NHỮNG THAY ĐỔI VỀ ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH CỦA TỈNH HOÀ BÌNH TRONG 130 NĂM ( 1886-2016)

 

 THÀNH PHỐ HOÀ BÌNH

Thành phố Hòa Bình được thành lập năm 1896 theo Sắc lệnh của Toàn quyền Đông Dương. Trước năm 1896, trung tâm của tỉnh Mường Hoà Bình được đặt ở Chợ Bờ, sau khi bị nghĩa quân Đốc Ngữ tập kích mới dời về địa điểm hiện nay và mang tên thành phố Hòa Bình.

Khi mới thành lập, thị xã Hòa Bình nằm ở hai bên bờ sông Đà, bao gồm: bên bờ trái có phố Đúng, là nơi tập trung các công sở của chính quyền phong kiến và bên bờ phải có các phố An Hòa, Đồng Nhân, Trang Nghiêm, Xóm Vạn. Các phố bên bờ phải là nơi tập trung dân cư, nơi diễn ra các hoạt động kinh tế phục vụ khu vực hành chính và quân lính thực dân.

Trên bản đồ hành chính hiện nay, sông Đà chia thị xã thành hai phần: bên bờ phải có 4 phường là Đồng Tiến, Phương Lâm, Chăm Mát, Thái Bình và 3 xã là Sủ Ngòi, Dân Chủ và Thống Nhất; bên bờ trái có 4 phường là Tân Hòa, Hữu Nghị, Tân Thịnh, Thịnh Lang và 3 xã là Yên Mông, Hòa Bình và Thái Thịnh.

Các xã Hoà Bình, Thịnh Lang, Sủ Ngòi, Thái Bình lần lượt được sát nhập vào thị xã các năm 1979 và 1984. Như vậy, hiện nay thị xã Hoà Bình có 14 đơn vị hành chính, gồm 8 phường: Đồng Tiến, Phương Lâm, Chăm Mát, Thái Bình, Tân Hòa, Hữu Nghị, Tân Thịnh, Thịnh Lang và 6 xã: Sủ Ngòi, Dân Chủ, Thống Nhất, Yên Mông, Hòa Bình, Thái Thịnh.

 HUYỆN ĐÀ BẮC

Trước kia, Đà Bắc thuộc lộ Đà Giang. Đến thế kỷ XV, Đà Bắc là một động của Mộc Châu thuộc phủ Gia Hưng, xứ Hưng Hóa. Năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775), Mộc Châu chia thành 3 châu: Mộc Châu, Mã Nam và Đà Bắc. Từ đó, Đà Bắc trở thành một đơn vị hành chính cấp châu thuộc phủ Gia Hưng, trấn Hưng Hoá, gồm 4 động: Hiền Lương, Hào Tráng, Dỹ Lý và Đức Nhàn.

Ngày 22-6-1886, thực dân Pháp lập ra tỉnh Mường Hòa Bình, đặt lỵ sở ở Chợ Bờ, khi đó châu Đà Bắc nằm trong phủ Chợ Bờ. Đến tháng 11-1950, Mai Châu và Đà Bắc hợp thành châu Mai Đà, được một thời gian lại tách ra cho đến năm 1941 thì nhập lại. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, châu Đà Bắc trở thành một đơn vị hành chính riêng.

Tháng 5-1947, Chính phủ quyết định chuyển 3 xã: Thịnh Lang, Yên Mông, Hòa Bình về Đà Bắc và chuyển châu Đà Bắc về Khu XIV. Đến tháng 11-1950, Đà Bắc chuyển về tỉnh cũ, hợp nhất với Mai Châu thành huyện Mai Đà, chuyển xã Hòa Bình, Yên Mông, Thịnh Lang trở lại huyện Kỳ Sơn.

Ngày 3-11-1956, Chính phủ quyết định chia xã Quy Đức thành 8 xã: Tiền Phong, Dân Lập, Tân Lập, Yên Hòa, Đoàn Kết, Trung Thành, Tân Minh và Cao Sơn. Đến ngày 22-1-1957, ủy ban hành chính Liên khu III lại ra quyết định chia xã Đức Nhàn thành 8 xã mới: Đồng Ruộng, Đồng Chum, Tân Pheo, Mường Chiềng, Giáp Đắt, Suối Nánh, Mường Tuổng, Đồng Nghệ và chia xã Hào Tráng thành 4 xã: Hào Tráng, Vầy Nưa, Ngòi Hoa, Thung Nai. Như vậy, toàn huyện lúc này có 23 xã.

Ngày 12-2-1957, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định chia huyện Mai Đà thành hai huyện Mai Châu và Đà Bắc. Lúc này, huyện Đà Bắc có 6 xã: Đức Nhàn, Quy Đức, Hào Tráng, Tu Lý, Toàn Sơn và Hiền Lương.

