Kỷ niệm 60 năm thành lập Thư viện tỉnh Hòa Bình .

Sáng ngày 2/12/2016, trong không khí toàn tỉnh Hòa Bình đang dâng trào cảm xúc hân hoan vui mừng tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh Hòa Bình, 25 năm tái lập tỉnh Hòa Bình và lễ hội chiêng Mường lần thứ 2. Hòa trong niềm vui đó Thư viện tỉnh Hòa Bình trang trọng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập (ngày 28/11/1956 – 28/11/2016).

Tới dự Lễ kỷ niệm có đại diện lãnh đạo Vụ Thư viện - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), đại diện Thư viện Quốc gia Việt Nam, đại diện Liên hiệp Thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc, lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Hòa Bình, 11 thư viện huyện, thành phố, các Sở, Ban, Ngành của Tỉnh và các thế hệ viên chức đã và đang công tác tại Thư viện tỉnh Hòa Bình.

Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, Thư viện tỉnh Hòa Bình đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức đồng hành cùng ngành Văn hóa Hòa Bình xây dựng và phát triển văn hóa đọc, với nhiều hoạt động nền nếp và trở thành một trong những thiết chế quan trọng góp phần tạo nên diện mạo chung của Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch, diện mạo của sự phát triển văn minh tại địa phương. Đó cũng là một trong những điểm sáng, điểm nhấn văn hoá, là niềm tự hào của không riêng gì đối với mỗi người làm công tác thư viện, làm công tác văn hoá mà còn của nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ông Bùi Ngọc Lâm - Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình đã biểu dương và ghi nhận sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo và viên chức Thư viện tỉnh Hòa Bình và hệ thống thư viện trong toàn tỉnh trong suốt 60 năm xây dựng và phát triển và mong rằng Thư viện tỉnh Hòa Bình sẽ làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong tình hình mới, góp phần quan trọng nâng cao dân trí, phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng và phát triển địa phương, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiều đối tượng bạn đọc.

 

Ông Bùi Ngọc Lâm - TUV, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở VHTTDL

Trong dịp này, Thư viện tỉnh Hòa Bình đã vinh dự đón nhận Bằng khen của Bộ VHTTDL vì đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc giai đoạn 1956 - 2016

 

Bà Vũ Dương Thuý Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện trao Bằng khen của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho Thư viện tỉnh Hoà Bình 

Chặng đường xây dựng và phát triển của Thư viện tỉnh Hòa Bình được đánh dấu bởi những mốc son lịch sử. Ngày 28/11/1956 Thư viện Hòa Bình được thành lập. Trên nửa thế kỷ cùng với những đổi thay và phát triển của tỉnh Hoà Bình, hệ thống thư viện công cộng (HTTVCC) đã hình thành mạng lưới văn hoá đọc ở cơ sở.

Tỉnh Hoà Bình đã có một Thư viện Tỉnh và hệ thống thư viện công cộng khá sớm không thua kém bất cứ địa phương nào trong cả nước. Hoạt động thư viện trong những năm qua đã nhận được sự ủng hộ, quan tâm giúp đỡ tận tình về mọi phương diện của lãnh đạo Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Vụ Thư viện, Thư viện quốc gia Việt Nam, lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của các tổ chức, đoàn thể, ban, ngành, trong tỉnh... Đặc biệt sự tồn tại và phát triển không ngừng của HTTVCC tỉnh Hoà Bình còn nhờ vào một yếu tố cực kỳ quan trọng - đó là những tình cảm gắn bó và lòng khát khao tri thức của hàng chục nghìn thế hệ bạn đọc đã và đang hàng ngày đến với các phòng đọc của Thư viện.

Năm 1975, cùng với việc nhập tỉnh Hoà Bình với tỉnh Hà Tây thành tỉnh Hà Sơn Bình, Thư viện tỉnh Hoà Bình một phần được chuyển về thị xã Hà Đông nhập vào Thư viện tỉnh Hà Sơn Bình, một phần ở lại thành Thư viện thị xã Hoà Bình.

