VĂN HÓA HÒA BÌNH PHẦN 15 VĂN HÓA DÂN TỘC THÁI

           Lễ hội truyền thống:

          Lễ hội xưa của người Thái Mai Châu có nhiều như Cầu mùa, Cầu mưa, Nhóm lửa về nhà mới, Mừng cơm mới, Lễ bỏ vía...Có một lễ hội đặc biệt gắn với bản thân người thầy mo là lễ hội Chá Chiêng. Theo các bậc cao niên ở các bản làng đồng bào thì lễ hội Chá Chiêng có từ xa xưa. Thủa đó, “mặt đất còn như lá đa, bầu trời như nắp con ốc, rừng núi như dấu chân con gà”, Chá Chiêng đã được các thầy mo tổ chức. Lễ hội Chá Chiêng( còn gọi là lễ Xăng Khan) là ngày hội có quy mô và ý nghĩa cộng đồng lớn nhất của đồng bào Thái. Mục đích và ý nghĩa của lễ hội là ngày tạ ơn các ông mo đối với tổ tiên và những người thầy đã dạy cách bốc thuốc chữa bệnh cứu vớt chúng sinh.Cứ 3 hoặc 5 năm một lần vào khoảng tháng 11 Âm lịch, khi bắp ngô trên nương đã gùi hết về nhà, lúa ngoài đồng đã gánh hết về bản, hoặc tháng 2, tháng 3 Âm lịch của năm sau là tháng tốt, tháng lành, ở nhiều bản Thái mở hội Xăng Khan để chào mừng xuân mới và mong sức khỏe. Thời gian mở hội từ 2 đến 3 ngày.

          Thầy mo của người Thái (còn gọi là Mùn, Mường), trước hết là người có hiểu biết về nhiều mặt, nhất là phong tục của tộc người mình. Thầy mo vừa là thầy, vừa là người cùng cai quản bản mường cùng quan chức hành chính. Ông được tôn xưng là con trời, người có khả năng giao tiếp với thần linh. Thầy mo được ma (Phi) nhập vào thì gọi là Mùn Luông. Phi Mùn như cái bóng, như sức mạnh trấn quỷ trừ ma của thầy mo. Vì có kiến thức nhiều mặt, với cả y thuật lẫn quỷ thuật, trong quá trình hành nghề, thầy mo đã chữa được nhiều bệnh cho nhiều người. Những người bệnh nặng được thầy chữa khỏi tự nguyện trở thành con nuôi của thầy mo, gọi là Lục mày hay Lục liểng, Lục nà. Cứ ba năm, Mùn Luông tổ chức lễ tạ ơn thần linh, mời quan quân ở "mường Trời" xuống "Mường trần" ăn cỗ, gọi là lễ hội Chá Chiêng. Lễ hội này thường được tổ chức vào mùa xuân khi cây mạ đã xanh và hoa ban đã nở đẹp núi rừng. Trong lời mo mời có câu:

          "Xuống ăn chiêng hoa mạ

          Xuống ăn chá cỗ tết hoa ban..."

          Vì mỗi ông mo được học mỗi thầy khác nhau; mỗi bản, mỗi vùng có điều kiện kinh tế, sinh hoạt khác nhau nên cách thức tổ chức lễ hội Xăng khan ở mỗi nơi cũng có sự khác nhau. Tuy nhiên, phần cơ bản trong lễ hội Xăng khan đều được các thầy mo thống nhất theo trình tự như sau:

          Vào dịp đầu xuân mới, thầy mo chủ (mo môn) khơi vò rượu cần xin phép tổ tiên chọn ngày lành, tháng đẹp để tổ chức lễ hội Xăng khan. Sau khi chọn được ngày, mo chủ nhờ người nhà mang trầu, cau, rượu sang mời các mo bạn tới dự lễ. Số lượng mo bạn được mời giới hạn từ 8 đến 24 người (gồm cả mo ông và mo bà). Nếu mo bạn nhận lời thì gửi làm tin cho mo chủ một cái quạt và một chiếc khăn. Ngoài mời mo bạn, mo chủ còn mời một nhóm nam, nữ thanh niên khoẻ mạnh, có phẩm chất đạo đức tốt đến giúp mo chuẩn bị đồ lễ cúng tế. Trước thời điểm mở hội 3 ngày, nhóm nam nữ thanh niên tập trung về nhà mo chủ. Ai đến trước sẽ được chọn làm người phụ trách: được theo mo chủ đi tìm cây làm hoa và được têm trầu, mời rượu các thầy mo bạn.

          Cỗ bàn của lễ hội này gồm hàng vài ba chục mâm do chủ tế là thầy mo cùng các con nuôi là Lục mày đóng góp, bàn soạn. Nhà sàn của thầy mo vào dịp ấy được trang trí sặc sỡ bằng những tấm thổ cẩm đẹp nhất. Ở giữa nhà cắm một cây hoa gọi là cây hoa chá. Trụ cây hoa là một cột tre cao. Ở trên cùng là bông hoa bua giùa. Ðây là bông hoa suốt đời không héo (Boóc bua giùa báu hủ sụt chua) tượng trưng cho sự linh thiêng và sức mạnh vĩnh hằng của Mùn Luông. Ở phía dưới có những lỗ để các con nuôi mỗi người cắm một cành hoa do mình mang đến được chế tác rất khéo léo, công phu từ trước làm bằng gỗ một thân cây mềm gọi là phá phước. Ngoài tầng trời (then chỏm), ở tầng trần gian người ta bày những con vật và đồ vật (tượng trưng như cái cày cái bừa, con dao, khung cửi, trâu bò, ếch nhái, v.v...). Cả hoa lá, núi rừng, cả đời sống sinh hoạt của người Thái, thiên nhiên bên trong và bên ngoài của người Thái cùng hòa hợp, tạo nên không khí vui tươi của lễ hội, làm cho con người gắn bó với nhau hơn bằng tình cảm, con người càng yêu thêm thiên nhiên, làng bản và những sản vật do mình làm ra. Cây hoa to (xăng tan) được làm từ cây nứa già, cao chừng 3 mét. Trên cây nứa có chạm trổ nhiều hình chim, hoa và được khoan nhiều lỗ để cắm tượng trưng các loại hoa quả, muông thú. Hoa quả, muông thú được làm từ bấc cây tang, cây sắn hoặc ruột bầu phơi khô hay các hình vẽ trên giấy được nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng...Riêng loại hoa làm từ bấc cây tang thì được cắt thành từng mẩu dài chừng 2 – 3 cm, xâu vào sợi lạt nhỏ (đã được chẻ làm 2 -3 nhánh). Ở phần ngọn các nhánh hoa, người ta gắn vào một bông hoa (được cắt từ cành dâu) để giữ các bông hoa phía trong không bị tuột khỏi cành, đồng thời để tạo ra một loại hoa khác gọi là tang chò. Một loại hoa khác được xâu vào sợi vải dài rủ từ ngọn cây xăng tan xuống đất gọi là xái mường (tượng trưng cho con đường thánh thần đi từ Mường Trời xuống trần gian dự lễ hội). Ngoài cây xăng tan, người ta còn dựng hai cây mía để nguyên lá và một cây xăng boọc (cây hoa thật) được cắm vào nhiều loại hoa rừng.

          Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các vật phẩm, dân làng, họ hàng gần xa tập trung đến nhà mo chủ dự lễ. Vào khoảng 3 - 4 giờ sáng, sau lệnh của mo chủ, mọi người xúm lại dựng cây xăng tan lên chính gian giữa, sau đó dùng sợi vải buộc vào chum rượu. Dưới sự điều hành của mo chủ, mỗi mo bạn mở một vò rượu nhỏ để cúng thông báo cho ông, bà tổ tiên biết buổi hành lễ này chỉ là đi giúp, không phải việc tư. Mo chủ tay cầm quạt cúng, đầu đội khăn trắng, ngồi trên ngựa (bằng gối đệm) hành lễ. Bên cạnh mo chủ là hai chàng trai ngồi chúc rượu và hai người phụ trách trong trang phục váy áo truyền thống, đội hoa tang chò để thõng xuống như hai bím tóc của thiếu nữ. Sau khi mo chủ cúng báo cáo với tổ tiên lý do tổ chức lễ hội xong, các mo bạn bắt đầu hành lễ. Buổi hành lễ có 54 muột, mỗi muột là một trò diễn do mo chủ hoặc các mo bạn thể hiện gồm các tiết mục: quét nhà, chống nhà, chặt củi, làm rẫy, múa kiếm, ngồi vào kiềng sắt nóng đỏ, hút thuốc bằng bột ớt giã nhỏ.....Sau đó, Mùn Luông hát mo Láng bản, Láng mường (rửa bản, rửa mường) nhằm xua đuổi ma quỷ, cầu may cho nguồn nước trong lành, con người và các vật béo tốt, sạch sẽ, hoa lá xinh tươi. Ứng với bài mo này, có lễ vật một con chó, một con lợn cúng ở bìa rừng... Trong mỗi lễ, mỗi muột đều xuất hiện một nhân vật là thần linh từ Mường Trời xuống. Để chuyển muột, người ta gõ nhẹ 3 hồi 9 tiếng cồng theo lệnh của mo chủ và môn (người phụ trách công việc). Xen kẽ giữa các muột, người ta tổ chức đánh cồng, múa giã chày, múa tăng bula, hát điệu nhuôn, lăm, khắp, xuối...Mo chủ thể hiện điệu múa Chá Chiêng cùng các thiếu nữ. Khi múa, mo đi trước, các cô gái (xoã tóc, đội vòng kê - biểu tượng trinh nữ) đi theo sau che ô và thực hiện động tác giống mo: khi nghiêng mình, khi quay trái, quay phải. Một số thiếu nữ khác đeo lục lạc trên đôi bàn tay múa lượn vòng quanh cây hoa.

          Các bài cúng của thầy mo trong lễ hội Chá Chiêng là những trường ca, sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích bằng văn vần kể về thủa khai bản lập mường, về những người anh hùng dân tộc Thái, về cuộc sống của thần linh, ông bà, tổ tiên trên Mường Trời. Chá Chiêng là ngày vui của họ hàng của bản mường, là dịp của gái trai gặp gỡ, là ngày để dân bản trả ơn thầy mo đã chữa khỏi bệnh cho mình. Không phải chỉ những người trong bản mà cả du khách thập phương, già có, trẻ có kéo về dự hội. Sau lễ cúng, dân làng múa hát xung quanh cây hoa, càng về khuya không khí hội càng nhộn nhịp với những trò diễn độc đáo hài ước đầy ắp tiếng cười, nhộn nhịp hơn là múa tập thể. Tất cả những người đến dự hội từ già đến trẻ đều vào cuộc múa, múa hết mình hoà lẫn trong âm vang nhộn nhịp của tiếng chiêng, trống, tiếng khua luống, tiếp dập của ống nửa (tẳng bù), tượng trưng cho sấm, mưa cho sự phồn thực với mong ước của một mùa màng tươi tốt. Hái hoa (Kếp boóc) là phần cuối của lễ hội Chá Chiêng, chủ nhà là người trực tiếp hái hoa đem tặng cho mọi người, mỗi bông hoa là một phần thưởng tượng trưng cho bổng lộc và sự may mắn trong cuộc sống. Ngày thứ hai là ngày lễ quyện vào hội, có ăn uống múa hát và diễn xướng nhiều tích trò như ma tốt, ma khỏe của mường đuổi ma xấu, ma ác. Kết thúc lễ hội là bài mo Tiễn quan quân mường Then về trời. Nhưng trước đó, Mùn Luông diễn xướng phần Kếp boóc (nhặt hoa). Ông thầy mo tay cầm quạt, đi quanh cây chá, cầm từng cành hoa của từng đứa con nuôi hát đoán về số phận tương lai của họ, nhắc nhở về cách cư xử, khuyên răn đạo đức, ca ngợi cuộc sống yêu thương, tình nghĩa. Nhiều trò chơi cùng lúc hoà nhịp với lời mo: múa kiếm, múa khăn dập bóng bu… Các con nuôi hoà vào cuộc múa của thầy mùn đóng vai các ma (phi), các loại người như người mù, người què, mẹ Mường (mẹ trời sinh ra con người), kẻ trộm cắp, kẻ tham ăn, nàng Sen Bèn (thần ái tình), trai Lào, khách buôn, người bán v.v… diễn tả các động tác lao động như cưỡi voi, phi ngựa, dắt trâu, dệt vải, hái nấm, xúc cá, đắp bai, làm mương, cày, bừa, cấy, gặt v.v… Sau những phần diễn trên là phần hát nhặt hoa. Hát nhặt hoa là hát đoán số mệnh các con nuôi, do ông mùn hát. Hát mo tiễn Mường Then về trời được coi là phần kết thúc lễ hội. Ông mùn luông cầm con gà trống mào đỏ rực vừa đi vòng quanh cây hoa vừa hát. Hát dứt một chặng mo, mùn luông lại cất lên một tiếng gà gáy “càng lế ốc” báo hiệu đường lên trời bước sang ngày mới. Cuối cùng, ông mùn luông hát lời mo gọi vía cho tất cả mọi người dự hội. Quan niệm cho rằng, khi dự lễ chá, người có vía “non” thường “rơi vía”, sinh ra ốm đau nên ông mùn phải gọi vía trở lại với mọi người, mong mọi người luôn khoẻ.Có thể coi đây là những bài học, những buổi lên lớp thấm thía đối với tất cả mọi người ở thời kỳ không có trường học chính quy. Bằng lời hát chia tay thắm thiết hẹn kỳ hội sau gặp lại, và lúc này trời cũng vừa sáng, mọi người trở về tiếp tục với công việc hàng ngày của mình.

