LƯỢC THUẬT “NGƯỜI MƯỜNG (LesMuong) – ĐỊA LÝ NHÂN VĂN VÀ XÃ HỘI HỌC” CỦA TIẾN SĨ QUYDINIE

Để có một số cuốn sách về dân tộc Mường đồ sộ, Tiến sĩ Quydiniê phải mất 15 năm nghiên cứu, khảo sát, đọc và viết. Với nguồn tài liệu, cứ liệu phong phú, được trình bày một cách khoa học, tác phẩm “Người Mường (LesMuong) - địa lý nhân văn và xã hội học” là một công trình nghiên cứu về người Mường khá toàn diện và sâu sắc, được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao.

 Với những ngôn ngữ dân tộc, những khái niệm khoa học tác giả đã giới thiệu đặc trưng địa lý học của khu vực người Mường, cấu trúc địa chất lục địa bản đồ Châu Á và Đông Dương.

 

Nói về thế đất, tác giả miêu tả dòng chảy của con sông Đà trên địa phận Hoà Bình, từ tây bắc xuôi đông nam, đến Kỳ Sơn lại vòng lên phía bắc gặp con sông Hồng. Sông Đà ở độ cao, khi vào đến địa phận Hoà Bình phải len lỏi chảy qua các khe núi (hai bên bờ là núi đá dựng đứng) bị các đập nước tự nhiên bằng đá làm bế tắc, bỗng sôi réo lên, tạo ra phong cảnh hùng vĩ đường bệ và trang nghiêm (nói về đoạn ghềnh Bờ, nay đã nằm dưới đáy lòng hồ thuỷ điện). Con sông đi hết các dãy núi đá thì gặp thung lũng Phương Lâm, Kỳ Sơn rộng rãi hơn. Bởi thế, nó đã để lại hai bên bờ một dải phù sa màu mỡ và mỗi lúc càng mở rộng thêm về phía Bắc khi gần sáp nhập với sông Hồng. Đọc qua những trang viết này, ta có thể hình dung được thế đất, thế núi ở vùng này nghiêng theo dòng chảy con sông, thoai thoải về phía đồng bằng châu thổ Bắc Bộ.

          Nói về núi, tác giả cũng có cái nhìn vừa bao quát, vừa chi tiết, phác nên một địa đồ gồ ghề, xù xì, ngổn ngang, gân guốc, nhìn vào dễ gây cảm giác mệt, nhưng cũng được giảm nhẹ đi nhờ các thung lũng tròn có những thửa ruộng bậc thang, có dòng suối nhỏ, có bản làng ẩn hiện thấp thoáng cùng bóng cau, lùm tre…

 Địa thế sông núi đó là địa vực cư trú của người Mường. Họ ưa lựa chọn các cao nguyên, sườn núi, thung lũng, thích suối chảy xiết hơn là sông rộng để tạo nên các cánh đồng bậc thang. Người Mường sống tập trung liền một dải bao gồm tỉnh Hoà Bình, bắc Thanh Hoá, Sơn Tây, Hà Đông, Phú Thọ, Sơn La… có xen kẽ nhiều dân tộc khác, tuỳ từng vùng đất mà sự xen kẽ đậm nhạt khác nhau, nhưng khối cư trú trung tâm và được coi là quan trọng nhất là Hoà Bình và bắc Thanh Hoá.

 Nói về việc tiếp xúc với nền văn minh bên ngoài tác giả cuốn sách đã nhận xét: Tất cả những tiến bộ về vật chất của người Pháp: Xe hơi, máy bay, chiếu bóng, máy thu thanh, điện thoại… được phần lớn người Mường biết đến, nhưng đó không phải là kỹ thuật hoàn chỉnh nhất để có thể sửa đổi được cuộc sống của họ, vả lại kể cả kỹ thuật hoàn chỉnh cũng như kỹ thuật đơn giản họ có một sự ghẻ lạnh khiến người Pháp phải ngạc nhiên. Cho nên mặc dù có sự tiếp xúc nào đó với người Âu, người Mường như là một điều dĩ nhiên đã không hoặc là rất ít chịu ảnh hưởng.

