VĂN HÓA HÒA BÌNH PHẦN 9

. Nhà cửa:

          Người Mường sống tập trung thành làng xóm ở chân núi, bên sườn đồi, nơi đất thoải gần sông suối…Truyền thống văn hoá của dân tộc Mường không cho phép dựng nhà thành hàng, lối nhưng bao giờ, nhà sàn cũng đều ở vị trí dựa lưng vào thế đất cao như sườn đồi, sườn núi. Mỗi nhà có thể bày biện, trang trí khác nhau nhưng cấu trúc cơ bản về gian, buồng giống nhau. Giữa màu xanh thiên nhiên núi rừng, những nếp nhà sàn vẫn tồn tại như một minh chứng rõ nét nhất về sức sống lâu bền của văn hoá Mường truyền thống.Mỗi làng có khoảng vài chục nóc nhà, khuôn viên của mỗi gia đình thường nổi bật lên những hàng cau, cây mít. Ðại bộ phận ở nhà sàn, kiểu nhà bốn mái. Phần trên sàn người ở, dưới gầm đặt chuồng gia súc, gia cầm, để cối giã gạo, các công cụ sản xuất khác

          Người Mường Hoà Bình thường ở nhà sàn, theo truyền thuyết dân gian gọi là nhà rùa: có 4 mái 3 tầng mô phỏng theo quan niệm vũ trụ dân gian 3 tầng 4 thế giới của người Mường. Truyền thuyết kể lại rằng, có một người thợ săn, bắt được con rùa đen, định đem về làm thịt, rùa thưa : Tôi biết kiểu làm nhà, xin ông thả tôi ra, tôi bày cho kiểu dựng : 4 chân tôi làm lên cột cái, nhìn qua đuôi làm trái, nhìn lại mặt làm cầu thang, cửa sổ, nhìn xương sống làm đòn nóc dài dài. Muốn làm mái thì trông vào mai, nhìn sườn dài sườn cụp mà xếp làm rui, vào rừng lấy gianh lấy nứa mà làm vách, lấy trục vớt buộc kèo

Nhà sàn Mường ở Lạc Sơn - Hòa Bình

          Đến với vùng Mường hôm nay, ta vẫn được nhìn thấy thấp thoáng những ngôi nhà sàn dựa lưng vào núi, nhìn ra cánh đồng bát ngát... nhưng cách bố trí chỗ ăn, ở, chăn nuôi đã khác xưa. Chuồng trâu được làm riêng biệt cách xa khu nhà ở, xung quanh nhà là cây cối bốn mùa đơm hoa, kết trái. Ngôi nhà sàn dựng theo kiểu truyền thống của người Mường, vì được bố trí khéo léo nên không gian rất thoáng đãng và đặc biệt tiện lợi. Với đặc trưng kiểu nhà này, người Mường đã tạo nên cho mình một tập quán riêng trong sinh hoạt hàng ngày cũng như trong lao động sản xuất, vừa trồng lúa, làm nương rẫy, vừa chăn nuôi gia súc gia cầm. Để gặt lúa người Mường sáng tạo ra nhiều công cụ tiện lợi và cho năng suất cao. Đó là chiếc quào, một loại hái có cán dài cho phép cắt cả những bông lúa lớn. 

Gầm nhà sàn Mường

          Nhà người Mường có những đặc điểm riêng: nhà thường ba gian hai chái. Bộ khung với vì kèo kết cấu đơn giản. Đặc trưng ở cái kèo có pà wặc (cái cựa) đè lên cây đòn tay cái để đỡ kèo khỏi bị tụt. Nhà có chái nhưng không có vì kèo chái như nhà người Việt. Chỗ dựa của bộ xương mái là nhờ vào hai cây pắp cal và một cây léo hè, đầu gác lên thanh giằng hai kèo gần chỏm kèo. Mặt bằng sinh hoạt có điểm giống nhà người Việt: nhà cũng có qui

Máy vò lúa bên cạnh nhà sàn

 

Bên hiên nhà sàn

 