          Với lễ hội Chá Chiêng, điều đầu tiên là tình cảm, ân nghĩa, tình cảm uống nước nhớ nguồn được bồi đắp. Nhân dân lao động được tự do bày tỏ khả năng sáng tạo trong sản xuất và hoạt động nghệ thuật; trai gái được bày tỏ tự do yêu đương, cả bản cùng hưởng thụ thành quả lao động, thành quả văn hóa, được đắm say trong những bài mo suốt ngày đêm kể về trời đất, kể về sinh hoạt cộng đồng và các sự tích... Hẳn nhiên, lễ hội Chá Chiêng cũng có yếu tố mê tín, bắt buộc cống nộp đôi khi nặng nề. Bằng mắt nhìn cực đoan, thổi phồng cái tiêu cực hoặc không thấy được ý nghĩa văn hóa sâu sắc trong lễ hội này cũng như nhiều lễ hội truyền thống khác mà các lễ hội dần mai một vì thời gian, cả vì những mệnh lệnh hành chính. Phần lễ bị tước bỏ, cấm đoán nhiều lại chính là phần mang đậm bản sắc truyền thống và các tác phẩm văn học dân gian có giá trị. Lễ hội luôn để lại dư âm tốt đẹp trong tâm thức của các thế hệ, niềm luyến tiếc về một cuộc sống tươi vui rực rỡ xa xưa. Lễ hội mất đi thì dễ nhưng khôi phục thì khó, nếu không nói là hầu như không khôi phục được. Lễ hội Xăng Khan là một lễ hội tín ngưỡng dân gian độc đáo của người Thái, góp phần thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nhất là văn hóa tâm linh của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và người Thái nói riêng.

Vào tháng ba, tháng tư hằng năm, hễ trời đại hạn là người Thái ở Mai Châu (Hòa Bình) lại tổ chức ngày hội cầu mưa. Hội tổ chức theo từng bản vào những đêm trăng có quầng đỏ quầng vàng - điềm báo trời đại hạn kéo dài. Tham gia tổ chức hội đông nhất là nam nữ thanh niên. Còn lớp người trung niên và già cả thì ở nhà để sẵn sàng đón tiếp đoàn hát cầu mưa. Đoàn hát thường đông tới năm sáu chục người. Ai cũng tự sắm sửa đủ mũ, nón đội đầu và áo mưa (áo tơi lá cọ). Mọi người tự giác xếp hàng hai ở một bãi rộng trong làng. Dẫn đầu đoàn hát có một người lĩnh xướng, người thứ hai cầm một cái sàng gạo. Họ chọn nhà nào có bà già cao tuổi nhất bản đến đầu tiên. Khi tới sân nhà cụ bà, đoàn người dừng lại, đội ngũ chỉnh tề. Người lĩnh xướng gọi vọng lên trên nhà mời cụ bà ra cầu thang làm lễ cầu mưa. Dứt lời mời, cả đoàn người hưởng ứng bằng lời hát cầu mưa:

I

           Ủ ùm, ới... Ỉ lang!
          Trời tức mình làm nắng không mưa
          Nay xin nước mưa xuống cày ruộng mạ
          Xin nước trời xuống cấy ruộng mùa
          Lúa ở nương chết héo
          Ốc ở đồng chết khô
          Đất nẻ, gió hun  
          Con ruồi chết ngạt,
          Người già ra bến được chạy cơn mưa
          Ơn được hạt mưa to bằng quả gắm,
          Các suối đều lũ lụt.
          Các hố hốc đều ngập,
          Các hố củ mài tràn đầy,
          Các gò mối trôi thành bãi bằng.
          Được mùa lúa tốt nặng bông,
          Được mùa lúa nếp dẻo thơm.
          Ra bến nhặt được trứng vịt,
          Đi câu nhặt được trứng ngỗng.
          Qua bản nhặt được bạc
          Qua mường nhặt được vàng.
          Đầu dây buộc trâu
          Cuối dây buộc ngựa
          Ra bến nhặt được bạc,
          Qua đường nhặt được bạc loảng xoảng
          cũng của chủ nhà nàỵ

          II
          Lấp loáng vào
          Lấp loáng ra
          Tất tưởi bà chủ nhà.
          Chủ nhà này tốt bụng
          Có cái gì cũng cho.
          Không cho, chúng tôi chưa chạy,
          Không cho, chúng tôi chưa đi.
          Sáng hôm sau, chúng tôi lại đến
          Sáng sớm mai chúng tôi lại về.
          Đến xin cơm của người làm ruộng,
          Đến xin cá của người làm cá.
          Cho canh môn mặn cũng ơn.
          Cho canh môn nhạt cũng ơn,
          Gói cho canh, xương mành cành  cũng ơn.
          Gói cho cơm thừa bữa sáng, bữa trưa cũng ơn.
          Gói cho ớt cay ở gác trên cũng ơn
          Gói cho muối mặn ở gác dưới cũng ơn
          Ơn... Ơn... lắm!