Về nhân chủng học, tác giả nghiên cứu về đặc điểm của người phụ nữ và nam giới Mường như sau: Phụ nữ có tầm vóc nhỏ bé, trung bình là 1,47m, tối đa 1,611m... Vóc người thường nặng nề và mập mạp, không thấy béo bệu, hiếm có trường hợp gầy, nước da trắng, tóc đen. Công việc đồng áng nặng nhọc không làm mất đi sự dịu dàng. Phụ nữ Mường thoải mái ở mọi nơi, cái tự nhiên kết hợp cái phong nhã.

 Đàn ông thường khoẻ mạnh, tóc đen, lông mày dày, nhuộm răng đen. Họ rất thính tai, từ một khoảng cách rất xa phân biệt được tiếng hươu, nai, hổ, gấu, chim chóc… và đặc biệt là giỏi bắt chước tiếng kêu cuả chúng để dụ chúng đến gần mà lừa bắt. Đàn ông Mường dáng đi không nhanh lắm, không vội vàng, thích uống rượu, thật thà, niềm nở, hiền lành, chậm hiểu, chậm hành động, chậm cảm xúc…

 Về chỗ ở của người Mường tác giả viết: Từ một rừng nhỏ nhô lên một bụi cau, trong kẽ lá, một mái nhà tranh hiện lên, một chút khói bốc lên như những bức màn, lắng nghe thấy tiếng chày giã gạo, đó là làng Mường. Làng Mường không phát lộ toàn bộ mà chỉ phát hiện từng nhóm nhà họp thành trên một diện tích rộng. Làng Mường không thẳng hàng, không cân đối, gặp nhà sàn là dấu hiệu gặp làng Mường... Nguồn suối, dòng suối hay con sông nhỏ là cái lạch của làng, tất cả mọi sinh hoạt của làng Mường thường tụ tập ở đây, lấy nước, tắm suối, gặp gỡ, tâm sự…

 Nhà Mường là nhà sàn bằng gỗ, tre, lá, thường có 4 gian và gian bên ngoài thường rộng hơn, chủ yếu dành làm nơi tiếp khách, cũng là nơi đặt bàn thờ tổ tiên. Những gian tiếp theo thường có vách ngăn, đấy là những căn buồng riêng trong gia đình, nếu không được mời thì người lạ không được phép tự tiện vào đó. Cuối cùng là gian chứa thóc và các đồ vật khác.

 Trong nhà sàn, có một không gian không rộng nhưng rất quan trọng trong gia đình Mường, đó là bếp lửa. Bếp lửa đặt gần cửa ra vào hay cửa sổ để khói bếp thoát ra và tránh hoả hoạn, bên cạnh bếp đặt ống nước dựng nơi vách nhà. Giữa bếp kê 3 hòn đá nghiêng vào nhau, ngoài tính lợi ích thực tiễn, nó còn là hiện thân cuả Thần bếp, một vị thần rất quan trọng trong quan niệm tín ngưỡng của người Mường.

 Người Mường dựng nhà không cần thợ chuyên môn. Một ngôi nhà sàn hình thành là nhờ sự cộng hưởng của sức lực, của cải cộng đồng làng xóm, từ việc đẵn cây trên núi vận chuyển về làng đến khi gia chủ dọn lên nhà mới. Đó là một dịp sinh hoạt cộng đồng rất vui, nhất là ngày gia chủ làm cơm cất nóc và đặt bếp. Ngày này có uống rượu cần, một loại rượu độc đáo uống bằng cách mút qua một ống cây trúc nhỏ, cần dài khoảng hơn một mét. Họ đặt giữa nhà một chiếc chum bằng sành, trong đựng đầy cái và nước rượu, nhiều cần trúc cắm vào miệng chum, mọi người ngồi vòng quanh, cầm cần uống theo lời hò các bài hát uống rượu, mời rượu do một Chủ chám điều khiển.