Cuối năm 1991, do yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, tỉnh Hoà Bình được tái lập, thì đồng thời Thư viện Tỉnh Hoà Bình như các thiết chế văn hoá khác cũng được tái lập trên cơ sở của Thư viện thị xã Hoà Bình và một phần vốn sách của Thư viện Hà Sơn Bình chuyển về. Khi đó thư viện tỉnh chỉ có 4 - 5 người, cơ sở vật chất rất khó khăn với vốn sách ít ỏi trên 2 vạn bản. Từ năm 1991 đến năm 1997 phải di dời trụ sở 3 lần và 19 năm nay tạm thời ổn định ở trong một phần của Cung văn hoá tỉnh.

Qua hơn 20 năm tái lập (1991 - 2016) HTTVCC tỉnh Hoà Bình đã có 1 Th­ư viện Tỉnh; 11 th­ư viện huyện, thành phố và 28 cán bộ có trình độ chuyên môn khá vững vàng... Với vốn sách gần 20 vạn bản của trên một vạn đầu sách; trên 150 loại báo tạp chí Trung ư­ơng và trên 60 loại báo của các địa ph­ương trong cả nước, phần nào HTTVCC đã đáp ứng đ­ược nhu cầu học tập, nghiên cứu khoa học, giải trí cho các bạn đọc trong tỉnh. Hàng năm HTTVCC đã cấp mới đ­ược trung bình trên 2500 thẻ, phục vụ trên 200.000 lư­ợt bạn đọc và gần 600.000 lượt sách báo luân chuyển. Chỉ với những con số đó có thể khẳng định HTTVCC tỉnh Hoà Bình đã đóng góp công sức không nhỏ cho sự nghiệp nâng cao dân trí, đổi mới quê hư­ơng Hoà Bình.

Đảng ủy, Giám đốc Sở VHTTDL được sự ủy quyền của Tỉnh ủy, UBND, HĐND, UB MTTQVN tặng bức trướng Thư viện tỉnh Hòa Bình 60 năm xây dựng và phát triển

Tính đến năm 2016, Thư viện Tỉnh Hoà Bình đã có vốn sách trên 85 nghìn bản, trên 100.000 trang tài liệu đã được số hóa. Mặc dù chỉ có 16 biên chế (từ năm 2005 trở về trước chỉ có 9 biên chế), kinh phí hạn hẹp, cơ sở vật chất thiếu thốn, trụ sở chưa ổn định nhưng vẫn tổ chức tốt việc phục vụ bạn đọc (kể cả ngày nghỉ thứ bảy), bình quân hàng năm tổ chức phục vụ được gần 600 buổi, cấp mới 1.200 thẻ, phục vụ 38.000 lượt bạn đọc với 130.000 lượt sách báo luân chuyển.

Thư viện tỉnh Hoà Bình còn đặc biệt quan tâm tới việc chỉ đạo nghiệp vụ, khuyến khích động viên, hỗ trợ về mọi mặt để phát triển và nâng cao chất l­ượng phục vụ của mạng lư­ới văn hoá đọc tại cơ sở thông qua trên 50 tủ sách xã phư­ờng, 210 tủ sách pháp luật, trên 200 th­ư viện trường học, 190 điểm B­ưu điện văn hoá xã, 32 tủ sách phụ nữ (ở huyện Kim Bôi) với các phư­ơng thức phục vụ linh hoạt rất có hiệu quả như­: Thay đổi trạm sách, hỗ trợ sách, luân chuyển hòm sách... trong các th­ư viện huyện và th­ư viện tủ sách cơ sở đã có gần 200.000 bản sách, hàng chục đầu báo tạp chí, hàng năm mở cửa trên 5.000 buổi, phục vụ 174.000 lượt bạn đọc với 420.000 lư­ợt sách báo luân chuyển.

Trong những năm gần đây Thư viện tỉnh Hoà Bình đã làm tốt công tác chỉ đạo nghiệp vụ hệ thống thư viện công cộng và giúp đỡ cả về chuyên môn, vốn sách cho nhiều Thư viện, tủ sách trong hệ thống tiêu biểu như: Thư viện Trường PTTH Dân tộc Nội trú Hoà Bình, Thư viện Trường CĐSP Hoà Bình, Thư viện Trường Chính trị tỉnh, Thư viện Trường Trung cấp Y Hoà Bình, Thư viện Trường Công nhân kỹ thuật Việt - Xô, Thư viện Công an tỉnh, Thư viện - Điểm bưu điện văn hoá xã Tú Sơn (Kim Bôi),  Thư viện Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên (trực thuộc Tỉnh Đoàn Hòa Bình)...      

