Ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống thư viện công cộng tỉnh Hòa Bình

       Xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động thư viện là yêu cầu tất yếu, khi mà xã hội ngày phát triển, trình độ dân trí từng bước nâng lên, ngay từ khi chia tách tỉnh năm 1991, dù gặp nhiều khó khăn, Thư viện tỉnh Hòa Bình đã chú trọng ưu tiên phát triển lĩnh vực này. Để làm tốt công tác ứng dụng CNTT vào thư viện thì yếu tố con người là nền tảng, công nghệ và trang thiết bị là yếu tố then chốt. Chính vì vậy, ngay khi bắt đầu đẩy mạnh ứng dụng CNTT, Thư viện tỉnh Hòa Bình đã tiến hành mở các lớp đào tạo tin học cho cán bộ thư viện ở nhiều mức độ khác nhau đồng thời tuyển dụng thêm nhân sự CNTT. Đặc biệt trong giai đoạn 2005 đến nay Thư viện tỉnh đã luôn quan tâm đầu tư trang thiết bị, máy móc; tuyển dụng và đào tạo nhân lực CNTT. Trong hai năm 2008 và 2009 Thư viện Tỉnh đã tuyển dụng thêm nhân sự được đào tạo chuyên sâu về chuyên ngành CNTT, trang bị thêm một số máy vi tính phục vụ công tác nghiệp vụ và phục vụ bạn đọc, mua và đưa vào khai thác sử dụng phần mềm Thư viện điện tử; năm 2010 và 2011 Thư viện tỉnh đã cử cán bộ tập huấn tại Thư viện Quốc gia Việt Nam về áp dụng CNTT vào nghiệp vụ thư viện, cử cán bộ đi học nâng cao trình độ (đại học Công nghệ Thông tin truyền thông Thái Nguyên); Kết quả: Năm 2010 Thư viện Tỉnh là một trong số ít thư viện các tỉnh thành hoàn thành chuẩn hóa theo chuẩn nghiệp vụ mới sớm nhất, đã hồi cố xong toàn bộ kho sách Mượn theo chuẩn nghiệp vụ DDC và xây dựng được một CSDL với 33.904 biểu ghi tương đối phong phú, chính xác. Đây sẽ là tài sản quý giá trong quá trình phát triển của thư viện Hòa Bình giúp cho bạn đọc trong và ngoài tỉnh có nhiều cơ hội tìm hiểu về lịch sử, văn hoá, con người xứ Mường. Bước đầu số hóa kho sách địa chí với trên 100 tên sách (hơn 3 vạn trang sách) đồng thời trang bị sẵn sàng đưa vào khai thác phần mềm Thư viện số đáp ứng cơ bản nhu cầu của bạn đọc.

        Nhân Hội nghị sơ kết 3 năm hệ thống thư viện công cộng Việt Nam tại Đà Nẵng Thư viện tỉnh xin giới thiệu toàn văn báo cáo tham luận (dự kiến) của đồng chí Lê Văn Thái - Giám đốc Thư viện tỉnh Hòa Bình tham luận tại Hội nghị:

        "I. Vài nét khái quát về hệ thống Thư viện công cộng tỉnh Hòa Bình:

        Hệ thống Thư viện tỉnh Hòa Bình gồm có 01 Thư viện Tỉnh và 10 Thư viện huyện. Đội ngũ cán bộ có trên 30 người (cả hợp đồng), Thư viện Tỉnh 17 người, Thư viện huyện 14 người. Hầu hết đều có trình độ Đại học, Cao đẳng. Bên cạnh đó tỉnh Hòa Bình còn có 1 thư viện cụm văn hóa Mường Vó (huyện Lạc Sơn), 29 thư viện xã phường, 201 tủ sách pháp luật, 190 điểm Bưu điện văn hóa xã, 9 tủ sách phụ nữ, 2 điểm đọc báo quân dân, 12 thư viện đơn vị bộ đội, 91 thư viện trường học. Trong trên nửa thế kỷ qua, tất cả phần nào đã tạo nên diện mạo của văn hóa đọc tỉnh Hòa Bình.