 Về sinh hoạt kinh tế, tác giả nêu những đặc trưng sinh hoạt truyền thống của người Mường từ săn bắt đến trồng trọt ruộng rẫy, từ việc sử dụng sản phẩm thu được đến phương cách ứng xử, định hình nét văn hoá ẩm thực, văn hoá giao tiếp đậm đà sắc thái. Trong trồng trọt, người Mường thu sản phẩm từ hai hình thức canh tác ruộng và rẫy (Rẫy, tác giả gọi là ruộng khô). Ruộng là những mảnh đất bằng, xếp chồng cạnh nhau theo thế bậc thang, dễ trồng và dễ tưới nước. Rẫy làm trên sườn đồi, sườn núi, độ dốc càng lớn càng khó làm, thường trồng lúa và hoa màu sau khi đã chặt phá cây và đốt dọn sạch. Tác giả nhấn mạnh kinh nghiệm làm ruộng của người Mường thông qua hệ thống tưới tiêu cho cây trồng, đó là việc lợi dụng sức nước để đưa nước tưới tiêu cho cây trồng, đó là việc lợi dụng sức nước để đưa nước lên ruộng ở thế cao hơn sông suối (guồng nước), đồng thời cũng nêu những đặc điểm trong canh tác ruộng rẫy như do điều kiện thiên nhiên, người Mường không sử dụng phân bón để chăm sóc cây trồng mà cây trồng vẫn tốt hoặc không chú trọng trồng vườn, nếu có thì rất sơ sài, rau màu họ trồng xen ở nương rẫy.

Đấy là nguồn thức ăn chủ yếu, đảm bảo cho sự sinh tồn của người Mường. Ngoài ra họ còn có tài săn bắn ở rừng núi và sông suối. Ngoài cung cấp rau quả tự nhiên, thiên nhiên quanh làng còn là nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng cho cuộc sống của người Mường. Vì thế, làng nào cũng có phường săn, tay săn, chài lưới, bắt cá giỏi.

 Khi chuẩn bị một bữa ăn lớn, việc phân công làm bếp theo giới tính đáng được chú ý. Đàn bà ở trong nhà thổi cơm, nhặt rau, đàn ông chuẩn bị thịt lợn, thịt gà, vịt ngoài sân. Sau khi tất cả cơm thịt đã chín, họ phân phối ra các mâm bằng lá chuối. Cơm (thường là xôi nếp) họ gói trong lá chuối, còn thịt thái vừa miếng đỏ gọn giữa tàu lá chuối (cũng là mâm), bên cạnh đặt dúm muối trắng hay nước chấm tự chế biến và một, hai bát canh bằng cây chuối rừng.

 Với người Mường, mặc dù hoàn cảnh túng bấn nhưng sẵn sàng và niềm nở mời cơm khi có khách đến nhà. Bữa cơm khách bao giờ cũng có rượu. Trước khi uống rượu cất, gia chủ mời khách uống rượu cần. Trước khi đặt môi vào chén, chủ khách cùng nâng chén rượu lên ngang trán và cúi đầu. Ông chủ nhà mời khách uống và cũng chưa uống cạn khi khách chưa làm theo ý mình. Nếu khách không uống thì là một điều thất lễ.

 Nói về mặc, tác giả nhắc đến nghề trồng bông, nuôi tằm, dệt vải và nhuộm của người Mường. Đây là một công nghệ trong mọi gia đình, nhưng chỉ được thực hiện vào khoảng thời gian nhàn rỗi ruộng rẫy, tranh thủ buổi trưa, buổi tối hay mưa gió không ra ruộng được. Sản phẩm tự sản, tự sử dụng trong phạm vi gia đình là chủ yếu, không mấy khi bán, có chăng họ chỉ trao đổi hàng hoá.

 Quần áo, chăn màn địu, lễ vật… bằng vải trong những cuộc lễ tín ngưỡng đều từ nghề này mà ra. Thành phẩm dệt cuả họ chủ yếu từ bông và sợi tằm, nên có màu trắng và vàng. Để các đồ mặc trên phù hợp với điều kiện sinh hoạt vào lao động, họ thường nhuộm thành màu chàm và nâu. Quần áo đàn ông được nhuộm màu nâu từ nguyên liệu vỏ cây, váy đàn bà nhuộm nước lá chàm. Các nguyên liệu trên được giã vụn, đun sôi, chắt lấy nước và ngâm vải trong vài ba ngày, sau đó phơi khô và cắt khâu thành quần áo.

