NÉT ĐẸP VĂN HÓA LỄ HỘI ĐÌNH CỔI CỦA DÂN TỘC MƯỜNG TẠI BÌNH CHÂN-LẠC SƠN-HÒA BÌNH

      Nói về văn hoá dân tộc ở tỉnh Hoà Bình thì trước hết phải nói tới văn hoá của dân tộc Mường. Do những đặc điểm về lịch sử và vị trí địa lý cho nên người Mường còn bảo lưu được nhiều giá trị văn hoá cổ truyền. Phần lớn đồng bào Mường vẫn ở nhà sàn, uống rượu cần và có nhiều sinh hoạt văn hoá cộng đồng trên nhà sàn. Truyền thống đạo đức gia đình giữ được những nét đẹp: Yêu trẻ, kính già, hiếu khách. Không những thế, người Mường nơi đây vẫn giữ được những lễ hội cổ truyền: Hội xuân Xéc bùa, hội Xuống đồng, hội cầu May, lễ Rửa lá lúa, lế Cơm mới... Trong các lễ hội không thể thiếu lễ hội Đình Cổi- nét văn hóa truyền thống của người Mường xưa.Lễ hội Đình Cổi được duy trì qua nhiều thế hệ, giờ đây đã trở thành một nét văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người Mường (Hòa Bình).

Đình Cổi, Xã Bình Chân, Huyện Lạc Sơn, Tỉnh Hòa Bình năm 2016

(Nguồn:Bùi Thị Hiểm_K63_Khoa địa Lí_trường ĐHSPHN)

      Vào ngày mồng 7 tháng Giêng theo lịch Mường (tức ngày mồng 8 tháng Giêng Âm lịch hàng năm), người dân xã Bình Chân ở huyện Lạc Sơn lại tổ chức lễ hội Đình Cổi. Chuẩn bị lễ hội nhân dân trong Mường đã họp nhau trước đó nhiều ngày để phân công công việc.Bà con nơi đây không còn nhớ lễ hội Đình Cổi có từ bao giờ, chỉ nghe các cụ già trong làng kể lại. Tương truyền, vào một ngày đẹp trời Quốc Mẫu đang dạy các cung nữ dệt vải trên cung đình, chợt Bà nghe thấy tiếng chim hót líu lo, tiếng suối chảy róc rách hòa quện vào nhau làm trong người cảm thấy thư thái. Bà đưa tay vén bức màn dệt bằng những dải mây hồng, nhìn xuống hạ giới thấy đất đai phì nhiêu màu mỡ, nhưng cuộc sống người dân ở đó thì vô cùng khổ cực. Thấy vậy, Bà liền cho gọi những người hầu cận xuống hạ giới để dạy cho dân cách làm ăn sinh sống. Khi xuống đến hạ giới, Quốc Mẫu liền giả trang thành dân thường để tìm hiểu cuộc sống của người dân. Quốc Mẫu cùng các Vua đi từ Ba Vì đến đồng Khậm Mu, xóm Cổi thì trời đã trưa, Bà dừng chân nơi đây tận mắt nhìn thấy cuộc sống khổ cực của nhân dân, Quốc Mẫu Hoàng Bà cùng các Vua liền dạy dân cách trồng trọt, khai phá ruộng nương. Vua Út, Vua Ả dạy cấy lúa trồng bông, dệt vải. Vua Cun, Vua Hai hướng dẫn dạy cách khai phá làm ruộng nương, Vua Cả là người trị thủy cho nước lũ khỏi ngập mùa màng, khi hạn hán thì đảo vũ để có nước cho hoa màu. Mẹ (Quốc Mẫu) là người chỉ dạy những điều hay lẽ phải ở đời.

Quốc Mẫu ngoài việc dạy cho dân cách trồng trọt chăn nuôi, dệt vải ra còn dạy nhân dân các trò chơi dân gian như: Bịt mắt bắt dê, chơi khăng, đè khà (vật nhau), ném còn, hát giao duyên, múa sắc bùa… Nhờ có Quốc Mẫu dạy dỗ, chỉ bảo cho nên cuộc sống nhân dân ngày một no đủ, cây cối, mùa màng tốt tươi. Sau một thời gian ở hạ giới chỉ bảo nhân dân biết cách làm ăn sinh sống Quốc Mẫu cùng các Vua và những người hầu cận đứng trên đỉnh núi "Khụ Bậy l" để từ đó bay về trời.