 Năm 1982, khi xây dựng Nhà máy thủy điện sông Đà, Chính phủ quyết định nhập xã Thung Nai vào huyện Kỳ Sơn, xã Ngòi Hoa vào huyện Tân Lạc; giải thể 2 xã Dân Lập và Tân Lập, thành lập mới xã Tân Dân; giải thể 2 xã Hào Tráng và Tu Lý, thành lập mới xã Hào Lý.

Đến nay, địa giới hành chính huyện Đà Bắc ổn định với 21 đơn vị hành chính, gồm các xã Đồng Nghê, Suối Nánh, Mường Tuổng, Đồng Chum, Mường Chiềng, Giáp Đắt, Tân Pheo, Tân Minh, Đoàn Kết, Trung Thành, Yên Hoà, Đồng Ruộng, Tân Dân, Tiền Phong, Vầy Nưa, Hiền Lương, Toàn Sơn, Cao Sơn, Tu Lý, Hào Lý và thị trấn Đà Bắc.

  HUYỆN CAO PHONG

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, vùng đất Cao Phong thuộc châu Kỳ Sơn. Lúc đó, châu Kỳ Sơn gồm có 4 tổng: Cao Phong (gồm 2 xã: Cao Phong và Thạch Yên), Quỳnh Lâm (gồm 2 xã: Quỳnh Lâm và Phương Lâm), Mông Hóa (gồm 5 xã: Mông Hóa, Trung Minh, Túy Cổ Thượng, Túy Cổ Hạ và Mại Thôn) và Hòa Bình (gồm 3 xã: Hòa Bình, Thịnh Lang và Yên Mông).

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã bãi bỏ cấp hành chính tổng, theo đó, châu Kỳ Sơn lúc này gồm 11 xã: Cao Phong, Thạch Yên, Quỳnh Lâm, Trung Minh, Phú Cường, Mông Hóa, Tiến Xuân, Yên Quang, Hoà Bình, Yên Mông và Thịnh Lang.

Đến tháng 1-1948, ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu III quyết định chuyển 3 xã Hòa Bình, Thịnh Lang và Yên Mông về châu Mai Đà. Tháng 10-1948, ủy ban kháng chiến tỉnh Hòa Bình quyết định nhập 3 xã Túy Cổ Thượng, Túy Cổ Hạ và Mại Thôn thành xã Phú Cường; chuyển 2 xã Tiến Xuân và Yên Quang về huyện Kỳ Sơn.

Tại thời điểm này, huyện Kỳ Sơn có 8 xã là: Cao Phong, Thạch Yên, Quỳnh Lâm, Trung Minh, Phú Cường, Mông Hóa, Tiến Xuân và Yên Quang.

Tháng 1-1951, ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu III quyết định chuyển 3 xã Hòa Bình, Thịnh Lang và Yên Mông về huyện Kỳ Sơn.

Tháng 8-1954, ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu III quyết định chia xã Thạch Yên thành 2 xã Yên Thượng và Yên Lập; chia xã Cao Phong thành 8 xã: Dũng Phong, Nam Phong, Tân Phong, Tây Phong, Thu Phong, Xuân Phong, Đông Phong và Bắc Phong.

Tháng 6-1955, xã Yên Quang được chia thành 3 xã: Yên Quang, Yên Bình và Yên Trung.

Ngày 22-1-1957, ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu III chia xã Mông Hóa thành 4 xã: Mông Hóa, Dân Hòa, Dân Hạ và Phúc Tiến; chia xã Tiến Xuân thành 2 xã: Tiến Xuân và Đông Xuân; hợp nhất 2 xã Sủ Ngòi, Sủ Bến thành xã Sủ Ngòi.

Qua thời kỳ dài tương đối ổn định, cho đến năm 1968, địa giới hành chính của huyện lại bắt đầu có nhiều thay đổi:

Ngày 8-2-1968: Thành lập thị trấn Nông trường Cao Phong.

Ngày 3-8-1978: Chuyển xã Hòa Bình và xã Thịnh Lang về thị xã Hòa Bình.

Ngày 28-2-1985: Chuyển xã Thung Nai của huyện Đà Bắc về huyện Kỳ Sơn.

Ngày 24-8-1988: Chuyển 4 xã Dân Chủ, Sủ Ngòi, Thống Nhất và Yên Mông về thị xã Hòa Bình.

- Ngày 1-8-1994: Giải thể thị trấn Nông trường Cao Phong, thành lập thị trấn Cao Phong, đồng thời thành lập huyện lỵ Kỳ Sơn trên địa bàn xã Dân Hạ ở phía đông bắc thị xã Hoà Bình.

