NỀN VĂN HÓA HÒA BÌNH (Phần 3)

             Lịch sử khám phá văn hóa Hòa Bình:

          Việc khám phá và đề xuất thuật ngữ "Văn hóa Hòa Bình" gắn liền với tên tuổi một nhà khảo cổ lớn - đó là bà Madeleine Colani. Madeleine Coloni sinh năm 1866 tại Strasbourg (Đông Bắc Pháp) trong một gia đình theo đạo Tin Lành. Bà Madeleine và em gái Léonore sang Việt Nam và hiến cả cuộc đời mình cho việc khai phá giai đoạn tiền sử Đông Dương. Tuy gia phả ghi rất giản dị về bà và cô em: nhà thám hiểm tại Bắc kỳ -exploratrice au Tonkin, công trình bà để lại cho ngành khảo cổ Đông Nam Á thật lớn lao. Madeleine Colani sang Việt Nam làm việc tại Phòng điạ chất và dạy vạn vật vào năm 33 tuổi. Bà học thêm và lấy được bằng tiến sĩ thực vật cổ (paleobotanist) năm 54 tuổi với luận án về vi sinh vật biển hoá thạch Fusulinidae. Sau đó bà cộng tác với ông Henry Mansuy, nhà khảo cổ nổi tiếng của Trường Viễn Đông Bác Cổ (TVĐBC). Cùng Mansuy bà đã viết một bài báo về một số lượng lớn sọ rất cổ tìm thấy ở Làng Cườm (Bắc Sơn) năm 1925. Bài này và nhất là bài báo đầu tiên chỉ mang tên bà về di chỉ Hoà Bình trong tạp chí "Anthropologie" năm 1926, chứng tỏ bà là một nhà khảo cổ lớn. Bà Colani xứng đáng được người Việt biết đến và vinh danh, bà đã cống hiến cả cuộc đời cho việc khảo cứu, làm ngời sáng đất nước Việt qua văn hóa tiền sử. 

Mô phỏng cuộc sống của cư dân văn hóa Hòa Bình

Công lớn của bà Colani là tìm thấy thật nhiều di vật khảo cổ, đủ nhiều để sắp xếp, phân loại chúng và lập luận thuyết phục khảo cổ học thế giới rằng cư dân cổ bắc Việt có một nền văn hóa Hòa Bình riêng biệt so với các nền văn hóa thế giới khác. Cụ thể là tại Hội Nghị Tiền Sử Viễn Đông lần thứ nhất tại Hà Nội tháng giêng năm 1932 (hội nghị đầu tiên về khảo cổ trên đất Việt Nam), bà đã trình bày đầy đủ bằng chứng sự hiện diện một nền văn hóa cổ không giống những văn hóa tiền sử biết đến trước đó trên thế giới. Bà nổi danh trên thế giới từ đó qua sự chính thức công nhận nền văn hóa Hòa Bình tại hội nghị này. Hơn nửa thế kỉ sau, bà được vinh danh qua Hội nghị các nhà khảo cổ thế giới kỷ niệm 60 năm công trình về văn hóa Hoà Bình của bà.

          Giới khảo cổ về Đông Nam Á trên thế giới không ai không biết đến công trình của Madeleine Colani.Bà khám phá ra rất nhiều di tích khảo cổ tại Bắc Đông Dương thuộc Pháp vào nửa đầu thế kỷ 20. Trong công trình đồ sộ của bà, đặc biệt phải kể đến những kết quả khảo cổ cực kỳ quan trọng của những khai quật ở Hoà Bình. Năm 1923, bà Madeleine Colani cùng những người hướng dẫn địa phương khám phá ra một số lượng rất lớn di cốt người và dụng cụ bằng đá, trong một hang đá vôi thuộc tỉnh Hòa Bình.Bà cho chở về Hà Nội hơn bốn mươi giỏ to. Vừa thấy Colani với số lượng chưa từng thấy đồ vật cổ, Mansuy đã vội vã kết án bà là "Tomb raider" (kẻ cướp mồ). Dù số " đồ cổ " văn hóa Hòa Bình này chỉ là xương và đá, không phải vàng- bạc- đá quý ! Hơn nữa, bà làm việc với tư cách nghiêm túc của nhà khảo cổ : khảo sát, ghi chép, rồi mang về nộp cho Trường viễn đông bác cổ.Trong mấy năm liền sau đó, bà liên tục khám phá thêm mười hai hang động trong vùng Hòa Bình, khai quật được một số lượng di vật hiếm thấy. Sau khi phân tích chúng và so sánh liên hệ với đồ đá tìm thấy trong vùng núi Bắc Sơn, bà đề nghị xem toàn thể những di vật đặc biệt bằng đá cuội, với đặc điểm là chỉ được đẽo ở lưỡi hay rìa, là của cùng một nền văn hóa -Văn hóa Hòa Bình hay Hoabinhian. Bà chia văn hóa tiền sử này thành ba giai đoạn. Giai đoạn xưa nhất bắt đầu vào cuối thời đố đá cũ. Giai đoạn thứ ba nằm vào đầu thời đố đá mới. Ngành khảo cổ Việt Nam căn cứ vào những kết quả thu thập được sau thời Pháp thuộc để thẩm định thời gian tồn tại của văn hóa này tại Việt Nam vào khoảng mười tám ngàn năm đến bảy ngàn năm trăm năm trước ngày nay. Văn hóa Hoà Bình là văn hóa của người khôn ngoan Homo sapiens . Họ cùng giống với người ngày nay và cũng thông minh như họ. Nhưng vào thời tiền sử xa xưa, vốn kỹ thuật con người tích tụ ít ỏi, nên cuộc sống họ còn thô sơ.  Người khôn ngoan buổi đầu ẩn trú trong hang động và dưới mái đá bên sườn núi hay sống ngoài trời. Họ sống bằng thú săn, hái rau trái, đào các loại củ ăn được. Họ biết chế dụng cụ bằng đá và gây lửa từ những thức chất có sẵn trong thiên nhiên. Lửa dùng nấu thức ăn, và dụng cụ đá dùng trong việc tìm thức ăn cũng như trong đời sống hàng ngày. Vết tích tro rác của bếp lửa và dụng cụ bằng đá hay bằng xương để lại là những di vật quý giá chứng minh sự hiện hữu của người tiền sử, đồng thời cho phép người ta tìm hiểu đời sống cổ tại nơi ấy.  

