VĂN HÓA HÒA BÌNH PHẦN 12 VĂN HÓA DÂN TỘC THÁI

           Văn hóa dân tộc Thái:

           Nơi cư trú:

          Người Thái Hoà Bình sinh sống chủ yếu ở huyện Mai Châu. Tên gọi xưa của Mai Châu là Mương Mai. Xưa nữa thì gọi là Mương Mùn vì đây là vùng đất nằm giữa suối Xia và suối Mùn. Từ khoảng cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14, người Thái từ vùng Khước Hà (Bắc Hà, Lào Cai) đã về đây định cư. Mai Châu vốn là vựa lúa đầu nguồn sông Mã, là vùng kinh tế phát triển cao, nổi tiếng về nghề chăn nuôi, dệt thổ cẩm... Thổ cẩm Mai Châu từ thời phong kiến đã vượt biên giới Việt Nam. Sự trù phú, tính cộng đồng chặt chẽ của người Mai Châu được thể hiện trong thành ngữ "Tin duy tò, hò hườm tam" nghĩa là "Chân thang sát, góc nhà kề". Bất cứ nhà ai có người chết, cả làng đều cùng đội khăn tang.

            Nếu vào các bản Thái và được thưởng thức hương vị cá đồ, măng đắng, là coi như bạn đã trở thành người khách quý. Một số bản Thái ở Mai Châu từ lâu đã cuốn hút và làm cho du khách sững sờ trước vẻ đẹp của thiên nhiên cùng sự phong phú, độc đáo của nếp sinh hoạt Thái. Giống như bản làng của người Mường, người Thái thường sống ở những nơi có sông, suối, núi rừng, phía trước nhà thường là cánh đồng.

Hương lúa Mai Châu

          Huyện Mai Châu là nơi có nhiều bản du lịch nổi tiếng với các bản Lác, bản Pom Coọng, bản Văn... nơi khách du lịch có thể thấy cuộc sống hàng ngày của người dân. Người Thái cũng làm nhà sàn như người Mường song nhà sàn Thái rộng hơn, sắp xếp quy củ hơn. Quần thể các ngôi nhà sàn trong khuôn viên thoáng đãng nằm thấp thoáng trong những rặng cây cùng với hình ảnh người phụ nữ mặc trang phục truyền thống bên khung cửi dệt vải đã trở nên rất quen thuộc.

Bản Lác của người Thái

       . Trang phục:

          Trang phục của người Thái đa dạng và hết sức độc đáo. Bộ trang phục duyên dáng, gọn gàng bó sát người làm nổi lên những đường cong khoẻ khoắn tuyệt đẹp của những cô gái Thái; trang phục của nam giới thì giản dị, gần gũi với môi trường cảnh quan, không sặc sỡ và cầu kỳ…

          Đó là những bộ trang phục truyền thống được dệt nên từ chất liệu thổ cẩm của chính những người phụ nữ Thái ở huyện Mai Châu. Trang phục của dân tộc Thái Mai Châu có nhiều nét tương đồng, gần gũi với trang phục của dân tộc Mường là minh chứng cho sự đoàn kết, giao thoa văn hoá của 2 dân tộc.  Bộ trang phục thường ngày của nam giới Thái ở Mai Châu giản dị, gần gũi với môi trường cảnh quan và lối không đòi hỏi sặc sỡ và cầu kỳ. Áo của nam giới có áo ngắn và áo dài.  Áo ngắn là áo mặc thường ngày của nam giới Thái ở Mai Châu, may bằng cách ghép bốn thân, hai thân trước và hai thân sau, xẻ ngực, hai bên nẹp áo đính hàng cúc vải. Cổ áo đứng tròn, cao độ 2 cm, tay áo dài chấm cổ tay, may rộng vừa phải có thể xắn đến quá khuỷu tay Bên trong vai áo có đệm một miếng vải hình lá sen. áo bố trí ba túi, gồm hai túito sát gấu áo của hai vạt trước, một túi nhỏ ở bên ngực trái, đôi khi có hai túi ngực. áo xẻ tà ở hai bên sườn từ dưới lên độ 20 cm. Toàn thân áo màu chàm hoặc đen, may bằng vải thô tự dệt.  Áo dài là loại áo dài quá đầu gối, xẻ tà, có hai cách cài khuy, cách cổ xưa là buộc dây vải ở vai và bên sườn phải, áo xẻ ngực buộc dây vải đến ngang thắt lưng. áo được may bằng vải mộc hoặc lụa, sa tanh. 