định có tính ước lệ: Nếu chia nhà theo chiều ngang: phần nhà dành cho sinh hoạt của nữ gọi là “bên trong”, phần dành cho sinh hoạt của nam giới gọi là “bên ngoài”. Và, nếu chia nhà theo chiều dọc, nửa nhà phía sau (nơi đặt bàn thờ tổ tiên) gọi là “bên trên”, còn nửa kia gọi là “bên dưới”. Một đặc trưng nữa là hình thức cấu tạo của bếp: bếp được đặt trong một cái khung gỗ hình chữ nhật. Bốn góc của cái khung này dựng bốn cột làm giá đỡ các dàn (dựa) bếp. Một trong hai cột giáp vách bao giờ cũng buộc một cái chum nhỏ để đựng mẻ (người Mường rất ưa các món ăn có vị chua). Ghế đặt xung quanh nhà bếp là ghế dài thấp chân. Trong khuôn viên thường có một miếu thổ thần, quy mô nhỏ như một cái lều.

Nguyên liệu và cấu trúc cơ bản của nhà sàn cổ truyền Mường

          Nguyên liệu cơ bản được bà con sử dụng để dựng nhà sàn là gỗ. Hòa Bình có một số loại gỗ quý đặc trưng để làm những bộ phận quan trọng trong ngôi nhà như: gỗ trai, chò chỉ, nghiến; sến, táu, dổi, de, đinh, lát… Vì chân cột nhà sàn thường được chôn sâu xuống đất từ 80 cm – 1m nên phải làm cột bằng thứ gỗ không bị mối ăn, không mục, không mọt. Ngoài gỗ để làm các chi tiết chính, nhà sàn của người Mường cần sử dụng các loại tre, bương, hóp để làm đòn tay, đan vách…Trước đây nhà sàn cổ sử dụng đinh gỗ, đinh tre, chêm gỗ để cố định mộng chính và dùng các loại dây leo bện để nín những mộc phụ theo hình chữ X, nay mới sử dụng đinh sắt. Nhà sàn truyền thống thường được lợp bằng cỏ gianh, lá cọ. Gianh tốt thường cắt thành hai đoạn. Đoạn gianh gần gốc gọi là gianh chân hương, loại gianh này rất bền, nếu được khói có thể bền đến 20 năm mới phải thay. Nhờ lợp mái gianh nên nhà người Mường ấm áp về mùa đông, mát mẻ về mùa hè.

          Nhà sàn là trung tâm trong không gian sống của người Mường. Trước đây, nhà sàn truyền thống của người Mường đều có cổng ngoài. Nhà người dân gọi là “cổng lang chang” được đan bằng tre và buộc phủ lá dong lên trên; nhà lang làm cổng gỗ, có mái che ở trên. Người Mường xưa thể hiện sự giàu có, địa vị xã hội bằng cách làm nhà to, làm nhiều nhà. Nhà sàn của nhà lang bậc trung hồi đầu thế kỷ XX thường dài đến 100m. Với nhà lang nhỏ thường làm nhà dài 30-40m, nhà dân thường có khả năng kinh tế thì thường khoảng 20m.

          Nhà sàn Mường cổ truyền thường cấu trúc một gian hai chái, hai gian hai chái, ba gian hai chái… (tương đương ba gian năm gian, bảy gian…). Các cửa số, kể cả cửa voóng toông (cửa sổ chính) chỉ làm ở phía trước (trên) của ngôi nhà. Khoảng cách từ 2-3m mới có một cửa, phía sau (hay dưới) thường chỉ có một cửa sổ và phía trong cũng chỉ có một cửa. Nhà người Mường thường chia làm hai phần chính và pên woai (bên ngoài) và pên cloong (bên trong). Pên woai là gian đầu tiên, là phòng khách, là nơi sinh hoạt chung, cũng là gian quan trọng nhất của nhà sàn, là bộ mặt của nhà sàn. Pên cloong được ngăn thành những gian riêng, buồng riêng để cho ông bà, cha mẹ, con gái, con trai… ngủ. Giữa các gian thường không có cửa một cách chắc chắn, chỉ có sự phân biệt có tính chất tượng trưng. Riêng buồng con dâu, con gái lớn, mặc dù không có cửa nhưng những quy ước bất thành văn rất chặt chẽ, được tuân thủ nghiêm ngặt rằng, ai khi nào được vào và ai khi nào không được vào. 