Qua nhiều biến đổi trong các giai đoạn lịch sử, cho đến năm 2000, huyện Kỳ Sơn đã tương đối ổn định với 21 xã: Yên Thượng, Yên Lập, Dũng Phong, Nam Phong, Tây Phong, Đông Phong, Bắc Phong, Tân Phong, Thu Phong, Xuân Phong, Bình Thanh, Độc Lập, Trung Minh, Phú Minh, Hợp Thành, Hợp Thịnh, Mông Hoá, Phúc Tiến, Dân Hoà, Dân Hạ, Thung Nai và 2 thị trấn: Cao Phong và Kỳ Sơn.

Đến năm 2001, để phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Hoà Bình nói riêng, Chính phủ đã có Nghị định số 95/2001/NĐ-CP chia huyện Kỳ Sơn thành hai huyện: Kỳ Sơn và Cao Phong.

Kể từ đây, huyện Cao Phong chính thức ra đời với 13 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 12 xã: Yên Thượng, Yên Lập, Dũng Phong, Nam Phong, Tây Phong, Tân Phong, Đông Phong, Xuân Phong, Thu Phong, Bắc Phong, Bình Thanh, Thung Nai và thị trấn Cao Phong.

 

 HUYỆN TÂN LẠC

Theo số liệu thống kê năm 2002, huyện Tân Lạc có 23 xã: Quyết Chiến, Nam Sơn, Bắc Sơn, Ngổ Luông, Lũng Vân, Ngòi Hoa, Trung Hoà, Phú Vinh, Phú Cường, Quy Hậu, Mãn Đức, Thanh Hối, Tử Nê, Đông Lai, Ngọc Mỹ, Phong Phú, Mỹ Hoà, Địch Giáo, Tuân Lộ, Quy Mỹ, Lỗ Sơn, Do Nhân, Gia Mô và thị trấn Mường Khến.

 Trước đây, Tân Lạc thuộc huyện Lạc Thổ, phủ Thiên Quan, đạo Thanh Bình.

 Cho đến khi thực dân Pháp thành lập tỉnh Mường Hoà Bình, vùng Tân Lạc nằm trong hai tổng Lạc Thiện và Lạc Nghiệp, phủ Lạc Sơn. Thời gian này, xã Lũng Vân vẫn thuộc tỉnh Thanh Hoá. Sau Cách mạng Tháng Tám, tổ chức hành chính của nước ta được sắp xếp lại, theo đó, tháng 8-1946, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã quyết định sáp nhập xã Lũng Vân về châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình.

Ngày 2-1-1955, Uỷ ban hành chính Liên khu III quyết định chia xã Thạch Bi thành 9 xã: Địch Giáo, Quy Mỹ, Do Nhân, Tuân Lộ, Phong Phú, Phú Vinh, Phú Cường, Mỹ Hoà và Quyết Chiến.

Tiếp theo, ngày 15-9-1956, xã Quyết Chiến được chia thành 6 xã: Ngổ Luông, Lỗ Sơn, Gia Mô, Chí Đạo, Định Cư và Yên Phú; xã Kiến Thiết được chia thành 5 xã: Phúc Tuy, Chí Thiện, Ngọc Mỹ, Văn Sơn và Thượng Cốc.

Ngày 22-1-1957, xã Đoàn Kết được chia thành 5 xã: Đông Lai, Thanh Hối, Mãn Đức, Tử Nê, Quy Hậu; xã Mỹ Hoà được chia thành 3 xã: Mỹ Hoà, Trung Hoà và Ngòi Hoa.

Xuất phát từ yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển kinh tế miền núi, ngày 15-10-1957, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chia huyện Lạc Sơn thành hai huyện: Lạc Sơn và Tân Lạc. Lúc mới thành lập, huyện Tân Lạc có 22 xã: Trung Hoà, Địch Giáo, Tử Nê, Phú Vinh, Quyết Chiến, Thanh Hối, Mỹ Hoà, Bắc Sơn, Lỗ Sơn, Phú Cường, Nam Sơn, Ngổ Luông, Quy Hậu, Quy Mỹ, Đông Lai, Mãn Đức, Do Nhân, Ngọc Mỹ, Tuân Lộ, Phong Phú, Gia Mô và Lũng Vân. Như vậy, có thể nói huyện Tân Lạc được chính thức ra đời ngày 15-10-1957. Đến ngày 28-2-1985, xã Ngòi Hoa của huyện Đà Bắc  được chuyển trở lại huyện Tân Lạc.

Đến ngày 19-3-1988, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định thành lập thị trấn Mường Khến. Thị trấn Mường Khến được thành lập từ các xóm Chiềng và Minh Khai của xã Mãn Đức, xóm Tân Hồng của xã Quy Hậu. Như vậy, kể từ đó đến nay, địa giới hành chính của huyện Tân Lạc được ổn định với 24 đơn vị hành chính cấp xã.