Hát hết bài, người lĩnh xướng nhắc mọi người hát lại từ đầu. Lúc này, từ trên cầu thang, cụ bà xuất hiện với bộ trang phục đẹp nhất, dùng khi có hội hè và việc vui hệ trọng trong họ hàng cùng huyết thống. Trang phục của bà gồm áo dài mặc ngoài mầu hồng nhạt hoặc đỏ thẫm, cổ áo và gấu áo viền hoa văn rực rỡ. Mặc bên trong là váy cạp rồng, thân váy đen chàm viền vải mầu hoặc chắp hẳn một mảnh thêu đẹp hình muông thú. áo ngắn (sứa cóm) mầu xanh lá mạ hoặc tơ vàng. Đầu đội khăn nhiễu đen; cổ đeo một cái vòng bạc to bằng ngón tay trỏ, hai cổ tay nhăn nheo của cụ bà đeo năm sáu vòng bạc. Cụ bà nào còn đi đứng được sẽ tự mặc lấy quần áo, nếu không bước nổi nữa, phải nhờ con cháu trong nhà mặc giúp và dìu cụ bà từ trong nhà ra tận cầu thang. Cử chỉ của cụ bà dù có mệt mỏi, từ tốn đến mấy cũng phải tạo được vẻ khôi hài khi làm lễ "ban nước mưa" cho dân làng. Cụ bà cố dúng cả hai tay khô cứng vào chậu nước lạnh đặt trước mặt do con cháu bố trí sẵn và luôn tiếp thêm nước từ trong máng đựng nước ra chậu. Cụ bà lần lượt té nước vào đám người đứng theo hàng lố nhố dưới sân. Khi té đến chậu nước thứ ba, thứ tư xem chừng ai cũng đều ướt mũ, nón, đoàn hát nhường cho người cầm sàng gạo tiến lên để hứng lấy cả chậu nước cuối cùng của cụ bà dội từ cầu thang xuống. Vừa dội nước vào mặt sàng, cụ bà vừa cười, nói hóm hỉnh...

- Chà... chà... hạt mưa to như quả "muội" (4). Mọi sông, suối đều đỏ phù sa!

- Chà... chà... úi cha! Mưa to này, mưa dày hột này! Chà... chà...!.

Thế là mọi người lập tức hát vang bài hát cầu mưa để tỏ lòng cảm ơn cụ bà, mở đầu bằng câu: "ờn... Ơn... dơ! (Ơn... ơn... lắm)!. Hát trọn bài, đoàn hát kéo nhau rồng rắn quanh sân cụ bà một vòng rồi đi hát tiếp các nhà khác. Những nhà tiếp theo chủ nhà không nhất thiết làm lễ "ban nước" mà chỉ cần biếu đoàn hát gói xôi và gói muối con. Việc cảm ơn người biếu quà cũng theo hình thức như ở sân nhà cụ bà.

Sau khi đi khắp lượt các nhà trong bản, đoàn hát cầu mưa trở lại nơi xuất phát để châm đuốc. Mỗi người thắp một bó đuốc trên tay, họ diễu hành hàng một quanh bản một vòng, sau đó kéo nhau ra suối nước. Tất cả số đuốc được chụm lại hai, ba đống bên bờ suối. Lửa đuốc sáng rực cả một góc trời, hắt ánh vàng xuống dòng nước lóng lánh. Họ liền chia ra từng tốp nam, nữ đứng mặt đối mặt với nhau, để thi tát nước "vàng" nước "bạc" vào người, vào mặt nhau. Khi ai nấy đều ướt sũng, rét cóng cả người, mới chịu tan đêm hội về nhà mình. Sáng sớm hôm sau, bản liền cử một số đàn ông đứng tuổi, khỏe mạnh lên rừng tìm cây dáy "vằn" (5) và xuống suối nhặt lấy ốc "đít nhọn". Họ đem cây dáy "vằn" đút vào miệng lỗ các mỏ nước mạch (để chọc tức vua nước). Đoạn, họ lại đem ốc "đít nhọn" ở suối đóng như đóng đinh vào thân cây sổ (để chọc tức vua trời). Vua "trời" và vua "nước" bị người trần chẳng những dùng lời lẽ ngọt ngào xin cầu mưa, mà còn trêu tức quá đáng, ắt sẽ nổi giận làm ra mưa to, gió lớn. Đề phòng vua "trời" và vua "nước" trả thù, khắp nơi nơi người ta cấp tốc tìm cây cột chống đỡ những nhà sàn bị mối mọt, xiêu vẹo, đồng thời họ khơi thông mương máng, sửa sang lại bai đập vững chắc. ở giữa các bai đập, người ta còn đặt một cái thang tre 12 bậc từ chân đập lên mặt đập, mỗi bậc lên xuống đều cắm lông cánh con vịt và cứ cách hai bậc lại treo lủng lẳng quả trứng vịt nhuộm mầu, có ý để thần "Rồng" theo thang đó mà qua lại chứ không chui rúc theo dòng nước lũ, làm hỏng bai đập của người. Vào dịp tổ chức hội cầu mưa, hầu như mọi sinh hoạt của người Thái đều hướng cả vào việc cầu mưa. Trai gái yêu nhau cũng tạm gác những lời hát tỏ tình giao duyên dành lời ước ao cho hạt mưa rơi. Giọng hát gieo vừng, gieo kê (bán pháng bán ngà) vọng từ núi này sang núi khác đều một lời cầu mưa tha thiết:

Mưa xuống đi, hột nước yêu thương!

Mưa xuống đi, cho chàng cày ruộng

Mưa xuống đi, cho nàng xới cây bông

Mưa xuống đi, cho ếch nhái đầy đồng

Mưa xuống đi, cho thuyền khơi đánh cá

Hoặc:

Trời không mưa lấy đâu thóc lúa

Để anh cưới em về chung sống bên nhau?

Ôi! Trời hại đôi ta rồi.

Hẹn mùa sau nhé - chắc trời thương ta!

        Nếu sau ngày hội cầu mưa, trời vẫn nắng hạn thì đến tháng trăng sau, các làng lại tổ chức tiếp với hình thức như lần hội kỳ trước.

