NỀN VĂN HÓA HÒA BÌNH (Phần 5)

VĂN HÓA HÒA BÌNH ĐƯƠNG ĐẠI

          TỔNG QUAN VỀ VĂN HÓA HÒA BÌNH ĐƯƠNG ĐẠI

          Khái niệm:

          Chính từ cội nguồn là một vùng đất cổ- nơi tổ tiên tiền sử người Việt đã tồn tại và phát triển "Văn hóa Hòa Bình cổ đại" cách đây hàng chục nghìn năm, trải qua quá trình phát triển, đến nay người Hòa Bình đã xây dựng nên một nền văn hóa đặc sắc - niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Hoà Bình là cái nôi của nền văn hoá với nhiều bộ sử thi huyền thoại như "Mo Mường", "Ẳm Ệt", truyền thuyết về ông Đùng bà Đoàng, Tản viên Sơn Thánh... Đây còn là miền đất âm vang tiếng cồng, tiếng chiêng, vùng của những lễ hội giàu bản sắc dân tộc Tây Bắc, của kho tàng phong phú về văn nghệ dân gian các dân tộc...là quê hương của những làn điệu dân ca ngọt ngào và trong trẻo.

            Hòa Bìnhlà một tỉnh miền núi phía tây bắc Việt Nam, nằm ở tọa độ 200°19' - 210°08' vĩ độ Bắc, 104°48' - 105°40' kinh độ Đông, thủ phủ là thành phố Hòa Bình cách thủ đô Hà Nội 73km. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 4.662.5 km², chiếm 1,41% tổng diện tích tự nhiên của Việt Nam.

          Được thiên nhiên ưu đãi, Hoà Bình có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, hiện có 168 di tích các loại trong đó có 34 di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh đã được Bộ văn hoá thông tin công nhận di tích cấp quốc gia, UBND tỉnh xếp hạng 9 di tích cấp tỉnh: Động tiên phi, di tích Đền Bờ (thành phố Hòa Bình); Hang nước, Động Thiên tôn (huyện Yên Thuỷ); Động Hương lý, Mái đá Búng Nhúng (huyện Đà Bắc), Động đá Mường Chiêng, Động hoa tiên (huyện Lạc Thuỷ), Động Nam Sơn (huyện Tân Lạc), suối nước khoáng nóng (Kim Bôi); Lòng Hồ mênh mang sóng nước được ví như một Hạ Long thứ hai... Đó là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá không những có giá trị trong phát triển du lịch mà còn rất thuận lợi cho việc xây dựng khu du lịch sinh thái.

            Điều kiện thiên nhiên, lịch sử văn hoá và con người Hoà Bình đã tạo nên tiềm năng du lịch phong phú, hấp dẫn, gây được những ấn tượng sâu sắc với bạn bè trong nước và quốc tế. Bà Hoàng Thị Chiển, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch khẳng định: Hoà Bình có quần thể 177 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cùng với sự độc đáo của bản sắc văn hoá thể hiện qua phong tục, tập quán, lối sống của các dân tộc Mường, Thái, Mông, Dao, Tày... còn giữ khá nguyên vẹn với trên 30 lễ hội cộng đồng dân tộc như: hội Cồng Chiêng, Lễ hội Khai Hạ, Lễ hội Chùa Tiên, Lễ hội Đền Bờ. 

File đính kèm: VĂN HÓA HÒA BÌNH ĐƯƠNG ĐẠI chuong 5.pdf
Liên kết web :
Đang online : 3
Hôm nay : 422
Tháng hiện tại : 11704
Tổng lượt truy cập : 1392344