        Mặc dù còn muôn vàn khó khăn về trụ sở, cơ sở vật chất, trang thiết bị, về nguồn vốn tài liệu, về nguồn nhân lực… ở chừng mực nào đó văn hóa đọc ở tỉnh Hòa Bình vẫn phát triển và có vị trí xứng đáng trong sự nghiệp nâng cao dân trí đổi mới quê hương.
        II. Việc ứng dụng công nghệ thông tin:
       1. Về quan điểm chỉ đạo: Sự phát triển của khoa học kỹ thuật, của công nghệ thông tin đã thực sự tạo ra một hướng đi mới, một cơ hội mới cho việc phát triển sự nghiệp thư viện trên nền của phương thức hoạt động truyền thống. Đặc biệt đối với tỉnh Hòa Bình là địa phương có trụ sở cơ sở vật chất khó khăn nhất trong toàn quốc. Thư viện Tỉnh và 7/10 Thư viện huyện chưa có trụ sở riêng biệt đủ tiêu chuẩn, 2 Thư viện huyện có trụ sở nhưng vẫn bị ghép thêm bộ phận khác và chỉ tồn tại về hình thức. Vậy trong điều kiện cụ thể, hệ thống thư viện công cộng tỉnh Hòa Bình sẽ phát triển theo hướng nào, đó là điều luôn trăn trở đối với những người làm Thư viện ở tỉnh Hòa Bình. Nên ứng dụng công nghệ thông tin được coi như là một gợi mở trong những “trang bi kịch” của sự nghiệp thư viện hiện tại.
        Chúng tôi chưa bao giờ dám phủ nhận việc có 1 trụ sở và trang thiết bị tương thích đối với một Thư viện điện tử, một Thư viện số hiện đại. Đó chính là mơ ước trong nhiều thập kỷ nữa ở một tỉnh miền núi nghèo khó. Nhưng việc quan tâm đầu tư dù rất nhỏ cho ứng dụng công nghệ thông tin ở Hòa Bình, chúng tôi cho là giải pháp cứu cánh cho sự nghiệp thư viện tại địa phương. Chính vậy UBND tỉnh Hòa Bình vào đầu năm 2013 cũng đã đồng ý với những ý tưởng đó và chính thức cho chủ chương xây dựng 1 Thư viện Điện tử trong trụ sở hiện có, hi vọng lấp đi phần nào những khiếm khuyết của lịch sử, của sự nhìn nhận chưa đúng mức về việc phát triển văn hóa đọc trong nhiều năm qua.
Đó là sự kiện đầu năm 2013 đã được ghi nhận trên giấy. Còn thực tế Thư viện tỉnh Hòa Bình đã ấp ủ chuyện này từ nhiều năm trước với mục đích dẫn dắt hệ thống thư viện công cộng tỉnh Hòa Bình đi theo hướng này như theo cách của người nghèo làm nhà. Do vậy, những vấn đề chúng tôi đưa ra ở đây không phải là khoe, mà thật lòng muốn tìm kiếm ở các đồng nghiệp một sự chia sẻ, cảm thông để có thể tự tin, tự mình tồn tại phát triển, tự tôn vinh giá trị duyên nghiệp của mình, của bao người…
        2. Quá trình triển khai và kết quả đạt được:
        a. Quá trình triển khai ứng dụng công nghệ thông tin:
        - Về con người: hiện Thư viện tỉnh Hòa Bình có 02 cán bộ chuyên trách về Công nghệ thông tin. Còn hầu hết cán bộ Thư viện Tỉnh đều biết và sử dụng thành thạo, nhất là bộ phận làm Nghiệp vụ.
        - Về cơ sở vật chất: Thư viện tỉnh Hòa Bình hiện nay có số máy rất khiêm tốn là: 07 máy vi tính (2 máy cũ), 01  máy photocopy, 03 máy in. 02 máy vi tính dùng cho bạn đọc tra cứu thư mục điện tử, 5 máy vi tính trang bị cho các bộ phận xử lý nghiệp vụ.