          Hội Cầu Phúc của người Tháiđược tổ chức vào tháng 8 âm lịch ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Đây là hội cầu phúc của người Thái Mai Châu. Các nhà đều sắm cỗ cúng bày ở miếu thờ chung theo nguyên tắc: Năm trước cúng gà, năm sau cúng lợn. Đến chiều, mỗi nhà mổ 2 con gà để cúng Thổ công (để trong nhà) và cúng Thổ địa (đặt ngoài ruộng). 

          Lễ hội xên Mường là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm của dân tộc Thái, tưởng nhớ đến các vị tiền nhân đã khai khẩn đất đai, lập ra đất Mường - cách gọi tên vùng đất nơi người Thái đang sinh sống, cùng các đời vua chúa chống giặc ngoại xâm. Lễ cầu mong cho người Thái được no, hạnh phúc. Cầu cho Mường Mùn xưa, nay là Mai Châu được no đủ, bình an, phồn thịnh.

          Lễ hội bắt đầu bằng đám rước đem mâm cỗ từ nhà Tạo Mường ra miếu. Đi đầu là Tạo Mường và các chức sắc khác. Tiếp theo là thanh niên nam nữ khiêng giàn chiêng trống (4 chiêng đồng, 1 trống cái) cùng kèn, sáo. Các già bản quấn khăn đỏ, mặc áo tơ vàng, quần màu chàm, thắt dải lưng xanh, vác theo cung và hai con trâu mộng làm vật hiến sinh. Bộ sừng trâu bọc giấy màu, giữa trán và hai bên mông dán hình hoa cắt bằng giấy trắng. Hai con trâu này, một con để cúng thần hoàng (phi sữa) và một con để cúng thần tổ ở đình gốc. Sau cùng là đoàn quân bảo vệ mường bản mặc quần vàng, áo đỏ viền xanh, đội mũ chóp đỏ, chân đi hài, quấn xà cạp tận đầu gối, vai vác súng hỏa mai bọc bạc và gươm, giáo.

          Phần hội diễn ra nhiều hoạt động vui chơi sôi nổi. Buổi đầu của ngày hội chủ yếu là làm lễ và múa hát, đánh trống, chiêng. Buổi thứ hai có tổ chức thi bắn súng và cung nỏ. Hình thức bắn súng là người ta tung quả bưởi lên mái nhà, quả bưởi lăn xuống theo mí dốc, các tay súng thiện xạ lần lượt ngắm, đón, bắn. Người thắng là người bắn cả ba lần đều trúng, đoạt được giải của cần han (người tài giỏi), được thưởng một mâm cỗ đầy xôi, thịt gọi là pàn han. Tạo Mường đứng ra trao thưởng cho người cần han một thanh kiếm chuôi ngà voi khảm bạc, tuyên bố phong chức Tuần Mường (người đứng đầu an ninh phòng vệ) cùng một số ruộng đất. 

 Trò chơi:

          Người Thái Hòa Bìnhnhiều trò chơi dân gian truyền thống như: keng loóng, đánh trống chiêng, chơi quay, ném còn, tò lẻ, thi hát đối đáp... Keng loóng được coi là một trong những trò chơi truyền thống gắn với quan niệm xưa ếch ăn trăng vào ngày nguyệt thực của người Thái. Đây là lối chơi âm nhạc của người Thái bằng cách dùng chày giã gạo vào cối hình thuyền tạo nên những âm thanh đặc biệt. Việc chơi keng loóng thể hiện sự khéo léo, uyển chuyển của người phụ nữ trong sử dụng chày và cối. 

Phút quyết định

                    Hát người Thái gọi là “khắp”, người Thái có rất nhiều kiểu “khắp” khác nhau như: “khắp báo xao” (hát giao duyên của thanh niên nam nữ); “khắp xư” (ngâm thơ); “khắp xống khươi” (hát tiễn chàng rể); “khắp xo pợ xo náng (hát xin dâu); “khắp tỏn khươi tỏn pợ” (hát đón rể, nàng dâu”; khắp au phua, au mía” (hát lấy vợ lấy chồng – hát trong đám cưới) v.v... Hát trong đám cưới là một tập tục, một truyền thống văn hóa lâu đời của người Thái. Đồng bào quan niệm trong đám cưới không có hát coi như không có đám cưới (trừ trường hợp một trong hai họ có chuyện không vui như đang có tang).

          Với quan niệm đó, người Thái khi chuẩn bị tổ chức cưới xin cả hai bên, việc đầu tiên là tìm được người đại diện cho mình để hát. Người đó phải thông thạo phong tục tập quán dân tộc, nhất là trong cưới xin, phải biết ứng xử giao tiếp giỏi, biết hát hay, đặc biệt là biết đối đáp ứng khẩu nhanh khi hát và đúng trình tự hát trong đám cưới. Đến dự đám cưới có rất nhiều người biết hát và hát rất hay. Nhưng bao giờ người Thái cũng luôn tôn trọng người được bên trai, bên gái chọn đại diện cho mình để hát chính. Còn những người cùng dự đám cưới chỉ làm nhiệm vụ lĩnh xướng “au hang” mà thôi. Hát của người Thái bao giờ cũng phải có số đông người lĩnh xướng nhất là trong cuộc rượu vui và cưới xin. Trong cuộc vui và cưới xin mà hát không có người lĩnh xướng, chỉ có 2 người hát đối đáp nhau không thôi thì cuộc vui sẽ rất đơn điệu, tẻ nhạt. Hát được mọi người lĩnh xướng sẽ làm cho cuộc vui thêm đậm đà và mọi người thực sự được hòa nhập trong không khí vui tươi đầm ấm và thăng hoa. Họ chú ý lắng nghe và tấm tắc khen ngợi, thưởng thức những lời hay ý đẹp do người hát đem lại. Mặt khác có lĩnh xướng của mọi người trong mâm rượu làm phấn khích người hát thêm say sưa và sáng tác ngẫu hứng thêm nhiều lời hay ý đẹp.Hát trong vui chơi, hát giao duyên và đặc biệt hát trong đám cưới bao giờ họ cũng hát lời chào hỏi nhau trước. Khi trong cuộc vui hoặc cưới xin, mọi người đều cơm nước no mới bắt đầu chuyển sang phần vui văn nghệ. Họ vẫn ngồi yên vị tại mâm vừa ăn, vừa uống, vừa hát cho đến khi tan cuộc. Hát trong cưới xin, lúc đầu thầy mo hát chúc tụng mọi người trong mâm, nhà trai nhà gái luôn mạnh khỏe, ấm no, hạnh phúc. Sau đó nhà trai mới bắt đầu hát và hát xin lỗi trước:

          Tôi là phận vịt xin tập đẻ

          Là gà trống con xin được tập gáy

          Gáy không hay đừng mong cáo bắt

          Gáy còn dụt dè, run rẩy xin đừng cười chê

          Tôi xin được vãi bã rượu đầu nguồn gọi cua

          Xin hái lá trầu tươi mời Ngoọng (một loại ve sầu)

Sau khi hát lời xin lỗi rồi mới hát những lời chào hỏi:

          Đến từ sớm nhưng chưa được hỏi

          Đến từ trưa nhưng chưa được chào

          Giờ xin chào em như vịt chào gà

          Chào em như gà đua tiếng gáy.