Madeleine Coloni(1866-1943) Nhà  khảo cổ đã đi tìm tiểu sử Việt Nam

Thời gian kể từ khi phát hiện các dụng cụ bằng đá và bằng xương tại di chỉ thuộc tỉnh Hòa Bình,các nhà khảo cổ còn phát hiện ở rất nhiều địa điểm khắp các quốc gia trong vùng như Thái Lan, Miến Điện, Lào, Campuchia, Malaysia, Sumatra... cũng có những di tích có các công cụ cùng một ký thuật chế tác. Người ta còn tìm thấy các dụng cụ bằng đá cùng một văn hóa sinh sống ở những nơi xa hơn như, Nhật Bản, Đài Loan, Australia... Theo thông lệ trong ngành khảo cổ, người ta dùng địa danh của nơi đầu tiên tìm thấy các dụng cụ đá đặc biệt để đặt tên cho mỗi loại văn hóa cổ thời đồ đá cũ và xếp vào cùng loại "văn hoá" ấy những di tích tương tự có cùng đặc điểm tìm được về sau tại các địa điểm khác. Vì vậy "văn hóa Hòa Bình" được xem như phân bố rộng khắp vùng Đông Nam Á, và là văn hóa  tượng trưng cho "kĩ thuật sinh sống" của tổ tiên dân Đông Nam Á vào thời tiền sử trong môi trường sinh thái vùng này lúc đó. Địa điểm văn hóa Hòa Bình tại Việt Nam hầu hết đều ở miền Bắc, trong các hang động vùng núi đá vôi. Ngoài ra người ta còn thấy chúng ở nam Trung Hoa, Thái Lan, Mã Lai và đông Sumatra (Indonesia). Theo một số người, "văn hóa Hòa Bình" cũng có mặt tại những địa diểm xa phía bắc như Nhật Bản, hay phía nam như Úc châu, nhưng giả thuyết này không được nhiều người đồng ý. Vì tuy có cùng "cái lõi văn hóa Hòa Bình ", những cư dân tại các địa điểm khác nhau có những truyền thống riêng (thí dụ các dụng cụ với số lượng và thể loại tương đối khác nhau). Người ta có thể nói những cư dân ấy cùng gốc, nhưng không thể nói các người cổ các vùng khác nhau đều đến từ vùng Hòa Bình. Nói khác đi, Hòa Bình không phải là cái " rốn " hay "nôi" của Đông Nam Á cổ. 

Các loại rìu đá thuộc văn hóa Hòa Bình

Hình vòng tay , khuyên tai đá

Tại hội nghị "THE HOABINHIAN 60 YEARS AFTER MADELEINE COLANI: ANNIVERSARY CONFERENCE" - Hội nghị các nhà khảo cổ thế giới kỷ niệm 60 năm công trình về Văn hóa Hòa Bình của bà Madeleine Colani tổ chức cuối năm 1993 tại Hà Nội, các nhà khảo cổ học thống nhất quan điểm sử dụng thuật ngữ "Văn hóa Hòa Bình"trong nghĩa techno-complex, tập hợp những dụng cụ có cùng một kĩ  thuật, chứ không hàm ý nguồn gốc ở Hòa Bình.

            Còn nữa

File đính kèm: chuong 3.pdf
Liên kết web :
Đang online : 8
Hôm nay : 1713
Tháng hiện tại : 21771
Tổng lượt truy cập : 1402411