        - Về phần mềm và áp dụng công nghệ thông tin: Năm 2008 Thư viện tỉnh Hòa Bình đã có phần mềm Thư viện điện tử đáp ứng được hầu hết các công việc theo chuẩn nghiệp vụ mới. Năm 2012 trang bị thêm phần mềm quản lý thư viện số và mạng không dây cho khu vực bạn đọc.
        b. Kết quả ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện phân loại theo chuẩn nghiệp vụ mới:
       Thực hiện sự chỉ đạo của Vụ Thư viện, Thư viện Quốc gia Việt Nam năm 2007 Thư viện tỉnh Hòa Bình cũng như các thư viện trong toàn quốc tiến hành thay đổi phân loại tài liệu theo chuẩn nghiệp vụ mới. Nhận thấy đây là thời điểm thích hợp triển khai việc áp dụng công nghệ thông tin một cách toàn diện. Thư viện tỉnh Hòa Bình đã tích cực tổ chức triển khai thực hiện trong hệ thống thư viện công cộng và một số Thư viện trường học lớn ở tỉnh. Thực tế năm 2003 Thư viện tỉnh Hòa Bình đã hoàn thành việc hồi cố sách và xây dựng thư mục điện tử (trước yêu cầu của Vụ là 2 năm). Nên khi triển khai cũng không đến nỗi lúng túng. Phương thức của chúng tôi đề ra là vừa hồi cố theo phân loại mới vừa xử lý ngay toàn bộ sách mới bổ xung. Chúng tôi đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để hồi cố sách theo chuẩn nghiệp vụ mới. Cho đến năm 2011 cơ bản hoàn thành hồi cố kho sách của Thư viện Tỉnh, xây dựng được 5 cơ sở dữ liệu với 33.904 biểu ghi.
        Ở Thư viện cấp huyện: có 4 Thư viện đã hoàn tất việc hồi cố. Đặc biệt, Thư viện huyện Lương Sơn đã tự phân loại theo chuẩn nghiệp vụ mới không cần Thư viện Tỉnh hỗ trợ. Theo đánh giá của chúng tôi có lẽ rất hiếm thư viện cấp huyện làm được như vậy.
        (Chúng tôi đưa việc thay đổi chuẩn nghiệp vụ mới vào tham luận vì việc này với ứng dụng phát triển công nghệ thông tin có yếu tố quan hệ tương hỗ đặc biệt quan trọng).
        Từ năm 2011 Thư viện Tỉnh đã triển khai số hóa tài liệu địa chí. Đến nay toàn bộ kho sách địa chí đã được chuyển dạng số với 110.000 trang. Đây là kho tài nguyên số đặc biệt quan trọng của thư viện số trong tương lai. Khi dự án xây dựng Thư viện số của tỉnh triển khai thì cơ bản về mặt nội dung là đã sẵn sàng.
        Từ tháng 9 năm 2012 bước đầu đã triển khai hoạt động của trang thông tin điện tử. Đến nay mới được 1 năm đã có trên 46.000 lượt bạn đọc truy cập sử dụng.
        c. Đánh giá chung: mặc dù kinh phí quá ít. Kinh phí đầu tư cho công nghệ thông tin trong 3 năm qua chưa đến 1 tỷ (mua máy vi tính, máy photocopy, phần mềm, số hóa tài liệu, hồi cố…), người thiếu, trụ sở, cơ sở vật chất khó khăn nhưng Thư viện tỉnh Hòa Bình đã có hướng đi đúng đắn phù hợp và có đủ điều kiện đón đầu các cơ hội đang đến. Theo chúng tôi đánh giá hiệu quả thực tế là rất lớn so với một thư viện khó khăn nhất nước như Hòa Bình. Hiện trang thông tin điện tử (website), hệ thống thư mục điện tử, kho tài nguyên số là kết quả rõ nét của việc ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao không ngừng chất lượng phục vụ bạn đọc trong điều kiện có thể của Thư viện tỉnh Hòa Bình.