Có thể khẳng định, Thư viện tỉnh Hoà Bình đã luôn năng động sáng tạo, tận dụng, phát huy khả năng hiện có và các nguồn lực để hoàn thành việc phục vụ những nhiệm vụ chính trị được giao với hiệu quả cao nhất. Xứng đáng là Thư viện đứng đầu, Thư viện trung tâm của HTTVCC tỉnh Hoà Bình.

Bên cạnh công việc định kỳ mang tính truyền thống đó là phục vụ bạn đọc mượn và đọc sách. Thư viện tỉnh Hòa Bình thường xuyên tổ chức những hoạt động bổ ích, lý thú như tuyên truyền giới thiệu sách, Ngày hội sách, trưng bày giới thiệu sách theo các chủ đề thể hiện tâm huyết, sự công phu, sáng tạo của cán bộ thư viện tỉnh Hòa Bình bằng nhiều hình thức xếp sách nghệ thuật đa dạng, phong phú.

Ngày sách Việt Nam hàng năm được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, đổi mới sáng tạo, tham gia các trò chơi tìm hiểu tri thức, các phần chơi do cán bộ thư viện Hòa Bình hướng dẫn đã tạo ra nhiều không gian hoạt động sôi nổi. Bên cạnh việc tổ chức ngày Sách và Văn hóa đọc tại Thư Viện tỉnh, Thư viện tỉnh đã chủ động phối hợp với các Thư viện huyện xuống địa phương tổ chức đã lan tỏa được không khí đọc sách đến độc giả còn chưa có đủ điều kiện để đến với Thư viện tỉnh. Qua đó, chúng tôi cũng mong muốn rút ngắn khoảng cách giữa Thư viện và Bạn đọc, thay đổi nhận thức rằng đến thư viện chỉ để đọc sách một cách đơn lẻ và nhàm chán, mà Thư viện cũng là một môi trường mở kết nối bạn đọc và giúp các bạn nhỏ gặp gỡ, giao lưu chia sẻ.

Song song với các hoạt động này, thư viện tỉnh Hòa Bình đã chủ động lập kế hoạch, hỗ trợ mọi mặt đẩy mạnh phát triển hệ thống thư viện cơ sở theo các mô hình: Thư viện, tủ sách xã, phường; thư viện đơn vị cơ quan; thư viện trường học; thư viện, tủ sách đơn vị bộ đội, Công an; thư viện tư nhân... Hàng năm, Thư viện đã tổ chức luân chuyển khoảng 5.000 bản sách, báo xuống các thư viện cơ sở.

Các hoạt động tuyên truyền tại Thư viện tỉnh Hòa Bình đã tạo được hiệu ứng xã hội tốt, thu hút được hàng nghìn bạn đọc, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tới tham gia. Đây cũng là tiền đề tốt để củng cố, phát triển phong trào văn hóa đọc, xây dựng nhận thức đúng hơn về vai trò của Thư viện trong đời sống xã hội.

Trong thời gian tới thư viện Hòa Bình sẽ nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu lớn như sau:       

1. Tập trung tổ chức các hoạt động dịch vụ cung ứng thông tin phục vụ các đề tài nghiên cứu khoa học. Mở rộng hợp tác quan hệ với các thư viện trong khu vực, trong việc trao đổi sách, công nghệ thông tin, kỹ thuật nghiệp vụ thư viện, để từng bước hội nhập nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thư viện công cộng của Tỉnh.

2. Đẩy mạnh quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện; Vận hành hiệu quả thư viện truyền thống với nguồn tài nguyên phong phú; Xây dựng các bộ sưu tập số chuyên đề, địa chí, tập trung cho các mục tiêu lưu trữ tư liệu Thư viện và phục vụ tốt việc cung ứng thông tin cho người sử dụng thư viện.