          Điểm độc đáo của nhà sàn Mường là có nhiều bộ phận cấu thành, trong đó, mỗi bộ phận lại có những tác dụng, ý nghĩa riêng. Trước khi bước chân lên nhà sàn, họ phải rửa chân ở một cái “mọôc chạn” đựng nước sạch. Mọôc chạn có thể là một cái bể đục từ đá, một cái chĩnh, cái chum nhỏ hoặc đơn giản là 3-4 cái ống bương chôn chụm một chỗ. Ngày Tết, người Mường thường cắm một cây nêu ngay bên cạnh mọôc chạn để cho tổ tiên biết chỗ rửa chân mà lên nhà sàn.

          Sau khi rửa chân thật sạch, muốn lên nhà sàn Mường, đương nhiên phải qua cầu thang. “ Màn” (cầu thang) lên nhà sàn Mường thường là thang gỗ được đẽo thành hình chữ nhật và cũng có khi để nguyên thân cây gỗ tròn và chỉ cắt bậc vào chính thân cây đó. Tuy nhiên, số lượng bậc thang phải là lẻ, thường nhà sàn dựng ở các thế đất khác nhau, số lượng bậc cũng khác nhau, có thể là 3, 5, 7, 9 nhưng tuyệt đối phải là số lẻ. Màn không dựng thẳng vào cửa chính mà dựng vào mép một cái sảnh gỗ và đặt vuông góc với chiều đòn nóc nhà.

          Ngoài ra, nhà sàn còn có sạp nước và sạp phơi. Sạp nước là một bộ phận rất cần thiết và không tách rời của nhà sàn Mường cổ truyền. Đó là một cái sạp được làm bằng tre già nguyên cây hoặc loại bắp ván gỗ tốt như nghiến, trai…, cũng có thể làm bằng gỗ tròn. Sạp được làm thấp hơn sàn nhà chính thường từ 20-30cm. Sạp là nơi dựng các ống bương to để vác nước, chum đựng nước, vại đựng nước, đá mài dao và các dụng cụ nấu bếp như xoong nồi, dao rựa, thớt, chậu rửa, đồng thời cũng là nơi chế biến thức ăn trước khi đem lên bếp để đun nấu. Còn sạp phơi được dựng phía ngoài cửa voóng, tránh voóng tôông. Nó chính là cái sân trời của ngôi nhà sàn nên nó được làm chắc chắn bằng những thứ vật liệu tốt. Sạp phơi thường được làm rộng rãi và chắc chắn nên ngoài việc phơi khô nông sản, sạp còn là nơi kéo sợi vào đêm trăng, nơi trái gái ngồi hát thường rang, bộ mẹng, hát ví, nơi các mế ngồi kể truyện cổ, truyện thơ cho con trẻ nghe, khi quá đông khách còn có thể dọn mâm cỗ ngoài trời. 

          Cuối cùng – bộ phận đặc biệt và quan trọng nhất của một ngôi nhà sàn là bếp lửa. Bếp chính được đặt ở pên cloong (bên trong) và pên đượi (bên dưới nhà sàn). Nơi đây ít có cửa voóng (cửa sổ) và gần vại nước (khạp khau). ở gian ngoài, gian khách cũng có một bếp phụ ở pên đượi (bên dưới). Bếp ở gian khách chỉ dùng để sưởi, hong khô các vật dụng… và đun nước pha trà. Trên bếp lò chính ở gian trong, người ta làm một cái giá to và vững chắc (khưa) để sấy khô các lương thực, thực phẩm như: ngô giống, lúa giống và sấy khô thịt trâu, bò. Lò bếp là một cái khung hình vuông, cũng có thể là hình chữ nhật rộng chừng hơn 1m2, ghép bằng những tấm ván dày, bên trong có nện đất, đặt ngay trên mặt sàn. 