     Nhớ ơn công đức, lời dạy của Quốc Mẫu và các vua, người dân trong vùng đã lập Đình thờ cúng ở "Cổ Đang". Các nghi lễ thờ cúng đều theo nghi thức trang nghiêm kính cẩn của cung đình vua quan xưa. Ngày mở hội đình, khu vực này sặc sỡ cờ lọng, có long nghi, kiệu đòn sơn son thiếp vàng. Chuẩn bị lễ hội nhân dân trong Mường đã họp nhau trước đó nhiều ngày để phân công công việc. Mâm cúng các vị thần được chuẩn bị chu đáo với những sản phẩm truyền thống như xôi trắng, thịt trâu, rượu men lá và thức ăn chay như chuối luộc, đu đủ luộc, mía và các loại bánh.

Mâm cúng các vị thần có đầy đủ vị mặn và ngọt  

 (nguồn:Lacson.hoabinh.gov.vn)

    Lễ hội gồm hai phần chính: Phần "Lễ" và phần "Hội".

    Lễ hội được bắt đầu bằng một hồi trống để báo hiệu cho con cháu trong Mường về tụ họp ở đình làng. Nghi lễ đầu tiên là rước kiệu, có thầy mo đi đầu làm lễ, sau đó là đoàn khênh kiệu, cờ hội, đoàn cò ke ống sáo, đội múa chèo và đoàn sắc bùa. Tất cả đều ăn mặc theo đúng phong tục xưa.

Đoàn sắc bùa trong trang phục truyền thống dân tộc mường

(Nguồn:Bùi Thị Hiểm_K63_Khoa địa Lí_trường ĐHSPHN)

        nguồn : internet

 

 Và Nghi lễ đầu tiên của lễ hội là nghi lễ rước sắc phong và rước thánh. Một hồi chiêng giục giã gióng lên, đội cồng, kiệu, nhạc bắt đầu xuất phát. Bài Chiêng đi đường được diễn tấu cùng tốp nhạc Sênh tiền, trống phách, tạo cho không khí buổi rước thật rộn ràng và linh thiêng. Tất cả đều ăn mặc theo đúng phong tục xưa.

Nghi lễ Sắc phong và Rước Thánh trang nghiêm theo nghi lễ cung đình vua quan xưa  

(Nguồn:Bùi Thị Hiểm_K63_Khoa địa Lí_trường ĐHSPHN)

     Sau khi các thủ tục sắc phong và rước thánh đã hoàn tất, lễ khấn cầu được tiến hành. Bài chiêng "Dốn dến dài" cầu Vua và Quốc Mẫu Hoàng Bà ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi vang lên trong lời cầu khấn. Lúc này, chiêng được đánh lên liên hồi trong khi ông mo khấn.

      Phần lễ được tiếp tục với nghi thức cầu thổ công bằng bài chiêng “Dốn dến ngắn” cầu cho đất Mường yên lành.

Sau khi cầu thổ địa xong thì chuyển sang cầu thành hoàng với phần trình tấu của bài “Chiêng bồng” cầu thành hoàng ban cho dân bản cuộc sống vui vẻ, an lành. Trong lễ hội đình Cổi, khi ông mo khấn cầu thì cũng là lúc con trai xóm Cành biểu diễn các điệu múa Chèo Đình. Vì theo chuyện xưa những đứa trẻ chăn trâu ở xóm Cành gặp quốc Mẫu cùng hai con gái là vua út, vua cả từ Ba Vì về đến đồng Khâm Mụ, xã Bình Chân thì trời đã trưa, ba mẹ con ngồi nghỉ ăn cơm gói. Thấy trẻ trâu xóm Cành chia thành hai bên để chơi trò chơi, quốc Mẫu và các vua biến thành kẻ ăn xin rồi cùng tham gia môn nghệ thuật múa. Điệu múa đó, xóm Cành gọi là múa Chèo và được dân làng Cổi tổ chức vào dịp lễ hội hàng năm, với nội dung phản ánh về quá trình sản xuất nông nghiệp, hôn nhân gia đình và truyền dạy cho đời về đạo lý làm người.

Người dân không chỉ khấn lễ tại đình mà ở gia đình khi cúng tổ tiên cũng cúng luôn cả Hoàng Bà, thành hoàng Mường với lời tôn kính “Đền Khoông Lu cái sao, đền Khoông Lao cái sáng; Quốc Mẫu hoàng bà cao xa đức mẹ” và thỉnh mời cả vua Út, vua Ả, Thánh Tản núi Ba Vì, vua Cun, vua Hải ở đền Trắng, đền Vành về dự lễ.”