          Việc cưới xin của người Mường được tác giả tìm hiểu và có nhận xét về sự khác nhau ở chi tiết của hình thức: Mua con dâu và mua con rể. Mua con dâu là hình thức phổ biến nhất. Việc cưới xin thông thường bằng cách mua con dâu, phản ánh địa vị, uy tín và sự giàu nghèo hai gia đình thông gia. Trình tự các cuộc thăm hỏi sơ bộ,, tính chất đồ lễ, các nghi thức kèm theo các lần trao đổi, xác nhận lễ ăn hỏi, đánh dấu ngày cô dâu từ giã gia đình cha mẹ đẻ để về nhà chồng, tất cả đều giống nhau dù là giản dị nhất.

 Mua con rể cũng giống như cuộc hôn nhân mua con dâu. Trước khi có cuộc hôn nhân này bên nhà gái đánh tiếng trước là gia đình bất hạnh không có con trai, muốn nhận con trai làm con nuôi để nối dõi thờ phụng tổ tiên. Nếu nhà trai đồng ý, cuộc hôn nhân sẽ diễn ra và con rể sẽ ở luôn bên nhà bố mẹ vợ (tác giả gọi mua con rể là không chính xác, phải gọi là ở rể, vì tất cả mọi lễ vật đám cưới vẫn do nhà trai bỏ ra như mua dâu. ở rể có thể truyền đời nối dõi bên nhà vợ, có thể đến hết đời bố, mẹ vợ, có thể vài năm lại trở về bên nội).

 Nghiên cứu vấn đề tổ chức xã hội làng Mường, tác giả nhắc đến đặc điểm ý thức của người Mường, rằng người Mường rất có trách nhiệm cá nhân trong một tập đoàn nhất định: Gia đình, làng xóm và một mức độ nào đó là Tổng nhưng không nhận thức được trách nhiệm và sự đoàn kết xã hội mở rộng ra đến bên ngoài.

 Người đứng đầu một lãnh địa là Lang Cun (ngành cả) và Thổ Tao (ngành thứ) của một dòng họ cha truyền con nối. Từ Lang Cun đến người dân là một quan hệ khép kín, eo hẹp, không mở rộng, không nhìn ra tương lai, bởi vậy mỗi vùng Mường do một Lang Cun cai quản đều sinh ra những luật lệ riêng để trói buộc nhau, thường dân rất khổ mà họ lang rất sung sướng.

          Việc thờ cúng tổ tiên trong gia đình Mường, tác giả nhắc đến quan hệ về cái chết và cuộc sống sau cái chết, ở đó được quan niệm như là cuộc sống trên mặt đất. Người Mường có nỗi sợ hãi về hoạt động của người chết và cũng mong muốn người chết được yên tâm bằng cách chăm sóc đến đời sống no đủ của người ở bên kia thế giới. Việc thờ cúng tổ tiên biểu hiện lòng thành và kiêng kỵ những điều vô lễ trước bàn thờ.

 Khác với nghiên cứu thờ cúng tổ tiên tác giả chỉ nêu quan niệm, việc thờ cúng cộng đồng được tác giả mô tả chi tiết hơn về các nghi lễ, cách đặt vị trí và bàn thờ. Việc thờ cúng chung của làng xóm chủ yếu là ba hình thức: Thành hoàng, Thổ công và Thần núi. Nơi thờ Thành hoàng phải có miếu thiêng riêng, thờ Thổ công và Thần núi chủ yếu đặt theo các gia đình. Mọi đồ vật bằng cuội, bằng sắt, đồng hun, gang… tìm nhặt được trong đất đều được giả thiết coi như có khả năng xua đuổi tà ma, phòng ngừa bệnh tật và chữa bệnh.

 Về các phong tục, tập quán, tác giả nghiên cứu các vấn đề sinh nở, ma chay, lễ tết và một số phong tục khác.