        II. Kiến nghị đề xuất:
        1. Về đường lối chính sách đối với Ngành Thư viện:
        - Cấp trên cần tham mưu cho Nhà nước đưa ra các giải pháp để nâng cao hiệu lực của các văn bản quản lý Nhà nước về lĩnh vực ngành Thư viện đối với địa phương như Pháp lệnh Thư viện, Quyết định về Quy chế mẫu, về chính sách với vùng đặc biệt khó khăn, về thiết chế, cơ sở vật chất, về chế độ đãi ngộ với người lao động… Qua chuyện này có thể giờ đây câu nói của người xưa “Quan thì xa, bản nha thì gần” vẫn còn có đất tồn tại cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Chúng ta đã làm được bao nhiêu để có thể biến khả năng thành hiện thực, biến những gì trên giấy thành sự phát triển thịnh vượng của Ngành Thư viện Việt Nam! Vẫn đang còn chờ một sự trả lời thỏa đáng, đối với cấp trên cũng như với tất cả các Thư viện trong hệ thống.
        - Vụ Thư viện cần có sự tham mưu đồng bộ về các chủ trương chính sách đối với hoạt động Thư viện. Ví như chủ trương xây dựng kho sách luân chuyển phục vụ cơ sở bằng Chương trình mục tiêu Quốc gia có từ năm 2003. Đó là chủ trương rất hay và vốn sách đã có nhưng phương tiện trang thiết bị cho thư viện lưu động thì không, ngay cả gợi ý định hướng đối với địa phương về vấn đề này vẫn là chưa… Tùy địa phương vận dụng, nếu xin được thì là giỏi, nếu không xin được thì chia sẻ, cảm thông! Hoặc như việc xếp hạng hệ thống Thư viện công cộng, phụ cấp trách nhiệm cho lãnh đạo Thư viện khi chuyển đổi lương v.v… có lẽ chỉ vẫn là cách làm khô cứng, làm mất đi chứ không động viên được việc phát triển sự nghiệp...
        2. Về chỉ đạo xây dựng phát triển Hội Thư viện Việt Nam ở góc độ quản lý Nhà nước:
       Theo chúng tôi, Hội Thư viện Việt Nam đến nay đã là nhiệm kỳ II, ở chừng mực nào đó đã có vị trí thật sự chắc chắn trong hệ thống Thư viện công cộng cũng như các loại hình thư viện toàn quốc. Chúng tôi thấy Hội Thư viện Việt Nam cần có trụ sở đàng hoàng thật sự xứng đáng là ngôi nhà chung của những người làm Thư viện cả nước, những người đang công tác, những người đã nghỉ hưu, những người luôn dành cho nghề Thư viện những tình cảm tốt đẹp trân trọng nhất… đây có lẽ không còn là vấn đề của riêng Hội Thư viện Việt Nam.
        3. Về tổ chức Liên hiệp Thư viện:
        Trong hệ thống Thư viện công cộng hiện đang còn tồn tại một tổ chức “tiền hội”, đó là các Liên hiệp Thư viện. Với tư cách là đơn vị có 3 nhiệm kỳ được tín nhiệm nhận trách nhiệm lãnh đạo Liên hiệp Thư viện miền núi phía Bắc (13 tỉnh), là một liên hiệp thư viện có địa bàn rộng lớn và địa hình vô cùng phức tạp. Chúng tôi xin có một số đề xuất sau:
        Các Liên hiệp Thư viện ra đời cách đây gần 20 năm đã có vị trí cực kỳ quan trọng trong việc tập hợp, khuyến khích động viên, mở rộng giao lưu học tập lẫn nhau, nâng cao vị thế ngành Thư viện, đặc biệt là các Thư viện Tỉnh trong phạm vi toàn quốc. Thời kỳ đó chúng tôi làm công tác thư viện ở các tỉnh rất phấn khởi tự hào và tìm đến với nhau bằng tấm lòng đồng nghiệp chân thành, với những tình cảm quý giá xiết bao. Có thể nói Liên hiệp Thư viện trong hệ thống Thư viện công cộng Việt Nam đã hoàn thành xứ mệnh lịch sử của mình trước khi Hội Thư viện Việt Nam ra đời.