Thiếu nữ Thái Mai Châu trong trang phục dân tộc truyền thống

          Quần của nam giới cóống đứng và rộng, dài đến gót chân, cạp quần rộng kiểu lá toạ. Quần may bằng vải bông nhuộm chàm hoặc nâu, khi mặc vắt mối quần về phía trước rồi dùng dây gai thắt lại cho chặt. Khăn chít đầu là tấm vải bằng sợi bông nhuộm chàm, dài khoảng 2m (3 vòng đầu) rộng khoảng 30cm. Khi chít khăn, gập giắt đầu khăn vào bên trong vàthả đuôi khăn xuống phía bên trái đầu dài độ 15 cm. Trước đây, nam giới Thái ở Mai Châu thường để tóc dài búi tóc sau gáy, cài trâm bạc hoặc xương thú, chân đi guốc mộc tự tạo, quai guốc làm bằng sợi gai vắt qua ngón chân. Hiện nay, nam giới Thái ở Mai Châu thích đội mũ hoặc để đầu trần hơn là chít khăn. Khi có việc phải đi xa hoặc đi dự lễ hội, nam giới thường thắt thêm dải khăn xanh hoặc đỏ vòng quanh thắt lưng cho áo gọn gàng, tua khăn buông xuống trước bụng. Ngày nay, nam, nữ thanh niên Thái ở Mai Châu còn lựa chọn nhiều loại vải công nghiệp với đủ loại màu sắc, chất liệu để may trang phục.

          Trang phục phụ nữ Thái có những hoa văn trang trí mang biểu tượng thiên nhiên đa dạng : chim muông, cây cỏ. mặt trời. Đai thắt lưng và khăn Piêu là những tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo.

          Áo của phụ nữ cũng có hai loại là áo ngắn và áo dài.Áo ngắn là chiếc áo mặc thườngngày của phụ nữ, chỉ cần 60 cm vải là may đủ áo. áo ngắn có cổ tròn viền nhỏ xẻ hai bên vai để chui đầu khi mặc áo. Tay áo may bó sát lấy cánh tay. Thân áo dài khoảng 20 - 30 cm. Khi mặc, áo bỏ vào phía trong cạp váy. áo thường có màu xanh, màu đỏ, màu trắng, màu tím, thường dùng cho các phụ nữ cao niên.Áo dài  được may dài quá đầu gối, xẻ ngực, không cài khuy, không xẻ tà, màu đen hoặc màu xanh chàm. áo dài thường được mặc ra bên ngoài cho ấm. Thường ngày, phụ nữ Thái ở Mai Châu thắt một dải khăn trắng ngang thắt lưng rộng khoảng 20 cm, đầu khăn buông xuống bên hông trái.

          Khăn chít đầu của phụ nữ Thái ở Mai Châu cũng giống như khăn chít đầu của phụ nữ Mường, có màu trắng. Khi chít khăn, gập đôi hoặc ba và chít quanh một vòng đầu. Một số thiếu nữ thường gấp khăn phía trước có hình quả núi.

Chiều sương

            Phụ nữ Thái rất thích dùng những đồ trang sức như: xà tích, vòng bạc đeo cổ và đeo cổ tay (giống như phụ nữ Mường nhưng thường đeo tới 2 – 3 vòng cả hai cổ tay), nhẫn bạc, khuyên tai bạc hoặc vàng. Người phụ nữ Thái ở Mai Châu thường búi tóc sau gáy, cài trâm bạc hoặc trâm bằng xương thú. Khi còn trẻ chưa lấy chồng, họ thả tóc sau lưng, buộc chỉ màu thay cặp tóc, khăn đội đầu màu trắng, để răng trắng. Khi lấy chồng có con, họ nhuộm răng đen. Đối với các cụ bà, chiếc áo xanh chàm luôn luôn mặc theo người, khi không mặc thì bỏ gọn trong giỏ đựng trầu cau đeo ở lưng. Dù nhà giàu hay nghèo, các cụ cũng chọn vừa ý mình một đôi khuyên tai bạc và một chiếc vòng bạc (trơn) đeo cổ tay coi như kỷ vật bất khả xâm phạm. Khi qua đời, những vật trang sức đó cũng được chôn theo người. Ngày nay, phụ nữ Thái ở Mai Châu đã có những thay đổi về trang phục, sơ mi nữ bằng vải dệt công nghiệp. Các đồ trang sức như bộ xà tích, vòng bạc… ít được dùng.