          Tiếp đó hát chào mọi người trong mâm rồi hát rằng nhà nghèo không có gì để làm bữa cưới cho tươm tất, không đáng để mời hai họ, bạn bè về dự vui.

          Ống tay ngắn muốn dài không được

          Đã không có không biết lấy gì đặt mâm

          Lẽ ra phải có lợn to mổ làm bữa

          Phải có trâu mổ đặt mâm

          Phận nghèo anh hái rau bướm về thay đĩa cá

          Hái rau rừng về để đặt mâm.

          Dù có mâm cao cỗ đầy cũng hát rằng phận nhà trai nghèo không có mâm cao, cỗ đầy mời khách và họ hàng nhà gái và mong mọi người thứ lỗi. Tiếp đó mới hát đối đáp nhau. Họ hát từ lúc người con trai, con gái còn đang đầu thai trong bụng mẹ, sinh ra, lớn lên cùng nhau, rồi biết tìm hiểu yêu đương nhau cho đến khi tổ chức đám cưới.

          Bên trai hát:

          Nay sẽ kể từ trước về sau

          Kể chuyện qua về bù chuyện tới

          Kể từ thời ấy ngày xưa

          Kể từ đôi ta nằm trong lòng mẹ bên phải

          Ở lòng mẹ bên trái

          Đã qua mười tháng đợi

          Đã đủ chín tháng chờ

          Được mười tháng đôi ta ra đời ăn cơm

          Được chính tháng đôi ta sinh ra bú mẹ

          Rơi sấp anh thành bé trai

          Rơi ngửa em thành bé gái

          Công mẹ cha nuôi ta lớn cùng thời

          Yêu nhau thuở mới ra đời

          Trao duyên, gửi nghĩa từ thời con thơ.

          Bên gái cũng hát đáp lại gần tương tự như vậy cho đến khi lớn lên. Tiếp đó bên trai hát:

          Từ xa nhìn thấy lửa hồng

          Từ xa nhìn thấy nước trong

          Nhìn thấy dòng nước sâu anh ước được đo

          Thấy dòng nước trong đầy anh ước được uống

          Thấy áo nhuộm chàm anh ước được ướm thử

          Thấy người má hồng anh ước hỏi thăm.

          Bên gái đáp:

          Chắc là chàng đi nương lạc lối?

          Đi ruộng tiện đường qua?

          Định đi gặp người yêu tiện đường ghé nghỉ?

          Lúc sắp ra khỏi nhà mẹ chàng còn dấu áo

          Lúc sắp sang đây chơi mẹ chàng còn dấu khăn

          Rồi dặn hai lần, dặn ba lần

          “Chớ gần bọn gái rừng tay lấm mặt đen

          Không xứng đáng nâng khăn hầu rượu”

          Chàng cất vó đã được cá thu đuôi đỏ

          Có vợ rồi sao lại bỏ vợ đi chơi?

          Về đi anh, kẻo vợ nhớ vợ chờ.

          Bên trai bên gái cứ hát đối đáp qua lại như vậy, hát giai đoạn trai, gái tìm hiểu, yêu đương khá dài tùy theo khả năng và thời gian cho phép có thể thâu đêm suốt sáng. Người hát, cả bên trai bên gái phải hết sức linh hoạt, nhanh ý ứng khẩu cho phù hợp. Biết tài nghệ ứng dụng, biến tấu các bài hát giao duyên có trong dân gian và ứng tác tại chỗ kịp thời. Đồng thời phải biết trích các đoạn hát trong “Hạn khuống”, “Sống chụ xon xao”, “Tản chụ xiết xương”, “Tản chụ sống sương” rồi các bài hát thách đố nhau, trêu ghẹo nhau, thử tài nghề hát của nhau v.v... rồi đỉnh cao là hát “Sok có Kxen ken” là những bài hát thách đố lẫn nhau những cái không có thực ở trong đời sống nhưng phải đối đáp được có tình có lý bắt buộc đối phương và mọi người thừa nhận làđúng. Ví dụ bên gái hát.

         

Cha mẹ em ước được ăn dưa hấu mọc ở lưng trâu

          Ước được ăn dưa bở mọc ở lưng voi

          Cha mẹ ước vậy anh có đáp ứng được chăng?

          Rồi bên trai đáp lại:

          Anh sẽ chuyển đất đắp lên lưng trâu

          Chuyển cát đắp lên lưng voi

          Hạt dưa hấu anh đem gieo

          Hạt dưa bở anh đem trồng

          Mới trồng mà dưa đã leo giàn nở nhiều hoa

          Anh mới lấy được dưa hấu mọc trên lưng trâu

          Lấy được dưa bở mọc trên lưng voi

          Được như vậy cha mẹ em có ưng gả không?

          Hai bên cứ hát đối đáp như vậy, thách đố nhau như vậy đến khi cả hai bên thấy hài lòng. Vui chơi thỏa thích mới đồng ý để tổ chức cưới xin cho thành vợ, thành chồng. Khi bên nhà gái đồng ý cưới gả, bên nhà trai hát rằng người con trai trẻ người non dạ, còn nhiều vụng về không biết làm rể... bên nhà gái cũng hát đáp lại rằng người con gái cũng vụng về, không biết làm dâu... rồi khen bên kia giỏi giang, tháo vát, khéo tay, chăm ngoan được lòng cha mẹ anh em, bạn bè trìu mến, mọi người bản trên, mường dưới được nương nhờ.

