ĐỘI NGHĨA QUÂN ĐỐC NGỮ TRÊN SÔNG ĐÀ
--- không rõ tác giả ---
Trong những năm từ 1886 đến 1892, người Mường dưới sự lãnh đạo của Đốc Ngữ đã nổi dậy chống xâm lược Pháp trên suốt dải ven sông Đà. Nghĩa quân sông Đà di chuyển nhanh, tấn công thần tốc, đã thắng những trận vang dội ở chợ Bờ và Yên Lãng (Hòa Bình).
Tiếp nối và phát huy cao hơn nữa truyền thống đoàn kết, yêu nước chống xâm lăng của các dân tộc miền núi, đồng bào Mường đã sôi nổi vùng dậy tìm mọi cách chặn bước tiến của thực dân Pháp ngay từ buổi đầu khi chúng tìm cách tiến sâu lên vùng rừng núi, suốt trong những năm từ 1886 đến 1892, dưới sự chỉ huy của Đốc Ngữ, đồng bào Mường yêu nước, yêu bản mường đã hoạt động mạnh mẽ trên khắp vùng lưu vực sông Đà, giáng cho địch nhiều đòn sấm sét khiến chúng bạt vía, kinh hồn.
Tháng 4-1884, quân Pháp chiếm thành Hưng Hóa. Ngay lúc đó, Đốc Ngữ (chính tên là Nguyễn Đức Ngữ) đã tập hợp một số nghĩa quân nổi dậy, hoạt động mạnh mẽ suốt một dải ven sông Đà thuộc các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Sơn Tây, Phú Thọ. Từ đó nghĩa quân thường tấn công vào các đồn lẻ hay chặn đánh các đoàn xe vận tải của giặc trên lưu vực sông Đà.
Đến đầu năm 1891, đội nghĩ quân sông Đà đã có thanh thế lớn và có đủ lực lượng để đánh những trận lớn. Chiến công oanh liệt nhất là trận tập kích vào Chợ Bờ, tỉnh lỵ cũ của Hòa Bình, nơi giặc Pháp phòng giữ khá vững chắc.
Đêm 29 rạng 30-1-1891. Trong bóng đêm dày đặc, Đốc Ngữ dẫn 500 nghĩa quân kéo tới vây kín vị trí địch, nổ súng, tuốt gươm, cắp giáo xông vào đồn địch. Bị đánh bất ngờ, thực dân Pháp không sao đối phó kịp. Tên công sứ và hai tên Pháp khác giúp việc y bị đền tội. Viên chỉ huy Pháp và tên chủ sở Bưu điện hốt hoảng nhảy xuống thuyền bị dòng thác cuốn đi. Sau khi thu toàn bộ vũ khí trong đồn, nghĩa quân bí mật rút lui.
Cuộc đánh úp Chợ Bờ của nghĩa quân làm cho thực dân Pháp và tay sai vô cùng hoảng sợ. Chúng liên tiếp huy động nhiều đội quân với súng ống đầy đủ ngày đêm sục sạo, càn quét khắp vùng rừng núi. Nhưng chúng đã tốn công vô ích! Được núi rừng che chở và nhất là được đồng bào trong vùng yêu mến, làm vườn không nhà trống khiến giặc không có chỗ ăn chỗ ở, nghĩa quân sông Đà vừa tránh khỏi mọi sự truy lùng của địch, vừa lợi dụng chỗ sơ hở của chúng để phục kích tiêu hao chúng. Chính trong thời gian này nghĩa quân lại đánh một trận lớn thứ hai rất gan dạ và tài tình. Lần này nghĩa quân tấn công đồn Yên Lãng vùng Chợ Bờ.
Giữa ban ngày, người ta thấy một toán lái buôn và dân cày gánh kĩu kịt trứng gà và chuối tiêu vào biếu chủ đồn Yên Lãng. Lính canh để họ vào. Viên chủ đồn cười híp mắt trước món đồ biếu béo bở. Đột nhiên toán lái buôn và dân cày này - chính là nghĩa quân sông Đà cải trang - rút súng nổ vào đầu bọn giặc, tiêu diệt gần hết lính Pháp trong đồn, thu toàn bộ vũ khí và lương thực.
Ảnh hưởng của nghĩa quân ngày càng lan rộng. Một đội quân lớn của giặc ra sức tìm tòi dấu vết nghĩa quân. Nhưng cũng như lần trước, chúng đã tốn công vô ích. Nghĩa quân di chuyển nhanh chóng trên một địa bàn rộng đã tránh thoát mọi cuộc truy kích, càn quét của địch. Không những thế, cuối tháng 4-1892, lợi dụng chỗ sơ hở của địch, Đốc Ngữ còn cho quân vượt qua sông Mã quanh năm nước chảy cuồn cuộn như ngựa phi, tiến sâu vào đất Thanh Hóa, phối hợp chiến đấu với nghĩa quân của Tống Duy Tân và Cao Điền. Tại đây hai đội nghĩa quân đã giáng cho giặc Pháp một đòn nặng tại Niên Kỷ. Sau đó, tranh thủ lúc quân giặc còn bàng hoàng về trận thất bại mới, Đốc Ngữ lại quay trở về vùng tả ngạn sông Mã, rồi lại vượt qua sông Đà, lập căn cứ mới.
Giặc Pháp xảo quyệt dùng thủ đoạn chia rẽ nghĩa quân, chia rẽ dân tộc, chia rẽ miền xuôi, miền núi. Chúng mua chuộc, lung lạc một số người nhẹ dạ, khủng bố, hăm dọa nhân dân địa phương. Tháng 8-1892, chủ tướng Đốc Ngữ bị sát hại. Đội nghĩa quân sông Đà tan rã. Nhưng sau đó đồng bào Mường vẫn không ngừng chiến đấu chống thực dân Pháp, góp phần tích cực vào sự nghiệp đấu tranh chung của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Nguồn Internet