Có được một người như ông Đinh Công Niết, là bởi vì có Bác Hồ với tầm nhìn chiến lược và sáng suốt, đã khơi dậy được sức mạnh và sự dũng mãnh của "quan lang xứ Mường" Đinh Công Niết, đã động viên kịp thời để dòng họ Đinh Công dốc sức phục vụ cách mạng. Đó là yếu tố sống còn.

Ông Hoà viết: "Sau năm 1976 đất nước đã thống nhất, tôi nghe tin anh Niết đã nghỉ hưu về nhà ở đường Hoàng Hoa Thám. Tôi lên thăm và không ngờ hoàn cảnh vợ chồng anh Niết khó khăn đến thế. Hai ông bà già sống trong một căn phòng 9m2 lương hưu 300đ/tháng. Đồ đạc trong nhà chỉ có 2 tấm phản thô. Duy nhất trên bức tường loang lổ vì căn nhà chưa quét vôi lại, vẫn được treo trang trọng 2 bức thư: Một của Bác Hồ viết cho anh Đinh Công Niết ngày 1.7.1947, một của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết cho anh ngày 6.6.1947, khen ngợi đã giúp đỡ các đoàn vệ quốc tiến về phía tây giết giặc Pháp. 

Năm 1992, sau khi được nghe về  hoàn cảnh của gia đình Ông Niết với Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh. Đúng ngày mồng một Tết năm ấy, đồng chí Nông Đức Mạnh đã đến thăm và chúc tết ông Đinh Công Niết.

Khi được tin ông Niết mất tại quê nhà, Ban Liên lạc Trung đoàn Tây tiến đã lên Lương Sơn viếng anh. Các đại biểu của tỉnh, huyện đều bày tỏ lòng ngưỡng mộ, niềm thương tiếc ông, một nhân sĩ yêu nước, tiến bộ đã từ bỏ danh lợi, địa vị của một quan lang để đi theo tiếng gọi đoàn kết kháng chiến và kiến quốc của Bác Hồ, đã có những cống hiến đáng trân trọng trong những ngày tháng gian khổ nhất của đất nước".

 

Nguồn Internet

Liên kết web :
Đang online : 15
Hôm nay : 635
Tháng hiện tại : 15533
Tổng lượt truy cập : 1565993