          Ví dụ bên gái hát:

          Dâu này mới tưới vườn rau, rau sẽ chết úa

          Tưới vườn hành, hành sẽ héo khô

          Người ở ba bản sẽ không được dùng

          Người ở bảy bản sẽ không được ăn

          Dâu này đi nương không biết vác củi về

          Đi ruộng chẳng biết hái thêm rau

          Về nhà đồ xôi chỏng ngược chõ xuống.

          Bên trai đáp:

          Người xấu anh cũng ưng

          Em tưới rau, vườn rau sẽ xanh mượt

          Tưới vườn hành, hành sẽ tốt tươi

          Người khắp bản, mường sẽ được nương nhờ

          Là chim anh xin được làm tổ

          Là người anh xin được ở rể quản

          Không lấy được em anh thà không đôi lứa

          Không lấy được em anh thà không nhà cửa.

          Nói chung trong đám cưới của người Thái dịp cưới xin cũng là dịp để mọi người được vui chung, được thưởng thức những áng văn hay, những lời hát đẹp. Là dịp để đồng bào trong bản được hưởng thụ văn hóa tinh thần, tạo cảm hứng phấn chấn trong cuộc sống, được trò chuyện, kết bạn lẫn nhau, tạo ra được một không khí êm đềm, đấm ấm, hiểu biết, thân thiện với nhau hơn. Đó là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc cần được trân trọng, lưu truyền.

         . Ăn uống:

          Người Thái có phong tục bó vó cơm lam. Đối với dân tộc Thái, cơm lam không chỉ là món ăn truyền thống mà trong ống cơm lam còn chứa đựng tín ngưỡng, giải thích một hiện tượng của tự nhiên. Quan niệm cổ xưa của đồng bào dân tộc Thái, thế giới tự nhiên được chia làm 3 phần gồm: cõi trời, trái đất và con người. Trong đó, cõi trời là một thế giới đặc biệt, chứa đựng quyền lực tối cao, quyết định mọi hoạt động của con người và mọi sự vật, hiện tượng trên trần gian. Cõi trời còn được gọi là “Mường Then”, cai quản có 34 vị thần gọi là các Phi Then. Trong đó, 12 Then lớn đảm nhận việc cai quản và chỉ đạo mọi hoạt động trên trần gian, 22 Then nhỏ là những vị thần giúp việc Then lớn. Trong 12 Then lớn có 1 Then tên là Then Chất - Then Chát chuyên theo dõi việc sinh, tử của loài người. Then Chất - Then Chát giữ sổ lớn gọi là sổ Hương then, trong sổ ghi họ tên, chỗ ở, địa vị xã hội và tuổi thọ của từng người ở trần gian. Hàng năm Then Chất - Then Chát đem sổ ra soát niên hạn sống của từng người, nếu ai hết hạn Then Chất - Then Chát sẽ gọi người đó về Mường Then tiếp tục một cuộc sống mới, chấm dứt sự sống trên trần gian của họ. Sống ở Mường Then là ước nguyện cuối cùng của người dân tộc Thái, tuy nhiên không phải bất cứ ai cũng được về Mường Then sinh sống, người Thái quan niệm rằng có người khi sinh ra mà các Then vô tình không biết do vậy người đó không có tên trong sổ nhà Then, khi chết đi không được hồi sinh ở cõi Mường Then, do vậy linh hồn người đó sẽ bơ vơ lạc lõng. Phụ nữ dân tộc Thái trong những ngày đầu ở cữ thường ăn cơm lam, tất cả vỏ ống cơm lam không vứt đi mà được bó lại sau đó treo lên cành cây gần nhà, hoặc bìa rừng cùng ống tre trong có nhau của đứa trẻ mới sinh. Người Thái tin rằng, thực hiện thủ tục này chính là thông điệp họ gửi cho các Then nhà trời thông báo đã có 1 đứa trẻ được sinh ra ở trần gian, với mong muốn Then Chất - Then Chát ghi tên đứa trẻ này vào sổ Hương Then. Đứa trẻ lớn lên và kết thúc cuộc sống trên trần gian của mình thì Then Chất - Then Chát sẽ gọi người đó về cõi trời và được hưởng cuộc sống tươi đẹp tại cõi Mường Then.

          Rượu cần người Thái làm khá cầu kỳ, gọi là "láu xá" men rượu làm toàn bằng những thứ lá, quả từ rừng sẵn có (gọi là men lá). Những thứ quả lá chủ yếu gồm có: "Bơ hinh ho", "khi mắc cái", củ riềng, lá trầu không, quả ớt...những thứ này được giã đều cho thật nhuyễn với gạo tấm, sau đó nắm thành từng miếng tròn dẹt như bánh rán, đem ủ với rơm, xếp từng lớp đều nhau. Khi đã ủ kỹ từ 15 đến 20 ngày có mùi men bốc lên họ đêm phơi lên gác bếp cho khô. Khi cần dùng đem giã nhỏ rắc vào cái rượu, mỗi mẻ rượu cần từ 7 đến 9 bánh, cái rượu được làm bằng vỏ sắn củ khô gọt ra đem ngâm ở suối ba ngày ba đêm cho hết mùi bồ hóng và độc tố của sắn. Vớt lên phơi khô trộn với trấu lẫn tấm đưa lên "hông" đồ cho chính, sau đó đổ xuống mẹt hoặc lá cót để cho thật nguội đem men rắc đều từng lớp, tiếp tục ủ bằng lá chuối hoặc lá rừng (bỏ nhum, bơ cá) để rượu bốc men rồi đem bỏ vào từng chum, lấy lá chuối hoặc mảnh ni lông bịt kín (nếu để hở hơi rượu sẽ bị chua). Khi đã ủ vào chum từ 25-30 ngày rượu có thể uống được, để càng lâu rượu càng đặc, càng ngọt. Ngoài sắn khô người ta còn làm bằng loại ngũ cốc, khác như ngô, hạt ý dĩ ,củ dong riềng. Trước đây gạo hiếm nên tiết kiệm dùng vào bữa ăn, ngày nay người ta dùng gạo để làm rượu có chất lượng hơn, nhất là rượu cần được làm bằng gạo cẩm thì rất bổ và ngon. Người Thái dùng rượu cần thường xuyên, nhất là những khi có khách quý mừng cơm mới, đám cưới lễ tết, hội hè, lễ đặt tên cho con...đều có rượu cần làm vui. Khi dùng rượu cần chỉ cần bỏ lớp vỏ bọc ngoài đổ nước sôi để nguội hoặc nước khoáng (trước đây chỉ dùng nước lã múc ở mõ nước sạch chảy trong lòng núi đá ra) vào bình cho thật ngấm (từ 15 đến 20 phút), cắm từ 6 đến 12 cần trúc được uốn cong cầu kỳ với những tua vải rực rỡ được trang trí. Bình rượu được đặt ở nơi trang trọng, rộng rãi. Họ mời uống từng đợt có gia phong nề nếp, có người già và phụ nữ. Thường vẫn ưu tiên cho khách, chủ nhà uống trước sau đó đến lượt mọi người theo thứ bậc uống cùng. Uống rượu cần phải có một người chủ trì, người Mường gọi là "chú trám" còn người Thái gọi là "Nài láu". Nài láu được phép ra những điều kiện quy định cụ thể trước khi vào cuộc rượu, nếu ai vi phạm sẽ chịu phạt theo "luật". Ví dụ: uống đại trà là bao nhiêu "sừng" uống từng người hay uống từng đôi, mỗi người phải uống bao nhiêu sừng...người ta dùng sừng trâu để làm đơn vị đo lường, mỗi sừng chứa khoảng 1 lít nước. Với quan niệm con trâu là đầu cơ nghiệp nên họ dùng sừng trâu để làm vật đo lường khi uống rượu là có hàm ý tôn thờ con vật quí trong nhà. Nai láu mời mọi người uống rượu phải có động tác trịnh trọng, ý nhị với những lời mời tình cảm, trân trọng nhất. Cũng có lối mời đơn giản, lại có lối mời thành bài bản đối với khách quý, khách sang trọng lịch lãm.

