Độc đáo Không gian văn hóa Mường

Từ bộ sưu tập cá nhân 3000 hiện vật về các công cụ sinh hoạt của người Mường, họa sĩ trẻ đất Mường Vũ Đức Hiếu đã gây dựng lên Bảo tàngKhông gian văn hóa Mường từ năm 2007. Qua 5 năm, Bảo tàng giờ đã trở thành một địa chỉ văn hóa độc đáo cho du khách khi đặt chân tới Hòa Bình.

Là người con lớn lên ở đất Hòa Bình - một trong những cái nôi văn hóa lớn ở Việt Nam, họa sĩ Vũ Đức Hiếu là người cảm nhận rõ nhất sự mai một của không gian văn hóa Mường trước nhịp sống hiện đại. Và cũng từ rất sớm, anh luôn ấp ủ để duy trì ý tưởng bảo tồn những nét văn hóa ở vùng đất mà mình đang sống.
 
Khi hỏi về những việc anh đã làm để có được thành quả của ngày hôm nay, anh chia sẻ: "Tôi ít nói về mình, "Không gian văn hóa Mường” đơn giản chỉ là do tôi say mê. Bạn hãy tới tham quan và cảm nhận về nó, đó là điều tôi mong muốn”. Hiện, Bảo tàng này có địa chỉ tại tổ 12, phường Thái Bình, TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), cách Hà Nội khoảng 80km.
 
Theo họa sĩ Hiếu, ý tưởng để xây dựng bảo tàng tư nhân có từ năm 2006. Đầu năm 2007, anh bắt tay vào thiết kế rồi thuê người xây dựng. Với khuôn viên rộng 2ha, trong đó có khu tái hiện: gồm 4 khu nhà sàn (nhà Lang, nhà Ậu, nhà Nóc, nhà Nóc Trọi) đại diện cho 4 tầng lớp trong xã hội Mường. Nhà Lang là nhà của tầng lớp có quyền lực cao nhất, nắm quyền thống trị toàn Mường. Nhà Ậu: những người giúp việc nhà Lang. Nhà Nóc: tầng lớp bình dân trong xã hội Mường. Nhà Nóc Trọi: tầng lớp bần cùng nhất trong xã hội Mường. Các ngôi nhà này được sưu tầm và xây dựng từ chính các ngôi nhà cổ thuộc các tầng lớp trong xã hội Mường. Nguyên liệu làm nhà từ gỗ, tre, nứa, lá… là những loại cây rất gần gũi với người Mường.
 
Tiếp đó là 4 gian nhà trưng bày hiện vật. Từ những đồ vật nhỏ nhất như dao, rìu, công cụ săn bắn, đuổi cầy, chân gà rừng khô… đến chiếc khung cửi, bộ tròn ổ (vật dụng đựng váy áo và của hồi môn của cô gái đi lấy chồng), mâm hè (mâm để cúng)… đã cho người xem hình dung được đời sống phong phú của người Mường. Họa sĩ Hiếu nói: "Mỗi đồ vật mang về là kỷ niệm của một chuyến đi. Sau đó, tôi lại tìm sách hoặc đi hỏi các nhà sưu tầm, nghiên cứu để hiểu rõ về lai lịch của những vật dụng đó”.
 
Đặc biệt, trong Thư viện của Bảo tàng này còn có bộ lịch tre của người Mường. Họa sĩ Hiếu cũng đang tìm tòi để giải mã ra những bí ẩn trên bộ lịch tre. Ngoài ra, Hiếu còn chú trọng tới đời sống tâm linh của người Mường với những câu hát dân ca, bài mo, điệu múa… Nghi thức đám tang của người Mường được Hiếu dành cả 1 phòng để tái hiện một cách tỉ mỉ, cầu kỳ.
 
Bên cạnh những hiện vật có giá trị, phần còn lại của khuôn viên được thiết kế sinh động với vườn cây, suối nước, thác nước và những dụng cụ đánh bắt cá, săn thú rừng… Theo họa sĩ Hiếu, anh bày trí như vậy là để du khách đến đây không chỉ được tham quan, tìm hiểu bản sắc của văn hóa Mường mà còn có thể hòa vào cuộc sống, cùng làm việc, tham gia các trò chơi dân gian, mặc trang phục, ngủ nhà sàn, giao lưu văn nghệ và thưởng thức những món ăn của người Mường.
 
Theo họa sĩ Hiếu, ý nghĩa của Bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ hiện vật mà ở đó còn là sự "đánh thức” những giá trị của không gian văn hóa Mường. Không ngại thử nghiệm, năm 2011, anh đã tổ chức một trại sáng tác nghệ thuật đương đại, để trả lời cho câu hỏi: liệu có thể kết hợp nghệ thuật hiện đại và văn hoá truyền thống. Với sự đam mê vùng văn hóa quê hương, họa sĩ Vũ Đức Hiếu đã góp phần gìn giữ và phát huy được những nét văn hóa Mường đang dần mất đi. Ai cũng biết được công sức, thời gian và tiền bạc họa sĩ Hiếu bỏ ra để được sở hữu "Không gian văn hóa Mường”, nhưng anh nói sẽ không thương mại hóa bảo tàng của mình.

 

Minh Hải -TTXVN

Liên kết web :
Đang online : 7
Hôm nay : 1926
Tháng hiện tại : 19948
Tổng lượt truy cập : 1400588