        Đến thời điểm này theo thiển nghĩ của chúng tôi Liên hiệp Thư viện như Liên hiệp Thư viện miền núi phía Bắc đã bộc lộ nhiều yếu tố bất cập về phương pháp tổ chức, về nội dung hoạt động, về xử lý các mối quan hệ mang tính nghề nghiệp, về các vấn đề liên quan tới tài chính, tài trợ, hỗ trợ, đóng góp, thi thố, đánh giá… dẫn đến sự rạn nứt đáng tiếc.
        Chúng ta không có nguồn kinh phí chung đàng hoàng, không có lãnh đạo đủ tầm, còn thiếu một sự nhìn nhận vô tư, trách nhiệm, nhân ái, biết hy sinh, tự trọng và tôn trọng nhau… việc gì chúng ta cứ phải gặp nhau để uất ức, điều nọ, tiếng kia trong cái nghèo khó của nghiệp Thư viện. Trong vài năm qua Liên hiệp Thư viện đã cho thấy sự phối kết hợp lỏng lẻo, hình thức, bất đắc dĩ, nội dung sáo mòn, hời hợt… gặp nhau không biết làm gì. Có hội nghị chi rất nhiều tiền, đi lại cực kỳ xa xôi khó khăn vất vả nhưng đến nơi gần như chỉ nghe chủ tịch lên nói vo tào lao vài chuyện, rồi tặng hoa, quà cho mấy bác về hưu, tặng hoa, phong bì cho mấy vị mới được đề bạt lên lãnh đạo Thư viện Tỉnh, rồi chơi cầu lông, văn nghệ nhom nhem tại sân Thư viện Tỉnh. Chúng tôi cảm thấy rất ngượng với lãnh đạo địa phương. Lãnh đạo cấp trên về chỉ đạo cũng đành vậy và chỉ biết cười trừ, vỗ tay cho qua chuyện… Nếu cứ diễn ra như vậy chúng ta sẽ tự làm mình mất đi sự trân trọng và vị thế với địa phương, làm khó cho lãnh đạo và đơn vị đăng cai. Chúng tôi cảm thấy nuối tiếc hình ảnh của Liên hiệp Thư viện trong thời kỳ đầu, hình ảnh đẹp đẽ đó có lẽ sẽ không bao giờ lặp lại…
        Do vậy chúng tôi xin mạnh dạn đề xuất lên cấp trên nên chỉ đạo giải tán các Liên hiệp Thư viện và chuyển các hoạt động đó về cho Hội Thư viện Việt Nam, các Thư viện Tỉnh trở thành các đơn vị chủ thể của Hội cơ sở... Khi cần có các hoạt động liên kết mang tính khu vực nên có sự chỉ đạo chặt chẽ của Vụ Thư viện, Hội Thư viện Việt Nam ở phạm vi vài tỉnh gần nhau để giảm đi sự cồng kềnh, tốn kém và thiếu hiệu quả.
        Trên là một vài ý kiến kính mong các quý vị lượng thứ, thông cảm. Chúng tôi hy vọng trong một tương lai không xa hệ thống Thư viện công cộng cũng như sự nghiệp Thư viện Việt Nam ngày càng phát triển và có một vị thế xứng đáng trong công cuộc nâng cao dân trí xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.
        Xin chân thành cảm ơn!"
Tin bài: Ban biên tập Website Thư viện tỉnh Hòa Bình

Liên kết web :
Đang online : 2
Hôm nay : 91
Tháng hiện tại : 11373
Tổng lượt truy cập : 1392013