 HUYỆN YÊN THUỶ

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các xã Ngọc Lương, Yên Trị, Phú Lai, Yên Lạc, Lạc Thịnh và một phần xã Lạc Lương, Lạc Sĩ thuộc tổng Lạc và tổng Lạng Phong, phủ Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, phần còn lại của các xã Lạc Lương và Lạc Hưng thuộc về huyện Lạc Thuỷ tỉnh Hà Nam.

Tháng 4 - 1946, để đáp ứng tình hình cách mạng lúc bấy giờ, xã Lạc Thuỷ đổi tên thành Lạc Thịnh; các xã Ngọc úng, Phúc Lương, Yên Thái, Thắc La, Phủ Vệ hợp thành xã Đoàn Kết, nhằm tạo thêm sức mạnh đoàn kết toàn dân. Đến ngày
1-5-1953, Uỷ ban kháng chiến hành chính Liên khu III quyết định cắt 5 xã phía tây huyện Nho Quan là: Quang Minh, Phú Thịnh, Đoàn Kết, Bảo Lương và Yên Sơn nhập về huyện Lạc Thuỷ, đồng thời chuyển huyện Lạc Thuỷ về trực thuộc tỉnh Hoà Bình.

Năm 1954, Chính phủ và Liên khu III chia xã Quảng Minh thành 2 xã: Ngọc Lương và Yên Trị; xã Phú Thịnh thành 3 xã: Lạc Thịnh, Yên Lạc và Phú Lai; xã Đoàn Kết thành 2 xã: Đoàn Kết và Hữu Lợi; xã Bảo Lương đổi tên thành xã Bảo Hiệu; xã Yên Sơn đổi  tên thành xã Lạc Lương. 

Xuất phát từ yêu cầu đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của vùng, ngày
17-8-1964, Hội đồng Chính phủ quyết định chia huyện Lạc Thuỷ thành hai huyện: Lạc Thuỷ và Yên Thuỷ.

Huyện Yên Thuỷ ngày nay gồm có 13 đơn vị hành chính bao gồm 12 xã: Lạc Thịnh, Yên Lạc, Đa Phúc, Phú Lai, Yên Trị, Ngọc Lương, Đoàn Kết, Hữu Lợi, Lạc Lương, Lạc Sĩ, Lạc Hưng, Bảo Hiệu và thị trấn Hàng Trạm.

HUYỆN LẠC THUỶ

Vùng đất Lạc Thuỷ xưa thuộc huyện Xích Thổ, trấn Thiên Quan. Đến thời nhà Lê, Lạc Thuỷ thuộc huyện Yên Hoá, phủ Thiên Quan, đạo Thanh Bình.

Năm 1896, thực dân Pháp thành lập tỉnh Mường Hoà Bình gồm bốn phủ: Vàng An, Lương Sơn, Chợ Bờ và Lạc Sơn. Khi đó, huyện Lạc Thuỷ thuộc châu Lạc Sơn. Năm 1908, thực dân Pháp cắt chuyển huyện Lạc Thuỷ về trực thuộc tỉnh Hà Nam.

Ngày 1-5-1953, Uỷ ban kháng chiến hành chính Liên khu III đã quyết định chuyển huyện Lạc Thuỷ về tỉnh Hoà Bình, đồng thời cắt 5 xã thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình sáp nhập vào huyện Lạc Thuỷ.

Đến năm 2002, địa giới hành chính huyện Lạc Thuỷ đã tương đối ổn định gồm 12 xã: An Bình, An Lạc, Cố Nghĩa, Đồng Tâm, Đồng Môn, Hưng Thi, Khoan Dụ, Yên Bồng, Lạc Long, Liên Hoà, Phú Lão, Phú Thành và thị trấn Chi Nê.

 HUYỆN MAI CHÂU

Mai Châu trước kia được gọi là Mường Mai, được hình thành vào khoảng thế kỷ XIII. Thời nhà Trần, Mường Mai thuộc lộ Đà Giang, trấn Gia Hưng, xứ Hưng Hoá. Dưới triều Nguyễn, Mai Châu gồm tổng Thanh Mai và tổng Bạch Mai.

Kể từ thời Pháp thuộc, châu Mai Châu thuộc phủ Chợ Bờ, tỉnh Mường Hoà Bình. Tháng 10-1890, châu Mai Châu và châu Đà Bắc được hợp làm một, gọi là Mai Đà. Sau một thời gian tồn tại, châu Mai Đà lại tách thành hai và được giữ nguyên đến năm 1941 thì Mai Châu và Đà Bắc lại tái hợp nhất thành châu Mai Đà.

Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của cách mạng, ngày 21-9-1956, Thủ tướng Chính phủ ký nghị định chia huyện Mai Đà thành hai huyện: Mai Châu và Đà Bắc.