          Ở người Mường, có chửa là dẫn tới sinh nở, bao giờ cũng được gia đình hoan nghênh, đón mừng vui vẻ. Lúc sinh đẻ, người ta đặt dấu hiệu ở đầu cầu thang hay ngoài sân để kiêng kỵ người lạ vào nhà. Tác giả giải thích việc này như sau: Việc kiêng kỵ là để tránh cho người ngoài khỏi tiếp xúc với thứ ô uế, trẻ sơ sinh khỏi lây bệnh bên ngoài. Nhưng đó không phải lý do chủ yếu, mà theo quan niệm của người Mường là họ tránh cho trẻ sơ sinh gặp phải cái “vía xấu” của người lạ, có thể gây cho “cái vía” của trẻ đau ốm quấy khóc. Họ mong cho bà mẹ và trẻ sơ sinh mau chóng khoẻ mạnh, cứng cáp nên đặt giường sạp bên cạnh bếp lửa, khi ra đường đứa trẻ được bôi một vệt nhọ lên trán để tránh ma xấu nhập vào, cũng là ngăn linh hồn của trẻ không thoát ra ngoài.

          Lệ tục ma chay của người Mường khá phức tạp, nhưng có điều đó là việc chung của làng xóm, nên tang gia đỡ lo khâu phục vụ mặc dù ma chay kéo dài đến dăm bảy ngày. Ngay sau khi được tin có người chết trong làng, hàng xóm đều đến nhà có người chết đem theo rượu, gạo, tiền, gà… tuỳ theo điều kiện từng người, từng mức độ quan hệ với gia chủ. Sự có mặt của thầy mo là rất quan trọng và cần thiết. Thầy mo sẽ làm các thủ tục nghi lễ, bao gồm chủ yếu là các loại mo: Mo lễ, mo vía, mo vái (lễ cúng) và mo ma (đưa linh hồn người chết đi và về). Tất cả các buổi lễ ma chay, thầy mo đều mặc một chiếc áo dài màu đen, xanh, vàng hoặc hoặc đỏ, có viền màu tương phản với màu nền áo, đội chiếc mũ sặc sỡ tua màu, cao và có đuôi dải sau lưng.

          Trong xã hội Mường còn có những người chuyên làm nghề ma thuật, phù thuỷ. Họ cũng có bàn thờ thần chủ như thầy mo và cũng có uy tín, vị thế nhất định trong cộng đồng làng mường.

Ngày tết năm mới là ngày vui mừng đầy đủ và dài nhất. Những ngày cuối cùng của năm cũ, người Mường tất bật chuẩn bị cho tết như gói bánh, đi chợ, lau rửa, quét dọn, củi lửa… nhưng thức ăn chính là con lợn thì đã được họ chuẩn bị trước đó nhiều tháng, bởi vì ngày tết gia đình nào cũng nhất thiết phải có con lợn để làm cỗ tết và thịt ướp chua ăn dần trong vài tháng sau. Giờ khắc giao hoà năm cũ và năm mới người Mường có tục tắm suối với mong ước gột rửa những điều xấu trong người, cầu mong được khoẻ mạnh trong năm mới.

 Gạo đối với người Mường có một giá trị thần thoại, tâm linh. Bất cứ lễ cúng nào cũng đều có gạo, cơm (mà chủ yếu là xôi nếp). Trước khi vào vụ gieo trồng hay sau khi đã thu hoạch, người Mường đều có lễ cúng, trở thành hệ thống nghi lễ đồng ruộng, trong đó hội Khuống mùa là quan trọng và quy mô hơn cả. Ngoài ra lễ cơm mới, lễ mừng năm mới là lễ nghi nông nghiệp, chủ yếu là cầu mùa, cầu sức khoẻ…

  Khi kết luận cuốn sách, Tiến sĩ Quydiniê viết: Sự hiểu biết về người Mường còn nhiều hạn chế. Tuy vậy, ông cũng nhận ra họ có nhiều nét tương tự như người Việt, hiểu biết người Việt là cơ sở, niềm tin khi nghiên cứu người Mường. Có thể tìm thấy những hạn chế của cuốn sách do góc nhìn của một tác giả nghiên cứu người ngoại quốc, song chúng ta không thể không ghi nhận, trân trọng một công trình dân tộc học, văn hoá học thật công phu và đầu tiên về người Mường ở Việt Nam.

                                Theo nguồn: Lò Cao Nhum (Hội viên Hội Văn nghệ tỉnh Hòa Bình)

                                                    Quách Thị Hà Phó phòng - Công tác bạn đọc

 

Liên kết web :
Đang online : 9
Hôm nay : 427
Tháng hiện tại : 15325
Tổng lượt truy cập : 1565785