Bên bếp lửa nhà sàn

          Trong lò bếp người Mường, dù cho đến khi có kiềng sắt, người ta vẫn dùng ba hòn nục (còn gọi là ba ông đầu rau – người Kinh). Ba hòn nục tượng trưng cho vua bếp (bua bêp). Việc dâng cúng vua bếp, người dân làm vào các dịp có nấu nướng lớn, còn mâm cúng không nhất thiết đặt cạnh bếp lò, có thể đặt ở ôông côông (thần thổ địa). Điều đặc biệt, người Mường rất cẩn thận trong sử dụng bếp, tuyệt đối kiêng kỵ không được làm ô uế lò bếp. Khách đến nhà chơi cũng được gia chủ thân tình tiếp chuyện bên bếp lửa. Trong những ngày đông giá rét, mâm cơm thường được dọn ngay cạnh bếp lửa. ông bà, con cháu cùng ngồi quây quần bên bếp lửa sưởi ấm, trò chuyện. Thường người Mường ít khi để bếp tắt, nếu không đun nấu thì sẽ ủ than dưới lớp tro, khi cần chỉ thổi lên là được và như vậy, bếp luôn có hơi ấm. 

Bếp lửa trong nhà sàn Mường

          Ngọn lửa ấm áp của bếp nhà sàn thể hiện nét sinh hoạt văn hoá đoàn kết, ấm cúng và thân thiện của bà con dân tộc Mường đã được lưu giữ qua bao thế hệ từ hàng trăm năm nay. Làm nhà mới, khi dựng cột bếp, người Mường có tục làm lễ nhóm lửa. Gia chủ lấy bẹ chuối cắt hình 3 con cá to kẹp vào thanh nứa buộc lên cột bếp, ở cột cái của bếp còn đặt một quả bí xanh. Trước lúc đun nấu ở nhà mới, gia chủ làm lễ nhóm lửa xin thần bếp cho đặt 3 hòn đầu rau và hòn đá cái. Ðêm đó gia chủ mời mọi người uống rượu cần dưới ánh sáng của ngọn lửa không tắt.

Theo thời gian, nhiều ngôi nhà sàn cổ đã không còn nhưng cũng thật đáng mừng khi lại có những ngôi nhà sàn mới được dựng lên. Có thể vật liệu, bố cục nhà sàn bây giờ không còn giống như xưa nhưng những tiếng hò dô đồng lòng, đồng sức của cả dân làng trong ngày dựng nhà thì vẫn không thay đổi. Nhà sàn là vậy, nhà sàn chỉ có thể được dựng lên bởi sự chuẩn bị chăm chút kỹ lưỡng từng cây gỗ của gia chủ, bởi bàn tay khéo léo người thợ mộc trong mỗi chi tiết và quan trọng hơn cả là sự giúp sức của đông đảo người dân trong ngày dựng nhà, lợp nhà. Ngày dựng nhà, sau khi khung cột đã được dựng lên ngay ngắn, mâm cỗ lá dân dã và chén rượu thơm sẽ được gia chủ dọn ra đãi khách. Tiếng cười nói chúc phúc, câu thăm hỏi ân tình đoàn kết lại vang lên làm rộn rã, sinh động bức tranh xứ Mường ấm no, hạnh phúc. 

           Trang phục:

          Trang phụccủa người Mường có đặc trưng riêng về tạo hình và phong cách thẩm mỹ trên trang phục.

          Trang phục nam: Nam mặc áo cánh xẻ ngực, cổ tròn, cúc sừng vai, hai túi dưới hoặc thêm túi trên ngực trái. Đây là loại áo cánh ngắn phủ kín mông. Đầu cắt tóc ngắn hoặc quấn khăn trắng. Quần lá tọa, ống rộng, dùng khăn thắt giữa bụng còn gọi là “khăn quần”. Xưa có tục để tóc dài búi tóc. Trong lễ hội dùng áo lụa tím hoặc tơ vàng, khăn màu tím than, ngoài khoác đôi áo chùng đen dài tới gối, cài cúc nách và sườn phải.

          Trang phục truyền thống của phụ nữ Mường vô cùng độc đáo, làm tôn lên nét duyên dáng của những người phụ nữ Mường. Ngày nay, xã hội phát triển kéo theo là sự du nhập của nhiều xu hướng thời trang mới nhưng không ít phụ nữ Mường vẫn luôn mặc những chiếc váy đen dài, áo pắn truyền thống như sự nâng niu, bảo tồn gìn giữ trang phục của dân tộc mình. Trang phục Mường hết sức tinh tế và có những nét riêng nổi bật không thể pha lẫn với các dân tộc khác. Bộ y phục nữ đa dạng hơn nam giới và còn giữ được nét độc 

Y phục nam giới Mường

đáo. Chiếc khăn đội đầu là một dải vải trắng không viền, rộng chừng một gang tay, khoảng 15cm, dài khoảng 50 – 60 cm quá vòng đầu để thắt sau gáy theo kiểu thắt vặn, không luồn dưới tóc. Chiếc khăn này dùng để giữ cho nếp tóc được gọn gàng, che cơ thể trước nhiệt độ, thời tiết ở núi rừng.