       Những năm hạn hán, lễ hội sẽ có thêm nghi lễ cầu mưa dân làng lập đàn thờ để cầu khấn Quốc Mẫu cùng tam vị Tản Viên Sơn Thánh làm mưa để giúp con người và mùa màng tươi tốt. Lễ được thực hiện tại Vó Đuống - Vó Cổi, là một dải đất đẹp ở chân núi Khụ Bậyl. Ở đây có một hòn đá giống con trâu nửa nằm, nửa ngồi, nghếch mõm lên trên mặt nước. Phần mõm nghếch lên có một lỗ thủng tựa như mũi con trâu. Hành lễ cầu mưa, người có chức vị cao nhất Mương trèo lên lưng trâu đá, tay cầm thừng, tay cầm mõ, rung liên hồi, miện hô to "mưa, mư, mưa". Tất cả dân Mường tỏa ra cánh đồng làm động tác té nước cho lúa mạ và hô "mưa rồi, mưa rồi".

        Ngoài ra còn có lễ Xuống đồng gọi là “Đậm bừa cắt”, "Rửa lá lúa mạ"...Hội còn có nghi lễ “Đổ cờ” vào đầu giờ chiều Mùng 9. Người ta vẽ một vòng tròn trên sân đình, các chức sắc Mường cho hạ đổ cột cờ, lá cờ ngả vào vòng tròn đó, đuôi cờ hướng về phía đình là điềm tốt, dân làng sẽ gặp may mắn, an vui.

       Xong phần "Lễ", phần hội được mở ra tưng bừng, náo nhiệt mà tiêu biểu là các màn múa sơ khai nguyên thuỷ, mô tả đời sống sinh hoạt vui tươi, lạc quan của dân Mường. Trong âm thanh rộn rã của bài cồng “Bông trắng bông vàng” hoà nhịp với dàn nhạc sênh tiền, trống, phách; các điệu múa bắt ếch, giáo roi, xỏ rề, đi cấy, kéo tiền và mặt mẻ... lần lượt được biểu diễn. Phần hội còn được tổ chức các trò như Đánh Mảng, Đánh Cù, Kéo Co, thi đấu bóng chuyền nam, nữa, Ném còn, giao lưu văn nghệ dân gian, trình tấu Cồng Chiêng, Thường Rang, Bộ Meẹng( hát giao duyên) cả trai và gái đều tham gia …

Đánh mảng

 

nhảy dây

Trình tấu cồng chiêng

(Nguồn:Bùi Thị Hiểm_K63_Khoa địa Lí_trường ĐHSPHN)

    Cái đẹp của lễ hội là các đoàn sắc bùa từ các ngả xóm làng với tiếng Chiêng vang vọng xa gần, làm cho không khí mùa xuân vui nhộn, tưng bừng. Tiếng rằng thường, bộ meẹng(hát giao duyên) với thật nhiều lời hay ý đẹp, người Thường Chủ mở đầu:

 

"... Kẻ binh người Mường

Dậy buổi sớm mai

Mặt trời lên cao cho tỏ

Chín tia mười hai tua

Ta rước vua về đình ăn cơm dựng hội

Đầu nhà lang quan viên Mường ta

Đội mỗi người một mũ rồng cân

Ai người mau chân vào rước kiệu

Cái kiệu nhà vua kiệu đòn rồng

Bên trước mát những nước bông hồng

Cho nhà ông vua đi sá

Bên trước có lá cờ đại

Bên cạnh có trống cái đi đàng

Có hàng gươm bạc

Rải rác những lá cờ con rồng..."

Để ai có tài ứng khẩu, thi ca thì vào đối đáp:

"...Ai đói cơm đến đây cũng sống

Ai rách sống rách áo đến đây cũng lành

Ai đón rách chín lượt mười lần

Đến đây cũng lành cơm ăn áo mặc..."

 

    Du khách tham dự hội là những người trong Phường Bùa và những chàng trai cô gái trong bộ áo váy sặc sỡ còn được tham gia ném Còn. Cuộc vui dập dìu màu sắc không chỉ là cuộc tụ hội vui chơi mang nét đẹp văn hóa Mường mà còn là nơi gặp gỡ để tìm hiểu, hẹn ước của những đôi trai gái với nhau.Khi lễ hội vừa mới bắt đàu du khách đến đây đã đông nghịch ,nhiều người gọi đây la "Biển người" vì nó quá quá đông, tôi cảm thấy đông tới mức khó thở , đông từ ngoài đình đi vào trong đình, dòng người tấp nập....