          Riêng khăn chít đầu vừa là vật trang điểm vừa là vật giữ sạch đầu tóc đã trở thà nh quy tắc sống hàng ngày của người Thái ở Mai Châu. Do vậy, khi ra khỏi nhà, chị em phụ nữ nhất thiết phải có khăn đội đầu, ai để đầu trần được coi là vi phạm quy tắc sống. Ngoài sức hấp dẫn của trang phục, khăn Piêu của phụ nữ Thái mang một nét riêng thật hấp dẫn, độc đáo: "Em xe sợi thành vóc hoa dâu. Em dệt cửi thành gấm vân chéo. Em dệt tơ thành đóa hoa vàng. Người các bản các phường muốn khóc. Đều ước ao được em thêu khăn" (Dân ca Thái). Nếu chỉ trừ một bộ phận phụ nữ tộc Thái trắng đội nón tát thì đa số phụ nữ Thái đều đội khăn vải. Khăn vải dùng để đội trên đầu người Thái gọi là Piêu. Piêu có nhiều loại khác nhau, có loại được thêu hoa văn bằng chỉ màu sặc sỡ, có loại chỉ là một tấm vải bông nhuộm chàm, tùy từng vùng, từng địa phương mà Piêu có những sắc thái riêng của nó. Piêu có tác dụng che đầu khi nắng gió, làm ấm đầu khi mùa đông giá lạnh... Piêu còn là vật trang sức quan trọng của các cô gái Thái trong sinh hoạt hằng ngày, nhất là trong lúc đi chơi hay dự lễ hội... Đồng bào Thái làm Piêu từ loại vải bông tự dệt. Trước khi thêu, miếng vải được chọn làm khăn đội đều phải nhuộm chàm. Chàm là màu nền để trên đó người phụ nữ Thái thêu lên các họa tiết, hoa văn bằng các loại chỉ màu (xanh, đỏ, tím, vàng, da cam....) ở hai đầu khăn. Để có một chiếc Piêu hoàn chỉnh, người phụ nữ Thái phải mất thời gian từ hai đến bốn tuần. Piêu Thái không phải trang trí ở toàn bộ diện tích của nó mà được tập trung đồ án trang trí ở hai đầu. Trước khi thêu các đồ án trang trí ở hai đầu khăn, phụ nữ Thái ghép mảnh vải đỏ làm viền. Các viền đỏ bọc cho sợi ở các đầu khăn khỏi bị xổ ra, vừa như là giới hạn diện tích trang trí ở đầu khăn. Đường viền vải đỏ bọc ở ba mép đầu khăn rộng trên dưới 1 cm. Phụ nữ Thái dùng lối khâu luồn rất khéo léo để hạn chế tới mức tối đa đường chỉ lộ ra ngoài để cho đường viền màu đỏ và nền chàm của khăn liền làm một. Trước khi thêu, chị em làm những chiếc cút để đính vào Piêu, có thể làm nhiều cút Piêu một lúc rồi dùng dần. Cút Piêu được làm từ một mảnh vải đỏ rộng khoảng 1 cm, bên trong bọc lõi chỉ rồi cuộn tròn lại. Cuộn vải tròn được khâu vắt thành một hình tròn rồi quấn dây vải lại theo hình trôn ốc, sau đó được quấn thêm các loại chỉ màu thành các múi trong hình tròn. Đối với các cút Piêu đòi hỏi phải tỷ mỷ, cầu kỳ, chỉ có những người thành thạo mới biết làm. Các cút sau khi làm xong được ghép lại rất khéo léo vào đầu Piêu. Các loại chỉ màu được sử dụng như vậy vừa mang chức năng kỹ thuật, vừa mang giá trị thẩm mỹ. Nhìn vào chiếc cút được dính vào đầu Piêu, ta rất khó đoán nhận ra được mạch chỉ khâu ghép các đường trang trí với nhau. Các loại đường khâu đều do phụ nữ Thái tự sáng