          Ngoài những ý nghĩa đó, chiếc khăn đội đầu còn có một ý nghĩa xã hội sâu xa gắn với truyền thuyết đầy lãng mạn về một mối tình giữa một chàng trai nghèo tên là Khỏe ở Mường Dậm với cô gái nhà lang xinh đẹp là Út Dô. Do khác biệt về thân thế, bị gia đình ngăn cản, đôi trai tài, gái sắc không lấy được nhau đã dẫn đến một mối tình tuyệt vọng. Chàng Khỏe để bảo vệ bản làng đã tạm biệt người yêu và đã một mình chiến đấu với hai con hổ, sau nhiều ngày giao tranh, chàng Khỏe đã ôm cả hai vợ chồng hổ dữ lao xuống vực sâu ở núi Zang. Từ đó, người dân Mường tránh được tai họa thú dữ. Nhưng nỗi đau mất người yêu của nàng Út Dô chẳng ngày nào vơi cạn. 

Y phục phụ nữ Mường

Thiếu nữ Mường thêu váy

Ngày ngày, nàng Út Dô vẫn ra bờ suối nơi chia tay với Khỏe để ngóng đợi người tình. Út Dô lấy mảnh vải trắng chưa kịp nhuộm màu mà chàng Khỏe xé ra từ vạt áo tặng lại để lau nước mắt. Mỗi lần khỏa mảnh vải xuống suối Út Dô lại thấy hình ảnh của Khỏe hiện về. Mảnh vải ướt Út Dô lại vắt lên đầu. Vào một đêm trăng sáng, nàng Út Dô đã đi theo tiếng gọi của tình yêu và nàng đã chết, thân thể nàng hóa cây clang nở hoa trắng dọc hai bên suối. Từ đó, tất cả phụ nữ Mường đều đội một cái khăn trắng trên đầu để tưởng nhớ Út Dô và chàng Khỏe. Đã bao nhiêu tháng năm trôi qua, đã bao nhiêu thế hệ đã lớn lên, câu chuyện tình lãng mạn ngày nào vẫn còn đó và có những nét văn hóa đã xuất hiện từ đó. Mỗi dân tộc có những phong tục riêng, cách thể hiện những giá trị văn hóa riêng. Đối với người Mường cũng vậy những giá trị tinh thần sẽ luôn đi cùng họ trong suốt chiều dài lịch sử, cho đến khi nào vẫn còn dân tộc Mường vẫn còn thấy dải khăn trắng được đội trên đầu người thiếu nữ e ấp hay trên trên mái tóc đã điểm bạc của những bà, mế. Mảnh khăn trắng đội đầu của người phụ nữ Mường không hẳn là chiếc khăn tang cho mối tình tuyệt vọng của chàng Khỏe và nàng Út Dô mà màu trắng của chiếc khăn cũng như màu trắng của những bông clăng là biểu tượng cho sự chung thủy, trong trắng của người con gái Mường. Đồng thời cũng thể hiện những khát vọng hạnh phúc lứa đôi của người Mường, những khát vọng giản dị nhưng thật đáng quý.

                Yếm, áo cánh (phổ biến là màu trắng) thân rất ngắn thường xẻ ở ngực và váy dài đến mắt cá chân gồm hai phần chính là thân váy và cạp váy. Cạp váy nổi tiếng bởi các hoa văn được dệt kỳ công. Trang sức gồm vòng tay, chuỗi hạt và bộ xà tích 2 hoặc 4 giây bạc có treo hộp quả đào và móng vuốt hổ, gấu bịt bạc.Áo mặc thường ngày có tên là áo pắn (áo ngắn). Đây là loại áo cánh ngắn, xẻ ngực, thân ngắn hơn so với áo cánh người Kinh, ống tay dài, áo màu nâu hoặc trắng (về sau có thêm các màu khác không phải loại vải cổ truyền). Bên trong là loại áo báng, cùng với đầu váy nổi lên giữa hai vạt áo ngắn. Váy là loại váy kín màu đen. Toàn bộ phận được trang trí là đầu váy và cạp váy, khi mặc mảng hoa văn nổi lên giữa trung tâm cơ thể. Đây là một phong cách trang trí và thể hiện ít gặp ở các tộc khác trong nhóm ngôn ngữ và khu vực láng giềng (Trừ nhóm Thái Mai Châu – Hòa Bình do ảnh hưởng văn hóa Mường mà mặc thường ngày tương tự như họ).

