VĂN HÓA HÒA BÌNH PHẦN 16 VĂN HÓA DÂN TỘC MÔNG

       . Nơi cư trú:

           So với dân tộc khác ở tỉnh Hoà Bình, người Mông chiếm số lượng ít và thường cư trú ở địa hình núi cao hiểm trở, vách đá cheo leo hay quanh thung lũng vực hẻm, nơi có độ ẩm cao, quanh năm mây mưa và sương mù bao phủ. NgườiMôngsống tập trung ở xã Hang Kiavà Pà Còcủa huyện Mai Châu. Trước đây, người Mông thường sống du canh, du cư. Từ những năm 70-80 đến nay đã định canh, định cư ổn định và cùng phát triển chung với các dân tộc anh em khác.

          Sống rải rác trên các triển núi cao giữa thiên nhiên, đời sống vật chất còn nhiều khó khăn nhưng đồng bào Mông có một đời sống tinh thần, tâm linh phong phú, đa dạng. Lịch sử dân tộc và điều kiện sống đã sản sinh ra nền văn hoá truyền thống Mông mang đậm dấu ấn miền núi cao vừa khắc nghiệt vừa trữ tình. 

Lên nương giúp mẹ

         Trang phục:

         Người dân ở đây vẫn trồng đay, xe sợi, dệt vải, nhuộm và cắt may để làm ra bộ trang phục truyền thống đặc sắc. Trang phục của người H’Mông có kết cấu hoa văn khác lạ. Sự tài tình của người Mông chính là họ có thể làm ra những bộ trang phục của dân tộc mình bằng chính nguyên liệu thiên nhiên là cây lanh. Trồng cây lanh dệt vải để làm ra trang phục là công việc hết sức vất vả và cầu kỳ, nó đòi hỏi sự khéo léo và kiên trì của những phụ nữ Mông. Người Mông rất ưa chuộng vải lanh bởi nó có độ bền cao. Bó lanh cắt về được phơi nắng khoảng 1 tuần rồi tước sợi. Sau đó đưa vào cối giã mềm rồi nối lại. Lanh cuốn thành từng cuộn tròn và mang đi giặt, luộc cho tới khi sợi lanh mềm và trắng thì mang phơi rồi dùng guồng chia sợi trước khi mắc vào khung cửi để dệt nên những tấm vải thật đẹp. Phụ nữ Mông rất chịu khó, bất cứ ở đâu, trong những phiên chợ đông đúc hay khi đi trên đường, lúc nào người phụ nữ Mông cũng luôn tay se lanh, nối lanh. Đây là công việc không những để thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ mà còn là tiêu chí đánh  giá tài năng, đạo đức, phẩm chất và cách làm ăn của phụ nữ Mông. Không những thế, người phụ nữ khi đã làm mẹ còn có nghĩa vụ dạy bảo con gái trồng lanh và làm thổ cẩm. Trẻ em người Mông được hướng dẫn làm công việc này từ khi còn rất nhỏ.

Phụ nữ Mông thêu váy

          Với người Mông hoa, sau khi đã dệt thành vải thì họ sẽ vẽ sáp ong lên vải trắng những đường hoa văn hình học theo ý muốn sau đó mới đem nhuộm chàm. Người phụ nữ kết hợp cả ba kỹ thuật là thêu, vẽ sáp ong và chắp vải để tạo nên những họa tiết trên nền y phục. Họ thêu hoa văn không cần mẫu, chỉ dùng để thêu thường là sợi tơ tằm có độ bền cao và giữ được màu. Và những bộ trang phục đậm sắc màu thổ cẩm được hình thành theo năm tháng nhọc nhằn của người phụ nữ Mông. Trang phục truyền thống của phụ nữ Mông gồm áo xẻ ngực, váy, tấm vải che phía trước váy, thắt lưng và xà cạp. 

Cô gái Mông thêu khăn

          Áo của người phụ nữ (tiếng Mông là so) có cổ phía trước hình chữ V, được nẹp thêm vải màu tuỳ thích; phía sau là một bức thêu hình chữ nhật được trang trí hoa văn rất hài hòa, trang nhã và gắn đồng bạc, tạo âm thanh vui nhộn cho bộ trang phục. Hai ống tay áo thường được thêu hoa văn là những đường vằn ngang với đủ màu sắc từ nách đến cửa tay. Đây là nơi hoa văn tập trung nhiều nhất làm nổi bật chiếc áo của người Mông.

          Váy phụ nữ Mông (gọi là Ta) là loại váy mở, có nhiều nếp gấp, rộng, khi xòe ra mềm mại như cánh hoa. Phần cạp váy được khâu xếp lại cho vừa một vòng bụng và có hai dây để buộc. Trên nền váy chàm, hoa văn được thêu, in và ghép từng tấm thật ấn tượng và độc đáo. Phần thêu hoa văn được thực hiện ở nửa dưới của váy.

          Hoa văn (tiếng Mông gọi là pàng tau) trong trang phục của người Mông hoa chủ yếu là hoa văn hình học như hình chữ nhật, hình vuông, hình thoi, hình xoáy ốc và thỉnh thoảng có những mô típ hoa văn chưa xác định được như thế này. Những mô típ hoa văn được hình thành trên cơ sở sợi ngang của kỹ thuật dệt trên khung cửi và sau này được lặp lại trong kỹ thuật thêu. Màu sắc chủ đạo được thêu trên váy là màu xanh, đỏ, đen, vàng.

          Nói đến trang phục của phụ nữ Mông không thể thiếu được “lăng” là chiếc thắt lưng. Trong bộ trang phục của phụ nữ Mông còn có “xế” (tấm vải che trước váy) và “khử lau” (xà cạp quấn chân). Đồng bào Mông quan niệm, đeo “xế” và quấn xà cạp là thể hiện sự ý tứ và kín đáo của người phụ nữ. Phụ nữ Mông thường để tóc dài và quấn vòng quanh đầu rồi đội khăn, tạo nên một sắc thái độc đáo riêng khó nhầm lẫn với các dân tộc khác.

Trang phục Nam giới Mông

          Không rực rỡ sắc màu, không nổi bật như trang phục phụ nữ, trang phục của con trai người Mông rất độc đáo và riêng có, không bị lẫn lộn với bất cứ dân tộc nào trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Con trai dân tộc Mông mặc quần màu đen, ống rất rộng để có thể leo đồi, núi và múa khèn dễ dàng. Trong trang phục của nam giới người Mông còn có chiếc thắt lưng (còn gọi là lăng dua la) với nhiều ý nghĩa khác nhau.

          Trang phục của cả nam và nữ dân tộc Mông đều là do đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ dân tộc Mông làm ra. Với sự cần cù và trí tưởng tượng phong phú, người phụ nữ Mông đã trở thành người nghệ sĩ tạo nên những tác phẩm nghệ thuật làm say đắm lòng người. 

Liên kết web :
Đang online : 7
Hôm nay : 107
Tháng hiện tại : 2324
Tổng lượt truy cập : 1552784