tạo, có nhiều kiểu: móc xích, chân rết, xương cá... Các cút Piêu trước hết được đặt trên ba đoạn thẳng của mỗi đầu khăn. Còn chính bốn góc của khăn, chị em dùng dây làm cút còn dư tết thành hình bông hoa cách điệu. Cút Piêu thường được sắp xếp thành từng chùm lẻ (3, 5, 7 cái) trên các vị trí cách đều nhau ở hai đầu khăn, bởi vậy cút ở trên Piêu bao giờ cũng là cút chùm. Cũng như nhiều vật dụng khác (cúc áo, chắn song cửa sổ, bậc thang nhà sàn...), cút Piêu được thiết kế theo quan niệm số lẻ. Bình thường phụ nữ Thái thường đội Piêu có cút chùm ba, nhưng khi tặng Piêu cho người bậc trên, người mình quý trọng, kính yêu thì tặng loại Piêu có cút chùm năm trở lên.... Sau khi bọc viền và ghép cút Piêu xong, phụ nữ Thái bắt đầu công việc thêu Piêu. Khi thêu những đồ án hoa văn đa dạng lên hai đầu khăn, họ nhìn theo mẫu, song không rập khuôn một cách máy móc. Trong quá trình thêu, họ có thể sáng tạo theo ý muốn chủ quan của mình. Nét đặc biệt là phụ nữ Thái không thêu Piêu ở mặt phải (như lối thêu thông thường) mà lại thêu từ mặt trái, các hoa văn với đồ án và màu sắc phức tạp lại hiện lên ở mặt phải, đó là lối thêu truyền thống với trí tưởng tượng của kỹ thuật và mỹ thuật dân gian tài tình. Piêu được tạo theo lối luồn chỉ hay đan chỉ màu vào vải, nhưng cái khó là phải tính toán theo một nguyên tắc nhất định để luồn chỉ vào mặt trái và hoa văn lại hiện lên chính xác ở mặt phải. Hoa văn Piêu không đơn giản, điểm xuyết mà là một hệ thống đồ án có bố cục nội dung phức tạp, đòi hỏi người phụ nữ Thái phải nắm chắc nguyên tắc kỹ thuật, phải thuộc đồ án hoa văn với hai mặt phải, trái của nó. Con gái Thái từ 6,7 tuổi phải làm quen với bông, sợi, dệt vải; mười hai, mười ba tuổi bắt đầu làm quen với công việc thêu thùa. Thành viên nữ của cộng đồng Thái phải biết nhìn vào mẫu Piêu, biết nhận ra bố cục của đồ án hoa văn... Học thêu Piêu với các cô gái Thái là một quá trình nhận thức và rèn luyện đôi bàn tay khéo léo của mình để chuẩn bị bước vào đời. Lúc đầu các cô gái chỉ thêu được những đường thẳng hoặc những mô-típ hoa văn đơn giản, dần dần tiến tới biết xử lý đồ án, bố cục, biết xử lý màu sắc ở nhiều mô-típ hoa văn trong những bố cục phức tạp. Việc học dệt vải và học thêu khăn Piêu là bài học phổ thông, tất yếu của mọi thành viên nữ trong nếp sống của cộng đồng dân tộc Thái, bởi vậy Piêu còn là một tiêu chuẩn xã hội để đánh giá một phụ nữ. Qua chiếc Piêu có thể biết được chủ nhân của nó là người tài hoa, siêng năng, chịu khó hay là người lời nhác, vụng dại. Khăn Piêu của phụ nữ Thái không chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà còn mang tính xã hội, cùng với váy, áo, nón đội, thắt lưng, Piêu góp phần tạo nên một nét đẹp, một sắc thái riêng, hấp dẫn về trang phục truyền thống của dân tộc Thái. 