Năm 195, theo Quyết định của Liên khu III, huyện Mai Châu vốn gồm 5 xã: Mai Thượng, Tân Mai, Mai Hạ, Bao La và Pù Bin được chia thành 21 xã. Đến nay, địa giới hành chính huyện Mai Châu ổn định với 22 đơn vị hành chính gồm 21 xã Cun Pheo, Piềng Vế, Bao La, Xăm Khoè, Mai Hịch, Vạn Mai, Mai Hạ, Tân Mai, Chiềng Châu, Nà Phòn, Nà Mèo, Tòng Đậu, Đồng Bảng, Phúc Sạn, Tân Sơn, Noong Luông, Ba Khan, Thung Khe, Pù Bin, Hang Kia, Pà Cò và thị trấn Mai Châu.

 HUYỆN KIM BÔI

Dưới triều Lê, vùng đất Kim Bôi thuộc phủ Gia Hưng, trấn Hưng Hoá. Đến năm Tự Đức thứ 5 (1851), Kim Bôi là một tổng của huyện Mỹ Lương, phủ Quốc Oai.

Ngày 22-6-1886, khi tỉnh Mường Hoà Bình được thành lập, Kim Bôi là một tổng của phủ Lương Sơn thuộc tỉnh Mường. Đến năm 1890, cả phủ Lương Sơn được sáp nhập về đạo Mỹ Đức. Sau đó, ngày 18-3-1891, phủ Lương Sơn sáp nhập trở lại tỉnh Mường Hoà Bình và được đổi tên thành châu Lương Sơn. Lúc này, Kim Bôi gồm 3 tổng: Kim Bôi, Thanh Nông và Tú Sơn. Tháng 9-1910, tổng Thanh Nông sáp nhập về huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông.

Ngày 15-4-1959, huyện Lương Sơn được chia thành hai huyện: Lương Sơn và Kim Bôi. Huyện Kim Bôi mới thành lập gồm 22 xã: Nật Sơn, Hùng Tiến, Bình Sơn, Bắc Sơn, Sơn Thuỷ, Kim Bôi, Kim Tiến, Kim Bình, Hợp Kim, Kim Sơn, Hạ Bì, Thượng Bì, Lập Chiêng, Trung Bì, Hợp Đồng, Vĩnh Đồng, Vĩnh Tiến, Đông Bắc, Thượng Tiến, Kim Truy, Tú Sơn và Dũng Tiến.

Ngày 17-12-1963, xã Tú Sơn được chia thành 2 xã mới là Tú Sơn và Đú Sáng; xã Dũng Tiến chia thành 3 xã mới là Mỵ Hoà, Sào Báy và Nuông Dăm; xã Kim Truy chia thành 3 xã mới là Kim Truy, Nam Thượng và Cuối Hạ. Như vậy, đến thời điểm lúc đó, huyện Kim Bôi có thêm 5 xã mới.

Ngày 3-1-1971, 8 xã của huyện Lương Sơn là: Tân Thành, Hợp Châu, Cao Dương, Cao Thắng, Long Sơn, Thanh Lương, Hợp Thanh, Thanh Nông được sáp nhập về huyện Kim Bôi.

Ngày 27-3-1978, 3 xã Hạ Bì, Trung Bì và Thượng Bì hợp nhất thành xã Hạ Bì, đồng thời thị trấn Bo được thành lập. Ngày 1-7-1999, xã Hạ Bì lại được chia lại thành 3 xã: Hạ Bì, Trung Bì, Thượng Bì; giải thể thị trấn Nông trường Thanh Hà và thành lập thị trấn Thanh Hà.

Cơ cấu hành chính của huyện Kim Bôi ổn định với 35 xã và 2 thị trấn: Đú Sáng, Bắc Sơn, Bình Sơn, Hùng Tiến, Tân Thành, Tú Sơn, Nật Sơn, Vĩnh Tiến, Sơn Thuỷ, Cao Dương, Hạ Bì, Đông Bắc, Lập Chiêng, Hợp Châu, Vĩnh Đồng, Kim Sơn, Hợp Đồng, Long Sơn, Thượng Tiến, Cao Thắng, Kim Bình, Kim Tiến, Hợp Kim, Thanh Lương, Kim Bôi, Hợp Thanh, Trung Bì, Thượng Bì, Nam Thượng, Thanh Nông, Kim Truy, Sào Báy, Cuối Hạ, Mỵ Hoà, Nuông Dăm, thị trấn Bo và thị trấn Thanh Hà.

 Ngày 14/7/2009, Chính phủ ban hành Nghị quyết 31/NQ-CP điều chỉnh địa giới hành chính của huyện, chuyển các xã Hợp Thanh, Thanh Lương, Cao Thắng, Cao Dương, Hợp Châu, Long Sơn, Tân Thành về huyện Lương Sơn và chuyển thị trấn Thanh Hà và xã Thanh Nông về huyện Lạc Thuỷ.