3. Tăng cường công tác luân chuyển sách đến các thư viện, phòng đọc cơ sở. Xây dựng và mở rộng các mô hình đọc sách ở cơ sở: Xã hội hóa hoạt động thư viện, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng thư viện theo mô hình kết hợp, hoặc thư viện chuyên ngành. Phát triển các thư viện được đầu tư bằng nguồn xã hội hóa.

4. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc; Nâng cao chất lượng thông tin, tăng cường bổ sung tài liệu điện tử, tạo mọi điều kiện cho người đọc không đến thư viện vẫn có thể tiếp cận đến các nguồn tài liệu thư viện; Xây dựng hệ thống thư viện cơ sở rộng khắp trên địa bàn tỉnh, nhằm đáp ứng nhanh và tốt nhất nhu cầu học tập, nghiên cứu của nhân dân để Thư viện tỉnh Hòa Bình thực sự trở thành kho tàng lưu giữ tài sản tri thức vô giá của tỉnh, được đông đảo các tầng lớp cán bộ, nhân dân, học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu và bạn đọc khai thác, sử dụng, góp phần quan trọng trong việc phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phổ biến các thành tựu khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí, nâng cao trình độ dân trícủa mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Mong muốn của những người làm Thư viện Hòa Bình là xây dựng Thư viện tỉnh tiên tiến, hiện đại; hội nhập với hệ thống thư viện trong nước, khu vực và quốc tế. Thực hiện tự động hóa, hiện đại hóa hoạt động thư viện; Tăng cường nguồn lực thông tin, khai thác, cung cấp và chia sẻ thông tin với các thư viện trong hệ thống thư viện công cộng. Sưu tầm, bảo quản và khai thác có hiệu quả vốn tài liệu trong thư viện, đặc biệt là vốn tài liệu địa chí. Đáp ứng nhu cầu đọc và thông tin ngày càng đa dạng của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh; Đầu tư đúng mức và có trọng điểm cho Thư viện tỉnh, thư viện cấp huyện phù hợp với điều kiện, nhiệm vụ cụ thể của từng thư viện, tạo ra những thư viện trung tâm làm nòng cốt, để liên kết và hỗ trợ cùng nhau phát triển; Xây dựng đội ngũ người làm thư viện đủ về số lượng, đảm bảo về tiêu chuẩn, chất lượng, vững vàng về chính trị, tinh thông về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển của tỉnh Hòa Bình trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Trong chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, để có được những thành tích đáng khích lệ này, chúng tôi - những cán bộ công chức, viên chức, người lao động Thư viện Hòa Bình hôm nay, xin được bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, các cấp ủy đảng, các ban ngành đoàn thể, Vụ thư viện, Thư viện Quốc gia Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã quan tâm tạo điều kiện cho Thư viện Hòa Bình hoạt động làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình. Chúng tôi đặc biệt dành tình cảm trân trọng đến các thế hệ Bạn đọc, những người đã tạo nên sự phát triển của Thư viện tỉnh Hòa Bình hôm nay. Chúng tôicũngxin dành tình cảm sâu sắc đến các thế hệ cán bộ viên chức thư viện qua các thời kỳ, những người “Chiến sỹ trên mặt trận thầm lặng” trong nhiều năm qua đã bền bỉ khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, đã cống hiến trí và lực để xây dựng sự nghiệp Thư viện tỉnh HB được phát triển như hiện nay. Chúng tôi những người kế tục sự nghiệp sẽ tiếp tục phát huy những thành tích, kết quả đã đạt được, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao và thúc đẩy sự nghiệp Thư viện công cộng của tỉnh ngày càng phát triển hơn nữa, đồng hành cùng sự phát triển của ngành Văn hoá, Thể thao tỉnh HB, phục vụ công cuộc Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá của tỉnh Hòa Bình trong thời kỳ hội nhập.

                                                                                        BBT trang Web Thư viện tỉnh

Liên kết web :
Đang online : 1
Hôm nay : 106
Tháng hiện tại : 11388
Tổng lượt truy cập : 1392028