. Quan điểm về thế giới

          Vũ trụ quan của người Thái gồm ba thế giới, một thế giới ở trên trời cao và hai thế giới cùng tồn tại ở mặt đất, một bên là thế giới của những người sống và một bên là thế giới của ma. Thế giới trên trời có Then Luông là đấng tối cao nhất cai quản trời đất, loài người và vạn vật, Then Luông được các quần thần giúp việc. Dưới trần gian, bất cứ ở nơi nào cũng có các ma (phi) cai quản. Muốn lập bản, khai phá ruộng, phát nương, đánh cá, săn thú đều phải xin phép các ma ruộng, ma nương, ma rừng, ma suối… Những vị thần trên trời, các ma dưới trần kể trên cùng với ma nhà (phi hươn), ma họ (phi đẳm), những ông, bà, cụ kỵ đã khuất (pú pầu) là những lực lượng phù hộ, bảo vệ người.

          Người Thái quan niệm, trên thân thể con người, những hồn (khuân) ở đầu người tập trung thành một ma (phi) và lên trời. Trời là thế giới bên trên - nơi ngự trị của Then. Các hồn ở tứ chi tập trung thành ma nhà (phi hươn) và nương tựa nơi bàn thờ người chết trong nhà. Ma nhà cũng tồn tại với người sống, trong thế giới của người sống. Các hồn ở thân cây cũng họp lại thành một ma để về Mường Pú Pẩu ở trong rừng, nơi chôn người chết, Mường Pú Pẩu ứng với Mường Ma.

          . Thờ cúng:

          Người Thái cũng thờ tông tộc, dòng họ và có nơi thờ riêng, có thể là một cánh rừng cấm, một hòn đá hay một gốc cây. Các họ hàng cùng thờ chung và liên kết với nhau qua việc thờ chung con ma của dòng họ, còn gia đình quần tụ nhau qua việc thờ chung ma nhà. Người Thái cũng có các ông mo làm thầy cúng và vai trò của những người này khá quan trọng. Mo vừa là thầy cúng vừa là thầy chữa bệnh như kiểu mỡi của người Mường.

          Người Thái cũng tin nhiều vào các sức mạnh của ma, quỷ, thần… theo quan niệm vạn vật hữu linh truyền lại từ xa xưa. Tuy nhiên, do sự phát triển của xã hội, những hiện tượng này đã giảm bớt rất nhiều. Cũng như vậy, việc bùa, yểm, chài, điềm lành, điềm dữ… vẫn còn là nỗi lo lắng trong tâm thức dân gian.

         Nghề dệt thổ cẩm:

          Dệt thổ cẩm của người Thái đã trở thành nét đặc biệt của văn hoá Thái ở Hoà Bình. Từ nhỏ (khoảng 5 – 6 tuổi) các em gái dân tộc Thái đã được mẹ dạy cho cách dệt thổ cẩm kèm với công việc chăm lo quán xuyến gia đình. Bởi vậy, đến khi lập gia đình, các cô gái Thái đã thành thạo nghề canh cửi và có một kiến thức nhất định về các loại sản phẩm thổ cẩm truyền thống, giúp cho họ dệt nên những vật dụng thiết yếu cho mình và gia đình khi tạo dựng cuộc sống mới. Đó là vật hồi môn không gì thay thế được của các cô gái Thái khi về nhà chồng.