Từ 1/10/2009 huyện Kim Bôi còn 27 xã và 01 thị trấn gồm: Hùng Tiến, Bắc Sơn, Bình Sơn, Nật Sơn, Sơn Thủy, Đú Sáng, Tú Sơn, Vĩnh Tiến, Vĩnh Đồng, Đông Bắc, Thượng Tiến, Thượng Bì, Hạ Bì, Trung Bì, Lập Chiệng, Hợp Đồng, Hợp Kim, Kim Sơn, Kim Bình, Kim Bôi, Kim Tiến, Kim Truy, Nam Thượng, Sào Báy, Cuối Hạ, Nuông Dăm, Mị Hòa và thị trấn Bo

 HUYỆN LẠC SƠN

Xưa kia, châu Lạc Sơn được coi là một trong những trung tâm văn hoá cổ của tỉnh Hoà Bình. Tại hang xóm Trại ( xã Tân Lập ), các nhà khảo cổ học đã khai quật và thu được một số công cụ, hiện vật bằng đá, xương động vật vỡ vụn và dấu tích hạt lúa. Điều này chứng tỏ nơi đây từng là địa điểm cư trú, chế tác công cụ lao động của người nguyên thuỷ.

Dưới triều Gia Long, vùng đất Lạc Sơn ngày nay được gọi là huyện Lạc Thổ, thuộc phủ Thiên Quan, đạo Thanh Bình, gồm ba tổng: Thạch Bi, Trung Hoàng và Quỳnh Côi.

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, một số tỉnh mới được thành lập, trong đó có tỉnh Mường Hoà Bình. Khi ấy, tỉnh Hoà Bình có bốn phủ: Vàng An, Lương Sơn, Lạc Sơn và Chợ Bờ. Năm 1908, một phần của phủ Lạc Sơn được cắt chuyển về tỉnh Hà Nam và phủ Lạc Sơn được đổi thành châu Lạc Sơn, gồm 4 tổng: Lạc Thành, Lạc Đạo, Lạc Nghiệp và Lạc Thiện.

Sau Cách mạng tháng 8-1945, để đảm bảo các yêu cầu về an ninh – chính trị, Liên khu III quyết định chia một số xã lớn của huyện Lạc Sơn thành nhiều xã nhỏ hơn cho phù hợp với trình độ quản lý của cán bộ khi ấy.

Theo đó, ngày 02-01-1955, xã Thạch Bi được chia thành 9 xã mới: Địch Giáo, Quy Mỹ, Do Nhân, Tuân Lộ, Phong Phú, PHú Vinh, Mỹ Hoà, Quyết Thắng và Phú Cường.

Ngày 25-8-1956, xã Dân Tiến được chia thành 5 xã mới: Xuất Hoá, Bình Hẻm, Văn Nghĩa, Yên Phú và Mỹ Thành; xã Đại Đồng được chia thành 4 xã mới: Liên Hoà, Yên Nghiệp, Đa Phúc và Ân Nghĩa.

Ngày 15-9-1956, xã Quyết Thắng được chia thành 6 xã mới: Ngổ Luông, Lỗ Sơn, Gia Mô, Phú Lương, Chí Đạo và Định Cư; xã Kiến Thiết được chia thành 5 xã mới: Phuc Tuy, Chí Thiện, Ngọc Mỹ, Văn Sơn và Thượng Cốc; xã Liên Cộng được chia thành 4 xã mới: Tân Mỹ, Hương Nhượng, Vũ Lâm và Liên Vũ.

Ngày 22-01-1957, Uỷ ban hành chính liên khu III ra quyết định chia xã Đoàn Kết thành 5 xã mới: Thanh Hối, Đông Lai, Mãn Đức, Tử Nê và Quy Hậu; xã Mỹ Hoà được chia thành 3 xã mới: Mỹ Hoà, Trung Hoà và Ngòi Hoa, xã Tự Do được chia thành 3 xã mới: Ngọc Tân, Ngọc Sơn và Tự Do.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của địa phương và thể theo nguyện vọng của cán bộ và nhân dân địa phương, ngày 15-10-1957, Thủ tướng chính phủ đã ký Nghị định số 480/TTg, tách huyện Lạc Sơn thành hai huyện mới: Lạc Sơn và Tân Lạc. Hiện nay huyện Lạc Sơn mới có 29 đơn vị hành chính gồm các xã: Quý Hoà, Miền Đồi, Mỹ Thành, Tuân Đạo, Văn Nghĩa, Văn Sơn, Tân Lập, Nhân Nghĩa, Thượng Cốc, Phú Lương, Phúc Tuy, Xuất Hoá, Yên Phú, Bình Hẻm, Chí Đạo, Chí Thiện, Bình Cảng, Bình Chân, Định Cư, Hương Nhượng, Liên Vũ, Ngọc Sơn, Tự Do, Vũ Lâm, Tân Mỹ, Ân Nghĩa, Yên Nghiệp, Ngọc Lâu và thị trấn Vụ Bản.