          Mời rượu cần theo lối bình dân như sau:
          Láu càm xà pá túng mời dơ dấc...
          Khát pài túng, khói son mời nưa.
          Mời một tềnh - khát một khói nhăng mời
          Mời sam tếnh - khát sam khói nhăng mời...
          (Mời đến mười sừng là kết thúc bằng câu:
          Khát...khói so háp búa
          Tạm dịch nghĩa:
          Rượu cần ngon gia chủ xin kính mời...
          Dưới làn dưới xin mời làn trên
          Mời một sừng đã dứt - xin mời lần nữa
          Mời hai sừng đã dứt - xin mời lần ba

          Những cuộc vui như vậy kéo dài khi nhạt bình rượu mới tàn cuộc vui. Họ còn tổ chức cả múa xoè vòng, múa lăm vông, đánh trống, chiêng gây không khí sôi nổi. Khi đã vào cuộc vui rượu cần con người xích lại gần nhau, xua tan mọi nỗi u buòn thậm chí sẵn sàng tha thứ cho nhau những điều chưa vừa ý, vừa lòng. Trước đây chưa có kỹ thuật chưng cất rượu. Sau này cũng loại men ấy họ đã biết chưng cất từ rượu cần thành "rượu siêu" chất lượng tinh khiết hơn. Nhưng dẫu sao uống rượu cần vẫn là thú vui không thể thiếu được bởi nó đã đi vào cuộc sống của cộng đồng đã từ lâu, trở thành một nét bản sắc văn hoá đáng trân trọng. Nó còn là cầu nối giao lưu văn hoá, tình cảm giữa các dân tộc thậm chí đối với khách quốc tế cũng trở thành một nhu cầu giao tiếp.

          Văn hóa ẩm thực dân tộc Thái Tây Bắc có nhiều nét đặc sắc, trong đó rượu mời “phi” (ma) là một điển hình. Khách miền xuôi, người nước ngoài… lên Hòa Bình công tác hay tham quan du lịch nếu được dự tiệc tại gia đình của người dân tộc Thái không khỏi bỡ ngỡ trước những món ăn ngon miệng như: Lạp trâu, bò; nặm pịa; mọ gà, cá… mà còn bỡ ngỡ trước cách mời rượu của chủ nhà. Trong mâm cơm khách hoặc tiệc cưới, hội… của dân tộc Thái bao giờ cũng có 2 chén rượu để sóng đôi ở vị trí đầu mâm, chỗ ngồi của gia chủ và khách hay chỗ ngồi của các cụ già làng; con trưởng trong dòng họ để mời các “phi” (ma). Tục lệ này có từ lâu đời, người Thái xưa cho rằng thế giới có 3 bộ phận cấu thành gồm: Cõi trời - con người - trái đất. Trong cõi trời (cõi hư vô) có các “phi”, lực lượng này có đủ sức mạnh để điều khiển và quyết định mọi hoạt động của con người, các “phi” này thường đi theo con người để phù hộ đem điều tốt lành hoặc ám ảnh gây tai họa cho người. Do vậy, để “phi” luôn phù hộ độ trì con người phải thờ cúng, tôn trọng “phi”. Người Thái quan niệm trong các bữa tiệc lễ hội hay tiệc đãi khách… các “phi” đều đến để cùng vui trong đó có cả “phi hươn” (ma nhà) - đây chính là hồn của những người trong dòng họ đã chết mà người sống đang thờ, cũng có thể là “thổ công”; hoặc “phi” nào đó đi theo khách đến. hai chén rượu đó để cho “phi khách” và “phi nhà” uống với nhau, cùng vui với những người còn sống. Khi nâng chén rượu đầu tiên chủ và khách chúc nhau điều lành cũng chính là lúc gia chủ mời “phi” chung vui đồng thời cầu mong “phi” phù hộ độ trì cho gia đình, dòng họ mình và khách, nếu gia chủ và khách cụm ly nhau là tỏ thái độ tôn trọng và đoàn kết thì cách thể hiện sự tôn trọng đối với “phi” đó là gia chủ hoặc khách ngồi gần đổ một chút rượu từ chén của mình vào 2 chén rượu “phi”, còn nếu ngồi xa thì đổ một chút rượu xuống sàn nhà, người Thái tin rằng hành động như vậy sẽ khiến các “phi” vui, âm dương hòa hợp mọi sự sẽ tốt lành…

Hết văn hóa người Thái

Liên kết web :
Đang online : 6
Hôm nay : 506
Tháng hiện tại : 9746
Tổng lượt truy cập : 1541966