Cạp váy Mường ở Hòa Bình

Phần trang trí hoa văn trên cạp váy gồm các bộ phận: rang trên, rang dưới, và cao. Trong dịp lễ, Tết họ mang chiếc áo dài xẻ ngực thường không cài khoác ngoài bộ trang phục thường nhật vừa mang tính trang trọng vừa phô được hoa văn cạp váy kín đáo bên trong. Nhóm mặc áo cánh ngắn xẻ ngực thường mang theo chiếc yếm bên trong. Về cơ bản giống yếm của phụ nữ Kinh nhưng ngắn hơn. Cạp váy ôm sát ngực không chỉ là điểm nhấn tạo nên nét duyên dáng cho người phụ nữ Mường mà thể hiện sự khéo léo của người mặc váy. Đầu váy cùng với áo báng nổi lên giữa hai vạt áo pắn là phong cách trang trí đặc trưng, riêng biệt của người Mường Hoà Bình mà những dân tộc khác ít có được.

Trong các dịp lễ, tết, ta thường thấy nam, nữ Mường mặc trang phục truyền thống đánh lên những bản chiêng đầy ý nghĩa, tiêu biểu là các Phường bùa. Bà Hồ Tư (P.Chăm Mát, TP Hoà Bình) tham gia phường bùa đã được hơn 10 năm cho biết: “Phường bùa là nét văn hoá đặc trưng của người Mường. Đầu năm, chúng tôi thường đem chiêng đi khắp các nhà trong bản, đánh lên những bản chiêng chúc phúc, cầu cho gia chủ một năm mùa màng bội thu và nhiều may mắn. Điều không thể tách rời đối với mỗi Phường bùa là trang phục dân tộc truyền thống. Không chỉ thể hiện nét đẹp của người Mường, khi khoác trên người những bộ quần áo đặc trưng cho dân tộc mình chúng tôi không khỏi tự hào bởi đó là văn hoá.” 

Những cô gái Mường duyên dáng trong trang phục truyền thống

Trang phục Mường cùng với những bản sắc văn hoá dân tộc của nó đã bước qua cả giới hạn các buổi lễ hội, biểu diễn… dần trở thành trang phục thường ngày của người Mường xưa và nay. Đi bất cứ đâu trên mảnh đất Hoà Bình ta cũng dễ dàng bắt gặp các “mế” Mường trong những bộ quần áo truyền thống. Khi ở nhà, tiếp khách hay thậm chí là lúc xuống đồng, phụ nữ Mường vẫn duyên dáng trong những chiếc váy đen, áo pắn. Với mỗi người Mường xưa và nay, ta dễ dàng bắt gặp ở họ niềm tự hào với những sản phẩm của dân tộc. Tình yêu quê hương, đất nước mình có lẽ cũng bắt nguồn từ những điều giản dị như thế. Thiết nghĩ, đây là nét văn hoá đẹp của người dân tộc Mường thể hiện lòng tự tôn dân tộc, rất cần được phát huy để những giá trị văn hoá được bảo tồn ngay trong sinh hoạt thường ngày của đời sống.

Thầy mo khi hành lễ mặc y phục riêng. Ðó là chiếc áo dài 5 thân cài khuy bên nách phải, nhuộm màu xanh hoặc đen, thắt dây lưng trắng, đội mũ vải nhọn đầu. Thầy mỡi khi cúng chữa bệnh thường đội mũ chầu

Còn nữa

Liên kết web :
Đang online : 12
Hôm nay : 2072
Tháng hiện tại : 9614
Tổng lượt truy cập : 1508823