 HUYỆN KỲ SƠN

Huyện Kỳ Sơn chính thức ra đời cùng với ngày thành lập tỉnh Hòa Bình - ngày 18-3-1891. Lúc đó, tỉnh Hòa Bình có bốn châu là Lương Sơn, Kỳ Sơn, Mai Đà và Lạc Sơn. Châu Kỳ Sơn có bốn tổng: tổng Cao Phong có hai xã là Cao Phong và Thạch Yên; tổng Quỳnh Lâm có hai xã là Quỳnh Lâm và Phương Lâm; tổng Mông Hóa có bốn xã là Mông Hóa, Trung Minh, Túy Cổ Thượng, Túy Cổ Hạ và Mại Thôn; tổng Hòa Bình có ba xã là Hòa Bình, Thịnh Lang và Yên Mông.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa bãi bỏ cấp tổng, do vậy châu Kỳ Sơn lúc đó có 11 xã: Cao Phong, Thạch Yên, Quỳnh Lâm, Trung Minh, Phú Cường, Mông Hóa, Tiến Xuân, Yên Quang, Hoà Bình, Yên Mông và Thịnh Lang.

Tháng 1-1948, ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu III quyết định chuyển ba xã Hòa Bình, Thịnh Lang và Yên Mông về châu Mai Đà. Tháng 10-1948, ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Hòa Bình quyết định nhập ba xã Túy Cổ Thượng, Túy Cổ Hạ và Mại Thôn thành xã Phú Cường; chuyển hai xã Tiến Xuân và Yên Quang về Kỳ Sơn. Như vậy, lúc này huyện Kỳ Sơn có 8 xã là: Cao Phong, Thạch Yên, Quỳnh Lâm, Trung Minh, Phú Cường, Mông Hóa, Tiến Xuân và Yên Quang.

Tháng 1-1951, ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu III ra quyết định chuyển ba xã Hòa Bình, Thịnh Lang, Yên Mông về huyện Kỳ Sơn. Tháng 8-1954, Liên khu III quyết định chia xã Thạch Yên thành hai xã Yên Thượng và Yên Lập; chia xã Cao Phong thành 8 xã Dũng Phong, Nam Phong, Tân Phong, Tây Phong, Thu Phong, Xuân Phong, Đông Phong và Bắc Phong. Tháng 6-1955, xã Yên Quang được chia thành ba xã Yên Quang, Yên Bình và Yên Trung.

Ngày 22-1-1957, ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu III chia xã Mông Hóa thành bốn xã Mông Hóa, Dân Hòa, Dân Hạ và Phúc Tiến, chia xã Tiến Xuân thành hai xã Tiến Xuân và Đông Xuân, hợp nhất hai xã Sủ Ngòi và Sủ Bến thành xã Sủ Ngòi.

Từ năm 1968, địa giới hành chính huyện lại có thêm một số thay đổi:

- Ngày 8-2-1968, thành lập thị trấn Nông trường Cao Phong.

- Ngày 3-8-1978, sáp nhập hai xã Hòa Bình và Thịnh Lang vào thị xã Hòa Bình.

- Ngày 28-2-1985, đưa xã Thung Nai từ huyện Đà Bắc sáp nhập vào huyện Kỳ Sơn.

- Ngày 24-8-1988, sáp nhập bốn xã Dân Chủ, Sủ Ngòi, Thống Nhất và Yên Mông vào thị xã Hòa Bình.

- Ngày 1-8-1994, giải thể thị trấn Nông trường Cao Phong, thành lập thị trấn Cao Phong, đồng thời thành lập thị trấn Kỳ Sơn trên cơ sở một phần diện tích tự nhiên của xã Dân Hạ.

Ngày 12-12-2001, Chính phủ ra Nghị định số 95/CP tách huyện Kỳ Sơn thành hai huyện: Kỳ Sơn và Cao Phong. Từ đây, huyện Kỳ Sơn có 10 đơn vị hành chính gồm 9 xã là xã Trung Minh, Dân Hạ, Mông Hoá, Dân Hoà, Hợp Thành, Hợp Thịnh, Phú Minh, Phúc Tiến, Độc Lập và thị trấn Kỳ Sơn (Nay Trung Minh đã chuyển về TP Hòa BÌnh

 HUYỆN LƯƠNG SƠN

 Lương Sơn là huyện miền núi thuộc tỉnh Hoà Bình, là cửa ngõ của tỉnh Hoà Bình và là vùng tiếp giáp giữa khu vực đồng bằng sông Hồng với khu vực Tây Bắc của Tổ quốc.