Thiếu nữ Thái dệt thổ cẩm

          Nói đến nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Thái phải kể đến sự tích quả trứng rồng. Tích xưa kể lại rằng ở bản Chiềng Châu có một cặp vợ chồng sống nhân từ tích đức nhưng mãi chẳng có con. Trong một lần, hai vợ chồng đi xúc cá ở hồ Mỏ Luông thấy xúc được một quả trứng. Hai vợ chồng nâng niu mang quả trứng về ấp thấy nở ra một con rồng con. Hai vợ chồng vô cùng mừng rỡ, chăm chút cho rồng con lớn từng ngày. Lớn thêm một chút, rồng con theo cha lên rừng phát nương, làm rẫy. Đã nhiều lần cha nhắc rồng con nằm ngoan một chỗ xem cha làm việc nhưng rồng con không nghe. Trong một lần sơ ý, nhát dao phát nương của cha đã chém cụt mất đuôi rồng con. Thương xót rồng con và cũng là nhắc nhở những đứa trẻ không chịu nghe lời cha mẹ, từ đó trở đi, trên tấm vải thổ cẩm truyền thống mẹ thêu thêm hình ảnh con rồng cụt đuôi. Cứ thế theo thời gian, hoạ tiết con rồng cụt đuôi đã làm nên nét truyền thống, độc đáo và riêng biệt trong các sản phẩm dệt thổ cẩm của người dân Chiềng Châu. Ngoài hoạ tiết con rồng, hoa văn phổ biến trong sản phẩm thổ cẩm của người Thái Chiềng Châu là hình ảnh con voi, con chim, con cua, hoa, lá. 

Nối sợi

          Sản phẩm dệt thổ cẩm của người Thái ở Mai Châu đều được se sợi từ bông tự nhiên. Sợi sẽ được nhuộm màu bằng màu tự nhiên. Cách nhuộm vải truyền thống chính là yếu tố làm nên hồn cốt của thổ cẩm người Thái. Cỏ ngọt sẽ cho ra màu xanh nhạt; hoa hoè cho màu đỏ hoặc cánh kiến, hồng nhạt; lõi cây mít cho ra màu vàng; hoa hiên thành màu đỏ; coóng cằm sẽ cho màu tím. Ngoài ra còn có thể sử dụng cây phang, vỏ cây vải.Tất cả các nguyên liệu này được đun lên lấy nước, tuỳ theo khối lượng, pha màu sẽ tạo thành màu như ý. Sợi sau khi nhuộm xong sẽ được phơi khô bằng ánh nắng tự nhiên trước khi đưa vào dệt. 

Một góc yên bình trong ngôi nhà sàn ở xóm Chiềng Châu (Mai Châu).

          Đã là con gái Thái, ai cũng muốn mình dệt thật khéo, thật đẹp. Từ việc tự dệt váy áo cho bản thân cho đến dệt chăn, gối, túi làm quà biếu mang về nhà chồng. 

Sản phẩm thổ cẩm của Chiềng Châu được giới thiệu

tới du khách trong nước và quốc tế.

          Theo thời gian, sản phẩm dệt thổ cẩm đã trở thành biểu tượng văn hoá sống động của người Thái Mai Châu. Song đồng thời nghề dệt thổ cẩm còn thể hiện sự phân công trong lao động của người dân dân tộc Thái. Người Thái qua bao đời đã đúc kết qua câu tục ngữ “Nhinh dệt phại, chai xan he” có nghĩa tiếng Việt là “Gái dệt vải, trai đan chài”. Hơn nữa, nó không chỉ là sự phân công lao động giản đơn giữa nữ giới và nam giới mà nó đã trở thành tiêu chuẩn đánh giá vai trò nam, nữ của dân tộc Thái từ xưa đến nay. Một thực tế cho thấy, nghề dệt thổ cẩm vẫn đang và sẽ gắn bó suốt đời với đời sống của người phụ nữ Thái. Sản phẩm từ dệt thổ cẩm đã trở thành một kho tàng của cải đáng giá của các gia đình dân tộc Thái. Mỗi khi chúng ta bước lên nhà người Thái, các bộ chăn, đệm... với những đồ án, hoa văn trang trí tinh xảo đẹp mắt xếp ngăn nắp thể hiện sự sung túc, nếp sống văn minh, lịch sự của mỗi gia đình nói riêng và dân tộc Thái nói chung. Điều đặc biệt hơn nữa, trong số các bộ chăn, gối, đệm đó bao giờ chủ nhà cũng dành một bộ mới, đẹp nhất để tiếp khách. Điều đó thể hiện sự hiếu khách và đã trở thành truyền thống của người Thái vùng Tây Bắc. 

Còn nữa

Liên kết web :
Đang online : 2
Hôm nay : 407
Tháng hiện tại : 11689
Tổng lượt truy cập : 1392329