Du khách đến tham dự lễ hội(

Nguồn:Bùi Thị Hiểm_K63_Khoa địa Lí_trường ĐHSPHN)

    Hơn nữa, theo truyền thuyết thì những đứa trẻ được Quốc Mẫu Hoàng Bà dạy múa hát thuộc xóm Cành, nên dân xã giao cho xóm hàng năm phải đảm nhiệm môn nghệ thuật ấy mà đặt tên là họ "Vá Chèo" (Chèo Đình). Múa hát Chèo Đình mang tính nghệ thuật độc đáo động tác múa hay, hấp dẫn. Đặc biệt ngôn từ vừa lời Việt vừa Mường hay lời Mường âm điệu Việt và ngược lại:

"...Trẻ trẻ già già Mường ta

Đi Chèo Đình mặc áo nâu

Trẻ chăn trâu mặc áo mới...". Hát múa Chèo đình có 4 đoạn ngắn diễn tả cuộc sống thường nhật của người dân làm nông nghiệp.

Chèo Đình tại Đình Cổi ( nguồn:internet)

     Sau đó buổi trưa hôm đấy, cả dân làng cùng nhau thịt trâu và nấu ăn rồi ăn uống  ngay tại khu vực gần đình gọi là lấy lộc, cầu may để tiếp tục cho buổi chiều.

     Lễ hội Đình Cổi không chỉ mang ý nghĩa truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" mà còn là dịp để cầu phúc, cầu mùa "trồng ngô bắp to; trồng lúa có bông dài, hạt chắc; nuôi "con cúi con ca" (con lợn, con gà) mau lớn; con cháu được khỏe mạnh, học hành tiến bộ; ra đường gặp bạn bè luôn hòa nhã; đi đường gặp bình an"... Vượt lên ý nghĩa tâm linh, Lễ hội Đình Cổi còn mang tính nhân văn sâu sắc, khuyên răn, nhắc nhở con cháu yêu lao động sản xuất, quý trọng thành quả của gia đình; sang năm mới mọi công việc phải hài hòa. Đó chính là những ước mơ, khát vọng rất đỗi bình dị trong mỗi con người chúng ta.

     Tiếng lành đồn xa, sau khi lễ hội được phục dựng, du khách khắp cả nước đã về để chiêm ngưỡng và hành hương ngày càng đông. Bà Hà Thị Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chân cho biết: Mùa lễ hội năm 2013, Đình Cổi đã đón trên 1 vạn lượt du khách và đến năm 2015 số lượt khách đến tăng lên rất nhiều lần.

      Tổ chức Lễ hội Đình Cổi là lễ hội văn hóa truyền thống kết hợp với hoạt động văn hóa thể thao và du lịch, nhằm bảo tồn giữ gìn và phát huy những giá trị di sản văn hóa dân tộc, gắn kết với di tích lịch sử văn hóa, là góp phần lập thành tích thi đua chào mừng các sự kiện chính trị và phát triển văn hóa - xã hội của huyện Lạc Sơn và địa phương. Đồng thời tăng cường quảng bá giới thiệu về lịch sử tiềm năng văn hóa và du lịch của vùng đất Mường Lạc Sơn, nơi vẫn được người dân bảo tồn, giữ gìn và phát huy được những giá trị của di sản văn hóa dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình.

      Ngoài lễ hội cổ truyền nói trên, Bình Chân còn là nơi cho du khách chiêm ngưỡng một quần thể núi hùng vĩ lập thành Thung Cổi rộng lớn đến hàng trăm héc ta. Nơi đây còn có nhiều cây con, muông thú, tiếng suối chảy róc rách cùng gió núi vi vu ngân vút lạ khó tả... tất cả quyện với khí thiêng trời - đất thành những âm thanh chắc chắn sẽ không phai trong những ai đã từng đến đây hành hương, du ngoạn thưởng thức.

  Theo :Bùi Thị Hiểm _Khoa Địa Lí_ĐHSPHN

http://lienketviet.net/blog/5237/net-dep-van-hoa-le-hoi-dinh-coi-cua-dan-toc-muong-tai-binh-chan-lac-son-hoa/t_1464708997/

 


Liên kết web :
Đang online : 1
Hôm nay : 56
Tháng hiện tại : 11338
Tổng lượt truy cập : 1391978