Dưới triều Nguyễn, huyện Lương Sơn được gọi là huyện Mỹ Lương, thuộc phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Khi đó, huyện Mỹ Lương gồm 7 tổng, 49 xã, thôn.

Tháng 11-1880, triều Nguyễn quyết định ghép huyện Mỹ Lương và huyện Chương Đức thành đạo Mỹ Đức, thuộc Hà Nội.

Khi thực dân Pháp thành lập tỉnh Mường Hoà Bình, đạo Mỹ Đức giải tán, huyện Mỹ Lương được nhập trở lại Hoà Bình, đổi thành phủ Lương Sơn, gồm 6 tổng: Kim Bôi, Gia Cát, Hoà Lạc, Phương Hạnh, Lý Lương và Thanh Dương, có lỵ sở đóng ở Kỳ Sơn.

Đến ngày 21-3-1890, đạo Mỹ Đức được tái lập, phủ Lương Sơn nhập lại vào đạo Mỹ Đức.

Ngày 18-3-1891, Toàn quyền Đông Dương quyết định xoá đạo Mỹ Đức lần thứ hai. Kể từ đó, phủ Lương Sơn được nhập trở lại Hoà Bình và đổi tên thành châu Lương Sơn. Khi đó, châu Lương Sơn gồm 5 tổng và 19 xã là:

- Tổng Bằng Lộ có 5 xã: Yên Lệ, Quang Diệu, Bằng Lộ, Đào Lạng, Quất Lâm.

- Tổng Cư Yên có 6 xã: Mỗ Sơn, Kệ Sơn, Cư Yên, Nhuận Trạch, Liên Khuê, Thuần Lương.

- Tổng Thanh Nông có 2 xã: Thương Lương và Thanh Nông.

- Tổng Kim Bôi có 3 xã: Hạ Bì, Kim Bôi và Kim Truy.

- Tổng Tú Sơn có 3 xã: Tú Sơn, Nật Sơn và Vĩnh Đồng.

Năm 1956, Uỷ ban hành chính Liên khu III quyết định chia xã Liên Sơn thành 4 xã; Cao Sơn thành 5 xã; Nật Sơn thành 5 xã; Hạ Bì thành 4 xã;  Cao Dương thành 5 xã; Kim Bôi thành 5 xã; Tiến Xuân thành 2 xã và Yên Trạch thành 2 xã.

Ngày 17-4-1959, Thủ tướng Chính phủ ra nghị định tách vùng Lương Sơn thành hai huyện Kim Bôi và Lương Sơn.

Tháng 3-1960, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà quyết định chuyển 5 xã thuộc huyện Kỳ Sơn (Yên Quang, Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân và Đông Xuân) về huyện Lương Sơn. Ngày 15-11-1968, xã Đào Lâm và xã Cao Răm sáp nhập thành xã Cao Răm.

Ngày 3-1-1971, tách 8 xã của huyện Lương Sơn là Tân Thành, Hợp Châu, Cao Thắng, Long Sơn, Thanh Lương, Hợp Thanh, Cao Dương, Thanh Nông sáp nhập vào huyện Kim Bôi.

Theo Quyết định số 103/HĐBT ngày 6-9-1986 của Hội đồng Bộ trưởng, xã Hùng Sơn và thị trấn Nông trường Cửu Long được giải thể để thành lập thị trấn Lương Sơn (huyện lỵ Lương Sơn hiện nay).

 Ngày 29 tháng 5 năm 2008 toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình được chuyển về thành phố Hà Nội (nay là một phần các huyện Quốc Oai và Thạch Thất). Ngày 14 tháng 7 năm 2009 , điều chỉnh 10.607,07 ha diện tích tự nhiên và 29.536 người của huyện Kim Bôi (bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và người của 07 xã: Tân Thành, Cao Dương, Hợp Châu, Cao Thắng, Long Sơn, Thanh Lương, Hợp Thanh) về huyện Lương Sơn quản lý và chuyển xã Yên Quang về huyện Kỳ Sơn quản lý.

Đến nay, địa giới hành chính huyện Lương Sơn được ổn định với 18 đơn vị hành chính, bao gồm các xã Hoà Sơn, Liên Sơn, Thành Lập, Trung Sơn, Tiến Sơn, Nhuận Trạch, Cư Yên, Tân Vinh, Hợp Hoà, Cao Răm, Trường Sơn, Lâm Sơn và thị trấn Lương Sơn.

 

 

 

 

Liên kết web :
Đang online : 3
Hôm nay : 132
Tháng hiện tại : 10723
Tổng lượt truy cập : 1391363